Giai điệu núi sông

709

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn Cao (1923-1995), tên thật Nguyễn Văn Cao, quê ở Nam Định. Bạn thân gọi là anh Văn, ông là nghệ sĩ tiền phong, tài tình muôn mặt: nhạc sĩ – họa sĩ – nhà thơ. Văn Cao nổi tiếng trước hết với bản ”Tiến quân ca” sau làm Quốc ca nước Việt Nam. Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài nhưng phải trải qua thăng trầm trong cuộc đời. 

Cố nhạc sĩ Văn Cao do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp

Văn Cao sinh ra tại Hải Phòng nhưng quê gốc ở Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha là Nguyễn Văn Tề làm quản đốc nhà máy nước, Văn Cao học Tiểu học trường Bonnal, trung học Trường Dòng Saint Joseph, Hải Phòng. Tại trường, Văn Cao tham gia làm một tờ báo cùng các bạn trong lớp, tự tay trình bày báo và biên tập bài vở của các bạn gởi đăng. Cũng lúc còn học tại trường, Văn Cao được dạy thêm trước môn âm nhạc. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, gia đình sa sút, Văn Cao phải nghỉ học.

Khi cha mất, người chị lấy chồng trong Nam ra chịu tang cha. Có thời kỳ, Văn Cao theo chị vào Sài Gòn kiếm sống nhưng đời sống khó khăn nên lại trở ra Bắc. Văn Cao đi làm điện thoại viên ở Nhà Bưu điện Hải Phòng. Nhưng làm được một tháng, Văn Cao bỏ việc. Giữa thập niên 1930, nền Tân nhạc Việt Nam ra đời với những tên tuổi như Lê Thương (1914-1996),  Đặng Thế Phong (1918-1942), Đoàn Chuẩn (1924-1992), Hoàng Quý (1920-1946)…, Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý, cùng Tô Vũ (1923-2014), Đỗ Nhuận (1922-1991),… Năm 16 tuổi (1939), Văn Cao sáng tác bản nhạc đầu tay “Buồn tàn thu”, ảnh hưởng Lê Thương, được Phạm Duy (1921-2013), trong gánh hát Đức Huy của Charlot Miều, mang đi phổ biến các nơi. Văn Cao cũng viết một số ca khúc hướng đạo vui tươi như: Gió núi, Gò Đống Đa, Anh em khá cầm tay… Từ 16 đến 18 tuổi, Văn Cao đã cắm những cái mốc trong âm nhạc với những tác phẩm trữ tình man mác: Suối mơ, Trương Chi, Buồn tàn thu… Khi mới 21 tuổi, Văn Cao viết Tiến quân ca để rồi một năm sau đó trở thành Quốc ca (1944).

Nhớ lại, năm 1940, Văn Cao, trong chuyến đi vào Nam. Khi dừng chân ở Huế, Văn Cao sáng tác bài thơ đầu tay: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, còn mang phong cách nghệ thuật của thơ mới, nhưng rất điêu luyện, mượt và không kém các bậc đàn anh trong làng thơ mới trước đó. Và sau này, bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” (sáng tác năm 1945), được coi là đạt đến nghệ thuật đỉnh cao, miêu tả hiện thực đến tận cùng thảm họa khủng khiếp của đồng bào thủ đô Hà Nội trong nạn đói năm đó. Ở bài thơ này, Văn Cao đã hoàn toàn vượt qua khỏi ảnh hưởng của thơ mới và có khuynh hướng về thơ tự do hiện đại.

Người ta còn nhớ, năm 1942, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội, thuê căn gác nhỏ số 171 Mongrant (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền) để theo học dự thính (auditeur libre) 2 năm tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy. Năm 1943 và 1944, trong hai lần Triển lãm Salon Unique, tổ chức tại nhà Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, Văn Cao đã gởi các bức tranh sơn dầu: “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, Nửa đêm” và “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” (Le Bal aux Suicidés) – Bức tranh sau cùng được đánh giá cao và gây chấn động dư luận – Dù được báo chí khen ngợi, tranh Văn Cao vẫn không bán được. Họa sĩ, cùng bạn bè, thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên đường phố Hà Nội, Hải Phòng. Văn Cao phải trải qua một thời gian dài sống trong cảnh thiếu thốn ở Hà Nội. Chính những năm lưu lạc, phải sống lăn lộn rất khó khăn trong cuộc đời giông bão đã giúp nghệ sĩ xót xa ngộ ra được không hiếm chuyện thế thái nhân tình. Trong kháng chiến chống Pháp, lên Lào Cai, Văn Cao tiếp tục vẽ tranh, thể hiện sự rung động nhạy bén nghệ sĩ của ông trước cuộc sống kháng chiến, với các bức tranh: Phố lu, Gối mộng, Suối tóc, Lớn lên trong kháng chiến… rất thành công, và trước năm 1945 là bức tranh sơn dầu vẽ chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941) – theo báo Văn nghệ số 36+37, ngày 3/9/2016.

Vốn là một con người yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm, không ngại gắn liền cuộc đời và sinh mệnh của mình với sự tồn vong của đất nước và quyền lợi của dân tộc, Văn Cao đã hăng hái tham gia vào tổ chức hoạt động chính trị mà không ngại chuyện tử sinh, gian khổ. Năm 1944, được Vũ Quý, một cán bộ đã quen biết từ trước, thuyết phục tham gia Việt Minh, Văn Cao lãnh nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc để cổ vũ cho phong trào cách mạng. Ông đã sáng tác ca khúc ngay tại căn gác số 171 Mongrant (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền) và đặt tên là “Tiến quân ca”. Bài hát “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc lập tháng 11 năm 1944. Chưa được một năm, ngày 13 tháng 8 năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cũng vào tháng 12 năm 1944, Văn Cao được phân công thành lập một đội vũ trang với tên gọi là “Đội danh dự Việt Minh” do Văn Cao làm Đội trưởng, có nhiệm vụ tiêu diệt những tên Việt gian phản động và bảo vệ an toàn cho các đội viên tuyên truyền tại các nơi công cộng. Đội viên hoạt động trong độiĐội danh dự Việt Minh” đều là những người bạn hoạt động với ông ở Hải Phòng. Học võ từ năm 9 tuổi và cũng từng lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật, Văn Cao thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện ngắn ngày về võ thuật, sử dụng vũ khí và kỹ năng hóa trang cho đồng đội của mình. “Đội danh dự Việt Minh” của Văn Cao hoạt động tích cực và hiệu quả ở Hà Nội và Hải Phòng. Tuy nhiên do một số người hợp tác với Nhật làm chỉ điểm nên nhiều cơ sở của Việt Minh bị bại lộ và không ít cán bộ Việt Minh bị bắt. Để ngăn chặn tối đa tổn thất cho cho cách mạng, Văn Cao đã dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ: viết thư cảnh cáo, gặp mặt trực tiếp để răn đe… Văn Cao cùng đồng đội đã khống chế, vô hiệu hóa và cảm hóa được nhiều người chỉ điểm. Ngoại trừ hai vụ quan trọng bắt buộc Văn Cao cùng anh em trong đội phải thực hiện. Thứ nhất là vụ Võ Văn Cẩm tại Hà Nội: Võ Văn Cẩm cầm đầu một tổ chức chính trị ngoài mặt trận Việt Minh, có trụ sở đóng tại phố Nhà Thờ. Cẩm thường xuyên tập họp cấp dưới cùng hiến binh Nhật vây bắt các cơ sở Việt Minh. Mặc dù đã bị cảnh cáo, Cẩm vẫn ngoan cố, tiếp tục manh động. Đầu tháng 4 /1945, Văn Cao được lệnh ám sát Võ Văn Cẩm. Do tính chất quan trọng của nhiệm vụ, đồng chí Phạm Văn Mẫn – sau này là Đại tá Cục trưởng cục Kỹ thuật Bộ Công an – về hỗ trợ. Lúc bấy giờ, Võ Văn Cẩm có một cô vợ bé ở chợ Mơ. Mỗi lần về thăm vợ bé, hắn ta thường đi xe kéo, còn Ba Mai người bảo vệ hắn đạp xe đạp đi cạnh. Theo kế hoạch, Phạm Văn Mẫn bám theo Cẩm, cùng một đồng đội của Văn Cao là Đ.H.I đón ở góc phố Bà Triệu. Khi Cẩm đi qua, Đ.H.I cùng bám theo, còn Văn Cao sẽ đợi trước cửa hàng thuốc gần chợ Hôm. Khi nhận được mật hiệu của Mẫn, Văn Cao sẽ tiến lên trực tiếp bắn Võ Văn Cẩm. Rồi Mẫn và Đ.H.I có nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ Văn Cao rút lui. Tuy nhiên, mới vào đội của Văn Cao, vì hấp tấp, Đ.H.I đã tự ý vượt lên trước, bắn Cẩm bằng khẩu Browning, nhưng không trúng đích, khiến Mẫn chưa kịp phản ứng. Cẩm chui xuống gầm xe, Đ.H.I đạp xe chạy. Ba Mai bảo vệ Cẩm, đuổi theo rút súng, định bắn Đ.H.I nhưng bị Mẫn bắn chết.

Thứ hai là vụ Đỗ Đức Phin tạị Hả Phòng: Đỗ Đức Phin là giáo viên tiếng Nhật có mở lớp dạy tiếng Nhật tại nhà. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Phin làm thông ngôn cho Nhật. Cuối tháng 6/1945, do Phin chỉ điểm, Nhật ra sức truy quét các cơ sở cách mạng trong thành phố. Hàng loạt cán bộ cách mạng bị bắt. Từ Hà Nội, Văn Cao được lệnh về Hải Phòng để khử tên Đỗ Đức Phin. Văn Cao giao nhiệm vụ cho Trần Liễn, một bạn đồng đội vừa chạy thoát khỏi sự truy lùng của Phin, về Hải Phòng theo dõi quy luật hoạt động của Đỗ Đức Phin. Trong khi đó, trên đường vào Hải Phòng, Văn Cao vào nhà một cơ sở cách mạng ở làng Do Nha, hóa trang thành một ông lão, mượn xe đạp vào thành phố. Tại nhà Doãn Tòng, một người quen ở Hải Phòng, Văn Cao cùng đồng đội đã có mặt đầy đủ và nghe Trần Liễn báo cáo về địa điểm Đỗ Đức Phin thường lui tới mỗi ngày. Đó là một tiệm hút thuốc phiện tại góc phố Phan Bội Châu, gần Vườn hoa đưa người. Văn Cao lên kế hoạch hành động và phân công cụ thể cho từng người. Giờ hành động bắt đầu vào hôm sau. Doãn Tòng đèo Văn Cao trên xe đạp đến hết đường Cát Cụt, Văn Cao xuống xe, bảo Doãn Tòng trở về. Đến địa điểm hành sự, Văn Cao âm thầm lách cửa vào, bình tĩnh chầm chậm đi lên gác. Đứng ở đầu cầu thang nhìn vào phòng, Văn Cao xác định được Đỗ Đức Phin nằm hút sát tường trên sập, mặt hướng ra cửa. Văn Cao rút khẩu súng Colt tiến vào, tuyên bố xử tử Đỗ Đức Phin và bóp cò. Nhưng súng bị hóc đạn. Văn Cao bình tĩnh nhét khẩu Colt vào bụng rồi móc túi áo măng-tô, rút khẩu Browning, bắn hai phát đạn ghim vào ngực Đỗ Đức Phin. Giải quyết xong, Văn Cao bình tĩnh xuống gác, lách cửa ra, nhảy lên xe đạp hòa vào dòng người đỗ ra thành phố. Mấy hôm sau là Ngày Quốc Khánh năm 1945, theo chỉ thị của cấp trên, Văn Cao bàn giao lại vũ khí. Đội Danh dự Việt Minh giải thể. Văn Cao lại trở về với công việc của một phóng viên và làm báo Lao động.

Tháng 12 năm 1946, Lê Giản – Giám đốc Nha Công an Trung ương tìm gặp Văn Cao tại quán Cà phê Thiên Thai ở phố Hàng Gai và đề nghị: “Mình muốn cậu sang giúp ngành Công an. Cậu sẽ phụ trách đội Điều tra Liên khu 10. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật trước đây, lại có vỏ bọc là nhạc sĩ, chỉ có cậu mới đủ khả năng trong công việc khó khăn và phức tạp này”. Tháng 3 năm 1947, Văn Cao cùng vợ là Nghiêm Thúy Băng lên Lào Cai. Một địa điểm gần chợ Cốc Lếu được Văn Cao chọn làm cơ sở hoạt động của đội Điều tra. Văn Cao mở quán cà phê nhạc lấy tên là quán Biên Thùy. Bên phía Văn Cao có Trần Huy Liệu (1901-1969) – đại diện chính phủ, cùng toàn bộ các nghệ sĩ của quán Biên Thùy tham dự. Tại đây, Văn Cao đã giác ngộ các thổ ty hiểu thêm chính sách đoàn kết các dân tộc của Hồ Chủ tịch và Chính phủ. Theo lời khuyên của Văn Cao, Hoàng A Tường, Nông Vĩnh Xương, Vương Chí Sinh, Đèo Văn Long có nhiều nhành động thiết thực giúp đỡ và ủng hộ Chính phủ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Để động viên tinh thần, Hồ Chủ tịch gởi thư khen, mời họ lên thăm chiến khu và gặp Bác. Hồ Chủ tịch đã tặng mỗi người một thanh kiếm và giao cho Hoàng A Tường giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chánh tỉnh Lào Cai. Tháng 8 năm 1947, Văn Cao hoàn thành nhiệm vụ. Đội Điều tra giải tán và bàn giao lại công việc cho ông Lê Giản. Lê Giản muốn giữ Văn Cao ở lại công tác cho ngành Công an. Nhưng Văn Cao từ chối và nói: “Công việc này không thích hợp với tôi”. Sau hiệp định Genève 1954, Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc cho đài Phát thanh nhưng ít sáng tác.

Mãi cho tới cuối năm 1975, sau ngày giải phóng, Văn Cao viết ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. Ở trong nước, bản nhạc chưa có điều kiện để được phổ biến nhưng các chương trình Việt ngữ tại Moskva, nước Nga, đã cho trình bày bài hát. Theo Văn Thao – con trai của Văn Cao: trong năm 1976, “Mùa xuân đều tiên” được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao viết giấy ủy quyền qua sứ quán để cho con gái nhạc sĩ đang học bên đó lĩnh hộ. Và Văn Cao vì lòng thương con, đã cho luôn số tiền nhuận bút ấy cho con gái rất cần để trang trải vì đang du học ở nước ngoài. Năm 1989, tạp chí National Geographic đã đăng một bức ảnh của nhạc sĩ Văn Cao đang ngồi trầm tư bên chiếc đàn dương cầm của ông. Chính tấm hình này đã tạo cảm hứng để nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ Robert Ashley sáng tác nên bản solo cho piano mang tên Văn Cao’s Meditation (Sự trầm tư của Văn Cao) vào năm 1992, dù rằng cho đến tận khi nhạc sĩ Văn Cao qua đời (1995), Robert Ashley vẫn chưa được một lần ngặp mặt tác giả của “Tiến quân ca”.

Thực ra trong cuộc đời của một nghệ sĩ lớn như Văn Cao, về âm nhạc, ông sáng tác không  nhiều. Nhưng phải công bằng mà nói rằng, những bản nhạc của Văn Cao là những viên ngọc quý hiếm, có lúc còn ẩn trong đá. Nhưng khi được khám phá, những bản nhạc của Văn Cao hiện diện như những hạt kim cương, lấp lánh sắc màu, có giá trị vượt không gian và thời gian trong vườn nhạc dân tộc. Ngoài một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như: Sóng tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa… đại bộ phận ca khúc của Văn Cao là Tình ca và Hùng ca. Những sáng tác đầu tiên của Văn Cao khi chưa tới tuổi hai mươi thường là những nhạc phẩm trữ tình, ít ảnh hưởng bởi dòng nhạc lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng giai điệu phương Đông. Với ca khúc đầu Buồn tàn thu, (1939), nhạc sĩ Văn Cao đã sử dụng ngũ cung để vẽ lên một hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật châu Á mà ta thường gặp: người phụ nữ ngồi đan áo trong nỗi đợi chờ. Tiếp đến là hai ca khúc cũng nói về mùa thu: Thu cô liêu (1942) và Suối mơ. Riêng Suối mơ, được coi là một đoạn của bản Trương Chi 1 (1943) sau đó được Văn Cao phát triển nổi tiếng hơn là bản Trương Chi 2 (có sự hợp tác của Phạm Duy).

Bên cạnh đề tài mùa thu, Văn Cao cũng viết những ca khúc nổi tiếng khác về mùa xuân: Cung đàn xuânBến xuân (1942 (về sau đặt tên lại là Đàn chim Việt). Hai ca khúc Suối mơ Bến xuân được các nhạc sĩ nổi tiếng đánh giá là cực điểm trong những ca khúc lãng mạn Việt Nam. Nhưng hai tình khúc được người nghe hoan nghênh hơn là: Thiên Thai (1941) và Trương Chi. Riêng với Thiên Thai, mà tác giả Văn Cao đã mượn cái không khí Đường thi lung linh huyền diệu như sương khói trong thơ Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai của Tào Đường. Năm 2001, ca khúc Thiên Thai được dùng làm nhạc nền cho phim Người Mỹ trầm lặng. Bài hát Trương Chi cũng dựa trên sự tích truyện cổ Việt Nam, nên ca khúc mang tính tự sự. Về Hùng ca, người ta nhớ lại, từ khi còn ở trong nhóm Đồng vọng ở Hải Phòng, nhạc sĩ Văn Cao đã viết những ca khúc hướng đạo khỏe khoắn cho tuổi trẻ. Cũng như các nhạc sĩ tiền chiến cách mạng khác, gần gũi nhất là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) ở trong Nam, Văn Cao dựa vào đề tài lịch sử để viết những bản hùng ca, thể hiện lòng ái quốc như: Gò Đống Đa, Hò kéo gỗ, Bạch Đằng giang, Tiến về Hà Nội (1948), Thăng Long hành khúc ca… Tham gia Việt Minh, Văn Cao viết những ca khúc: Chiến sĩ Việt Nam (1945), Không quân Việt Nam (1945), Hải quân Việt Nam (1945), Công nhân Việt Nam…  Năm 1947, sau chiến thắng sông Lô, Văn Cao viết Trường ca Sông Lô – một tác phẩm vĩ đại, chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương… – bản nhạc đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc, là đỉnh cao của nhạc kháng chiến. Sau năm 1954, những ca sĩ hàng đầu của Sài Gòn như: Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thanh, Ánh Tuyết… đã trình diễn và ghi âm nhạc phẩm của Văn Cao. Đặc biệt, bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao viết về sự kiện trọng đại của dân tộc: Mùa xuân mới đầu tiên thực sự của Nam – Bắc cùng đoàn tụ, vui chung một nhà, hòa vào tình cảm yêu thương ruột thịt, cùng nhau đón Tết, thể hiện đúng với lòng mong ước sáng trong của Hồ Chủ tịch : “Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn!”

Trong lĩnh vực thi ca, độc giả biết đến Văn Cao với những vần thơ tự sự làm theo thể tự do, về chính cuộc đời ông, về quê hương, về cuộc sống tự do với bạn bè, những vần thơ về cuộc sống cùng cực của người dân nghèo nơi xóm ả đào, nẻo nhà ga, lề đường, góc chợ. Với Văn Cao, “Người làm thơ phải đi tìm những tư tưởng, cảm xúc và cảm giác trong thực tế ở những con người đang hàng ngày túi bụi xây dựng”. Những bài thơ: Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (bài thơ đầu tiên), và tiếp theo là những bài thơ: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Bến Ngự trên thương cảng, Ngoại ô mùa đông năm 1946, Những người trên cửa biển, Với Nguyễn Huy Tưởng, Với Nguyên Hồng… những vần thơ giàu tính hiện thực, đầy trí tuệ nhưng trĩu nặng nỗi suy tư, đã để lại trong lòng độc giả nhiều thế hệ những xúc cảm sâu lắng khó phai. Ở phạm trù hội họa, Văn Cao là một họa sĩ sử dụng cọ và màu cũng điêu luyện và sắc sảo, không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp. Ngoài tranh minh họa, bìa sách, bìa báo, Văn Cao cũng có những bức sơn dầu nổi tiếng, thể hiện một hình thức và nội dung rất sáng tạo như bức tranh: Cuộc khiêu vũ của những người tự tử, được Văn Cao trưng bày tại phòng Triển lãm Duy nhất Hà Nội (Salon Unique, -1944), đã làm  giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc của tác giả.

Về cá tính và quan hệ gia đình và xã hội, là một nghệ sĩ tài tình muôn mặt mà nét tài hoa đã thể hiện rất sớm, Văn Cao có những nét rất chung và rất riêng của người nghệ sĩ cách mạng. Văn Cao thương con cái, thủy chung với vợ, yêu đất nước, căm thù, không đội trời chung với bọn thực dân đế quốc và tay sai vọng ngoại, suốt đời một lòng vì dân tộc và Tổ quốc. Chơi thân với Nguyễn Đình Thi (1924-2003), Trịnh Công Sơn (1939-2001), ông được coi là một tài hoa thiên bẩm nảy nở rất sớm, rất gần gũi với một Nguyễn Đình Thi cũng tài tình muôn mặt. Với Văn Cao, nhiều văn nghệ nổi tiếng đã bày tỏ cảm nghĩ với tấm lòng trân trọng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng… Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Họa sĩ Tạ Tỵ (1922-2004): Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ. Nhà thơ Tố Hữu, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng đã có cảm nhận: Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu nước ta. Văn Cao là một trong những ngôi sao thế kỷ 20 trên lĩnh vực ca khúc thế giới”. Với chúng ta, ngoài giá trị nhân văn đích thực của hệ tác phẩm nhạc – họa – thơ  của Văn Cao đã được quần chúng công nhận, chân dung phảng phất nét tiên phong đạo cốt của nhà nghệ sĩ đa tài Văn Cao đã ở mãi trong lòng mọi người với niềm tin yêu phấn khởi, trong bất cứ không gian nào, mỗi khi có dịp lắng lòng và nghiêm trang được nghe lại giai điệu hùng tráng thiêng liêng của bản “Tiến quân ca” lịch sử.

N.T