Đội ngũ tri thức là vốn liếng quý báu của dân tộc

685

20.12.2017-09:00

NVTPHCM- Hầu hết các quốc gia đều tập trung vào xây dựng, phát triển kinh tế tri thức…

 

Ông Phạm Ngọc Linh – Vụ Khoa học và Công nghệ, Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức.

 

“Những lời nói, hành vi của một cá nhân trí thức, đôi khi có thể ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội, thậm chí có thể tạo nên những phản ứng phức tạp liên quan đến an ninh trật tự của một địa phương hoặc cả nước. Nhưng trí thức cũng là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.

 

Xét trên bình diện quốc tế, hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, hầu hết các quốc gia, ở các cấp độ khác nhau đang tập trung vào xây dựng, phát triển kinh tế tri thức, một nền kinh tế mà hàm lượng trí tuệ được đưa vào nhiều nhất, trực tiếp nhất trong quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng của sản phẩm”, ông Linh nói.

 

Theo ông Linh, để phát triển kinh tế tri thức, trong chiến lược phát triển của các quốc gia đều coi trọng việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm mấu chốt của chiến lược phát triển. Thế giới hiện nay đang chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, đó là quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào vốn và tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức con người. Đó là nền kinh tế trong đó sản sinh ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Nó đòi hỏi phải đồng thời thực hiện hai quá trình: một là, xây dựng nền công nghiệp theo hướng hiện đại; hai là, phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mà lực lượng nòng cốt tham gia thực hiện hai quá trình ấy không ai khác hơn đó là đội ngũ trí thức.

 

“Sự xuất hiện và phát triển của kinh tế tri thức là một bước nhảy vọt về chất của lực lượng sản xuất và nền văn minh nhân loại. Tỷ trọng của cải tri thức trong tài sản quốc gia của các nước cũng ngày càng gia tăng.

 

Vai trò cốt lõi là tri thức và công nghệ trong mối quan hệ hữu cơ với đội ngũ trí thức ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc”, ông Linh nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Linh cũng lưu ý rằng, Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập sâu và toàn diện, do đó, cũng phải đối diện với cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của các nước đang phát triển.

 

Trong khi đội ngũ trí thức Việt Nam còn mỏng, nguồn gốc xuất thân chủ yếu từ giai cấp công nhân và nông dân do đó, vẫn còn mang nhiều đặc điểm riêng.

 

Ông Linh cho rằng, nước ta đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong quá trình hội nhập với thế giới theo xu thế toàn cầu hóa nhưng lại đang đi sau các nước khác hàng trăm năm. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để Việt Nam học hỏi, rút ngắn thời gian, tuy nhiên việc quy hoạch, đào tạo đội ngũ trí thức phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn, trên cơ sở đó bố trí đúng người, đúng việc để phát huy tốt năng lực của lực lượng này.

 

Trước những lo ngại trên, vị chuyên gia đề xuất 3 giải pháp trọng tâm.

 

Thứ nhất, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức. Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối thoại, thuyết phục cần đổi mới, nâng cao và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các hội trí thức. Chú trọng chỉ đạo thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất, tư vấn, phản biện, giám định xã hội về các chủ trương, chính sách, các vấn đề đang đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Thứ hai, đẩy mạnh thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận 90 – KL/TW của Bộ Chính trị thành các cơ chế, chính sách để phát huy tốt năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức.

 

Ông Linh cho rằng, cần tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo. Tạo môi trường làm việc phù hợp, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ và tôn vinh phù hợp cho đội ngũ trí thức.

 

Đổi mới công tác cán bộ, thực hiện đề bạt, bổ nhiệm cán bộ từ nguồn trí thức có chất lượng cao về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng; xác định tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với yêu cầu của từng chức danh, nhiệm vụ…

 

Triển khai đồng bộ công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức ở các lĩnh vực, các vùng  kinh tế – xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực có trình độ đại học, gắn nghiên cứu khoa học với công tác giảng dạy đại học.

 

Thứ ba, nâng cao nhận thức chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với đất nước.

 

Khắc phục sự thiếu chủ động trong hoạt động của các hội trí thức và hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị trong một số trí thức hiện nay.

 

AN AN/ ĐẤT VIỆT

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…