Hàn Mặc Tử và giai điệu thơ trăng

3199

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hàn Mặc Tử (1912-1940) là bút danh chính thức của nhà thơ tên thật Nguyễn Trọng Trí. Nhắc đến thi sĩ, không ai tránh khỏi ngậm ngùi cho số phận nghiệt ngã của một thi tài bạc mệnh mà từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi mất, mãi gặp cảnh nghiệt ngã đau thương…

Nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Ngoài việc cộng tác với các báo, Hàn Mặc Tử để lại: + tập thơ: Lệ Thanh thi tập (tập thơ Đường), Gái quê (1936), Thơ điên (sau đổi thành Đau thương, 1930) gồm ba phần: Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và Hồn điên); Xuân như ý,  Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên; + Hai vở kịch thơ: Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội (viết dở dang) ; +Tập văn xuôi (như một tùy bút đầy chất thơ): Chơi giữa mùa trăng. Cuộc đời nhà thơ là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ: ca khúc “Hàn Mặc Tử” (Trần Thiện Thanh) và một vở cải lương, một phim truyền hình được thực hiện mang tên nhà thơ. Nhiều tác phẩm của Hàn Mặc Tử được in lại. Hiện nay, tên của thi sĩ được đặt cho nhiều con đường tại Phan Thiết, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng…

Sau ngày nước thanh bình, bên cạnh những tác giả hiện thực phê phán và hiện thực cách mạng, tác phẩm của những nhà văn, thi sĩ nổi tiếng thuộc dòng văn học lãng mạn như Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Hàn Mặc Tử,… được chính thức giảng dạy ở nhà trường với phần giới thiệu khách quan. Với Hàn Mặc Tử, nhà thơ mới thuộc dòng văn học lãng mạn tiền phong đã có đến hai bài thơ được chọn giảng dạy ở bậc Trung học: Mùa xuân chín (lớp 9) và Đây thôn Vỹ Giạ (lớp 11). Phần lớn những bài thơ của Hàn Mặc Tử gắn liền với hình tượng trăng, và tạo nên giai điệu đặc biệt ở những bài thơ trăng của thi sĩ.

Những bài thơ nói về trăng dạt dào giai điệu của Hàn Mặc Tử là Tiếng hát đau thương của nhà thơ tài hoa bất hạnh này. Xưa nay, thi ca (poetry/poésie) vốn đã có sẵn âm ba lên xuống theo sóng hình sin (sinoide) trong từng chữ câu thơ, tạo nên giai điệu (melody/mélodie) như những “ton” cao thấp trong bản nhạc. Điều này càng dễ thấy ở thi pháp Việt Nam qua niêm luật và sáu thanh từ không dấu đến dấu nặng. Dù cuộc đời có nghiệt ngã khổ đau, Hàn Mặc Tử vẫn có những bài thơ vững vàng thi pháp (prosody), tứ thơ rất thâm thúy, nghệ thuật vững vàng và âm điệu phong phú.

Là một trong “Bàn thành tứ hữu” (Bốn người bạn văn ở thành Đồ Bàn), cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên, cùng với Bích Khê (1916-1946), Hàn Mặc Tử là những tên tuổi nổi bật trong phong trào thơ mới, được nhiều người coi là nhà thơ tiền phong của trào lưu thi ca lãng mạn Việt Nam, tiêu biểu cho Trường Thơ Loạn (hay Thơ Điên)  tuyên ngôn  tuyên ngôn là bài tựa tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên.

Ông cố Hàn Mặc Tử họ Phạm, gốc người Thanh Hóa vì liên quan đến quốc sự nên con trai là Phạm Bồi phải lánh vào Thừa Thiên Huế và đổi ra họ Nguyễn, sinh ra Nguyễn Văn Toản. Ông Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy thuộc dòng dõi một ngự y có tiếng thời Tự Đức sinh ra được 8 người con gồm 6 trai 2 gái. Trong đó Nguyễn Bá Nhân là người anh cả đã dìu dắt Hàn Mặc Tử vào con đường văn chương và người em ruột kế tiếp Hàn Mặc Tử là Nguyễn Bá Tín chính là người đã cải táng mộ nhà thơ từ Qui Hòa về Ghềnh Ráng (năm 1959) sau khi gần hai mươi năm nhà thơ qua đời. Gia đình ngoan đạo Công giáo, Nguyễn Trọng Trí sinh ra tại Quảng Bình khi thân sinh đang làm Chủ sự Sở Thương Chánh Nhật Lệ – Đồng Hới. Lớn lên, Hàn Mặc Tử theo cha đi nhiều nơi như Sa Kỳ, Qui Nhơn, Bồng Sơn… đến đâu học ở trường tại đấy. Sau khi cha bị bệnh mất (1926), Hàn Mặc Tử được mẹ cho học tiếp trường Pellerin, Huế. Ngay từ thuở mới sinh ra, Hàn Mặc Tử quá bé nhỏ (theo nhà văn Trần Thanh Mại), lớn lên ốm yếu nhưng hiền lành, hiếu học, hay giao du với bè bạn yêu thích văn thơ. Tính lãng mạn của nghệ sĩ bắt đầu từ nhỏ khi Hàn Mặc Tử hay ra bờ biển một mình ngồi trên mõm đá, đăm chiêu nhìn cảnh mặt trời lên vào bình minh và bóng hoàng hôn bãng lãng buông xuống vào những buổi chiều.

Anh chị em của Hàn Mặc Tử.

Bắt đầu sáng tác sớm (năm 16 tuổi), Hàn Mặc Tử đã có bài “Thức khuya” (trong Lệ Thanh thi tập), cùng với các bài: Chùa hoang, Gái ở chùa,… làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật được danh sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) đề cao, họa lại và giới thiệu đăng báo. Sau khi bị rút lại suất học bổng đi Pháp vì quá thân thiết với nhà cách mạng Phan Bội Châu, Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn (năm 21 tuổi). Ban đầu làm việc ở sở Đạc Điền, tiếp tục làm thơ và viết báo, Hàn Mặc Tử ký với các bút danh: Minh Duệ Thị, Lệ Thanh, Phong Trần, Hàn Mạc Tử rồi sau cùng, nghe theo ý kiến của nhà thơ Quách Tấn, lấy luôn bút danh Hàn Mặc Tử cho đến cuối đời.

Tác giả “Mùa cổ điển” (1) viện lẽ ý nghĩa không ổn của các bút danh trước: Lệ Thanh nghe có vẻ thục nữ yểu điệu, Phong Trần hàm ý cuộc đời gió bụi truân chuyên, Hàn Mạc Tử là kiếp rèm lạnh cơ hàn. Với Hàn Mặc Tử, chỉ anh chàng bút mực tức là khách văn chương nghe được hơn cả.

Khi phụ trách trang thơ cho báo Công Luận tại Sài Gòn, Hàn Mặc Tử còn cộng tác thêm một số báo khác như: Trong Khuê Phòng, Tân Thời. Tại thời điểm tài năng thăng hoa của nhà thơ lúc này, ở Phan Thiết có Mộng Cầm cũng làm thơ và hay gởi thơ đăng báo. Hai người bắt đầu trao đổi nhau thư và thơ, sau đó Hàn Mặc Tử quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn đẹp như một áng tình thư nảy nở ra giữa hai tâm hồn nghệ sĩ hoa niên đồng điệu với những cuộc hẹn đi chơi chung. Người ta nói có một lần đôi tình nhân đã gặp nhau tại lầu Ông Hoàng (Phan Thiết) gần nghĩa địa vắng vẻ có ngôi mộ mới mai táng trong một chiều u ám lất phất mưa rơi. Về sau, nhiều người quan tâm đến Hàn Mặc Tử, đã băn khoăn về cái không gian đầy âm khí ma thiêng đó chẳng biết có ảnh hưởng gì đến chứng bệnh phong cùi quái ác của nhà thơ tài hoa này không? Theo gia đình, anh rể Hàn Mặc Tử – chồng chị Như Lễ – một viên chức làm việc trong ngành xét nghiệm, vào khoảng đầu năm 1935, đã xuất hiện những dấu hiệu của bệnh phong cùi trên cơ thể Hàn Mặc Tử. Nhưng nhà thơ không mấy quan tâm, nghĩ rằng đó là chứng phong ngứa, không có gì đáng lo.

Sau khi xuất bản tập “Gái quê” (1936), Hàn Mặc Tử đi Huế, Quảng Ngãi rồi dự định trở lại Sài Gòn, khi bà Bút Trà muốn mời Hàn Mặc Tử làm Chủ bút tờ “Phụ nữ Tân văn”, nhà thơ mới nghĩ đến bệnh tật của mình. Hàn Mặc Tử muốn trị dứt chứng phong ngứa rồi mới yên tâm vào Sài Gòn làm báo. Không ngờ, nhà thơ đã mắc phải bệnh phong cùi. Khi biết mình mắc bệnh nan y, Hàn Mặc Tử bỏ nhà đi thuê một chòi tranh ở Gò Bồi, cách Quy Nhơn mười lăm cây số và bắt đầu không tiếp xúc với bạn bè. Hai năm sau, Hàn Mặc Tử có biểu hiện bị chứng bệnh quái ác đó làm đau đớn dữ dội do người chung quanh nhận xét. Tuy nhiên, bên ngoài, không ai nghe nhà thơ rên rỉ khóc than vì nỗi đau đớn bệnh tật mà Hàn Mặc Tử vẫn âm thầm tiếp tục sáng tác, gởi thơ đăng báo. Có điều người đọc nhận ra ở thơ Hàn Mặc Tử dù chỉ gián tiếp biểu lộ, người đọc vẫn hiểu được lời thơ mô tả nỗi khổ ghê gớm bởi ác bệnh do trực khuẩn Hansen hành hạ nhà thơ. Cũng may, có người em bà con chú bác là Phạm Hành thương anh, bỏ học theo chăm sóc cho Hàn Mặc Tử.

Thi phẩm “Gái quê” của Hàn Mặc Tử.

Bên cạnh đó, trong số nhiều phụ nữ được nhắc đến trong cuộc đời tình ái của Hàn Mặc Tử như: Mai Đình, Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Ngọc Sương, Thương Thương… cũng có người đến thăm nhà thơ khi vướng bệnh nan y hay làm thơ biểu lộ tình yêu và sự cảm thông của mình với nhà thơ. Nữ sĩ Mai Đình đã dám xông vào con người phong hũi để an ủi Hàn Mặc Tử (@) viết nên những vần thơ vừa tỏ ra hờn ghen bực bội vừa thể hiện nỗi căm giận trời già gieo bệnh nan y cho nhà thơ: “Ai cấm người thơ yêu quá độ/… Và ai đặt chữ tình dang dở/ Mà để so le nghĩa thiếp chàng/ Em muốn phá tan cả đất trời/Cho lòng nhẹ bớt nỗi bi ai/ Thương anh càng thấy căm trời đất/ Gieo bệnh nan y để hại người” (Căm giận). Theo nhà thơ Chế Lan Viên, Mai Đình có tập thơ “Đôi hồn” (chưa in) gồm những bài thơ tình trao đổi giữa chị và Hàn Mặc Tử, sau này đi kháng chiến, Mai Đình là chiến sĩ thi đua, nhận được huy hiệu 10 năm giải phóng của thành phố Hồ Chí Minh. Mai Đình cũng tận tay cầm tặng tác giả “Điêu tàn” một tập Nắng Xuân  trong đó có đăng bài thơ “Sao anh không về chơi thôn Vỹ” của Hàn Mặc Tử tặng cho Hoàng Cúc. Còn “chị Hoàng Cúc, không như trong các sách nói là đã đi lấy chồng. Chị Hoàng Cúc vẫn sống độc thân, về sau đi tu. Tập thơ 50 năm xưa chị vẫn giữ, bút tích chị còn giữ, chị còn nhắn tôi “Tôi già rồi, chỉ còn có tập Nắng Xuân đó, anh giữ cho tôi” (Chế Lan Viên). Khi bệnh trở nặng, da mình khô cứng, bàn tay nhăn, Hàn Mặc Tử được đưa vào nhà thương phong Quy Hòa (20/09/1940) và mất vào ngày 11/11/1940) vì mang thêm bệnh kiết lỵ do uống quá nhiều thuốc tạp nhạp của thầy lang, bị hư hỏng tạng phủ.

Cuộc đời nhà thơ chỉ kéo dài hơn thập niên ngắn ngủi, Hàn Mặc Tử vẫn lưu lại trên văn đàn hậu thế một sự nghiệp văn chương quý giá. Từ những bài thơ Đường luật đầu tiên đến thơ mới làm theo nhiều thể loại về sau, Hàn Mặc Tử đã thể hiện một phong cách mượt mà tài hoa với thi tứ sâu sắc, ngôn ngữ trau chuốt và bút pháp không kém phần điêu luyện.

Tĩnh lặng dạo bước vào vườn thơ Hàn Mặc Tử, ta có thể nhận ra đầu tiên là tâm sự cô đơn, nỗi buồn thân thế cùng tấm lòng lo nước thương đời của một hàn sĩ trong cảnh quốc phá gia vong, trước thiên nhiên tạo vật vô tình: “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng/ Riêng một mình ta dạ chẳng an/ Bóng nguyệt leo song, sờ sẫm gối/ Gió thu lọt cửa, cọ mài chăn/ Khóc giùm thân thế, hoa rơi lệ/ Buồn giúp công danh, dế dạo đàn/ Trổi dậy nôm na vài điệu cũ/ Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn”. (Thức khuya) (2). Bài thơ Đường này nổi trội ưu điểm ở nội dung thâm thúy và niêm luật vững vàng, kết hợp với ngôn ngữ tượng hình (sờ sẫm, cọ mài), hình ảnh chọn lọc (bóng nguyệt, gió thu, hoa, dế), tu từ nhân hóa (leo song, sờ sẫm…;  hoa rơi lệ, dế dạo đàn vừa ví von mà pha hơi sex đọc rất thú vị, không gợn chất tục thường tình. Dù vậy, người đọc vẫn bắt gặp cường độ sex mạnh hơn cả Hồ Xuân Hương ở vài bài thơ khác của thi sĩ: “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi/… Ô kìa bóng nguyệt trần truồng lắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” (Bẽn lẽn).

Khi bệnh phong cùi trở nặng, Hàn Mặc Tử bắt đầu sáng tác những bài thơ tràn ngập màu trăng. Thực thể trăng hiện diện qua vần điệu của Hàn Mặc Tử không giống với ý nghĩa trăng trong thơ kim cổ đông tây. Nó không là màu trăng ủ dột mơ màng của rừng thu vàng úa trong thơ Lưu Trọng Lư: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức” (Tiếng thu) hoặc vầng trăng mơ cô lẻ u hoài  của những nghệ sĩ lãng tử, sông hồ rày đó mai đây như Nguyễn Bính: “Đêm nay trăng rụng về bên ấy/ Gác trọ còn nguyên gió thất tình” (Một mình) hoặc vầng trăng phân ly xa cách của Nguyễn Du “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (Truyện Kiều). Cũng hoàn toàn không có điều tương hợp gì với vầng trăng thu thanh bình tươi đẹp của núi rừng Việt Bắc qua hoài niệm thương nhớ ân tình trong thơ Tố Hữu: “Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” (Việt Bắc). Cũng không là vầng trăng hồn nhiên diễm lệ được nhà văn Pháp Chateaubriand (1768-1848) ca ngợi trong những trang văn đẹp đã coi trăng là bà hoàng của đêm đen (la reine de nuit), chú quạ vàng (le corbeau d’or) hay hành tinh cô độc (l’astre solitaire).

Trăng của Hàn Mặc Tử cũng chẳng phải là màu trăng buồn cổ tích, huyền thoại một thời chinh chiến xa xưa trong thơ Vương Hàn (687-735): Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại hàn san tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (Phong Kiều dạ bạc)- Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi/ Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn san (Tản Đà dịch thơ). Lẽ đương nhiên, ta chẳng bao giờ tìm thấy trong thơ Hàn Mặc Tử một bóng trăng nguyên thủy đẹp tươi, rạng rỡ cói ngời ánh sáng lạc quan giống như những vần thơ kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa hạc cũ với xuân này” (Cảnh rừng Việt Bắc) hay “Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Đi thuyền trên sông Đáy – Xuân Thủy dịch thơ).

Ở ngòi bút thơ tài hoa của Hàn Mặc Tử, đọc giả yêu thơ chỉ nhận được nỗi đau thương ghê gớm của nhà thơ thể hiện một cách gián tiếp sâu xa qua sự diễn tả chi tiết môi trường biểu trưng cho ác bệnh cùng tất cả nỗi dằn vặt đau thương dữ dội ở nhà thơ: “Gió rít tầng cao, trăng ngã ngửa/ Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say trăng). Dường như trăng là cơ duyên, là vàng, là ngọc khiến Hàn Mặc Tử say thơ và làm thơ: “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ/… Cả trời say nhuộm một màu trăng” (Đà Lạt trăng mờ). Dù thể xác đau thương, nhà thơ vẫn xem trăng là “trăng vàng, trăng ngọc”, khát thơ tác giả muốn uống cả trăng: “Có ai nuốt ảnh trăng vàng” (Uống trăng), trong yêu đương cũng chờ ánh trăng lên cho tình ái thêm nồng nàn “Yêu đương rót nước để chờ trăng lên” (Uống trăng) … Cả vũ trụ bao la quanh nhà thơ nhất thể đều là trăng “Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!…/ Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!…” / “Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!…” (Trăng vàng Trăng Ngọc).

Chưa dừng, trong đau thương, Hàn Mặc Tử coi trăng là nguồn cảm hứng duy nhất để nhà thơ gieo vần; ca ngợi cảnh đẹp Đà Lạt (Đà Lạt trăng mờ, Trăng vàng trăng ngọc.), say trăng, coi trăng như người yêu: “Tôi ưng quá, tôi ưng nàng/ Nàng xa xa lắm, ơi nàng Trăng ơi !” (Ưng trăng). Rồi cả miệng đầy Trăng (Một miệng Trăng), trong đê mê cảm xúc hay đau khổ tột cùng, nhà thơ muốn Rượt Trăng đòi Ngủ với Trăng), đòi sở hữu trăng riêng là của mình: “ Ô hô! Ta đuổi theo trăng! Ta đuổi theo trăng!/Trăng! Trăng! Trăng! Trăng! Trăng! …/ Hãy buông nàng xuống cho ta ẵm bồng” (Rượt Trăng)… Cả tập tùy bút đầy chất thơ “Chơi giữa mùa trăng” kể chuyện hai chị em Hàn Mặc Tử đi chơi thuyền giữa mùa trăng, thế giới du trăng cũng tràn ngập ánh trăng vàng huyền diệu… Là con chiên ngoan đạo, Hàn Mặc Tử có những vần thơ tôn giáo ca ngợi trăng cao: “Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm/ Xin ban ơn bằng cách sáng thêm lên” (Vầng trăng), / “ Cho lòng tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm” (Ave Maria).

Điệp khúc Trăng thật triền miên vô tận, hiển thị từng nhịp theo giai điệu biến hoá đặc thù trong tư duy, cảm nhận của nhà thơ như chẳng bao giờ dứt, Hàn Mặc Tử rõ là đã qua mặt ông Hoàng thơ tình Xuân Diệu về phép chơi tu từ điệp ngữ về trăng: “Trăng rất trăng là trăng của tình duyên” (Ca tụng- Xuân Diệu).

Đốt lò hương cũ để tưởng nhớ đến người xưa, các nhà văn học có lý khi xếp Nguyễn Trọng Trí vào làng “thơ loạn” hoặc “thơ điên”  bằng cách dựa vào thân thế và sự nghiệp của người thơ tài hoa bạc phận này. Chính Hàn Mặc Tử cũng tự nhận như vậy qua bức thư gửi cho một bạn văn: “Trí đã phát hiện tinh lực của hồn, của máu bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc, đồng một quan điểm với Baudelaire (4). Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội”. Do vậy, cuộc đời và thi ca Hàn Mặc Tử quả là đã không thiếu những yếu tố tiêu biểu trên, trong đó trăng là hình tượng nghệ  thuật trung tâm, hiện hữu với nhiều tính cách đặc thù. Trong những bài thơ xuất sắc của Hàn Mặc Tử mô tả nỗi đau cùng cực của nhà thơ, hình ảnh Trăng đã xuất hiện theo giai điệu đa âm đa dạng do hoàn cảnh bệnh tật nghiệt ngã của nhà thơ. Dường như, sự đau đớn vì bệnh ác càng dâng lên đỉnh điểm thì nguồn thơ càng sung mãn, chín muồi thêm để thi sĩ nhả ra những sợi tơ vàng, như một nhà thơ Pháp từng nói: “Những tiếng ca tuyệt vọng là tiếng ca hay nhất” (Les plus désespérés sont les chants les plus beaux – Alfred De Musset). Hiểu rõ hoàn cảnh và nhận xét xác đáng về Hàn Mặc Tử, người bạn thơ cùng nhóm của mình, Chế Lan Viên đã viết: “Cái lạ nhất là một con người phải trải qua những nỗi đau thể xác và tinh thần ghê gớm như vậy nhưng giọng thơ không bi qua mà luôn mơ ước, hướng tới thế giới vĩnh hằng”.

Minh Thư

*(1) Quách Tấn, nhà thơ Đường nổi tiếng

(2) Bài thơ họa lại của Phan Bội Châu, theo thiển ý không nên xếp ngang hàng được với bài xướng.

(3) Trong  bài thơ “La mort du Pélican” (Cái chết của con chim bồ nông)  – A. de Musset                                                

(4) Baudelaire (1821-1867): nhà thơ tượng trưng Pháp (Poète symboliste), tác giả “Fleur du Mal” (Ác hoa )                                  

(@) Chế Lan Viên: “Bài thơ thôn Vỹ – Thơ viết về Huế trước 1945” – Sông Hương,)