Giai điệu núi sông

749

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngay từ thời cổ đại, mỗi quốc gia trên thế giới đều có tiếng nói riêng cho dân tộc mình để giao tiếp trong lao động thường nhật hoặc trong đấu tranh chống giặc giữ nước. Biểu tượng điển hình nhất cho ngôn ngữ mang dấu ấn văn hóa lịch sử sâu đậm của quốc gia được thể hiện trong những giờ phút nhạy cảm nhất của dân tộc, là bản quốc ca. 

Nhạc sĩ Văn Cao – Tác giả Tiến quân ca

Quốc ca (National anthem/ Chant national) có nghĩa là bài hát ca ngợi tổ quốc của một nước. Nội dung bài ca thiêng liêng này trước hết khêu gợi lòng ái quốc, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm oanh liệt và ca ngợi lịch sử, truyền thống hào hùng của một dân tộc. Quốc ca Hà Lan “Het wilhelmus” viết vào khoảng 1568-1572, được coi là cổ nhất. “La Marseillaise”, quốc ca Pháp viết năm 1792 (chính thức được sử dụng vào năm 1795). Anh và Đan Mạch được coi là hai nước không có quốc ca. Đặc biệt, quốc ca Tây Ban Nha La Marcha Real không có lời, được gọi là quốc thiều (national hymn/ hymne national). Quốc ca của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang sử dụng hiện nay là bài hát “Hành khúc Nghĩa dũng quân” của Điền Hán.

Quốc ca của một quốc gia có thể được hình thành từ một bài hát ái quốc sau một nghị định chấp thuận của hiến pháp.

Bản quốc ca Việt Nam hiện nay được coi là hình thành gần như nguyên trạng từ bài Tiến quân ca của Văn Cao sáng tác từ phong trào Việt Minh, được chính thức sử dụng từ năm 1946 bởi chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến hôm nay. Bài quốc ca Việt Nam được xem là một bài ca ái quốc ưu việt, với giai điệu hùng tráng đã đem lại không khí sôi nổi, hào hùng cho nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương trong suốt hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Thực ra, trước đây, trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, vua Bảo Đại đã xuống chiếu chọn quốc ca là bài “Đăng đàn cung”, một bản nhạc cổ Việt Nam dùng trong nghi thức lễ tế Nam Giao với những câu bắt đầu: “Bên núi sông hùng vĩ trời Nam/ Đã bao đời vết anh hùng chưa hề tan/ Còn tỏ tường bên núi sông/ Xác thân tan tành/ Vì nước quên mình”. Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm quốc ca (Hiến pháp ghi ngày 9/11/1946). Năm 1948, trong thời chính phủ Quốc gia Việt Nam, quốc trưởng Bảo Đại, đã chọn bài Tiếng gọi Thanh niên của Lưu Hữu Phước, sau sửa lại thành Tiếng gọi Công dân, làm quốc ca, dù nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã phản đối việc lấy nhạc phẩm của nhạc sĩ để làm quốc ca cho các chế độ Cộng hòa Sài Gòn trước 1975. Năm 1960, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời để chống lại sự hiện diện của đế quốc Mỹ tại miền Nam, chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã sử dụng bài “Giải phóng Miền Nam” của Lưu Hữu Phước (bút danh Huỳnh Minh Siêng), khi đó là Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng, làm quốc ca.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), bản Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao được tiếp tục sử dụng làm quốc ca Việt Nam (1976) cho đến ngày nay. Nghi thức hát quốc ca thường được cử hành vào các ngày lễ, buổi họp cơ quan hay đoàn thể quan trọng và trong các buổi chào cờ đầu tuần trước khi công nhân viên chức bắt đầu làm việc.

Trong lịch sử nước nhà giai đoạn trước khi có quốc ca chính thức, ta có thể âm thầm coi như là quốc ca những bài thơ, bài văn nói lên lòng yêu nước và tinh thần giữ nước, anh dũng chiến đấu chống ngoại xâmnhư: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Bình Ngô Đại cáo (Nguyễn Trãi),… (hoặc sau này là “Tuyên ngôn độc lập” – một áng thiên cổ hùng văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoặc những nhạc phẩm như: Tiến gọi thanh niên (1941), Lên đàng (1944-Lưu Hữu Phước), Đoàn giải phóng quân (1945-Phan Huỳnh Điểu), Diệt phát-xít (1945-Nguyễn Đình Thi)… cũng đồng mang nội dung tinh thần ái quốc. Tất cả có thể được âm thầm gián tiếp xem như là quốc ca dù những tác phẩm văn học yêu nước đỉnh cao ấy chưa thể hiện bằng nốt nhạc, tiết tấu giai điệu và lời ca cụ thể như một bản nhạc.

Nhà thơ Trúc Chi (1933-2015) kể lại câu chuyện vô cùng cảm động đã tạo cảm xúc lớn cho thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) sáng tác bài thơ “Tiếng hát quốc ca”. Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ông được gặp nhà văn Ngô Tịnh Hà (em ruột của nhà thơ Xuân Diệu), Tổng biên tập đặc san Nhánh lúa Hội Văn nghệ tỉnh Phú Yên, cho xem tạp chí Tiếng rừng của Phân hội miền Đông Nam bộ nơi những trang giữa của tạp chí có đăng bài thơ “Tiếng hát quốc ca”. Khi đọc, bài thơ bắt Trúc Chi phải dừng lại ở những câu thơ “Máu cứ rơi từng vết đỏ bông/ Hai bàn tay xiết chặt đôi hông/ Dồn hết phổi vào trong tiếng hát “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc/ Bác sĩ đang cưa chân/ Một chiến sĩ bị thương/ Bằng cưa thợ mộc…”. Theo nhà thơ Trúc Chi, trong bài thơ có những câu mang ý tưởng mới mẻ ấn tượng mà cũng rất hiện thực: anh thương binh được bác sĩ cưa chân bằng cưa thợ mộc. Cái mới tiếp sau đó là khí phách anh hùng từ ngoài chiến trận, đến sự quả cảm gan góc trên bàn mổ được thể hiện, anh thương binh cách mạng chịu đựng cưa chân như cưa củi. Và cái mới nữa là “Tiếng hát quốc ca” quay lại những giây phút thiêng liêng người thương binh nhìn lên ảnh Bác Hồ để nhân lên sức mạnh, tinh thần quốc ca” ghi chiến đấu, để chiến thắng cái đau đớn tột cùng, nhân lên lòng tin ở Bác, ở chân lý, và tin như Bác tin Nam bộ sẽ chiến thắng kẻ thù xâm lược như một chân lý.

Ở bài thơ trữ tình tự sự “Tiếng hát quốc ca” của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, ta thấy rõ được lòng ái quốc và lòng tin vô bờ ở lĩnh tụ của người thương binh cách mạng. Mãi đến năm tháng 10 năm 1954, trong một kỳ Đại hội Văn công Toàn quân tại thị xã Hà Đông, anh em kháng chiến mới có dịp gặp lại tác giả bài thơ “Tiếng hát quốc ca” và được Huỳnh Văn Nghệ kể lại sự tình: Vào một buổi trưa năm 1946, nằm trên võng vải (hồi ấy chưa có võng dù), ở một góc rừng chiến khu Đ. Nhà thơ không ngủ được vì nhớ mãi tiếng hát Quốc ca của người thương binh trưa ngày hôm trước đi ngựa công tác qua trạm quân y. Trong trạm có treo ảnh Bác, ảnh của một họa sĩ Nam bộ cắn ngón tay lấy máu mình vẽ hình Bác. Ảnh Bác Hồ mà người chiến sĩ thương binh nhìn lên để hát Quốc ca, bài hát mà anh tự chọn để quên đi nỗi đau chết người lúc chân đang bị cưa bằng cưa thợ mộc: ‘Bác sĩ đang cưa chân/ Một chiến sĩ bị thương/ Bằng cưa thợ mộc/ Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe/ Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre/ Anh chiến sĩ cứ mê mải hát/ Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi từng vết đỏ bông/ Hai bàn tay xiết chặt đôi hông/ Dồn hết phổi vào trong tiếng hát “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc”/ Đã hát đi hát lại bao lần/ Vẫn chưa đứt xương chân/ Vẫn chưa ngừng máu đỏ/ …Anh lịm đi/ Hồi hộp cả núi rừng/ Tiếng hát mới chịu ngưng/ Ảnh bác hồ như rưng rưng nước mắt/… Cả ngày nhà thơ cảm thấy không yên. Hôm ấy về nhà, thi sĩ viết liền một mạch bài thơ như thế vào cuốn ‘Nhật ký hiến đấu’ để kịp chiều cùng đồng đội xuất kích. Một tháng sau, Tiếng hát Quốc ca đăng ở tạp chí Tiếng rừng…Một trưa, trên đường miền Đông hành quân, bất ngờ trong trạm giao liên, một đồng chí thương binh khệnh khạng đi với chiếc chân giả đến ôm cứng nhà thơ, miệng lắp bắp không nói nên lời, hai mắt ướt long lanh. Nhà thơ biết đó chính là người chiến sĩ thương binh hát Quốc ca… Sau đó, bỗng như xúc động nhớ lại chuyện xưa về bài thơ tâm đắc Tiếng hát Quốc ca, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, với đôi mắt sáng lên vẻ tin yêu, tác giả khe khẽ đọc lại đoạn cuối: “Cả núi rừng/ Như còn văng vẳng nghe lời ca chiến sĩ/ Và vang trời ngựa hí/ Chí phục thù cháy bỏng dây cương”.

Tóm lại, ta có thể nói quốc ca là bài hát thiêng liêng, biểu tượng cao quý nhất của một dân tộc có tổ quốc qua một quá trình lịch sử đấu tranh cam go dựng nước và giữ nước không khác nào một áng thiên cổ hùng văn. Với người Việt Nam chân chính, trong bất cứ hoàn cảnh không gian, thời gian nào, ta cũng cảm thấy tràn ngập niềm tự hào, mỗi khi nhận ra có tiếng quốc ca trầm hùng vang lên. Người công dân của bất cứ nước nào cũng có bổn phận đứng nghiêm mình, mặt hướng về lá cờ tổ quốc vinh quang, lắng lòng nghe quốc ca như nghe một thông điệp, một tuyên ngôn của tổ tiên và anh hùng liệt sĩ truyền lại tự nghìn xưa như  giai núi sông hay tiếng gọi quốc hồn.

N.T