Trần Thị Ngọc Lan
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong những năm gần đây, với sự lên ngôi của thị trường hiện đại, sự thắng thế của đồng tiền, sự xói mòn niềm tin và đảo lộn các giá trị, đã gây ra không ít hoang mang lo ngại cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Sự tha hóa biến chất xảy ra ngấm ngầm nhưng dữ dội, gây tổn hại nghiêm trọng đối với con người. Riêng lĩnh vực nghệ thuật, một hoạt động đặc thù lưu giữ dấu ấn nhân văn và văn hóa, không ngờ cũng đã có sự xuống cấp đáng lo ngại. Có lẽ, trong bối cảnh ấy, văn chương và các nhà văn là một bộ phận nhạy cảm nhất, đau đớn nhất, thấm thía được sự đổi thay và sự băng hoại đó. Là một nhà văn trẻ có lương tâm và trách nhiệm, Nguyễn Văn Học đã không ngần ngại cất lên tiếng nói trung thực của mình, trong tiểu thuyết “Hỗn danh”.
Bìa tiểu thuyết “Hỗn danh” của Nguyễn Văn Học.
“Hỗn danh” là tên gọi một cái gì không chính thức, lắp ghép, để vui đùa, nhạo báng, vì kẻ “hỗn danh” có gì đó không hay, không đàng hoàng danh chính ngôn thuận. “Hỗn danh” và “háo danh” là những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện đại, một khía cạnh nhạy cảm trong giới trí thức hiện nay, đã bị Nguyễn Văn Học giáng cho một đòn công phá không khoan nhượng. Chính vì vậy tiểu thuyết của anh có tính tư tưởng.
Họa sĩ Bình, nhân vật chính trong tiểu thuyết, là người nghệ sĩ có phần đời nhọc nhằn và cay đắng, nhiều dằn vặt, để có thể sống, chung sống với cuộc sống và sáng tạo. Anh tích cực vẽ tranh khỏa thân, tranh quảng cáo, truyền thần, vẽ bìa sách, áp phích, tranh treo tường, thậm chí vẽ những điều không có thật; nghĩa là anh chấp nhận làm tất cả những gì mà xã hội muốn anh làm, để kiếm sống, để thể hiện khát vọng nghệ thuật và thể hiện chính mình. Qua việc đó, anh đã lần lượt khám phá những ung nhọt giả trá của xã hội, mà tiêu biểu là thói háo danh, kệch kỡm, đã làm anh day dứt đau lòng, và lầm lạc buông xuôi không ít. Vì đồng tiền, vì mưu sinh và khát vọng thể hiện mình, anh đã chiều theo thói háo danh của đủ loại người đang lên cơn “phân liệt”.
Người ta không ngần ngại dùng tiền để mua danh bán tước, lừa tình, mua người, mua vật, đánh tráo các giá trị, đổi trắng thay đen. Đôi khi ăn cắp, đấu đá cũng để nổi tiếng, đó là sự dàn xếp bỉ ổi giữa các thế lực. Nhiều khi con người đua đòi theo xã hội, để thể hiện mình và niềm nuối tiếc tuổi trẻ, muốn sống mãnh liệt, khát khao nhiều hơn nữa! Ông Mẫn là một điển hình của người trí thức bị sa đọa, sống bằng thù hận và tàn nhẫn với đời, đã làm xiếc để mua bán danh lợi, thuê vẽ tranh, thuê in sách, in thơ, vẽ tranh, triển lãm dối già, là nạn nhân của ảo tưởng ngộ nhận và lòng hận thù của chính mình, về già chịu thân tàn ma dại, chết trong cô đơn. Ông ta trong phút giây hấp hối còn mơ một bài báo lăng xê và bảo vệ hình ảnh mình vào ngày giỗ đầu. Hành vi của ông ta là đa nhân cách, luôn trái ngược oái ăm, giữa nhân từ và ăn cắp, lụy tình và giết vợ, làm thơ và đánh chó, dâm dật và bất lực, khao khát tình người và căm thù con người.
“Hỗn danh” đậm đặc các chi tiết về sự háo danh, mua danh bán tước, dối trá, đánh tráo mọi giá trị, kệch cỡm đến đau lòng. Người ta hả hê khoe mẽ, phô trương cái danh, đánh bóng bản thân một cách lố bịch, và tự bằng lòng vui thú với cái lố bịch đó, bất chấp mọi thủ đoạn, như mua bán, cưỡng bức, trộm cắp, đánh lừa dư luận. Sự tha hóa và lừa mị lại bắt đầu từ bộ phận trí thức cấp cao của xã hội, như giáo sư Mẫn, nhà thơ – tiến sĩ Huỳnh Bạch, cho đến những con người đua đòi, bắt chước, chạy theo thị hiếu tầm thường như nữ văn sĩ khỏa thân Buồn Cây Sậy. Tác giả cắt nghĩa sự háo danh là đam mê bản thân, nhầm lẫn giá trị của một lớp người bị xã hội xô đẩy, ham hố tranh cướp cái danh khi cuộc đời không còn mục tiêu gì để sống. Cũng lẽ bởi con người luôn khao khát mình được là gì trong thế giới. Trong khi đó, sức mạnh của văn chương, thi ca, nhạc họa… là vô địch, làm tăng ảo tưởng của con người, làm họ đam mê chính mình, cuồng vọng bản thân, nếu không tỉnh táo và hiểu biết có thể ngộ nhận, lầm lạc một đời.
Tác phẩm đề cập đến đủ loại người, là đầu têu của sự háo danh: ca sĩ, người mẫu, họa sĩ, nhà văn nhà thơ. Mọi sắc màu, mọi mánh khóe, mọi thủ đoạn, ham muốn cái danh lộ liễu được tác giả bóc tách hết ra. Này đây, từ các giảng viên mỹ thuật ăn cắp tranh để triễn lãm, một giáo sư thuê người vẽ tranh hộ mình để triễn lãm dối già, nhà văn quèn làm thuê viết thuê, đến nữ văn sĩ chíp hôi tung cú lừa tình và văn chương khỏa thân khêu gợi la hét để thu hút sự chú ý của mọi người. Những vụ ăn cướp trắng trợn, vi phạm bản quyền, vi phạm tự do cá nhân, những vấn đề thiết thân của sáng tạo liên tiếp xảy ra. Những người ấy bị đồng tiền dắt mũi, bất chấp luật pháp, dư luận và nhân phẩm của chính mình, không biết xấu hổ, không còn tự trọng, mà cũng chẳng đếm xỉa đến giá trị chân chính!). Xã hội nhộn nhạo, thật giả chen nhau, rất nhiều thằng Xuân Tóc Đỏ, dẫn đến sự trôi nổi của các giá trị văn hóa tinh thần, cái giả, ảo tràn ứ xã hội. Trên cái nền trơn láng nhàu nhĩ đó, nhân cách con người bị méo mó, bôi bẩn. Những người, những việc ô nhiễm, biến chất, nông nổi liên tiếp nảy sinh và phát triển. Con người bị đồng hóa, nhuộm đủ mọi sắc màu. Họ phải sống với thế giới giả dối đó, bị dính chặt với nó, mắc bẫy, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, không thoát ra được. Vì cái danh là thú chơi hấp dẫn quá, dễ dàng quá. Vô hình trung, người ta đã tạo dựng, đồng tình, thỏa hiệp, chấp nhận và chung sống với nó. Họ nghĩ, nếu mình không gian dối, thì cũng có người khác gian dối; mình không đồng lõa, ủng hộ, đã có người khác tiếp tay. Chính vì vậy mà giả dối tiếp nối giả dối, cái ác tiếp nối cái ác. Nhưng điều đáng nói là họ chưa hề chạm được sự thật và giá trị đích thực. Người ta thi nhau sống dối lừa, vô đạo, vì tiền, vì bề ngoài, bề nổi, làm băng hoại mọi nhân cách, suy thoái đạo đức, hủy hoại niềm tin về con người, làm thui chột mọi giá trị, và thực ra đó là một thế giới dối lừa, đĩ thỏa. Sự háo danh, điêu trá, lừa dối cũng phôi thai bao nhiêu cái xấu, cái ác, ra sức lừa dối và hạ nhục con người. Rặt những trò mua bán, đổi chác, lừa tình, lừa tiền, hưởng thụ, thực dụng, trơ tráo, một đám đông ô hợp bị hấp lực của nghệ thuật, của bản năng sống, sức hút của cái danh, làm thành kẻ nô lệ hoặc trịch thượng với đồng tiền. Nhìn đâu cũng chỉ thấy nhộm nhoạm, bát nháo, chẳng thấy chính danh đâu, hoặc cái hỗn danh nhiều hơn chính danh. Sống trong thế giới giả dối đó, con người ta tàn ác và cô đơn hơn. Đã có rất nhiều những ảo tưởng, ngộ nhận về bản thân và nghệ thuật, cũng như sai chệch về nhận thức cuộc sống. Người làm nghệ thuật chân chính trong hoàn cảnh đó không những càng bị thiệt thòi về vật chất mà còn bị khủng bố tinh thần, bị cô lập, lẻ loi và suy yếu, bị dồn đuổi đến bước đường cùng (như họa sĩ Bình và nhóm Tam quái).
Thế giới thực và phi lý trong tiểu thuyết đan xen luôn soi chiếu lẫn nhau, còn ở giữa là những trò xảo trá hài hước của con người cũng phi lý luôn! Năm cô gái trong tranh là một sáng tạo khá độc đáo của Nguyễn Văn Học, chứng tỏ anh có ý thức đổi mới, không muốn đi vào con đường cũ. Năm cô gái từ trong tranh nhìn ra thế giới con người, luôn suy tư về kiếp người, và từ chối làm con người. Họ đều có số phận, có nghĩ suy và con đường của mình, nếu cần họ cũng sẽ hy sinh cho nhận thức của con người. Các nhân vật giả tưởng này cũng có xúc cảm, suy nghĩ và thân phận giống y con người, giúp chúng ta có thêm một điểm nhìn. Và khi Nguyễn Văn Học mô tả chuyện kỳ bí ma quỷ bước ra từ các bức tranh để khuấy đảo con người, không phải vì anh duy tâm, mê tín, cũng không vì anh thích màu sắc kinh dị, mà là anh muốn diễn tả chính xác sự ám ảnh sâu sắc của nghệ thuật đối với đời sống. Các bức tranh như có linh hồn, ám ảnh, hù dọa con người, nhất là khi người ta không nhận thức đúng về nó. Nghệ thuật có thể làm biến đổi suy nghĩ, cuộc sống con người, làm họ hồi sinh, hỗn loạn, điên khùng hoặc chết. Một lần nữa Nguyễn Văn Học rất sâu xa.
Nguyễn Văn Học còn day dứt về con người, đặt ra những câu hỏi đầy hoài nghi về đời người, về ý nghĩa cuộc sống. Con người hiện đại và những nẻo đường cô đơn của nó là nỗi trăn trở vô cùng trong mỗi tác phẩm của anh. Anh có biệt tài truy xét về con người và bóc trần chân tướng tinh vi của thói háo danh. Đặc biệt khi suy luận về đời sống giới trẻ, anh rất quyết liệt phơi mở sự xuống cấp của đạo lý xã hội. Là một người sáng tạo trẻ mà đã sớm bận tâm đau đớn và tái hiện những điều đó, anh thật dũng cảm và đáng trân trọng. Tuy nhiên, thế giới nghệ thuật, tinh thần của xã hội có những vận động bề sâu, mà người trẻ như anh không thể nhìn thấy hết được.
Cái hỗn danh và cái giả của nghệ thuật lan tràn trong đời sống, cần hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng còn lâu người ta mới chạm được giá trị thật. Các nhân vật chỉ nhốn nháo ở vòng ngoài, chưa chạm được chân giá trị. Kẻ háo danh vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Dường như đời là một cõi hỗn nháo, không có chân giá trị nào, những con sâu làm rầu nồi canh (hầu như đã hỏng). Nhân vật đôi khi chửi bới, hằn học và ghê tởm cái thế giới phải sống, thậm chí ghê tởm chính mình. Con người đôi khi nửa vời ba phải, được chăng hay chớ, không có lập trường, hay đó là chân dung nghệ sĩ trong một thời buổi nhốn nháo? Người nghệ sĩ mất lập trường, vì cuộc sống xô đẩy đã vô tình hoặc cố ý đồng lõa, tiếp tay cho sự háo danh. Thơ văn thì chạy theo thị hiếu tầm thường, rẻ tiền, chớp nhoáng. Người ta tung tẩy đạo thơ cắp văn để in sách, trở thành tác giả hoặc để tán gái, chơi trò nhí nhố vì cuộc đời buồn tẻ. Qua thực trạng đó, ta cũng thấy khát vọng nghệ thuật của con người là có thật, chỉ có điều nó có chính đáng, có lành mạnh không. Phải chặn đứng nó lại, phải có một chuẩn mực; nhưng đó là đời sống tinh thần tự do của con người trong xã hội biết cấm đoán làm sao! Ở đây Nguyễn Văn Học đã làm cuộc mổ xẻ không nhỏ, gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đối với sự tha hóa. Sự đánh tráo giá trị gây ra những ngộ nhận tai hại về đời sống và nghệ thuật, làm cho nghệ thuật chân chính gặp không ít sự chán nản, ngả lòng. Không những nghệ sĩ cô đơn, mà nhân vật và cái đẹp cũng cô đơn, bị đóng băng vào môi trường vô cảm. Cuộc sống rệu rã, suy yếu, mất niềm tin, những vòng khổ lụy oan trái, cạm bẫy tình tiền, công danh, tất cả là gánh nặng áp lực đối với người nghệ sĩ.
Người nghệ sĩ chân chính có lương tâm sẽ kiên nhẫn vươn lên, chấp nhận dấn thân, hành xác, trả giá. Họ mới mong manh làm sao, bằng bàn tay, khối óc, suy tư, ra sức hấp thu và chịu đựng những cơn bão táp của đồng tiền, gồng mình sáng tạo, dằn vặt, vật vã, phân thân, hoài thai tác phẩm và chấp nhận hy sinh không kèn trống. Trong thế giới bất tín, phản bội, tráo trở, đổi trắng thay đen ấy, đạo đức, nhân cách, văn hóa nền tảng bị băng hoại, người nghệ sĩ như chiếc lá giữa dòng. Nghệ thuật trượt theo những giá trị ảo, ngày càng xa rời cuộc sống, xa rời con người và sứ mệnh của nó.
Tiểu thuyết đả phá vào cái giả dối của xã hội, từ góc nhìn dấn thân, không ngần ngại ra đòn tấn công trực diện. Những con người háo danh đó chẳng hiểu gì giá trị và nghệ thuật, mà chỉ cười cợt, lợi dụng nghệ thuật để làm cái bình phong cho mình. Nhân vật bô bô nói: “Màu sắc của xã hội nó thế, con người ta phải huyễn hoặc mình mới có sức mà sống”, “Bây giờ no đủ rồi, có mỗi cái danh còn thiếu, mua được gì là cứ mua”. Rồi “Nghệ thuật đại chúng là số 1”. Đó là sự bao biện và ngụy tạo cho sự háo danh và nền mỹ học thấp kém. Con người thù hận, bị ám ảnh, tự cắt da thịt nạo vét xương mình như ông Mẫn có ý nghĩa biểu trưng cho sự hư nát của tâm hồn và thể xác trước sự hủy hoại của hư danh.
Những thủ đoạn táo tợn, trò đố kỵ, ích kỷ, hèn mọn mất liêm sỉ để đạt được mục đích là cái danh mà bản chất là sự đánh lừa xã hội về giá trị của bản thân mình. Mũi nhọn công phá, thông điệp và ngón đòn mà Nguyễn Văn Học tung ra lần này là đáng kể. Căn bệnh trầm kha nguy hại cho xã hội là bệnh háo danh. Kết thúc tiểu thuyết phần lớn các nhân vật đều chưa nhận ra bi kịch háo danh, vì họ đang còn bị cuốn theo cơn lốc. Nên tiểu thuyết đã làm nhiệm vụ mở ra, phơi bày một thực trạng. Những cá nhân cuồng loạn và ám ảnh, quyết chí làm loạn xã hội để thỏa mãn bản thân, dẫn đến sự lệch lạc méo mó khi phán xét và định giá nghệ thuật. Thông điệp này ít ra cũng là ánh sáng đối với các bạn trẻ. Nó giúp chúng ta hiểu đâu là thực chất, là giá trị sáng tạo, là nhân cách và cái giá phải trả của mỗi con người.
Chúng ta nhìn thấy ở Nguyễn Văn Học những phẩm chất có triển vọng của một nhà tiểu thuyết, một nhà văn dấn thân, trong tương lai xa xa. Bằng một loạt truyện ngắn và tiểu thuyết, anh đã dùng ngòi bút để đi vào xã hội, khám phá những góc khuất của đời sống và số phận con người. Trong tinh thần anh có sự âu lo cho một xã hội đang ngày càng tàn ác và vô cảm. Ở tác phẩm này Nguyễn Văn Học có đóng góp về sự sáng tạo cách điệu, góc nhìn, ý thức đổi mới. Ngôn ngữ kể rất say mê trong sáng, hấp dẫn, bám chặt đề tài, trực tiếp truyền đạt thông điệp. Nhưng đôi khi cũng còn hơi đơn giản, dễ hiểu, kể tả thực những điều mắt thấy tai nghe, theo tinh thần của tiểu thuyết phóng sự. Tiểu thuyết của Nguyễn Văn Học có nhiều vốn sống, chiều sâu suy tưởng, có sự lựa chọn các chi tiết, để tiến thẳng đến mục đích cuối cùng là tiếng nói công phá. “Hỗn danh” xới lên trọn vẹn một vấn đề tế nhị, nhạy cảm, đáng chú ý của con người đương thời, với tinh thần đả kích cùng giọng điệu phê phán mạnh mẽ. Tính chất giễu nhại, cười cợt, đôi khi sắc bén, chua chát, đã có ở tác phẩm Nguyễn Văn Học. Đối với anh, một nhà văn bằng một cách nào đó, trong tác phẩm của mình, đưa được một vài thông điệp đến bạn đọc đã là thành công rồi. Xét theo nghĩa đó, tiểu thuyết “Hỗn danh” là thông điệp tích cực của anh gửi đến những người đang làm nghệ thuật, cũng như một xã hội đang thụ hưởng nghệ thuật, là đừng đối xử với nghệ thuật một cách tàn nhẫn, ngu tối, vì nghệ thuật là cái phần hồn đẹp đẽ tinh túy nhất trong mỗi con người.
T.T.N.L