Hai vị tướng đáng kính – An Linh Yến

167

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thực ra tôi chưa có may mắn làm lính trực tiếp của hai ông. Nhưng từ hơn nửa thế kỷ nay, tôi đã nghe tiếng tăm hai ông với những giai thoại của một người lính Cụ Hồ.

Vị tướng thứ nhất là Lê Nam Phong. Ông quê ở Nghệ An vào bộ đội từ thời Cụ Hồ dựng nước.  Trận Điện Biên Phủ- 1954, ông là Đại đội trưởng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho ông cái tên nghe hài mà thực tế: Đại đội trưởng đầu trọc. Chuyện thế này, lúc đó bộ đội ta phải đào chiến hào ngầm. Để tiện tác chiến ông Nam Phong động viên bộ đội cạo trọc đầu. Ông bảo, thứ nhất, chui hầm hào không vướng. Thứ 2, khi đánh giáp lá cà với Tây không bị chúng nhúm tóc nhấc lên.

Tôi gặp ông khi cơ duyên đến. Ấy là lúc từ Mặt trận 719 thay vì ra nhận chức Phó Tổng Tham mưu trưởng, ông về làm hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân 2. Ban Đại diện phía Nam

báo QĐND do nhà báo Phạm Đình Trọng làm trưởng ban kết nghĩa với trường SQLQ2. Là phó ban, tôi được bác Trọng giao làm việc với các cơ quan của trường để tổ chức lễ kết nghĩa và nhận khu rừng bạch đàn hơn 10 ngàn mét vuông cho Ban Đại diện. Tôi gặp cụ Nam Phong và mục sở thị sự kính trọng, tin tưởng của mọi người đối với ông. Đáp lại, ông cũng quý tôi như một người lính thân cận. Tính tuổi ông Nam Phong ít hơn cha tôi một giáp nhưng lại hơn mẹ tôi ba tuổi. Nên đôi khi tôi cũng gọi ông là bố như hầu hết cán bộ trẻ, học viên ở đây vẫn xưng với ông.

Khoảng chục năm có lẻ, trước khi ông về với tổ tiên,mỗi lần ở nhà hoặc đâu đó có việc, ông luôn dặn con trai nghĩa tử của ông là Vũ Hường: “Mày gọi ông Trọng với ÔT đến chơi”. Và, được tin bận mấy tôi cũng có mặt. Tuổi cao, mắt kém nhưng ông vẫn đọc báo hàng ngày. Tôi có bài, kể cả thơ đăng trên báo QĐND, SGGP hay Thanh niên…, đọc xong ông đều gọi điện nhận xét.

Ngày ông rời cõi tạm, tôi có mặt từ sớm chia tay vĩnh biệt vị tướng mà mình hằng kính trọng. Nhìn gương mặt ông thanh thản như đang ngủ, tôi

nhớ lại khuôn mặt đầy nước mắt của vị tướng dạn dày trận mạc khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ấy là khi Đại tướng và phu nhân thăm trường SQLQ2, lúc đó ông Nam Phong là hiệu trưởng. “Anh Cả ơi, chúng em thương Anh nhiều lắm!”- Ông Lê Nam Phong ôm  Đại tướng nói trong nước mắt.

Vị tướng đáng kính thứ hai là Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 7 thời chống Mỹ. Ông quê ở Thái Bình, nhập ngũ từ thời đánh Pháp. Trung tướng Nguyễn Văn Thái là

người có phong cách mẫu mực của người lính Cụ Hồ. Ông luôn được giao nhiệm vụ liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng. Khi làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn TCCT, khi làm người phát ngôn của Quân tình nguyện VN ở CPC; lúc làm Chính ủy Học viện Lục quân; cả khi làm Trưởng ban Liên lạc TCCT tại TP HCM, lúc nào tướng Thái cũng là người chu đáo, trọn nghĩa, vẹn tình. Tôi gặp ông lần đầu khi từ Trung đoàn 174 về làm phóng viên báo Quân khu 7, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Xét ở một góc nào đó, ông chính là một trong những người thầy đầu tiên dẫn dắt tôi vào nghề báo chí. Tôi nhớ, cách đây hơn 40 năm, thời tôi làm Thư ký tòa soạn báo QK7, mỗi lần có dịp vào công tác phía Nam, ông Thái đều tranh thủ ghé thăm chúng tôi. Ông nhận xét đánh giá tờ báo Quân khu và khuyến khích chúng tôi không ngừng học tập, cải tiến, đổi mới tờ báo. Với vị trí Cục trưởng Cục Tuyên huấn, cơ quan được TCCT giao quản lý báo chí toàn quân, ông động viên: “Tờ Quân khu 7 của các cậu được đấy, là một trong những tờ đứng đầu khối báo chí Quân khu, Quân đoàn…”

Đã sang tuổi 94, Trung tướng Nguyễn Văn Thái vẫn được mọi người tín nhiệm làm Trưởng ban Liên lạc TCCT tại TP HCM. Tôi làm phó ban giúp việc cho ông. “Nhiệm vụ chính của Ban Liên lạc là cầu nối, chăm lo đến anh em. Ai đau ốm, khó khăn, hoạn nạn, ta phải chia sẻ, hỏi thăm…” Trung tướng Nguyễn Văn Thái dặn chúng tôi như thế.

Con người là sản phẩm xã hội. Thời nào cũng có những ông tướng. Trung tướng Lê Nam Phong- Trung tướng Nguyễn Văn Thái – hai người đồng đội đã sát cánh bên nhau từ Đường 13- Tàu Ô- Xóm Ruộng đến Xuân Lộc- Long Khánh thời chống Mỹ là những vị tướng trận có cốt cách riêng, không thể lẫn vào đâu được ./.

Tháng 6-2023 

A.L.Y