Hoàng Thụy Anh và những không gian mơ tưởng

1166

“Ta chấp nhận mọi trả giá – kể cả cái chết – để hiện sinh – như một bài thơ” (Hoàng Thụy Anh)

Từ khoảng hai thập niên qua, đời sống văn học Việt Nam mà đặc biệt là thi giới chứng kiến sự tham dự của nhiều nhà thơ mà vốn dĩ bạn đọc đã quá quen thuộc trước đó với một bản mệnh khác – bản mệnh của lí luận phê bình. Từ những thế hệ nhà lí luận phê bình đi qua và sống trải trong chiến tranh như Hà Minh Đức, Mã Giang Lân, Hồ Thế Hà, Trương Đăng Dung… cho đến những thế hệ lí luận phê bình trẻ (7x, 8x) như Fan Tuấn Anh, Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Mạnh Tiến, Mai Anh Tuấn (bút danh Lệ Bình Quan)… và bây giờ chúng ta có thêm một giọng thơ nữ là Hoàng Thụy Anh.


Nhà phê bình – nhà thơ Hoàng Thụy Anh.

Hình như trong cơ cấu tâm lý bề sâu của mỗi cá nhân, phần lý trí là cái lộ ra bên ngoài, dùng để khám phá và miêu tả thế giới. Con người dùng lí trí, ý thức của mình để nhận thức thực tại bên ngoài như một khách thể. Nhà lí luận phê bình dùng thao tác khoa học, tư duy nghiên cứu, sự vận dụng các phương pháp và lí thuyết văn học nhằm nói về tác phẩm, cắt nghĩa nó. Dẫu vẫn biết mọi diễn giải văn học đều ít nhiều là sự minh giải chủ thể, tính chủ quan và cái tôi cá nhân của nhà lí luận phê bình vẫn cứ bám riết sau lưng anh ta như một bóng ma, nhưng hình như chỉ riêng địa hạt lí luận phê bình không thôi thì người viết vẫn cảm thấy chưa được thỏa mãn một cách trọn vẹn, vẫn còn điều gì đó khiến họ rấm rứt cần phải tỏ bày. Và, từ đó, họ lại cần đến thơ. Thơ xuất hiện và bắt đầu trong sự nghiệp viết của mỗi nhà lí luận phê bình đúng ngay vị trí mà các nghiên cứu văn chương dừng lại, được tính bằng điểm mốc duy lý.

Chúng ta đồng ý rằng lí luận phê bình (mà đặc biệt là những nhà phê bình) không thể khách quan và lý tính như các khoa học tự nhiên, được quy định bởi bản chất của ngôn ngữ cùng đặc trưng của quá trình thông diễn, đọc hiểu văn bản văn học. Điều này Karl Popper đã nhận ra một cách sâu sắc trong công trình Sự nghèo nàn của thuyết sử luận [Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012]. Phê bình văn học từ lâu vẫn được xem là “con vật lưỡng thê” (từ dùng của Đỗ Lai Thúy), sống vắt ngang giữa đời sống cảm tính nghệ thuật và đời sống lý tính khoa học. Nhưng dẫu nghệ thuật hay “nhân hình hóa” chừng nào đi chăng nữa, nhà lí luận phê bình vẫn vấp phải nhiều giới hạn tất yếu. Sự hiểu tác phẩm văn học bất chấp có tự do như thế nào chăng nữa, như cách nói cường điệu của Anatole France, phê bình văn học là nghệ thuật kết hợp với phiêu lưu, nhà phê bình tài năng là kẻ kể lại những cuộc phiêu lưu tinh thần qua các tác phẩm kinh điển mà mình đã đọc, thì thật ra không bao giờ nhà lí luận phê bình có thể minh giải trực tiếp, trọn vẹn những ý hướng bên trong, thông điệp nghệ thuật và ẩn ức sáng tạo của riêng mình như khi trực tiếp thực hành sáng tạo. Đọc và diễn giải về một tác phẩm nào đó, về bản chất là một sự “nhai lại”, người đọc – nhà phê bình luôn phải gánh chịu sự kiểm tỏa của văn bản, của ý hướng tác giả, của nghĩa, của cốt truyện, của hiện thực được phản ánh đến. Người đọc có quyền tự do thông hiểu, nhưng chỉ trong một sân chơi chật hẹp do tác giả và văn bản tạo nên, lường trước hoặc giới hạn trước. Mỹ học tiếp nhận đã đánh giá lại thành công vị trí của sự đọc, có công lao đưa người đọc và hành vi đọc lên tầm triết học, hơn là mở ra những không gian tự do mới cho sự đọc. Do đó, nhà lí luận phê bình, trong một chừng mực nào đó, trong một vài thời điểm nào đó, sẽ “lại giống” quay về với thơ, trú ngụ trong vũ trụ thi ca.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao lại quay về với thơ ca chứ không phải là các thể loại khác vốn dĩ gần gũi hơn với tư duy lí tính, khoa học (của lí luận phê bình) như truyện ngắn, tiểu thuyết, hay bi kịch? Lí do rất đơn giản, vì thơ vốn mang đặc trưng điển hình nhất của thể loại trữ tình, là sự giãi bày trực tiếp nhất và cảm tính nhất cái tôi của người nghệ sĩ cùng những ẩn ức tâm lý sáng tạo. Nếu lí luận phê bình là nơi ý thức, lí trí của người viết được tự do biểu hiện, ra sức khám phá thế giới, thì trong thơ ca, người nghệ sĩ quay lưng lại đối diện với chính mình, rút lui phía sau bóng tối âm u của những không gian mơ tưởng. Hai mặt này bù trừ trong một cơ chế tâm lí giúp nhà lí luận phê bình – nhà thơ cân bằng được giữa vô thức với ý thức, bên trong với bên ngoài. Hẳn rằng, tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa [Nxb Hội Nhà văn, 2017] của Hoàng Thụy Anh cũng ra đời trong cơ chế tâm lí tự điều hòa, tự thăng bằng ấy. Khác nhiều người, tôi không lạ với việc nhà lí luận phê bình tìm đến thế giới cảm tính, chủ quan của cái tôi trữ tình trong thơ. Bởi đơn giản tôi cũng chính là người trải nghiệm từ bên trong “trò chơi” của những “cuộc đời song hành” ấy. Trong nhiều dịp khác nhau, tôi đã từng cho rằng, thực ra giữa tư duy thơ ca và tư duy lí luận phê bình không có quá nhiều khoảng cách, đối lập như mọi người vẫn nghĩ. Cả hai tư duy ấy, không hề mâu thuẫn, mà thực ra thống nhất, tương liên thông suốt như hai mặt của một tờ giấy. Thực ra chỉ có những nhà lí luận phê bình kém cỏi, hoặc những nhà thơ bất tài, chứ không hề có một quy luật nào buộc nhà lí luận phê bình phải tránh xa thơ, đối lập với thơ, và thơ cũng chẳng hề làm cho các nhà lí luận phê bình trở nên yếu đuối hay lụi tàn trong khoa học.

Với Hoàng Thụy Anh – nhà phê bình hiện đang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã từng xuất bản ba công trình lí luận phê bình là Thơ Hoàng Vũ Thuật – nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson (chuyên luận) [Nxb Thuận Hóa, 2010], Bản xô-nát thi ca (tiểu luận – phê bình) [Nxb Hội Nhà văn, 2012], Tiếng vọng đa thanh (tiểu luận – phê bình) [Nxb Hội Nhà văn, 2016] thì việc chị xuất bản một tập thơ với tôi cũng là điều hợp qui luật. Thông thường, các nhà lí luận phê bình sẽ tìm đến với thơ một khi sự nghiệp nghiên cứu văn học của họ đạt đến ngưỡng nhất định, khiến họ cảm thấy cần phải bổ khuyết cho đời sống lý tính thêm sự giãi bày bản thể bên trong. Hoàng Thụy Anh là một nhà phê bình trẻ, nhưng chị đã sớm để lại những thành tựu và dấu ấn nhất định trên địa hạt phê bình, và có lẽ, cũng đã đến lúc chị phải sống và viết cho mình, sau nhiều năm mải mê, hi sinh, để sống và viết cho người. Với tâm hồn nữ nhạy cảm, tinh tế đầy thiên tính nữ như Hoàng Thụy Anh, việc chị quay về trú ngụ trong thơ có lẽ là điều quá đỗi bình thường, dung dị.

1. Biểu tượng thân thể hay là thế giới của tính dục

Đọc thơ của Hoàng Thụy Anh, người đọc phổ thông mà nhất là những người có quen biết chị ngoài đời sống rất có thể sẽ cảm thấy ngạc nhiên, shock nhưng đầy thú vị. Bởi thơ chị không nhẹ nhàng, e ấp, kín đáo như con người thực tại, mà hết sức mãnh liệt và dày đặc những biểu tượng tính dục. Thơ trong trường hợp này, có thể là cách để thi nhân được sống thật với những khát khao thầm kín bên trong đã bị đè nén bởi bổn phận, đạo đức, định kiến về giới, hay các tabou của nền văn hóa phương Đông vốn theo Nho giáo cổ truyền. Là một nhà thơ, lại là một nhà thơ nữ, Hoàng Thụy Anh giãi bày một cách trực diện, đầy mạnh liệt những “khát khao đời thường ai chẳng có”, nhưng không phải ai cũng có đủ dũng cảm, tài năng và cơ hội để cất lên. Hình tượng người phụ nữ “khát tình” hiện lên trong tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa là rất rõ ràng, dưới nhiều cung bậc và dạng thức khác nhau. “sau tấm màn đen – em vẫn thao thức khát điều kì diệu – từ phía không anh…- ánh sáng nhú trên những đồi vú mọng” [dấu tích]; hoặc là “em thêm lần nữa – nhả khát – chải lòng biển đêm” [khát]; “anh khát em như biển khát vĩ cầm khúc muôn trùng hoa sóng như hoàng hôn khát những giọt ngày lấp lánh” [tim nắng]; “đẩy anh xa em – trượt khỏi con thuyền thơ khao khát” [bắt đầu]… (Phan Tuấn Anh nhấn mạnh ở mọi chỗ trong tiểu luận này). Thơ viết về tính dục hay ham muốn tính dục của chủ thể nữ giới là không có gì mới cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam. Có lẽ, trong làng thơ trẻ đương đại thì Vi Thùy Linh đã đi quá xa và đặt ra những điển phạm khó vượt qua trong địa hạt này. Nhưng thơ Hoàng Thụy Anh vẫn khác ở chỗ, hình tượng tính dục và khao khát tính dục của chị trong thơ rất đẹp, tinh tế, mang đầy ý nghĩa nhân sinh ẩn dụ mà không sỗ sàng trong nhục cảm. “mặc con gió hả hê đuổi thời gian về phía hoàng hôn – chúng mình vẫn ôm vẫn hôn vẫn xiết nhớ xiết khát lên nhau… – có đôi điều chẳng thể nào quên được hay biến mất – những giận hờn hôm nay và những ghen tuông hôm qua” [tình đã về đấy thôi]. “đêm thơm em – phồn thực đỏng đảnh búp mười bảy – anh rót đêm di di – từng mũi thương từng mũi đau rát-nhối-bầm-ngực” [giấc ngủ nào đang thừa nước mắt]. Ở điểm này, cách triết lý buồn đầy thân phận nữ tính, hay cách tư duy thơ tính dục mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc của tác giả dễ làm ta liên tưởng đến lối thơ của các nữ sĩ tài danh như Xuân Quỳnh hay Lâm Thị Mỹ Dạ. Điều khiến tôi chú ý trong thế giới tính dục thơ của Hoàng Thụy Anh, đó là nỗi khát khao không được thỏa mãn, và nỗi buồn trong tính dục.

Nếu bạn đọc tinh ý, hệ thống hình tượng gắn với các biểu tượng tính dục trong thơ Hoàng Thụy Anh thường được đi kèm với động từ “khát” (xin xem các ví dụ trên). Nếu xem cái tôi trữ tình trong thơ là sự bộc lộ trực tiếp, chân thật và gần gũi nhất đời sống vô thức của tác giả, thì ta có thể nhận ra phần nào những lí do đã thúc đẩy Hoàng Thụy Anh đến với thi giới. Đời sống tính dục khát khao, nhưng lại không hoàn toàn thỏa mãn, đã để lại khoảng trống mà có lẽ, ý thức, lí trí trong lí luận phê bình khó có thể lấp đầy. Trong thể loại hư cấu cũng sẽ không thể nào bộc lộ một cách trọn vẹn như thơ. Vấn đề không chỉ đơn giản nằm ở những từ “khát” hay “thèm” xuất hiện dày đặc: “như em thèm ngự trị nạm tim anh – thèm xóa dấu môi của người đàn bà khác… – anh vẫn tin nhánh khát em – về giấc ngủ tiên” [thế gian còn nhiều điều lạ em ơi], mà nằm ở nỗi buồn cứ như ám khói lên thơ Hoàng Thụy Anh. Sự không thỏa mãn trong đời sống tính dục của tác giả, hoặc thông qua cái tôi trữ tình, chúng ta thật khó đoán biết lí do, trên thực tế là không thể nhận thức một cách toàn vẹn, chính xác. Nhưng qua lối tiếp cận của phân tâm học văn bản, ta vẫn có quyền đưa ra cách hình dung về vấn đề này. Việc “khát” hay “thèm” (tính dục) của chủ thể trữ tình trong thơ rất có thể không đơn giản/thuần xuất phát từ việc khoái cảm không trọn vẹn, mà xuất phát từ một nỗi buồn, hay cô đơn truyền kiếp nào đó. Một lí do nào đó bên ngoài tính dục đã ám thị và giới hạn tính dục không được phép đi đến cùng của cực khoái. Đọc thơ Hoàng Thụy Anh, kể cả gặp chị ngoài đời, tôi cứ có cảm giác chị luôn cất giấu một khuôn mặt (thật) nào khác, một nỗi buồn đằng sau nụ cười, ở chị ẩn náu một cái tôi khác, hoặc những bi kịch, thiệt thòi thầm kín không dễ/muốn tỏ bày với người xung quanh. Chính điều này khiến cho những khát khao không trọn vẹn, hoặc tính dục không thể nào thăng hoa như nó muốn có. “từ đáy huyệt buồn – mầm khát nhú… – hãy cùng anh nhổ hết chán chường tuyệt vọng – đừng để chúng mọc cánh và nhảy múa trong ngực đêm” [rót]; “nhặt hạt mưa giấu vào cuống lá – em chia đều từng cuống buồn… – âm vô cùng – huyệt mộ nào cầm giữ hương linh giữa tàn phai tháng mười” [phục sinh]; “đêm qua những giọt nước mắt em lẩn thẩn vắt ngang tờ giấy trắng – búng vào đó vệt xước như một tiếng thở dài mùa cũ… – em không muốn hạnh phúc cứ ríu rít bờ em còn bờ anh cứ khua khoắng mãi vệt tình đọng lại đêm quỳnh tận hiến… – hằng đêm – hằng đêm… – mơ về – những mảnh ghép dang dở” [giấc rời]. Bi kịch tính dục đôi khi đến từ những lí do bên ngoài tính dục. Sự phức tạp đó của nhân sinh khiến chúng ta không thể sỗ sàng và vội vàng đưa ra một kết luận giản đơn, cơ giới về cội nguồn nỗi khát tình của tác giả.

Vả lại, vấn đề khát tình hay không thỏa mãn trong tính dục nói trên thực ra cũng không quá quan trọng đối với một thế giới thơ. Cái Hoàng Thụy Anh làm được đó là chị đã kì công và thành công khi dựng lên một thế giới tính dục mộng tưởng của mình, với dày đặc những hình tượng và biểu tượng của tính dục. Đọc tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa, bạn đọc dễ dàng nhận ra hai biểu tượng lặp đi lặp lại như một mã nghệ thuật riêng, đầy ẩn ý và cá tính của tác giả, đó là “môi” và “hôn”. Theo thống kê chưa đầy đủ của tôi, chỉ trong một tập thơ ngắn, Hoàng Thụy Anh đã 25 lần sử dụng hình tượng “môi”, hình tượng “hôn” được sử dụng 15 lần, đó là chưa kể 7 lần sử dụng hình tượng (trạng thái) lõa thể. Hệ thống hình tượng này, được dùng như những biểu tượng của dục tính, nó thực sự đã trở thành mã nghệ thuật quan trọng trong việc thông hiểu thế giới chữ nghĩa của Hoàng Thụy Anh. Dẫu vô thức hay có ý thức, thì hệ thống hình/biểu tượng nói trên cũng đã phác họa nên một thế giới tính dục với dày đặc biểu tượng thân thể.

Môi là một bộ phận trên cơ thể, vốn trước tiên dùng để ăn uống, nói năng, không liên quan đến tính dục đích thực như các loài động vật khác. Môi vốn dĩ không tham gia vào quá trình truyền giống và sinh sản của con người. Nhưng S.Freud đưa ra một kiến giải mới thú vị liên quan đến môi, khi ông cho rằng các khu vực niêm mạc đều tiềm chứa cảm xúc khoái lạc tính dục, trong đó có môi miệng. Trong “hai pha tính dục” của đời sống tính dục của con người, thì “pha ấu thời” chủ yếu các hành vi tính dục của đứa trẻ được thực hiện qua môi miệng, với hành vi bú mút vú mẹ như hành vi thỏa mãn khoái lạc. Theo tôi, hành vi bú mút nhằm thỏa mãn khoái lạc tính dục trong pha ấu thời sẽ không kết thúc khi đứa trẻ dậy thì, bước sang pha tính dục trưởng thành, mà sẽ tiếp tục chi phối đời sống tính dục sau này như một quán tính. Do đó, dẫu trưởng thành, những người đàn ông vẫn đam mê sở hữu vú của vợ/người tình, hoặc thường xuyên thực hiện hành vi bú mút nhằm thỏa mãn tính dục thông qua niêm mạc miệng. Thơ Hoàng Thụy Anh do đó dày đặc hình tượng liên quan đến môi miệng như sự kiến tạo thế giới tính dục đặc thù.

Môi có thể là sự khát thèm tính dục của nữ tính nguyên thủy, môi như một sự hoán dụ cho người: “em tự huyễn hoặc mình – ừ! hôm nay anh sẽ đến – gieo cánh nồng xuống môi em – thắp lửa bầu ngực đêm miên man” [nhớ anh]; “chiều gội tóc trong mưa – cong cong buông khuy nằm đợi – em xúng xính rót hoàng hôn xuống môi” [hướng nào cũng từ tim anh]. Sự khát thèm luôn gắn liền với hình tượng môi miệng như sự diễn giải cụ thể hơn vấn đề mà tôi đã đề cập đến ở trước. Môi như một biểu tượng tính dục còn biểu hiện cho vết thương tinh thần và thể xác mà chủ thể trữ tình phải trải nghiệm trong đời sống (tính dục): “giọt đau nén vào trong – giọt thương cũng xoáy vào trong – chỉ giọt môi hứng lấy lưỡi mùa đang mắc kẹt thêu” [bọc]. Nhưng sau hết, chủ thể trữ tình nữ tính luôn khát khao dùng tính dục như một sự bao dung, cảm thông và chữa lành cho nam tính. Thiên tính nữ của thi nhân được thể hiện qua sự hi sinh cao cả này. “em cõng nắng về tưới môi anh – hong lại một giếng cười vạn thuở – mặc bầu mưa nẩy mình thách thức” [tình đã về đấy thôi]. Tính dục như vậy không phải bao giờ cũng xuất phát từ bản năng, và thuần túy bản năng đối với con người. Tính dục là văn hóa, là bản mệnh giới, là ứng xử nhân văn mang quan niệm sống, triết lí sống của mỗi cá nhân. Từ tính dục, chúng ta không chỉ hiểu thêm về phần “con”, mà cả phần “người” cũng hiện lên rõ ràng, sinh động.

Nụ hôn có lẽ là hành vi tính dục người đặc biệt nhất. Nhưng sự phát triển của đời sống tính dục con người đã tạo ra những xu hướng mới khác các loài linh trưởng còn lại, đó là chúng ta có nụ hôn và hành vi bú mút. Hôn được thực hiện bằng môi, thông qua môi, gây ra một khoái cảm thứ phát bên cạnh khoái cảm chính thức ở cơ quan sinh dục. Nụ hôn là sự ma sát, giao tiếp tính dục thông qua niêm mạc miệng, thông thường nó khởi đầu cho quá trình ái ân, giao phối. Một cuộc giao hoan nhân danh tình yêu của con người bao giờ cũng bắt đầu và kết thúc thông qua nụ hôn, chứ không phải cơ quan sinh dục. Thậm chí, người ta hoàn toàn có thể không giao hợp đích thực bằng các cơ quan sinh dục, mà biến nụ hôn (vào những cơ quan sinh dục, những điểm nhạy cảm) thành hành vi ân ái thứ phát (khẩu dâm) không kém phần lãng mạn, khoái/nhục cảm. Hành động hôn xuất hiện dày đặc trong tập thơ của Hoàng Thụy Anh hẳn rằng cũng cung cấp cho người đọc nhiều thông tin nhằm giải mã thế giới nghệ thuật. Thật không quá khi nhận định rằng, vũ trụ thơ của Hoàng Thụy Anh là thế giới được kiến tạo từ những hành vi ái ân và các biểu tượng thân thể. Trong đó, nụ hôn chiếm vị trí trung tâm và cũng đặc biệt nhất. Bởi vì nụ hôn nằm giữa lằn ranh mong manh, khó phân định giữa tình yêu và tình dục. Hôn biểu thị cho tình yêu, thậm chí tình thương (mẫu – tử, anh – em, cha – con…) và xã giao, nhưng nụ hôn (nam – nữ) luôn mang thông điệp tính dục và khởi đầu cho những hành vi ái ân. Nụ hôn không bao giờ nguyên nghĩa thuần túy thể xác (như đụng chạm cơ thể), hoặc thuần túy tinh thần (như nhớ nhung) trong quan hệ nam – nữ.

Rất dễ tìm ra những hình tượng hôn nhục cảm trong tập thơ của Hoàng Thụy Anh: “biển chiều co rúm – tràn anh – anh lại tràn em – nụ hôn gối chùm hôn” [tim nắng]; “anh len em – những nụ hôn vắt mình trên lớp thông khô – rụng xuống đường cong dấu chấm ngọt” [mùa len]… Những nụ hôn trong thơ Hoàng Thụy Anh đã được nhân cách hóa thành các sinh thể sống. Dưới cái nhìn đầy hình tượng của nhà thơ, nụ hôn không giản đơn là sự ma sát của môi và lưỡi, mà rộng ra, nó là ngôn ngữ của trái tim, là sự phóng chiếu của libido thành các dạng thức sống động. Có thể nói, cái nhìn hình tượng đa dạng, sức tưởng tượng phong phú là điểm mạnh trong thơ Hoàng Thụy Anh. Nhưng ẩn kín đằng sau những nụ hôn, người thơ gửi đến chúng ta – những bạn đọc nhiều hơn thông điệp về tình yêu và những hành vi ái ân. Người đàn bà sinh ra từ mưa là tập thơ được viết nên bằng loại mực mang màu sắc tính dục, nhưng lõi bút bên trong lại chất chứa nỗi buồn và bi kịch đàn bà trong đời tư, những tâm sự dễ nào chia sẻ với ai. Chính vì lí do này, mà nhiều nụ hôn trong thơ chị mang sắc màu trầm buồn, ảm đạm, đủ sức làm day dứt, ám ảnh người đọc. “em gom bao nhiêu dấu chân vẫn không tìm được dấu chân của anh – em điêu khắc vòng tay nụ hôn cuối dốc làm vật chứng vẫn không đủ căn cứ giữ tình yêu ở lại” [tình]; “bờ bên kia hôn thân gió ngược đêm hao gầy mặt nạ – bờ bên này đổ bóng thành quách tang trắng” [bay]; “con cú chong mắt theo những kí tự ôm hôn tự do hằng đêm – chứng kiến sự dối lừa mọc vảy gồ lên như tổ đỉa” [tàn].

Thực ra tình yêu không phải lúc nào cũng là trải nghiệm hạnh phúc, ngọt ngào, thậm chí rất có thể tình yêu còn mang lại nhiều trải nghiệm đớn đau, tan vỡ hơn trong đời người. Bởi vì sống ở trên đời, bước chân vào vương quốc tình ái, có ai dám tự tin rằng mình sẽ được nhiều hơn mất? Trọn vẹn nhiều hơn dang dở? Sự viên mãn chiếm ưu thế so với những vết thương? Trừ vài người ít ỏi may mắn sở hữu cái thắt lưng của thần Aphrodite, có lẽ số đông chúng ta đều mang thân phận như thi sĩ Xuân Diệu – ông hoàng của thi tình Việt Nam: “Yêu là chết ở trong lòng một ít – Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. – Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu – Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết…” [Yêu]. Chính vì lí do căn nguyên ấy, mà những nụ hôn hạnh phúc, viên mãn thì ít, còn những nụ hôn đắng cay, chia biệt thì nhiều trong thơ Hoàng Thụy Anh, trong đời chị, và có lẽ cũng là trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Nụ hôn trong thơ Hoàng Thụy Anh do vậy không đơn thuần là một động từ, một hành vi ái ân, thân mật thể xác, mà là một loại mã tín hiệu nghệ thuật đa bội nghĩa.


Tập thơ “Người đàn bà sinh ra từ mưa” của Hoàng Thụy Anh.

2. Suy tư về ngôn ngữ giữa thế giới siêu thực

Hoàng Thụy Anh là nhà thơ có ý thức sâu sắc về lí thuyết văn học, các hệ phái triết học và mỹ học đương đại. Bởi trước tiên, chị là một nhà lí luận phê bình. Do đó, đọc thơ Hoàng Thụy Anh, những nhà phê bình có thể nhận ra dày đặc những lí thuyết văn học vốn dĩ trong nghiên cứu chị thường hay nhắc đến. Phân tâm học là lí thuyết có nhiều ảnh hưởng, vận dụng rõ ràng nhất, và ở trường hợp này, nhà thơ không còn là kẻ ngây thơ sáng tạo theo bản năng thuần túy, không cần biết đến lí thuyết văn học như tuyên ngôn của nhiều nhà văn thành danh ngày nay. Đọc lại tập tiểu luận Tiếng vọng đa thanh, ta có thể nhận ra sự vận dụng nhuần nhuyễn lí thuyết phân tâm vào trong phê bình văn học của Hoàng Thụy Anh. Ngoài ra, thi pháp học, tự sự học, chủ nghĩa hình thức Nga cũng là những trường phái lí thuyết mà Hoàng Thụy Anh có nhiều thời gian nghiên cứu, trải nghiệm trong phê bình, thông qua hai công trình đầu tiên (Thơ Hoàng Vũ Thuật – nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson và Bản xô-nát thi ca). Khi tiến hành phê bình về sáng tác thơ của một nhà phê bình, đó vừa là nhiệm vụ khó khăn, nhưng cũng mang lại nhiều thuận lợi. Khó khăn là bởi người phê bình dễ bị đánh lừa, nguy cơ lạc vào mê cung lí thuyết, chìm đắm vào trong những “hư chiêu” có ý thức do người viết bày ra. Kiểu như điều tra về một vụ án mà kẻ phạm tội cũng từng là điều tra viên cảnh sát vậy. Người thơ như Hoàng Thụy Anh hẳn nhiên không giản đơn, ngây thơ trong sáng tạo như những nhà thơ “toàn tòng” thuần túy khác. Trong văn bản thơ của chị, khéo léo đan cài các mã ẩn mà chị muốn người ta sẽ dựa vào đó, hoặc tất yếu phải bị ám ảnh khi tiến hành diễn giải. Như thế, thông qua một cách kì lạ nào đó, nhà thơ đã dự trù trước và đưa ra những khung khổ, ước đoán buộc người ta phải phê bình chị… như chị muốn. Điều này với tôi trong phê bình là tối kị, bởi người viết cần “đọc” tác phẩm theo cách mà mình nghĩ, chứ không phải như ý định của tác giả. Tuy nhiên, cũng cần nói đến thuận lợi cơ bản khi phê bình dạng thơ “có lí thuyết” như của Hoàng Thụy Anh. Lúc này nhà phê bình không còn sợ tình trạng “đẽo chân cho vừa giày” giữa lí thuyết và tác phẩm. Ở những trường hợp tác giả thi phẩm là nhà văn thuần túy khác (không phải là nhà phê bình), đôi khi người nghiên cứu dễ mắc phải căn bệnh nhìn đâu cũng thấy lí thuyết, hoặc dùng tác phẩm để minh họa cho lí thuyết, hoặc áp đặt sống sượng lí thuyết lên giải mã văn bản. Thay vì dùng lí thuyết như là lối vào giải mã ẩn ngữ thẩm mỹ trong tác phẩm, một số nhà phê bình lại cố chứng minh nhà văn có chịu ảnh hưởng bởi lí thuyết ấy (điều gần như bất khả thi trong chứng minh), để rồi ra sức dùng tác phẩm như là ví dụ cho lí thuyết văn học mà mình yêu thích.

Với thơ Hoàng Thụy Anh, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được việc áp ý định chủ quan về mặt lí thuyết lên thực tiễn thông hiểu văn bản, bởi chị là người nghiên cứu chuyên nghiệp, đã có 3 công trình phê bình xuất bản, vấn đề lí thuyết trong thơ hiện ra khá rõ. Ở đây tôi tránh đi việc phê bình thơ theo cách mà chị muốn, tức bỏ qua những tín hiệu phân tâm học có tính “lộ thiên” (mà chị cố tình trưng bày phổ biến), để đi vào phần cốt lõi nhất mà tôi nghĩ thơ chị có nhiều đóng góp hơn, đó là sự suy tư về bản chất ngôn ngữ và cách xây dựng hình tượng thơ theo lối siêu thực.

Đọc Người đàn bà sinh ra từ mưa, những người đọc chuyên nghiệp dễ dàng nhận ra sự phức tạp, khó hiểu, trừu tượng ngày càng được nâng cao khi về cuối tập thơ. Nếu như trong những bài thơ đầu tập, tác giả vẫn còn đang loay hoay biểu thị cho những cảm xúc tình yêu cá nhân dưới nhiều dạng cung bậc, thì dần vào cuối tập, sự u mặc, suy tư, triết lý được nhân lên. Trung tâm của sự suy tư và triết lý ấy trước tiên là bản chất của ngôn ngữ. Trong văn bản tập thơ, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nhiều dấu ấn của các hệ triết – mỹ và lí thuyết văn chương như hiện tượng học, tường giải học và giải cấu trúc. Ngôn ngữ lúc này được hình tượng hóa trở thành những nhân vật chính, biểu tượng trung tâm trong bài thơ, chứ không phải con người hay những sự vật – hiện tượng tồn tại trong hiện thực. Ví dụ: “trườn sang đêm – những ký tự hờ hững treo – chưa tròn – cộc lốc… – em không muốn làm đau con chữ – nhưng ký tự buồn cứ thế sinh nở” [bắt đầu]; “giọt muối từng dâng mắt em – nấc nghẹn từng ghì bóng em – nhưng chẳng thể nào tẫn liệm được ngôn ngữ cũ” [nghịch lý]; “giữa em và anh – là phiên bản ngôn từ thêm” [mọc].

Những nhà triết học giải cấu trúc như J. Derrida cho rằng thực ra ngôn ngữ nói chung và tác phẩm văn học nói riêng chỉ là trò chơi của những cái biểu đạt (the signifier). Cái biểu đạt thực ra không biểu thị cho bất kì cái được biểu đạt nào (the signified), mà chỉ nói về những cái biểu đạt khác. Hệt như khi ta muốn định nghĩa một khái niệm như “xe”, “chó” ta phải dùng từ điển. Nhưng bên trong từ điển không tồn tại những vật thể, động vật đó như chúng ở ngoài đời, mà lại dùng chính ngôn ngữ để diễn giải, cắt nghĩa. Thế là thay vì người đọc được đến với cái được biểu đạt, họ thực chất chỉ phiêu lưu vào trong thế giới mới của cái biểu đạt khác. Chính từ quan niệm này, thơ hậu hiện đại khác thơ tiền hiện đại luôn nỗ lực phản ánh, miêu tả hiện thực “lớn lao” bên ngoài, các nhà thơ tiến hành đi vào suy tư về ngôn ngữ, xem ngôn ngữ là đối tượng đầu tiên và trung tâm của mọi sáng tạo thi ca. Ngôn ngữ do đó, từ vị thế là chất liệu, là cái vỏ của tư duy, là công cụ truyền tải nội dung bên trong như tư duy lí luận văn học tiền hiện đại, đã biến thành trung tâm của mọi sáng tạo, suy tư về mặt nghệ thuật trong tư duy lí luận văn học hậu hiện đại. Thơ Hoàng Thụy Anh do đó dày đặc hệ thống hình tượng liên quan đến ngôn ngữ, nói cách khác, ngôn ngữ trở thành hệ thống hình tượng trung tâm trong thơ chị. Thế giới được khắc họa như là văn bản. “thi sĩ bay theo người đàn bà bán đêm bằng tiếng cười rũ rượi – tưới mười ngón tay xuống các kí tự ngược làn” [người đàn bà ăn bóng tối].

Trên một góc độ khác, dưới ảnh hưởng của tường giải học, mỹ học tiếp nhận, Hoàng Thụy Anh thông qua thơ ca đã chỉ ra ngôn ngữ không phải là công cụ, là nô lệ cho con người, mà thực ra con người đang tồn tại trong ngôi nhà của nó. Ngôn ngữ là đa nghĩa, có khả năng phản bội lại người viết/nói, bởi đặc trưng của quá trình tạo nghĩa là đến từ người đọc. Mỗi văn bản luôn là liên văn bản với vô số những đường dẫn, liên kết đến những văn bản khác. “lợi dụng lúc giấc mơ nằm ngủ – cái miệng vội vàng mặc quần xà lỏn – treo mình lên chóp gió… – một cái miệng khác học đòi ngôn ngữ dèm pha – cọt kẹt dăm ba tiếng mọt… – những cái miệng lú không làm nên lịch sử – nhưng chúng có thể đẻ ra lịch sử câm nín – ở ngôi dị dạng” [và giấc mơ sẽ tươi hơn].

Khác với tư duy thơ hiện đại lấy chính văn bản và ngôn ngữ làm đối tượng trực tiếp và duy nhất, thơ hậu hiện đại chiết trung hơn, vừa nhấn mạnh đến vai trò của ngôn ngữ, nhưng đằng sau đó ẩn dụ các vấn đề khác của hiện thực. Điều này ta có thể thấy khi đọc thơ Lê Đạt trong tập Bóng chữ, Trần Dần trong tập Jờ Joạcx, cái biểu đạt bị trương nở quá mức, biến văn bản thơ trở thành cuộc diễu hành carnaval của ngôn ngữ thuần túy. Ý nghĩa cụ thể trong kiểu thơ hiện đại này, cũng giống như thơ của chủ nghĩa Đa đa là không có. Thơ hậu hiện đại bình tĩnh và thỏa thuận hơn giữa hai kiểu tư duy thơ trước nó. Mỗi bài thơ hậu hiện đại thường nhấn mạnh đến cái biểu đạt, nhưng cái biểu đạt này không tồn tại cô lập và vì chính nó, mà thường ám chỉ, ẩn dụ cho hệ thống hiện thực, tình cảm, suy tư triết mỹ cụ thể đằng sau nó. Do đó, những bài thơ của Hoàng Thụy Anh ta vẫn có thể hiểu được dụng ý của chủ thể trữ tình. “29 ký tự mũm mĩm trong trò chơi tính dục đích thị là giống cái” [những con chữ của em]; “mọi dấu phẩy dấu chấm của trang em vẫn trần truồng như da thịt của nó mà thôi” [anh tự lên giây cót thỏa hiệp đã bao lâu rồi]…

Để biểu đạt cho những suy tư mới về bản chất ngôn ngữ dưới cảm hứng giải cấu trúc và tường giải học, Hoàng Thụy Anh đã đưa thơ mình vượt lên khỏi cảm xúc trữ tình của chủ nghĩa lãng mạn, để hành trình đến với chủ nghĩa siêu thực. Thơ chị càng về cuối tập lại càng dày đặc hình tượng ẩn dụ, ma mị và đa bội nghĩa. Tiêu biểu như: “có thể em không đủ sức xóa bỏ hẹp hòi và chật chội như dải khăn thắt chặt đồng tử của nghìn năm trước – không đủ sức nhấn chìm lũ chữ vừa cùn vừa tõe vừa khàn vừa đục của nhiều thế kỉ trước – giấu nanh vuốt tuyệt vọng lên đôi tay sũng lạnh – dù nông dù sâu em vẫn xăm trổ đêm bằng dãy kí tự hây hây” [trang em]; “con dối lăn dấu vân tay bằng miệng – viền miệng đóng dấu giáp lai bằng lưỡi – tráp lưỡi hà hơi nhám giọng – mọi thứ đang mang vác hơi thở khác” [nhấn enter đến khi nào sang trang mới thôi]; “trên biển giấy – những con chữ buôn ánh sáng lầm lũi xâu đêm băng qua biến tấu lưỡi – cõng những con cá mũi hếch tự kỉ đáy ngầm máu tươi – chạy khỏi đường ray lõm cong sự thật… – thằng chữ chóng mặt mửa – ói bào thai nhàu nhĩ” [thằng chữ]…

Thơ Hoàng Thụy Anh nhờ hệ thống hình tượng có tính siêu thực này, trở nên dữ dội, ám ảnh và đầy ma mị. Bởi chủ nghĩa siêu thực là một trào lưu hiện đại thuộc phong trào tiền phong, nên tính chất giải thẩm mỹ, sự phá phách, nổi loạn trong nghệ thuật của nó là khá rõ. Thơ Hoàng Thụy Anh vì vậy không trữ tình, nhẹ nhàng nhu mì, yếu đuối và cố tỏ ra mình là nạn nhân giới tính như một số nhà thơ nữ thành danh ngày nay luôn cố trình hiện, mà luôn mạnh mẽ đưa ra tuyên ngôn, lập thuyết thực hành sống của mình. Những hình tượng có tính “phản thẩm mỹ” như ỉa đái từ đó xuất hiện như một thái độ sống dấn thân, mang tính phản kháng mãnh liệt, chứ không bi lụy ăn mày nước mắt thương hại của kẻ khác. “đêm qua những con chữ rửng mỡ tiếp tục nhai lại bọt quá hạn… – thằng tôi nhảy xổ ra bảo cứ quất roi đét vào mông nó – ký tự bất kham sẽ lồng lên… – kẹp cổ giật mũi bắt chúng nôn ra… – sáng nay tôi quyết lột trần ngôn từ giả vờ kia” [may ra]; “mưa chiều đái ra tràng ho tanh máu như bản năng của kẻ có quyền hoán đổi vị trí đêm ngày” [trò chuyện với hai chú cá về những điều ngoài cơn mưa]…

3. Những không gian mơ tưởng hay lối về thế giới bên trong

Thơ ca là lối vào thế giới tâm lí bên trong của người viết một cách gần nhất và chính xác nhất. Thế giới của thi ca chính là thế giới của mơ tưởng, những hình tượng, ngôn từ luôn trừu tượng, dày đặc những ám thị vô thức mà đôi khi người viết cũng không thể nào dùng lí trí để có thể thông hiểu. Trải nghiệm sáng tác thơ ca của tôi cho thấy, nếu như viết lí luận phê bình hay truyện ngắn, tác giả luôn dự đồ trước được (trong giới hạn) những gì sẽ viết, ý nghĩa của chúng hay thậm chí là độc giả sẽ đọc và hiểu như thế nào, thì ngược lại, những hình tượng, câu từ thơ tuôn ra gần như trong vô thức, nhiều câu từ, hình tượng bản thân tác giả không hiểu vì sao mình viết nên, nó có ý nghĩa cụ thể gì và thông điệp muốn gửi đến độc giả ra sao. Do đó, về với thi ca là về với những không gian mơ tưởng, về với thế giới được tạo nên trong tầng sâu vô thức của người nghệ sĩ. Ở đấy, anh ta sống thật với chính mình nhất, với những ham muốn, dục vọng, nỗi đau, khát khao thầm kín, những vết thương ám thị. Người viết truyện (văn xuôi) hay làm lí luận phê bình có thể sống với mặt nạ sáng tạo, bởi khoảng cách lớn giữa nhân vật với tác giả, nhưng người làm thơ chỉ có thể sống thật với đời mình. Thơ ca phải là những tác phẩm chân thành, thật lòng, nhưng không được phép nôm na, dễ dãi.

Hoàng Thụy Anh kiến tạo nên thế giới mộng tưởng trong tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa với không gian âm nhu đầy nữ tính. Đọc thơ chị, ta có thể thấy sắc màu trầm buồn, không gian u tối của bóng đêm tràn ngập. “thử bấu đêm – thử cào đêm – buốt đau ngực em điều bất ngờ dội lên từ biển” [anh có nghe]; “như con cú ăn đêm – anh lặng lẽ cắn từng âm buồn” [khoảng nhớ nào rơm rớm cho nhau]… Gần như bài thơ nào trong thi phẩm của chị cũng được viết trong bóng tối. Thực ra, tên chính xác của tập thơ này phải là Người đàn bà sinh ra trong bóng tối. Câu hỏi đặt ra lúc này đó là tại sao bóng tối lại tràn ngập thế giới đến thế trong thơ Hoàng Thụy Anh? Theo phân tâm học của C.G.Jung, phần bóng âm (shadow) luôn là phần gắn với vô thức và những hình thức mặt nạ ngụy trang. Trong bóng tối, con người không nhìn về thế giới bên ngoài, khách quan với con mắt trần tục, hữu hạn, mà hướng con mắt tâm khảm mình vào nội giới. Bóng đêm như bào thai tử cung của người mẹ, êm ái, vỗ về che chở cho linh hồn khi ý thức chưa xuất hiện. Chính vì vậy, thơ Hoàng Thụy Anh thường suy tư, đớn đau, cô đơn trong bóng đêm, vì đó là lúc chị sống thật nhất và trọn vẹn nhất cho mình, với mình và thương mình. Những bài thơ trong bóng tối của chị vì vậy, luôn buồn và đầy ám ảnh. “đêm qua những giọt nước mắt em lẩn thẩn vắt ngang tờ giấy trắng – búng vào đó vệt xước như một tiếng thở dài mùa cũ – nhắc em về hình hài nắng thuở ban đầu… – hằng đêm – hằng đêm [giấc rời]; “đêm vỡ trên tóc – nỗi buồn phơi trắng rãnh… – đêm vỡ trên bài thơ – nhả khói tròn u mê” [đêm quỳnh]. “Thơ bóng tối” của Hoàng Thụy Anh chính vì được kiến tạo trong không gian mộng mị, mơ tưởng, ảo giác nên tính siêu thực, phi lý tràn ngập. Đây có thể xem là một trong những đặc trưng nghệ thuật đáng chú ý và có đóng góp nhất của thơ chị.

Trong bóng tối, chúng ta khó lòng nhận ra điều gì ở thế giới của thực tại, nhưng lại nhận ra rõ nhất những suy tưởng thầm kín bên trong của thi nhân. Bản thể của nữ thi sĩ hiện ra rõ ràng trong bóng đêm, và trong khoảng khắc đấy, người đọc nắm chặt được linh hồn của chữ. Những nỗi buồn đau rất đời thường, rất đàn bà lúc này là tâm sự chỉ có thể tỏ bày trong bóng âm. Đó có thể là lời trách móc bẽ bàng với “ai đó” từng khiến giấc mơ yêu một thời giang dở: “ai thắt nút lời hẹn – ai rót chia ly vào môi gió – ai gói hoàng hôn vào mắt đêm – để em đi hết quãng nhớ quãng thương vẫn không tìm được giấc yêu ban đầu” [tình]. Đó cũng có thể là khát khao dục vọng đời thường của một người đàn bà đương tuổi thanh xuân: “đêm nay – em sẽ vuốt ve những con chữ đang hừng hực tựa người đàn bà mặn mòi ưỡn đồi mơ bung cánh chật dưới lớp áo trăng – đừng khép mắt anh nhé” [trang em]. Đó cũng có thể là những nỗi to loan đời tư thế sự nhiễu nhương đang diễn ra hằng ngày mà bản thể nữ tính tất yếu phải dự phần trong đó: “những cơn mưa đêm nay tự tin bước qua vòng tròn úng não thế cuộc – bước qua ruỗng mòn ý nghĩ… – cuộc đời này cần bao nhiêu cơn mưa tự do để khép chặt và vắt trong biển ý nghĩa xám ngoét khét lạnh” [cuộc đời này cần bao nhiêu cơn mưa tự do].

Bóng đêm là không gian phù hợp nhất để sinh tạo ra không gian giấc mơ, mà mơ tưởng là dạng thức biểu hiện của đời sống vô thức của con người. Chính vì lí do này, mà những giấc mơ như là không gian ảo giác, phi thực cũng thường xuyên xuất hiện trong thơ Hoàng Thụy Anh. Giấc mơ của chị thường buồn, khi sự đổ vỡ về tình cảm cá nhân và sự thất vọng về hiện tại cứ ám riết lên từng tâm sự, ẩn hiện trong từng câu, từng chữ: “giấc mơ nói với tôi – mỗi khi rời khỏi góc thơ kia – nhớ che đậy kĩ càng – cuộc sống này bập bềnh nhiều phiên bản lạ… – bao giờ cũng dư thừa vô cảm – dư thừa lố bịch – giấc mơ buồn bã” [đối thoại]; “tiếng khóc của giấc mơ bị đốn khúc – sau đợt xạ trị – tim” [rời giấc]. Thơ ca lúc này là không gian bí mật cuối cùng mà người thơ còn có thể trú ngụ trong sự yên bình bản thể. Thế giới của thơ như thế giới bí mật, vĩnh hằng của những “vòng thời gian” mà các “người đặc biệt” tồn tại trong câu chuyện pha màu sắc huyền bí, phiêu lưu giả tưởng của Ransom Riggs là Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine. Ra ngoài những vòng thời gian của thơ, các thi nhân vốn cũng là những người đặc biệt với nhiều “siêu năng lực” nhưng vốn dĩ nhạy cảm và dễ bị kì thị, tổn thương ngay lập tức trở nên lạc lõng, già đi, bị săn đuổi và ám hại.

Tóm lại, có thể tạm kết lại rằng, bản thể nữ tính trong thơ Hoàng Thụy Anh được kiến tạo trong bóng tối, mang bản chất âm nhu của giới nữ thuần khiết. Nói như ngôn ngữ thơ ca của chị, đó là một tập thơ với hai hình tượng song hành, tương thuộc lên nhau là người đàn bà và đêm. “Người đàn bà và đêm – gặt những lời đau chằng chịt trên môi – gặt mãi vẫn chưa đi hết cuộc mong manh – người đàn bà ngồi vớt đêm – vớt phận mình – với mãi cũng chẳng thể nào ra ngoài cái nhân vị bão bùng được thắp lên từ muôn kiếp trước” [người đàn bà và đêm]. Như vậy, hóa ra “nhân vị đêm” trong thơ Hoàng Thụy Anh không đơn giản là câu chuyện của riêng chị, với chị, mà phổ quát hơn, là thân phận của người đàn bà ngàn kiếp qua trên mảnh đất An Nam bị thống ngự bởi phụ/nam quyền này.

Một không gian khác rất đáng chú ý trong tập thơ của Hoàng Thụy Anh, đó là không gian thân thể. Thể xác trong thơ Hoàng Thụy Anh không chỉ thuần túy vật chất, bản năng, mà nó là một trải nghiệm nữ tính, bộc lộ nhiều thông điệp về thân phận và khát khao thầm kín. Không phải ngẫu nhiên mà theo thống kê ban đầu của tôi, trong tập thơ có đến 7 lần chủ thể trữ tình hoặc nhân vật trữ tình trình hiện ra trong trạng thái khỏa thân. Những biến thể khác nhau của trạng thái lõa thể trong thơ chị mang nhiều cung bậc cảm xúc, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Có khi trạng thái khỏa thân này là một trải nghiệm bên trong bản chất bề sâu của thế giới: “khi mọi thứ khỏa thân và tìm cách độn mông bằng lớp giấy nhàu nhĩ – bên cạnh những con chuột cống bận trò chơi ái ân” [trò chuyện với hai chú cá về những điều ngoài cơn mưa]. Có khi khỏa thân là một ẩn dụ khát khao vẻ đẹp của dục tình: “thời gian lả lơi – thả cơn nude mơ nhánh lan mười sáu” [chờ]. Khi khác lại là nỗi bẽ bàng, buốt nhói trong đêm tối của chủ thể trữ tình: “lời em lõa thể – từng thanh âm đứt đoạn” [tàn].

Nhìn chung, thân thể không đơn thuần là trải nghiệm, một tồn tại tất yếu trong thơ Hoàng Thụy Anh, mà như đã trình bày ở trên, nó là thứ không gian mang đậm màu sắc của dục tình và ẩn ức, với dày đặc hệ thống liên quan đến thân thể. Hoàng Thụy Anh trải nghiệm thế giới này trước tiên qua thân thể, dùng thân thể để cảm nhận và cắt nghĩa thế giới. Ví dụ, ngoài hệ thống “môi” (miệng) mà chúng ta đã khảo sát ở phần 1, bạn đọc vẫn dễ dàng bắt gặp rất nhiều bộ phận thân thể khác đầy ám dụ về nữ tính như vú, ngực, nhũ hoa: “em nghe đêm gầy bay qua – rì rầm cánh ngực mười sáu đôi mươi” [lời nguyện cầu], “bầu vú thành phố ngập ngụa trong thứ sữa lắc lư” [trò chuyện với hai chú cá về những điều ngoài cơn mưa], “vẫn phơi phới nhũ hoa dậy thì – quyến rũ núm đời đêm đen” [những con chữ của em]; như má: “cho má đêm ngây ngất thức mời trăng” [lời nguyện cầu]; như dịch tiết của cơ thể: “sau cú va chạm nảy lửa – chữ tôi nhẫy dịch” [may ra]… Bản thân thế giới, hiện thực được đưa vào trong thơ Hoàng Thụy Anh cũng đã được thân thể hóa, hình tượng hóa thành thân xác phụ nữ nhằm cảm nhận. Bản thân mọi trạng thái thời tiết mà đặc biệt là mưa cũng làm chị liên tưởng, ẩn dụ đến hoạt động tính giao: “mưa cấu vào em luồn vào em những dây đêm mọng nước – em ôm mưa riết mưa như thể sóng quyện bờ” [mua gánh mưa]; “những cơn mưa ôm đêm ghì đêm dìu đêm lần mở những chiếc cúc cũ mèm” [cuộc đời này cần bao nhiêu cơ mưa tự do]. Hoặc hành vi ăn uống: “những cơn mưa ăn đêm từ hôm qua đến hôm nay vẫn chưa hết một phần” [ý nghĩ bất chợt không đến từ môi đêm môi mưa]. Ngay cả nỗi đau cũng mang hình hài thể xác: “nỗi đau co quắp nhú từng ngón xương xuyên đêm bội nhiễm – máu ngửa mặt lưu vong xuôi theo dòng nhật lệ – thớ não anh đang mang thai hi vọng” [lan man chuyện chúng mình].

Khép lại tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa của Hoàng Thụy Anh, bạn đọc sẽ không có cảm giác bình an, thanh thản khi vừa đọc xong một văn bản, lĩnh hội xong xuôi một thông điệp, mà ngược lại, hình như có một hành trình nhận thức, chiêm nghiệm, thao thức nào đó được khởi đi từ lúc này. Sự băn khoăn, hoang mang, trăn trở, bất an ấy Hoàng Thụy Anh đã đặt ra với tất cả chúng ta, từ nỗi đau máu thịt đời thường của chị. Có thể sự thất bại và thiệt thòi trong đời sống thường nhật, trong hôn nhân đã khiến hành trình nghệ thuật của chị thăng hoa như một sự đắp bù. Sau hết, bỏ đi những ma mị của ngôn từ, sự ảo diệu, siêu thực của hình tượng, nét tân kì của hình thức, ta bắt gặp một bản thể Hoàng Thụy Anh thật đẹp và nữ tính trong thơ, như những gì ta đã biết trong đời thực về con người và hình hài của nữ thi sĩ. Bạn đọc đã từng quen biết với một nửa lí trí/tính, ý thức của chị qua lí luận phê bình, nay đã có thể hình dung đầy đủ và trọn vẹn hơn về chân dung tinh thần của chị, qua mặt cảm tính, vô thức trong thơ. Ở đấy, chị vẫn mỗi ngày vắt kiệt lòng mình, hồn mình để sống tận hiến cho tình yêu và cuộc đời: “anh yêu – yêu anh – gia tài em chỉ có – những chuyện kể lan man & nỗi buồn lộng lẫy này mà thôi” [em kể anh nghe].

Trường An, 23h 51, ngày 13.3.2017

TS Phan Tuấn Anh/VHSG