Giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên Cụ Ðồ

362

(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1/7/1822 – 1/7/2022)

Thành lập năm 2009, Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình Chiểu đã trao giải cho gần 40 tác giả đã có nhiều cống hiến cho VHNT tỉnh nhà.

Đây là một giải thưởng lớn lĩnh vực VHNT mang tên Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, không chỉ thể hiện sự quan tâm, trân trọng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với giới văn nghệ sĩ, với tác phẩm VHNT có chất lượng cao, mà còn là động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tiếp tục sáng tạo các tác phẩm về đất và người Bến Tre, cổ vũ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương.


Trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu cho các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp. 

Giải thưởng mang tên Cụ Đồ

Nhằm tôn vinh các tác phẩm đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc, cũng như tôn vinh công lao của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, kể cả trong kháng chiến và trong thời bình, UBND tỉnh đã chủ trương thành lập Giải thưởng lấy tên Cụ Đồ – đó là Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu. Giải thưởng này không chỉ dành riêng cho người Bến Tre, mà áp dụng cho tất cả mọi đối tượng, miễn rằng các tác giả đó có tác phẩm VHNT, các công trình VHNT liên quan đến Bến Tre và đã được công chúng quan tâm, đánh giá cao.

Nhà thơ Kim Ba – Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Giải thưởng này được chính thức thành lập năm 2009, sang năm 2010 được tổ chức trao lần thứ nhất cho các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, do số lượng văn nghệ sĩ đóng góp suốt cả hai thời kỳ kháng chiến khá đông nên tỉnh đã quyết định trao thành hai đợt. Đợt 1 (năm 2010) trao cho 18 tác giả, đợt 2 (năm 2013) trao cho 10 tác giả.

Tuy nhiên, qua rà soát, hội nhận thấy còn nhiều tác giả cũng có nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến nhưng chưa được xem xét trao giải, hội đã tiếp tục rà soát danh sách các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp để trình UBND tỉnh trao giải trong lần tiếp theo. Đến năm 2017, UBND tỉnh đã cho ý kiến trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu lần thứ hai (trao 1 lần) cho 30 tác giả. Trong đó, có rất nhiều tác giả đã trưởng thành sau năm 1975 và các tác giả ấy hiện nay đang là lực lượng nòng cốt cho phong trào hoạt động VHNT của tỉnh nhà, năng nổ trong sáng tác các tác phẩm VHNT.

Nhà thơ Kim Ba thông tin thêm, trong 30 tác giả được trao giải thưởng lần thứ hai, có 21 tác giả có tác phẩm nổi bật được công chúng quan tâm, còn lại là 9 người hoạt động trong lĩnh vực VHNT có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển VHNT của tỉnh trong suốt thời gian qua.

“Theo quy định, Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức 5 năm/lần. Tuy nhiên, giải thưởng lần thứ hai được đẩy nhanh thời gian, để kịp trao cho các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp. Đây là sự nỗ lực của hội, sự đánh giá cao tinh thần sáng tạo của giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đã có nhiệt tâm, nhiệt huyết đóng góp cho sự phát triển VHNT của tỉnh nhà. Hội cũng đã đề xuất với tỉnh dự kiến sẽ tiến hành tổ chức trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu lần thứ ba vào năm 2023”, nhà thơ Kim Ba chia sẻ.

Nhiều tác phẩm có giá tr

Những văn nghệ sĩ nhận giải thưởng là những người đã sáng tạo tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, cổ vũ, động viên toàn Đảng, quân và dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; xây dựng và phát triển quê hương. Các tác phẩm phản ánh phong phú, chân thật, sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội, vùng đất, con người Bến Tre qua các giai đoạn lịch sử. Nhiều tác giả đã mất, tuy nhiên những giá trị cống hiến của họ vẫn còn lưu lại đến đời sau.

Trong đó, có những thế hệ cha, chú là lớp người đi trước, gầy dựng sự nghiệp VHNT từ những ngày đầu gian khó. Như họa sĩ Hà Mãnh (đã mất) được xem là người có công trong việc xây dựng và phát triển mỹ thuật tỉnh nhà. Ông sáng tác nhiều tranh cổ động, tranh bìa minh họa cho Báo Chiến Thắng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hay soạn giả Lê Huỳnh cũng sáng tác rất nhiều tác phẩm, trong đó, vở cải lương “Cây dừa đỏ” đã đạt giải đặc biệt trong Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về đề tài chiến tranh cách mạng (Hà Nội, năm 1981) và đã đi vào lòng bao thế hệ người xem.

Nhạc sĩ Lan Phong – Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một trong 18 tác giả vinh dự được trao giải ngay trong lần tổ chức thứ nhất (năm 2010). Ông đã có hơn 50 năm sáng tác âm nhạc, cống hiến cho vườn âm nhạc tỉnh nhà nhiều tác phẩm có giá trị và sức sống. Nhiều tác phẩm về quê hương gắn liền với tên tuổi của ông như: “Tiểu đoàn 516”, “Người mẹ xứ Dừa”, “Thương lắm Hàm Luông”, “Miền đất tôi yêu”, “Rực sáng rừng dừa”… Ông cũng sáng tác về Ba Tri, về Cụ Đồ, trong đó có bài “Về với Ba Tri” với những ca từ đong đầy tình cảm như: “Tôi đã về đây nghe thơ Cụ Đồ, bút thép còn lưu danh thơm muôn đời…”.

Có thể nói, Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu ra đời phù hợp với sự phát triển VHNT tỉnh nhà. “Đây là Giải thưởng VHNT lớn nhất của tỉnh Bến Tre từ trước đến nay. Qua đó, ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến tích cực, hiệu quả của các văn nghệ sĩ, làm đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển phong trào sáng tạo văn hóa văn nghệ nói chung, VH-NT nói riêng. Đặc biệt, đây là giải thưởng mang tên Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu càng thêm ý nghĩa”, nhạc sĩ Lan Phong bày tỏ.

Nhạc sĩ Lan Phong chia sẻ, ông rất vinh dự khi là một trong những người được trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu. Phần thưởng cao quý đó vừa động viên, khích lệ cho ông, vừa là trách nhiệm để ông tiếp tục cống hiến, cùng với lực lượng kế thừa nối tiếp truyền thống của VHNT tỉnh nhà.

Nhạc sĩ Lan Phong đánh giá cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng văn nghệ sĩ Bến Tre hiện nay. Ông bày tỏ niềm tin, với lợi thế về trình độ, điều kiện sáng tác, hoạt động VHNT thuận lợi và với lòng nhiệt huyết, đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ hiện nay sẽ đủ sức để nối tiếp cha ông, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng của Đảng và Nhà nước giao phó, phát triển VHNT tỉnh nhà ngày càng tốt hơn, xứng đáng với các danh nhân của quê hương mình, trong đó có Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Theo Ánh Nguyệt/Báo Đồng Khởi