Dưa hấu quê nhà – Tản văn của Dương Hoàng Lộc

979

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cho đến giờ, trong ký ức của tôi, quả dưa hấu ngày Tết rất đỗi thân mật, đồng thời gợi lại nhiều kỉ niệm đẹp về quê nhà!

Nhà nghiên cứu văn hóa Dương Hoàng Lộc

Bà ngoại tôi vốn là người bán dưa hấu nổi tiếng ở chợ Ba Tri, cỡ chừng ba mươi năm trở về trước. Nhà ngoại tôi có sẵn chiếc ghe, gần Tết đi chở dưa hấu từ miệt Hồng Ngự, Gò Công về chợ nhà bán. Ngày nay, mợ Út tôi vẫn tiếp tục nối nghề này, nhưng chiếc ghe đã bán lại cho người khác lâu rồi!

Từ rằm tháng Chạp trở đi, dưa hấu đã chất đầy nhà để bán phục vụ mùa Tết. Trong trí nhớ của tôi, đó là loại dưa hấu quả tròn, vỏ xanh đen láng, đôi khi có sọc. Trước nhất, người ta đi chợ mua dưa hấu về để đi cúng chạp mả, cúng ông Táo. Nhiều gia đình ở quê, khi đi chạp mả, mang theo một hai quả dưa, trước bổ ra cúng sau rồi mỗi người chia nhau một miếng, hưởng lộc tổ tiên. Hoặc khi cúng ông Táo, đơn giản nhất là nhiều người bổ dưa thành nhiều miếng, xếp trên cái đĩa rồi thắp hương khấn vái. Những ngày giáp Tết, người dân quê nườm nợp đi chợ mua sắm đồ Tết trong gia đình, không thể không mua ít nhất một cặp dưa hấu về nhà chưng cúng. Nhiều bà đi chợ gồng gánh cặp dưa hấu, thịt, đậu xanh, nếp, củ hành, trà bánh, đường, muối,… trên đôi vai nhỏ nhắn về đến nhà mồ hôi nhễ nhại trên đoạn đường đi dài đến năm, mười cây số.

Hàng bán dưa hấu những ngày giáp Tết

Những ngày này, bà ngoại tôi rất bận bịu với công việc bán dưa từ sáng đến tối. Làm sao đến chiều ngày hai mươi chín Tết, đám dưa trong nhà phải bán hết để mấy cậu phụ dọn dẹp nhà cửa. Nhà ngoại tôi nằm ngay trong chợ Ba Tri nên thuận lợi việc buôn bán. Người ta đến hỏi mua dưa hấu rồi lựa chọn những trái ưng ý nhất để mang về chưng hoặc đi biếu thông gia, bạn bè làm ăn. Nhiều người thân quen đến nhờ Bà Năm – tên thường gọi của bà để nhờ chọn cho họ mấy trái dưa ngon, đẹp. Thông thường, cặp dưa chưng phải đều trái, da nhẵn, cuống tươi thì mới để lâu. Một kinh nghiệm mà bà ngoại tôi hay kể là biết trái dưa hấu chín đỏ, ngọt thanh, nước nhiều, mịn cát là dùng tay búng mạnh vào thân trái. Nếu trái nào nghe bụp bụp thì nên mua, còn nghe bọc bọc là bên trong không ngon. Cho nên, những trái dưa được bà chọn hoàn toàn ưng ý những khách quen, vốn là bạn bè lâu năm hay chủ cả buôn bán thân quen ở chợ.

Hồi nhỏ, tôi hay quẩn quanh ở nhà bà ngoại cũng như ra bến ghe kề rạch Ba Tri để xem ghe chở dưa về. Cách di chuyển dưa lên bờ khá đặc biệt. Một người đứng phía dưới ghe nhấc từng trái dưa thảy mạnh lên, còn người kia đứng trên bờ chụp lại, bỏ vào cái cần xé rồi đầy về nhà. Công việc này mất cả ngày mới xong. Người thảy, người chụp gọi nhau í ới, vui đùa cười giỡn. Quang cảnh trên chợ, dưới ghe tấp nập buôn bán những ngày cận Tết thật không thể nào quên!

Cặp dưa hấu trên bàn thờ gia tiên

Dưa hấu mua về để chưng thì thường phải dùng khăn lau sạch. Việc chưng này tùy thuộc vào mỗi gia đình. Có nhà chưng cặp dưa dán thêm chữ Phúc màu đỏ phía trước để trên bàn thờ Tổ tiên. Hoặc có người chưng dưa hấu cùng với những thứ trái cây khác, dưa hấu đặt giữa, còn thứ khác như xoài, mãng cầu, sung… để xung quanh trông đẹp mắt mà dân dã. Nhiều gia đình còn chưng dưa hấu ở bàn trong nhà trong cửa để cúng cơm ba ngày Tết. Người khá giả chưng cặp dưa hấu to, cỡ 6-7 kg một trái, vỏ xanh đen, bóng mướt làm cho bàn thờ gia tiên, phòng khách sang trọng hẳn.

Dưa xẻ ra ruột đỏ dự báo một năm may mắn, thuật lợi

Sáng mùng ba, nhiều nhà mới hạ trái cây trên bàn thờ xuống. Quả dưa hấu được bổ ra để cả nhà cùng thưởng thức. Đầu tiên, người ta cắt mặt trên của dưa rồi để trái vào cái mâm. Người ta theo dõi khi đặt cái dao vào vỏ. Quả dưa hấu ngon là dao vừa ấn vào thì dưa tự tách đôi ra phát âm thanh tẹt tẹt, vỏ mỏng, còn bên trong thì ruột đỏ, mịn và nhiều nước, ăn vào ngọt thanh, hạt đen li ti. Nhiều người tin rằng quả dưa cúng được như vậy thì năm đó gia chủ phát đạt, may mắn cả năm. Đó là điều mà ai cũng mong đợi về quả dưa hấu mua chưng cúng ngày Tết. Không chỉ vậy, nhiều gia đình còn mua thêm năm, bảy trái dưa hấu để trên bộ ván nhà dưới. Mỗi khi cúng cơm gia tiên, các bà xẻ dưa ra thành từng khoanh rồi gọt vỏ, cắt thành bốn phần đặt trong cái đĩa. Cúng rồi, mấy đứa con nít được chia phần trước tiên. Mấy ông nhậu xong rồi muốn ăn thêm vài miếng dưa hấu cho bớt nóng trong người.

Ở Ba Tri quê tôi, nơi trồng dưa hấu ở Cồn Hố, thuộc xã An Thủy. Nghề trồng dưa hấu đến nay gần 80 năm. Ngày trước, dân địa phương trồng dưa mỗi năm chỉ một mùa Tết. Rằm tháng Mười người ta gieo hạt cho đến ngoài hai mươi tháng Chạp thì thu hoạch, thương lái mua đem vô chợ Ba Tri bán. Nhưng thứ dưa ngon và được chọn lựa mua nhiều là giống dưa hấu Gò Công (Tiền Giang), dưa hấu Hồng Ngự (Đồng Tháp) vốn cho trái to, vỏ mỏng, vị ngọt. Ngày nay, dưa hấu ở An Thủy trồng quanh năm, giống dưa được cải thiện nên ngon hơn, phổ biến là loại trái dài để dễ vận chuyển xa. Nhiều nông dân trồng dưa kể lại dưa hấu Ba Tri nay đã có tiếng gần xa, mang tận ra Hà Nội tiêu thụ dịp Tết mỗi năm. Nếu ngày trước bà ngoại chuyên bán dưa Hồng Ngự, dưa Gò Công thì nay mợ Út tôi bán dưa trồng ở quê nhà, bán cả năm chứ không chỉ duy nhất vào thời điểm Tết đến.
Với tôi, trong thời điểm Tết đến xuân về rộn ràng, vẫn thích tìm cho mình một cặp dưa hấu tròn lẳng để chưng trong nhà, để gợi nhớ về bao kỷ niệm của quê nhà và gia đình, làm sống lại những ký ức của tuổi thơ êm đềm ở một miền quê biển giàu có sản vật.

D.H.L