Gói ghém heo may – Gói cảm xúc cho đời

763

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi nhìn cánh hoa trắng lẻ loi phía góc phải trên trang bìa 4 của quyển tạp bút “Gói ghém heo may” của nhà văn Nguyễn Hiệp mà thấy trong từng sát na trí nhớ của mình gọi về cả một miền ký ức ngày xưa.

Tập tạp bút “Gói ghém heo may” của nhà văn  Nguyễn Hiệp

Con người ta lúc nào đó không cần đến tấm gương soi vẫn rõ mồn một mình là ai, mình cần gì, đối diện thật thà với chính mình… Con người ta lúc nào đó bụi phù hoa không còn bám được, một tô canh tập tàng của thời nghèo rớt mồng tơi, nghèo rơi nước mắt vẫn trở thành lẽ sống, vẫn trở thành báu vật vô giá

Tôi nhìn cánh hoa trắng lẻ loi phía góc phải trên trang bìa 4 của quyển tạp bút “Gói ghém heo may” của nhà văn Nguyễn Hiệp mà thấy trong từng sát na trí nhớ của mình gọi về cả một miền ký ức ngày xưa. Nếu báu vật của tác giả là tô canh tập tàng, thì báu vật của tôi là dĩa chuối cây luộc với muối, một thời.

Lật 156 trang sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ phát hành quý 4 năm 2018, tôi bị cuốn hút bởi những câu chuyện của anh, từ nội dung, cách thể hiện, ngôn ngữ và cả những cảm xúc rất thực, rất đời, mà phải là người trải qua lắm nỗi gian truân, thăng trầm của cuộc sống, nếm từng cung bậc của các giác quan thì mới đủ dày, đủ tỉnh mà góp nhặt tiếng lòng trải ra trên từng trang viết.

22 góc nhìn của quá khứ, hiện tại và tương lai đã dẫn dắt tôi một mạch từ đầu đến cuối, những tưởng một mình mình đối diện với từng câu, chữ của nhà văn, nhưng không, đọc bài nào của anh tôi cũng thấy quanh mình có những phận người, phận đời, phận cây, phận đất… cứ như đang song hành, đang bước vào đời sống hiện thực của mình, dù ngay cả lúc nửa đêm khi ngồi đọc quyển sách này.

Ngay tác phẩm đầu tiên có chút gì mong manh nhớ, tôi thấy ngay bản lĩnh của một nhà văn từng trải nơi anh Nguyễn Hiệp. Câu chuyện đơn giản như một lời kể nhẹ nhàng nhưng đủ sức cuốn hút ánh mắt người đọc không thể rời đi. Khi sống ly hương, giữa đủ đầy vật chất xa hoa, người ta lại thấy thiếu. Cái thiếu của người canh cánh nỗi nhớ quê khi thèm và nấu món ăn mang hồn quê đất Việt, không phải là cái gì cụ thể được bày biện trên bàn ăn ngay giữa kinh đô ánh sáng Paris, mà là thiếu cái không định hình, không thấy được. “Thiếu ngọn gió sau hè”. Tôi nhìn qua song cửa của đêm, và ước gì tựa của tác phẩm này anh bớt đi chữ “Thiếu”. Chỉ 4 từ “Ngọn gió sau hè” thôi sẽ làm cho độc giả thăng hoa hơn khi nhân vật người đàn ông trong tác phẩm nhìn xa xăm, bần thần một lúc rồi hạ giọng: “Thiếu… ngọn gió sau hè”. Lúc này chữ “Thiếu” sẽ tạo một hiệu ứng tuyệt vời trong cảm xúc bất ngờ, đủ tràn lên mi mắt ít nhất hai chữ rưng rưng.

“Cái ngọn gió sau hè ấy không đơn thuần là ngọn gió sau hè, nó chất chứa bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là niềm thương, nỗi nhớ, nó chất chứa kho báu ký ức của cả một đời người”

Tô canh tập tàng hóa ra lại là một báu vật mà những ai từng đi qua cái thời khó khăn túng thiếu của đời mình thì sẽ trân trọng và mãi mãi xem đó là món ăn ngon nhất, giàu dinh dưỡng nhất, dinh dưỡng của tâm hồn.

“Tóc đi qua mùa thu bạc trắng/ Lá đi qua mùa thu lá vàng”

Ngày sinh của mùa thu” là thế, con người bước vào tuổi mùa thu là thế, chiêm nghiệm, đằm sâu, lắng đọng từng cảm xúc, góc nhìn. Bởi “khi những từng trải dày lên, khi những ưu tư dày lên, khi những điều ngộ ra làm mình ngỡ ngàng, rưng rưng, khi đối diện chính mình, khi những cơn độc thoại không còn lời, con người chỉ ngồi nhìn sắc vàng mê đắm. Khi ấy mùa thu sinh ra”.

Bước qua tuổi xuân, tuổi xanh với mơn mởn lá, con người bước đến tuổi của thu, mà nơi đó, ít hay nhiều những chiếc lá vàng đã bắt đầu rơi rụng dần, bạn bè ngày xưa xa vắng dần, thi thoảng gặp nhau đếm tuổi của nhau, để thực sự biết buồn, hiểu vui, biết đời người mong manh lắm, mong manh bởi quy luật của tạo hóa vốn đã vĩnh hằng: xuân, hạ, thu, đông.

“Này em trong gió có sen/ Trong ma có Phật, trong đen có vàng”

Đọc “Trong gió có sen” những tưởng sự rạch ròi, phân định giữa nên và không nên, giữa tích cực và hạn chế, giữa những điều được và mất sẽ đề cập một cách cụ thể, nhưng ở đây, khi đọc đến dòng cuối cùng của câu chuyện này, bạn đọc mới nhận ra không có ranh giới nào từ tiếp nhận tri thức đến cảm thụ và hành động trước muôn vàn sự biến thể của sự vật mà không từ ý thức của từng người. Con người có quyền lựa chọn cách sống cho mình, cô đơn trong thế giới phẳng, thế giới ảo, hay sống thật với những mối quan hệ xung quanh mình đều do cách nhìn của bản thân. “Nếu biết cách sẽ nghe được mùi sen trong gió, là hương sen thật chứ không phải là mùi bụi bặm

Tôi dừng lại một lúc trước câu hỏi: “Hườm hườm tuổi xế, người ta vẫn có thể đi tiếp quãng đời còn lại hài hòa hơn những điều có thật vừa nêu không?”, rồi mỉm cười mà trả lời nhà văn một cách cân bằng là: “Có!”, bởi khi đắm mình vào thế giới tự nhiên trong tâm thế bình an nhất thì cuộc sống không quay lưng lại chính những điều chân, thiện kìa mà. Hãy sống “Đơn giản như số phận” của mình thì mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng như “buổi sáng thức giấc, nắng trong vườn sạch sẽ, nhẹ bâng, nhảy nhót” vậy thôi.

Thế nhưng, khi lật đến trang 69, tôi dừng lại rất lâu, không phải vì những con chữ mà vì một bức tranh mang tên “Nắng lạnh của chính chủ nhân quyển sách này – Nhà văn Nguyễn Hiệp vẽ. Một chú chim nghiêng đầu nhìn sang con nắng, trơ trọi cành khô giữa vách núi và hang nước. Bức tranh màu lạnh, đen trắng trầm buồn. “Nắng như là không nắng, một chút vàng trinh phớt qua vạn vật cũng đã đáng trân trọng, đáng ngẫm ngợi, đáng suy tư trong những ngày mùa đông… Cái thứ nắng như cánh bướm chỉ dừng lại một tích tắc rồi vỗ cánh bay đi…” Giữa đông, tác giả nhìn nắng một cách tinh tế và so sánh rất nhẹ nhàng nhưng đủ để người đọc nhìn lại mình và tự hỏi “đã bao giờ ta nhìn nắng hay chưa?”, hay cứ mãi trốn nắng, tránh nắng trong bốn bức tường với máy điều hòa nhân tạo? Có thể người trẻ sẽ phủ nhận quan điểm của người viết hay của chính tác giả, bởi cuộc sống hối hả, gấp gáp và thực dụng này thì ai đâu có thời gian mà nhìn nắng. Có chăng khi bước vào “Khoảnh khắc tuổi chớm đông” thì người ta không còn bận bịu gì với cơm áo gạo tiền, họa may sẽ có thời gian dành cho mưa, cho nắng. Song, cuộc đời đâu thể biết trước điều gì sẽ xảy ra, đâu thể hoạch định cho mình một tương lai theo khuôn mẫu. Có khi bước vào tuổi tàn đông rồi mà vẫn còn trăn trở với chính cuộc sống bản thân.

“Bức màng nhung khép lại/ Con phù du giật mình”

Ngôn ngữ đời sống, nếu lắng nghe ta sẽ thấy tự nó tồn tại, phát triển, đủ sức để diễn tả bất cứ ngóc ngách nào, trạng thái nào, dị chứng nào, nó là biểu tượng tự thân của chính những gì đang diễn ra”. Đó là “Những mảnh vụn một ngày” mà nếu nhìn thì sẽ thấy, đã thấy thì phải hiểu. Hiểu đến xuyên thấu bản chất của sự vật, sự việc như trong “Đôi dép đeo khoen” ở trang 84. Bạn đọc hẳn sẽ đồng ý với tôi đây là tác phẩm giàu cảm xúc yêu thương nhất của tập sách này. Hình ảnh cô học trò nhỏ phụ tiếp đẩy xe rau lang “lút đầu lút cổ” của thầy lên con dốc đứng mà dưới chân cả hai thầy trò là những ụn cát pha vôi. Chiếc xe rau khựng lại liên tục khi gần lên đỉnh dốc. “Bỗng một chiếc dép bên chân trái của thầy văng ra. Vừa hì hụi đẩy cô học trò nhỏ vừa quờ tay lượm chiếc dép cho thầy, chợt nhói đau… rồi nhìn kỹ chiếc dép nhựa đen tái chế, một cọng kẽm được xỏ khâu từ quai vào đế dép, chính cái đầu kẽm nhô ra phía dưới vừa đâm vào tay cô học trò nhỏ. Và sau cú đạp mạnh ép văng vừa rồi, một bên quai đã rách hẳn, vết khâu toát ra để lòi cọng kẽm nhô nhô cong cong dúm dó như ai đó đã đeo chiếc khoen hư cho chiếc dép”. Hình ảnh người thầy vất vả trong cuộc sống đời thường, lao nhọc mưu sinh, và hình ảnh chiếc dép tái chế kia không hẳn là sự thương cảm đơn thuần, mà nó thật sự chạm vào trái tim người đọc với tất cả cảm xúc trân quý, yêu thương của một thế hệ học sinh ngày xưa với tất cả lòng tôn kính dành cho thầy giáo của mình.

Và lẽ đó, nhìn lại cuộc sống hôm nay bạn đọc càng thấy chua xót hơn, bức xúc hơn khi đâu đó trong xã hội này còn nhiều những câu chuyện không vui.

“Lúa con chết chửa kịp già/ Bên là nước mặn, bên là phù hoa”

“Nhặt lại quê giữa phố” ta thấy nỗi lòng trăn trở của nhà văn khi phản ánh cái thực tại không thể bao biện bởi cảm giác bần thần và hụt hẫng khi nghĩ đến cái làng quê bao đời vốn yên ã, thanh bình, thì nay đã “ô nhiễm và loạn xạ nhịp sống lai căng. Những xăm mình xăm mẩy, những tóc vàng tóc đỏ, những “seo-phi” ngồi lên cả đầu Phật, tượng Chúa, những thích thì làm thôi, những sẵn sàng mua bán cả trần gian, không cần biết em là ai, được voi sao không đòi luôn Hai Bà Trưng cho sướng…” ngôn ngữ, cảm xúc, thái độ, lý tưởng, hạnh động và trí thức của làng chẳng ra làng, quê chẳng ra quê, phố không phải phố ấy đã luôn day dứt, ám ảnh biết bao người bởi chữ “sợ” luôn thường trực vây quanh. Từ bác nông dân đến chị bán cá, từ các cháu mầm non đến sinh viên đại học, tất cả các giai tầng trong xã hội ít nhiều bị tác động mạnh mẽ bởi một thế giới phẳng, thế giới ảo nhưng đầy ma lực và sức hút lôi vào. “Không chỉ ở thành phố lớn mà những nỗi sợ hãi ngày càng lan tới tận các miền quê xa xôi, nó tạo thành sự bất an thường trực trong tâm hồn những con người vốn chất phát, thật thà, chỉ quen với sự bình yên, khó nhọc một nắng hai sương. Một phần do tác dụng “dao hai lưỡi” của các trang mạng xã hội, phần khác do cách làm báo, đa phần cố tình giật tít câu view, và quan trọng hơn hết là người miền quê đa phần chưa tiêm vắc xin chống sợ hãi”.

“Con sâu muốn qua sông/ Nở thành cánh bướm…”

Lẽ đó mà trong tuyển tập tạp bút này đã có nhiều cánh bướm đã qua sông, chở theo trên lưng mình những câu chuyện của hôm qua, của một thời chiến tranh khốc liệt, của một thời gian khổ mà lung linh nhân cách, sáng ngời lý tưởng “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”(*). Những người con đã anh dũng hy sinh cho cành mai mùa xuân nở ra những cánh hoa đỏ huyết; những người mẹ thương khó tảo tần một nắng hai sương nuôi lớn con mình; những lần chia ly vĩnh viễn của bao thế hệ cha anh mà người còn lại phải canh cánh bên lòng trong hành trình tìm người thân đồng đội… Đọc “Lá đỏ nghiêng trôi; Một thời Tết cũ; Bảng chỉ dẫn mùa Xuân...” tôi hiểu anh, nhà văn Nguyễn Hiệp gởi đến bạn đọc thông điệp gì trong “Gói ghém heo may”.

Những cơn gió hiu hiu, lành lạnh, khô khô khe khẽ luồn xuyên làm úa vàng lá cây trong vườn, nhưng lại làm xanh những nỗi nhớ, những cơn gió chỉ dợm run rẩy mặt hồ nhưng lại làm cho lòng người xao động…

Hành trình làm người cũng giống như hành trình của con bướm qua sông. Không có con sâu xanh khỏe mạnh, không có cái kén khổ đau cam chịu”, thì bên kia bờ sẽ không thể nào có một cánh bướm xanh.

L.N.M.H

(*) Thơ Tố Hữu