Dưới tấm trần rỉ mưa- Đỗ Thượng Thế & dư luận

658

06.12.2017-17:00

 Nhà thơ trẻ Đỗ Thượng Thế

 

Dưới tấm trần rỉ mưa

 

PHAN CHÍ ANH

 

NVTPHCM- Trong “sinh quyển thơ” có phần hiền hậu và mực thước của xứ Quảng, Đỗ Thượng Thế được xem là một trong số ít người thơ giàu cá tính và phá cách.

 

Từ hơn mười năm trước, anh đã có những câu thơ “khó đọc” như thế này: “ấm trà rót những mai thu/ ngập ngừng và chậm/ lão nông đối ẩm bóng cây mít già/ bình nguyên trong mắt người xa lắm// và ở đó/ bà tôi cắt rốn dòng sông/ dòng sông lênh láng chân trời(Khu vườn đồng dao); “Còn đó đôi chân con đường mười bốn/ chạy về từ tiếng chim ma/ đám mây hoa niên màu cháo lòng/ trôi ngược từng cơn như ngún(Đoản khúc con đường mười bốn).

 

Ở tập thơ vừa mới xuất bản “Dưới tấm trần rỉ mưa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 9.2017), Đỗ Thượng Thế lại đi theo “con đường chữ” ấy bằng những dòng cảm xúc vượt ra ngoài giới hạn cấu trúc và không gian thơ. Vẫn chi chít dấu vết của sự lạ hóa cấu trúc ngữ âm và làm mới hình ảnh thi ca: “tôi uống tôi con đường nhiều năm mất ngủ/ dòng tâm trạng ngược xuôi/ độc thoại biển báo trắng/ những đi những về như biển động như ma ám/ tôi uống tôi giai điệu mơ hồ phút giây đốt sáng/ phút giây dò tìm tàng xanh đang trôi(Từng ngụm heo may).

 

Vẫn là sự trúc trắc, gập ghềnh, luôn chòi đạp trong khát khao phá vỡ biên độ của chữ: “Tà khói vén/ Eo trần khỏa gió/ Thả sức xuân vươn cánh tay mầm/ Hoa mãn khai xòe thơm ngón nõn/ Nhón bổng gót thì/ Thắp ngọn bình minh(Vũ điệu gốm). Vẫn là những trường liên tưởng đầy ám gợi nối tiếp nhau được tạo ra từ sự đứt gãy của nghệ thuật gieo vần, ngắt câu: “Bay/ bay/ nghe hơi thu thiên thần về bên/ như phút giây phù sinh/ chói sáng(Phiêu – 1). Vẫn là tiếng loảng xoảng vang giòn của câu chữ được chọn lựa kỹ càng, khắt khe, phủ lấp và che khuất bao ẩn ức, suy tư: “Sự thật lót ổ trong tiếng chuông/ Bị hạ độc/ Chết như loài sâu đục thân(Mơ gì xa hơn)

 

Có người bảo thơ Đỗ Thượng Thế thách đố năng lực đọc và cảm của người đọc nên rất “kén chọn” và không hợp với những ai có thói quen đọc thơ theo cách lướt ngang mặt chữ. Nhận định ấy hình như không sai, mà những đoạn trích ở trên có thể xem là minh chứng. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc chậm, như ở tập “Dưới tấm trần rỉ mưa” này, sẽ thấy những câu thơ không mấy bóng bẩy và suôn mượt của anh trôi đi nhẹ nhàng trong cái đẹp buồn bã, xa vắng và thảng thốt của ký ức.

 

Ví như: “Từng đũa bông bí luộc từng đũa nhà quê/ Từng đũa nuốt trộng bao điều mơ ước/ Tôi học trường làng tranh tre nứa lá/ Tôi thường tha thẩn phía bờ sông đè rạp ngọn dâu ngóng cánh buồm lên(Ký ức bông bí luộc). Đó là những câu thơ giàu hàm ngôn, vang động và bung vỡ, trong những tiếc nuối, nhớ nhung câm lặng. Và đâu đó, còn là sự tìm về, song hành những tâm hồn đồng điệu trong cõi nhân sinh mênh mông: “Khu vườn chân núi/ ai đó gọi mà không ai mở cửa/ ẩn ức giếng thơi/ nhiều năm dềnh một tiếng gàu đứt dây// Ồ…!/ vị sư già khất thực cơn mưa/ chiều lặn vào chiếc khung chạm trổ công phu/ và thếp vàng A di đà Phật (Dưới tấm trần rỉ mưa)

 

Và trên hết, dù được chia thành 3 phần (Ký ức bông bí luộc; Dưới tấm trần rỉ mưa; Con bướm xinh/ con bướm đa tình) nhưng “Dưới tấm trần rỉ mưa” vẫn là một chỉnh thể thơ rất logic về cảm xúc và kết cấu. Đằng sau sự trúc trắc của chữ, sự gãy đổ của câu vẫn là những mạch cảm xúc da diết, dịu dàng, đằm thắm về tình yêu, về quê hương, về những ẩn ức, chiêm nghiệm, suy tư và hy vọng nhân bản về cuộc sống: “lấy khô khát mà xanh/ như mộng như mầm/ như hạt sương vắt kiệt những vì sao/ cuối chân mây tự thắp đóa ngày(Ai còn nhớ loài hoa này không)

Tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế

                                                                                                                   

Bản hòa âm của thi ca

 

PHAN NAM

 

Một chiều thu, bên bờ Hàn giang lộng gió, Đỗ Thượng Thế tặng tôi cuốn thơ vừa mới ra lò “Dưới tấm trần rỉ mưa” (NXB Hội Nhà văn, tháng 9/2017) với một hình hài khác lạ, như chính cốt cách, tâm hồn anh. Nói thế bởi anh là người có duyên với giải thưởng văn chương, chỉ qua 3 tác phẩm đã trình làng: tập thơ Trích tôi (NXB Hội Nhà văn, 2009), tập Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh (in chung, NXB Văn học, 2011), và nay là tập thơ in riêng thứ hai “Dưới tấm trần rỉ mưa”.

 

Như lời giới thiệu từ đầu tập thơ, anh sinh ra ở quận Nhì (Đà Nẵng), quê nội ở Cẩm Kim (Hội An), khoảng trời ấu thơ sống cùng gia đình ở quê ngoại Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam), và hiện nay dạy học ở Đà Nẵng. Quê ngoại ẩn chứa nhiều kỷ niệm trong thăm thẳm máu thịt anh, nơi rất nhiều văn nhân sinh ra, lớn lên ở đó, rồi phiêu bồng dọc ngang ngõ nguồn Vu Gia, Thu Bồn: Trinh Đường, Nam Trân, Tạ Ký, Võ Quảng, Bùi Giáng, Phạm Hầu…

 

Như rất nhiều nhà thơ “đi ra từ dòng sông, trở về cũng lại là dòng sông”, cái mạch ngầm tưởng chừng như chưa bao giờ cạn ấy tắm mát cõi lòng người con quê xa xứ. Đầu tập thơ là bản “tuyên ngôn thơ” của anh, với những dòng thơ đầy tâm huyết, hào sảng: “Đại Hồng! Thì ra trong những niềm lửa hạn đời ta/ tỏa biêng biếc Vu Gia cánh buồm ngược nguồn lằng lặng/ tỏa tím ngát cỏ lau sương chiều Mồ Côi, Mụ Đụng/ rần rần bóng nước Khe Lim tiếng vượn chót gành mòn mỏi/ tỏa hơi thở cơn mưa trẻ trung mùa hạ thơm mát ngực em trăng đầy…//  Đại Hồng! /Những tháng ngày mù mịt/ ta thường mơ về/ khu vườn tụ gió bốn phương/ ở đó thầy ta gầy gầy mắt kiếng, đêm đêm treo ngọn đèn thơ.”

 

Có lẽ ngọn đèn ấy đã soi đường chỉ lối cho anh, và cho chúng ta lần lượt khám phá cuộc đời dâu bể. Nên ta cứ đi, cứ trôi, cứ hòa tan theo hình hài ngọn gió thi ca mà anh mải mê theo đuổi: Từng đũa bông bí luộc từng đũa nhà quê/ Từng đũa nuốt trộng bao điều mơ ước/ Tôi học trường làng tranh tre nứa lá/ Tôi thường tha thẩn phía bờ sông đè rạp ngọn dâu ngóng cánh buồm lên/ Mê tít thầy tôi thiệt dân thành phố/ Chiều ôm đàn guitar gật nhịp trước khu tập thể/ “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” (Ký ức bông bí luộc). Khó có ai có thể ra đi mà quên nỗi nhớ quê nhà, cũng như ở chính vuông đất ấy lại mong được một lần ly hương trên chính quê hương mình.

 

Nhà thơ Thanh Thảo từng ám ảnh chiếc đàn của Lorca để rồi bật ra những dòng thơ: “giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng”, cùng với khát vọng đi đến cùng cõi giới nghệ thuật, một lần nữa trở lại trong thơ Đỗ Thượng Thế: “khu vườn dưới chân núi/ ai đó gọi mà không ai gõ cửa/ ấm ức giếng thơi/ nhiều năm dềnh một tiếng gàu đứt dây” (Dưới tấm trần rỉ mưa). Dưới mái đầu trần gian, từng giọt mưa rơi tí tách, tưởng chừng như xoáy sâu cội nguồn, rồi đánh rơi bản chất văn hóa xứ Quảng đã ăn sâu máu thịt, nhiều thân thuộc nhưng cũng đầy cao quý, thiêng liêng. Như nhận xét của nhà thơ Phan Hoàng: “Vẫn hồn cốt quê hương đất Quảng, vẫn tinh thần văn hóa xứ Quảng nhưng thơ Đỗ Thượng Thế mang lại một giọng điệu mới, đắm say mà tinh lọc trong một dòng chảy xúc cảm ngôn ngữ hiện đại giàu cá tính”.

 

Tập thơ với 34 bài thơ được chia làm ba phần: Ký ức bông bí luộc; Dưới tấm trần rỉ mưa; Con bướm xinh/ con bướm đa tình… Vẽ bìa, dàn trang và phụ bản do chính tác giả, nhà thơ Đỗ Thượng Thế thực hiện. Riêng phần phụ bản được anh cho biết, các bức tranh lấy cảm hứng từ hình vẽ trong những lá bài của môn nghệ thuật dân gian bài chòi xứ Quảng.

 

Xuyên suốt tác phẩm là những âm thanh mới lạ, vang vọng: tu tu r…út, hà hơ hà hơ, hu ù… hút; những khúc thức tự do, sáng tạo: “mùa đơm thơ/ những ý niệm đôi bờ hoa cỏ/ dòng sông lần phơi từng trang/ từng trang/ dòng sông ấy/ chúng ta/ thả trôi một bản thảo” (Bản thảo tháng giêng); những khắc khoải đồng vọng hiện lên từ thẳm sâu, ký ức: chợ đông chợ tàn, con nước ròng con nước lớn/ nắng mưa, mưa nắng, mùa mùa… lá trôi/ ánh đèn ngủ say, sương khuya tạc bóng/ ngư phủ già trầm mặc phía trùng khơi (Cây đa bên bờ sông Hàn)Bếp lửa đầu năm nhóm trong lồng ngực/ Tha phương tro khói phập phồng// Con nắng triền đê ngâm trong chai rượu đế/ Rót chén đồng hương ngây ngát phù sa// Ngửa mặt chạm mây/ Kha à à… tiếng chim lảnh lót trên ngọn ngô đồng bến cũ”. (Cuộc rượu vỉa hè).

 

Điểm sáng ở tập thơ này thu hút bạn đọc ở hình thức trình bày mỹ thuật, thêm nữa tác giả phối họa bức tranh đa sắc với nhiều chấm phá trong không gian ngôn ngữ mới lạ đang chờ đợi bạn đọc khám phá. Với tập thơ này, nhà thơ Đỗ Thượng Thế đã khơi thông dòng chảy thi ca, như quan niệm thơ tôi đọc được ở đâu đó: “thơ cũng huyền diệu như trời” (Charles Henri Ford), và anh tự tin hòa nhập vào biển đời thi ca dân tộc.

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…