(Vanchuongphuongnam.vn) – Đêm đó tôi nằm mơ thấy mình đi trên một chiếc tàu ngang qua một đảo chìm, nước trong xanh thấy rõ xác một người lính nằm im bất động. Bỗng chốc người lính ấy biến mất, tại chỗ anh nằm một đóa san hô ở giữa là một đốm vàng, chung quanh là màu đỏ hiện ra ngạo nghễ giữa lòng biển trong xanh!
Nhà văn Võ Anh Cương
Chiếc xe chở đoàn du lịch chúng tôi rời quốc lộ số 1 đi xuyên qua một cánh đồng lúa đang thì con gái, đó là hướng ra bãi biển Dốc Lết. Nắng hong hóng vàng, mấy con cò chăm chỉ rình bắt cá như những nét chấm phá của một bức tranh làng quê yên ả. Qua cánh đồng lúa chiếc xe chạy dọc theo một làng quê với những ngôi nhà sơn ba màu chủ đạo là xanh dương, xanh lá và đỏ. Thoáng chốc làng quê bị bỏ lại sau lưng, đã thấy màu xanh của rừng dương.
Biển.
Biển một màu xanh ngăn ngắt đang phả những luồng gió mát rượi về phía chúng tôi. Tới tấp xuống xe, í ới tiếng cười, tiếng giục nhau của người lớn và trẻ con lọt thỏm vào không gian bao la muôn đời của biển. Có lẽ đoàn chúng tôi là đoàn khách đến tắm biển sớm nhất ở bãi tắm Dốc Lết sáng nay. Vài người bán tôm, mực, ghẹ… chào mời mấy người phụ nữ. Bỏ lại sau lưng những tiếng động của sinh hoạt đời thường, tôi dắt thằng con học lớp hai chạy xuống biển sau khi dặn vợ tôi đồ đạt để ở hai nhà dù số 7 và số 8 đã đặt trước. Tôi à vào biển, đã hơn một năm rồi tôi mới được bơi lặn giữa muôn trùng sóng nước. Mải tắm tôi quên mất thằng con lần đầu đi biển, cu cậu dường như lạ lẫm với tất cả và đang tần ngần trước biển. Tôi đi vào bờ gọi to:
– Bi, xuống tắm đi con!
Cu cậu lò dò đi ra mép sóng gót chân in trên cát với những nét tròn, Bi gọi:
– Ba ơi!
– Gì đó Bi, xuống tắm với ba đi?
Bi nhìn ra xa:
– Tại sao có sóng trắng và cả sóng không trắng hở ba?
Tôi lục lạo trong trí nhớ:
– Sóng có màu trắng là sóng bạc đầu. Để ba nhớ coi, sóng biển đơn giản do gió và giao động cộng hưởng khi trái đất quay theo trục ngiêng 23 độ 5 theo chiều từ đông sang tây nên bất cứ thời điểm nào sóng cũng vỗ vào bờ. Sóng được gió to thổi nên có biên độ giao động cao, ở thời điểm cao nhất, gió thổi mạnh làm vỡ nước tung bọt màu trắng gọi là sóng bạc đầu.
Dường như chưa thỏa mãn với câu giải thích của tôi, cu Bi nói:
– Trên mặt đất thì có hoa, trên mặt biển thì có sóng bạc đầu, sóng bạc đầu là hoa của biển, đúng không ba?
Tôi bí:
– Ba cũng không rõ, mà nếu sóng bạc đầu là hoa biển cũng hay Bi há?
Tiện thể tôi giải thích cho thằng con thế nào là sóng thần, sóng lửng và những dòng nước chảy từ bờ ra khơi cuốn theo bất cứ thứ gì rơi vào nó. Bi le lưỡi tỏ vẻ sợ hãi nhưng lại vui vẻ tập bơi. Tắm chán hai cha con tôi ngồi xây lâu đài cát, lúc này vợ tôi mới lửng thửng ra tới biển cùng với mấy người bạn, nàng ào vào biển như thể đang ấp iu một người tình.
Đám con nít đang chơi trên bãi biển bỗng tụ lại chỉ chỏ:
– Bà điên, bà điên!
Điên ư, một buổi sáng trời đẹp nắng vàng nỡ lòng nào lại có một người điên, tôi thoáng nghĩ. Quả thật không thể không dùng từ “điên” để diễn tả người phụ nữ đứng trước mặt tôi. Quần của chị, nếu cái thứ che hạ thể của người đàn bà có thể gọi là quần thì thật là tội nghiệp: một ống còn lại một nửa, ống kia thì tả tơi xơ mướp. Không thể nào xác định được màu nguyên thủy của chiếc quần. Đầu tóc chị rối như tổ quạ, chắc trước kia là một mái tóc dài mượt mà bởi coi dáng người thì chị dường như còn trẻ, khoảng trên dưới hai lăm! Chiếc áo màu vàng với cổ áo khoét rộng trễ tràng một khuôn ngực còn săn chắc tố cáo điều đó. Tôi ái ngại nhìn người phụ nữ điên và la mấy đứa trẻ:
– Các cháu đi chỗ khác chơi, đừng chọc người ta!
Chúng đồng thanh “dạ” một tiếng rồi tản ra. Cô gái điên bỗng ôm chầm lấy tôi la lên:
– Anh Tuấn, sao anh lại nỡ bỏ em!
Nói xong cô gái điên cắn một phát thật mạnh vào vai tôi rồi buông tôi ra:
– Cho anh chết, em ghét anh, em ghét anh… ghét anh!
Tôi hét lên đau đớn và đi thụt lùi ra sau mấy bước chân, cô gái điên nhìn tôi cười:
– Anh đau hả, đừng giận em nghen cũng tại anh bỏ em một mình buồn hiu buồn hắt!
Cô gái tiến tới, tôi lùi về phía sau, lũ trẻ con và vài người lớn chạy dồn về một phía đứng xem hai chúng tôi. Tôi phát một cử chỉ ngăn cô gái lại:
– Cô nhầm rồi, tôi không phải là anh Tuấn của cô!
Cô gái điên càng tiến tới, giờ mắt cô nhòa lệ:
– Anh Tuấn đừng bỏ em mà, anh về với em đi, em chờ anh ba bốn năm bảy tháng, em chờ anh một hai ba năm đời mà sao bây giờ anh mới về?
Rồi cô lảm nhảm những câu vô nghĩa, đang đi bỗng nhiên cô đứng phắt lại:
– Con quỷ… con quỷ… tao giết mày, sao mày lại giết anh Tuấn của tao, pằng pằng pằng…
Tay cô giơ ra hướng biển như đang cầm khẩu súng:
– Nó chết tươi rồi, nó chết tươi rồi… ha ha ha…
Cô gái điên chạy theo bờ biển miệng vẫn la lối không thôi cho tới khi cô mất hút phía xa xa.
Một tiếng thở dài của ai đó trong đám người bán hàng dạo “Tội nghiệp con nhỏ, chắc nó điên vì tình”, ai đó phản đối “Không phải đâu chị, bồ nó đi biển chết không trở về nó chờ hoài hóa điên luôn”.
Vợ tôi từ dưới biển đi lên, nàng xuýt xoa hỏi:
– Có đau lắm không anh, người điên cắn là nguy hiểm lắm!
Tôi an ủi nàng:
– Không sao đâu em, anh sẽ rửa bằng nước biển là sẽ hết ngay mà!
Quả thật sau khi kỳ cọ chỗ vết thương tôi không còn thấy đau rát nữa. Thằng Bi nãy giờ cứ theo sát chân tôi, miệng cu cậu méo sẹo trông đến tội “Ba ơi, ba có làm sao không ba?”.
Vết cắn của người con gái điên trên vai tôi cứ như là một ám ảnh khôn nguôi, vì sao một người từng bình thường bỗng trở nên điên loạn, bi kịch nào đã đến với cô gái chắc trước kia có một nhan sắc khá mặn mòi? Câu hỏi của tôi ném vào sự mênh mông của biển, chỉ có tiếng rì rào trả lời của những con sóng bạc đầu.
Nhiều năm trôi qua tôi không có dịp trở lại Dốc Lết, thời gian như nước chảy vô tình, hờ hững. Dấu vết của hàm răng cô gái điên trên vai tôi vẫn lờ mờ nhận ra mỗi khi soi gương, tôi băn khuăn tự hỏi không biết giờ cô gái điên còn hay đã chết, ám ảnh tia mắt nhìn và những lời lảm nhảm của cô khiến tôi thấy lòng mình lợn cợn nhiều đêm! Tôi nghe nói Dốc Lết đã thay đổi nhiều thứ, tinh tươm và sạch sẽ, không còn cảnh bán rong bận lòng du khách hay vô tư xả rác như một thuở ngày xưa. Tôi nhớ Dốc Lết như nhớ một người tình, tôi tương tư con sóng bạc đầu và bãi cát mịn màng trong một không gian trong xanh bao la vời vợi.
Người ta thường nói “cầu được, ước thấy”, niềm mơ ước về một kỳ nghỉ biển đến với tôi một cách bất ngờ. Số là ông anh rể tôi từ Mỹ về thăm quê hương sau hơn hai mươi năm đi định cư ở nước ngoài, anh rủ tôi về thăm quê anh ở Ninh Hòa. Được lời như cởi tấm lòng, tôi sắp xếp công việc theo anh Kính về quê. Thật ra ở Ninh Hòa bà con anh Kính chỉ còn lại gia đình người anh cả đang sống ngay thị xã, còn hai người chị một người ở Tuy Hòa, một ở Cần Thơ. Từ nhà anh Chính tôi và anh Kính mượn chiếc xe Honda dame cỗ lỗ sĩ của anh Chính chạy ù ra biển Dốc Lết. Thỏa thuê tắm, say đắm ngâm mình với biển cho hả cơn nhớ nhung da diết. Đó là cảm xúc của tôi, còn anh Kính chắc có khác đi một ít bởi nước biển với tôi có mặn thì với anh Kính sẽ thấy mặn hơn, quê hương như muối, thiếu muối dù cho sơn hào hải vị gì cũng trở thành vô vị!
Khi hai anh em ngồi dưới một gốc dương sau khi tắm xong, tôi mới sực nhớ câu chuyện nhiều năm trước cô gái điên cắn vai tôi cũng tại chỗ này. Cảnh cũ thì còn, người xưa không biết ra sao? Số kiếp nghiệt ngã của cô gái điên khiến tôi trầm tư, nắng vàng trên bầu trời Dốc Lết bỗng nhiên cũng sậm màu hơn thì phải? Tôi mang nỗi niềm về nhà anh Chính, lúc nằm nghỉ buổi trưa trên chiếc đi văng tôi vô tình bắt gặp một tia nhìn từ bức ảnh một cô gái, có lẽ là con anh Chính. Tia nhìn người trong ảnh sao quen quá, tôi ngờ ngợ đã gặp cặp mắt này một lần nào đó. Sau một hồi nhắm mắt để cho trí óc tập trung, tôi chợt nhớ đến cô gái điên cũng đã nhìn tôi như vậy. Chẳng lẽ nào con gái anh Chính lại là cô gái điên năm ấy? Tôi ngối bật dậy nhìn kỹ bức ảnh quả nhiên khuôn mặt người trong ảnh khác với cô gái điên trong trí nhớ của tôi, điều này khiến tôi thấy lòng mình dịu lại.
Buổi chiều anh Chính tổ chức một tiệc rượu với món chính là cá thu và ghẹ tươi roi rói được anh Chính tận tay mua ngoài chợ, thêm một lít rượu thành một bữa nhậu ra trò. Ngà ngà sau mấy ly rượu mạnh, tôi hỏi anh Chính:
– Dòng họ nhà anh định cư ở Ninh Hòa bao nhiêu đời rồi hả anh?
Anh Chính cầm ly rượu trên tay xoay xoay, mắt anh hơi nhíu lại:
– Đến đời tôi và chú Kính là đời thứ mười bốn, ông cụ tổ sinh cơ lập nghiệp ở đất này nguyên là bộ tướng của quan Cai Cơ Hùng Lộc Hầu, vị này sau được phong là Thái thú cai quản dinh Thái Khang sau khi vua Chiêm Thành là Bà Tấm cắt đất dâng cho chúa Nguyễn để cầu hòa. Sau khi xuất ngũ ông cụ tổ dòng họ tôi là người khai hoang đất ruộng đầu tiên ở Ninh Hải, sau chuyển đến chỗ khác nhưng cũng tại Ninh Hòa, đến đời ông nội tôi mới xây cái nhà này. Theo chính sử năm Quý Tỵ quy ra lịch tây là năm 1653, lấy cớ vua Chiêm Thành là Bà Tấm – hay còn gọi là Bà Bật quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên, Chúa Nguyễn Phúc Tần đã sai quan Cai Cơ Hùng Lộc Hầu đem 3000 quân sang đánh. Thất bại nặng nề, vua Chiêm Thành sai con mang thư hàng và xin dâng đất cho Chúa từ sông Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Chúa chấp thuận và đặt dinh Thái Khang gồm hai phủ là phủ Thái Khang gồm các huyện Tân Định, Quảng Phước ở phía bắc, nay là các huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh và phủ Diên Ninh gồm các huyện Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương ở phía nam, nay là các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, thành phố Cam Ranh, thành phố Nha Trang và một phần phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận, giao cho Hùng Lộc Hầu làm Thái thú. Ông cụ tổ tôi lúc đó thấy vùng đất này còn thưa thớt người, lại có biển, có sông, có rừng, có đồng bằng có thể sinh cơ lập nghiệp lâu dài mới xin quan Thái thú cho ra quân, cùng một số lính lệ dưới quyền và về quê mộ người vào khai thác đất này. Hùng Lộc Hầu đồng ý nhưng ra nghiêm lệnh không được quấy nhiễu, động chạm gì đến người Chăm, ai trái lệnh sẽ chém đầu!
Tôi ngạc nhiên nhìn anh Chính:
– Anh thuộc sử quá há?
Anh Chính cười:
– Cậu ngạc nhiên à, tôi là thầy giáo dạy sử mà, giờ về hưu rồi càng có thời gian nghiên cứu sách vở, tư liệu. Đọc trong sách sử mới thấy ông cha ta thật là biết nhìn xa trông rộng, như cái vụ Hùng Lộc Hầu cấm không được quấy nhiễu người bản địa Chiêm Thành, lúc đó sống tụ thành từng Paley Cam tức là làng Chăm rãi rác ở vùng này mới thấy ông cha ta thiệt là cao tay! Này, cậu ăn chút cháo đi, gì chớ mình là dân Việt phải có chút gạo trong bụng mới chắc. Cá thu này là đặc sản ở đây, cậu gắp một miếng chấm vào nước mắm, phải là nước mắm nguyên chất mới thấy hết vị ngọt của cá, tê đến cả chân răng!
Nói xong anh Chính cười cầm ly rượu lên uống một ngụm nhỏ. Tôi làm theo lời anh Chính, húp chút cháo cá để thấy ấm lòng và gắp một miếng cá thu chấm vào chén nước mắm mặn dằm trái ớt. Quả nhiên ngọt đến “tê cả chân răng” như lời anh Chính nói, cá thu Ninh Hòa sao ngon đến lạ lùng, nhất là sau khi nhấp ngụm rượu cất một tiếng “khà”!
Tiệc rượu mãi đến chín giờ mới xong. Đêm. Hai anh em, tôi và anh Kính nằm ngủ ở nhà trên, cái đi văng lên nước đen mát rượi. Anh Kính kể chuyện bên Mỹ, ngày anh mới đến. Thì cũng giống nhiều chuyện tôi nghe kể lại, đại khái ở đâu cũng phải làm ăn, ai chịu khó làm ăn thì sống khỏe. Nhưng mà nền tảng xã hội nước người ta nó vững bền không như nước mình, anh Kính nói. Tôi im lặng, tôi nghĩ thầm trong đầu làm sao mà so sánh Mỹ với Việt Nam, mọi sự so sánh đều khập khiễng mà! Nước Mỹ có hơn 150 năm không có chiến tranh, người Mỹ có điều kiện xây dựng nước Mỹ tươi đẹp. Bây giờ Việt Nam mình đang vươn vai đứng dậy, đời sống dân mình khá hơn trước nhiều nhưng vẫn phải loay hoay với nhiều bài toán mà cái nào cũng cần có thời gian!
Anh Kính chuyển đề tài, anh kể những kỷ niệm thời thơ ấu của anh ở ngay thị xã Ninh Hòa này. Bây giờ về lại sau mấy chục năm xa quê, anh không nhận ra nhiều chỗ bởi cảnh vật thay đổi quá nhiều. Ninh Hòa bây giờ đẹp và khang trang hơn ngày xưa nhiều lắm, anh Kính nhận xét. Tôi tôn trọng kỷ niệm một thời của anh Kính, tôi đẩy đưa theo câu chuyện kể của anh. Bỗng nhiên anh Kính ngưng chuyện kể và hỏi tôi:
– Cậu nghĩ sao về chuyện anh Chính kể hồi chiều?
Tôi nói:
– Dòng họ anh là một dòng họ lâu đời ở đây, em nghĩ dòng họ anh là một trong những dòng họ có công trong việc mở mang bờ cõi!
Anh Kính cười:
– Theo chính sử thì đúng là như vậy, cậu muốn nghe chuyện kể của dòng họ nhà anh không?
Tôi hơi ngạc nhiên hỏi lại:
– Chuyện kể gì hả anh?
– Là một câu chuyện đời trước kể lại cho đời sau mà không ghi vào gia phả!
Rồi anh bắt đầu câu chuyện.
“Khi quan Thái thú Hùng Lộc Hầu đồng ý cho cụ tổ nhà anh ra quân, cụ tổ về quê chiêu mộ người làng vào đất Ninh Hòa ngày nay khai hoang lập ấp. Cùng ra quân với cụ tổ nhà anh một lần có một người họ Võ cũng cùng quê, hai người lúc trong quân ngũ của Cai Cơ Hùng Lộc Hầu là bạn thân của nhau. Quê của hai cụ bây giờ là đất Thanh Hóa, là nơi tuyển quân chính quy của chúa Nguyễn. Không biết người xứ Thanh theo hai cụ vào Nam lúc ấy có đông không nhưng trong số những người đi trong đoàn di dân có một người con gái. Cô gái ấy là con một ông đồ nên rất là nết na hiền thục theo kiểu tam tòng tứ đức là chuẩn mực của người phụ nữ ngày xưa. Hiềm một nỗi là cả hai cụ đều yêu cô gái ấy, ông đồ cũng muốn có được một trong hai người làm rể bởi cả hai đều là những chàng trai giỏi giang. Cuối cùng ông đồ quyết định sẽ gả con gái mình cho ai là người chiến thắng trong trận đấu quyền cước giữa hai chàng trai. Trận đấu diễn ra rất quyết liệt kéo dài cả một đêm mới kết thúc. Cụ tổ nhà anh thua người họ Võ chỉ có một chiêu đành nhận thất bại. Không đành lòng chứng kiến hôn lễ của hai người, cụ tổ bỏ đồng ruộng ở vùng đất Ninh Hải bây giờ cùng với những người thân tín chuyển qua làm nghề chài lưới ở đầm Nha Phu ngày nay. Trước khi chết cụ tổ dặn rằng con cháu không ai được lấy người họ Võ, đó là lời nguyền không thể vượt qua! Đến đời thứ bảy trong dòng họ Trần nhà anh có một người thanh niên bước qua lời nguyền của cụ tổ bởi anh yêu một người con gái họ Võ. Kết cục chưa kịp đám cưới, người thanh niên trong một ngày đi đánh cá gặp bão và mãi mãi nằm lại ở biển khơi. Chuyện đó lại lập lại một lần nữa hai đời sau đó, lần này chàng thanh niên họ Võ yêu một cô gái họ Trần và cũng chết trước khi cưới có một ngày vì tai nạn. Từ đó trong dòng họ nhà anh lấy hai chuyện này làm bài học cho đám thanh niên nam nữ. Đến đời anh Chính và anh, ông nội anh cũng nhắc lại hai chuyện này nhưng anh và anh Chính cho là đó là chuyện ngẫu nhiên thôi không mấy để tâm. Vậy mà…”
Anh Kính ngừng ngang câu chuyện ngồi dậy nhắp một ngụm nước trà rồi mới kể tiếp. “Lần này thì trúng vào con cháu ruột của anh, con Liên là con gái út anh Chính, nó xinh gái nhất nhà. Khi biết nó yêu một thằng họ Võ ở Ninh Ích anh Chính cũng không cấm cản gì. Cậu ấy là lính công binh, năm 1988 đi công tác ở Trường Sa thì bị bọn lính Trung quốc bắn chết. Chúng võ trang tận răng còn các cậu công binh với vũ khí thông thường không chống lại được dù đã cho tàu ủi vào bờ để làm công sự. Gạc Ma thất thủ rơi vào tay Trung Quốc. Thằng Tuấn lúc ấy mới hăm mấy tuổi, con Liên nghe tin thằng Tuấn hy sinh hóa điên, chúng nó định sau đợt công tác ngoài quần đảo Trường Sa sẽ làm đám cưới. Anh nghe anh Chính kể rằng anh phải dùng xích để con Liên không đi lang thang. Sau đó một sư cô đi bán nhang ghé qua nhà gặp con Liên, không biết sư cô nói gì mà nó theo sư cô về chùa ở, dần dà nó tỉnh trở lại. Bây giờ nó đang dạy học ở xã miền núi Ninh Tân, nghề mà nó học khi quen thằng Tuấn”.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến hình ảnh cô gái điên năm nào ở bãi Dốc Lết chỉ về phía biển gào lên “con quỷ… con quỷ… tao giết mày… pằng pằng pằng…”. Cô gái điên ấy có phải là Liên con anh Chính? Liên và Tuấn đã vượt qua tầm vóc lời nguyền của dòng họ Trần và Võ, bi kịch của họ chính là một thách thức của lịch sử đương đại mà không riêng họ, chúng ta là những người trong cuộc! Chuyện của Liên và Tuấn không còn là chuyện kể nữa mà đã đi vào lịch sử, lịch sử nước ta từng đánh thắng nhiều nước xâm lược thu lại giang sơn gấm vóc. Đêm đó tôi nằm mơ thấy mình đi trên một chiếc tàu ngang qua một đảo chìm, nước trong xanh thấy rõ xác một người lính nằm im bất động. Bỗng chốc người lính ấy biến mất, tại chỗ anh nằm một đóa san hô ở giữa là một đốm vàng, chung quanh là màu đỏ hiện ra ngạo nghễ giữa lòng biển trong xanh!
Sáng mai anh Kính sẽ chở tôi đến Ninh Vân thăm bạn, ở đó chắc có biển tôi sẽ xin anh Chính một bông cúc đại đóa thả xuống dòng nước từ bờ chảy ra khơi, tôi tin rằng dòng nước sẽ đưa bông cúc đến Gạc Ma, gọi là nén hương để an ủi linh hồn cậu Tuấn, người liệt sĩ của quê hương Ninh Hòa!
Mùa xuân đang thì xuân sắc, hai chậu cúc đại đóa trước nhà anh Chính đang nở vàng rực một góc thềm.
11/6/2015
V.A.C