Huyền Văn và nỗi ám ảnh về một tình yêu đẹp

827

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc bản thảo tập truyện ngắn “Không phải lần đầu” của Sương Thiên Lộc trên Facebook và bị lôi cuốn ngay từ những truyện đầu. Và càng đọc càng bị ám ảnh về những câu chuyện tình đẹp. Bằng lối hành văn nhẹ nhàng như văn Thạch Lam nhưng rất có duyên của người con gái Nam Bộ, tác giả đã diễn tả tâm lý nhân vật một cách kín đáo qua ngoại cảnh và lời thoại khách quan ở nhân vật “tôi” ngôi thứ nhất, hoặc nhân vật ở ngôi thứ ba. Cảnh, tình trong truyện rất hiện thực nhưng cũng không kém phần lãng mạn được đặt trong một không gian mở và thời gian không xác định. Vì thế nhiều truyện vừa ảo vừa thực đậm chất thơ.


Bìa sách “Không phải lần đầu” của Huyền Văn.

Với tập truyện ngắn này, ta thấy kiến văn của tác giả khá phong phú. Thơ và nhạc được xen kẽ trong những lời thoại bộc lộ nội tâm nhân vật khiến người đọc có cảm giác nhẹ nhàng thư thái. “Thuyền ơi tôi chỉ một mình/ Mong ai chở hộ chút tình vấn vương” (Không phải lần đầu). Bao trùm lên bảy truyện là đề tài về tình yêu – một đề tài vĩnh hằng của thơ ca, nhạc, họa mà nhân loại tôn thờ từ xưa tới nay. Cái làm cho người đọc thích thú trong tập truyện “Không phải lần đầu” là tự thân câu chuyện gợi cho người đọc suy ngẫm cách giải quyết vấn đề theo ngữ cảnh chứ không áp đặt người đọc chấp nhận theo ý kiến của tác giả. Và qua những cung bậc vui, buồn, hờn, giận, xao xuyến, bâng khuâng, những giây phút xao động đầu đời, tươi vui hay buồn đau, sầu não, những trăn trở, dằn vặt về nội tâm trước bao vấn đề phức tạp của cuộc sống hiện đại đều được Huyền Văn diễn tả một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Trong những truyện của Huyền Văn, có mối tình đơn phương, song phương, có mối tình tay ba nhưng tác giả đã khéo dẫn dắt câu chuyện hướng về cái đẹp, cái cao cả của tình bạn, tình yêu. “Em rất xúc động, vì anh đã đến, đã cùng em đi dạo trên bờ kinh Xà No, đã làm thơ tặng em… Tất cả như một giấc mơ, anh đến rồi anh lại đi, chỉ có kỷ niệm là còn mãi. Sau này nếu có duyên sẽ gặp lại nhau, mong anh giữ gìn sức khỏe.” (Không phải lần đầu).


Nhà văn Huyền Văn.

Các nhân vật được Huyền Văn thể hiện sự yêu thương rất lãng mạn nhưng có chừng mực, có sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn, không đơn thuần là nhục dục thường tình. Những đoạn diễn tả cảnh ái ân nhẹ nhàng, tế nhị mà vẫn gợi được xúc cảm, mỹ cảm trong lòng người đọc.

Ở truyện “Hai người đàn bà”, Đại và Mỹ là một cặp tình nhân, họ đến với nhau vì cảm xúc hoan lạc: “Anh nắm tay Mỹ. Hai người lập tức siết chặt lấy nhau. Anh xoay người và một chân co lên, cánh cửa đóng sập. Tay Mỹ quàng lấy cổ anh, ngón chân kiểng lên. Anh lần tay vào trong áo Mỹ, nàng vòng tay ra sau hông của Đại ghì chặt hơn”. Trái lại, trong “Ngày tân hôn”, hạnh phúc vợ chồng được thể hiện từ sự hòa hợp của thể xác lẫn tâm hồn: “Nói thật lòng, em đã cho anh cảm giác sung sướng khó tả, cái cảm giác đó không hoàn toàn vì nhục dục, mà vì em là vợ anh, là người anh yêu thương nhất, là người anh mong muốn có sự hòa hợp nhất, chỉ khi ở bên em anh mới có cảm giác đó mà thôi”.

Truyện “Áo bà ba”, nhân vật Khôi đã ghìm lại cơn dục vọng giữ cho Trúc sự trinh trắng: “Những ngón tay nóng hổi của Khôi chạm vào nơi e thẹn nhất của người con gái trinh nguyên. Cô giật thót người ‘Không!’ Khôi nhìn Trúc đắm đuối thương yêu. Anh biết Trúc là một cô gái trắng trong. Anh không muốn đóa hoa tinh khiết trong phút chốc sẽ bị dùi dập dưới cơn sóng dữ trong lòng anh. Anh dừng lại. Lồng ngực anh đánh trống liên hồi”. Để rồi mười năm sau “Họ làm nốt phần còn lại dưới gốc cây sao. Họ hát tiếp bản tình ca dang dở mười năm, bởi vì họ đã móc ngoéo thề nguyền. Chị Hằng đã làm chứng cho họ”.

Tôi rất xúc động với câu chuyện “Trò chơi trốn tìm” và cảm thông trước mảnh đời của nhân vật tên Quyên, một cô gái mới lớn, mới biết yêu: “Trong trạng thái mơ hồ, tôi từ từ cởi bớt nút áo, cảm nhận được làn nước đang nhẹ nhàng vuốt ve từng bộ phận trên cơ thể tôi. Lúc này tôi mới hiểu tại sao người nông thôn lại thích tắm sông như vậy. Tuấn Trình nhẹ nhàng bơi đến bên cạnh tôi, cẩn thận và dịu dàng ôm lấy tôi, giọng nói của anh êm ái vang lên “Quyên ơi, anh yêu em nhiều lắm”. Nhưng vì hoàn cảnh cô phải lẩn tránh tình yêu để rồi lạc lõng và sợ hãi trong cô đơn, tuyệt vọng… Cuối cùng cô cũng nhận ra đâu là tình yêu thật sự của cuộc đời “Thì ra tình yêu rất đơn giản. Tình yêu là sự hòa hợp của hai con người về thể xác lẫn tâm hồn. Tôi đã làm cho tình yêu trở nên phức tạp, bởi sự khao khát của thể xác làm cho tư tưởng bị u mê đã vượt ra ngoài sự dẫn dắt của tâm hồn.”

Mỗi truyện của Huyền Văn đều ánh lên vẻ đẹp nhân văn cao cả, như hơi thở cuộc sống vậy. Tất cả đều thấm đẫm tình người với những nỗi đau, niềm vui của thân phận người phụ nữ, rất yếu đuối nhưng cũng rất kiên cường, cho dù cuộc sống xô đẩy họ đối mặt với những nghịch cảnh của gia đình, xã hội nhưng không hề mất đi niềm tin, hy vọng. Tôi có cảm giác Huyền Văn như một nhà quay phim đang quay cận cảnh những kỷ niệm vui buồn mà con tim thôi thúc trong quá khứ, hiện tại và tương lai, và phải viết ra như trả món nợ cho cuộc đời. Trong góc khuất tận cùng của con tim được Huyền Văn diễn đạt như những lời tâm tình thỏ thẻ, khiến cho người đọc dâng lên một mối cảm thông sâu sắc: “Cẩm Tú đứng ngây người trước chòi canh lúa ngày xưa. Cô bước vào trong. Kỷ niệm ngày nào như còn nguyên vẹn hiện về. Tình yêu thuở mới lớn thật hồn nhiên, không suy tính nhiều, chỉ biết yêu và mơ mộng.” (Chòi canh lúa)

Với năng khiếu về văn chương và vốn ngôn ngữ phong phú, những câu chuyện của Huyền Văn rất chân thực như đời thường, nhưng lại được chắp cánh bởi ngôn từ, hình ảnh và giọng điệu riêng, tạo nên lực hấp dẫn nơi người đọc. Những điều tác giả viết ra, dù chỉ là những độc thoại nội tâm, hay những sự việc bình thường trong cuộc sống đều được thể hiện bằng một giọng văn khi mềm mại mà cứng cỏi, khi hờn giận vẫn bao dung của người phụ nữ trải qua nhiều sóng gió cuộc đời.

Nhân vật ở mỗi truyện được đặt trong những cảnh ngộ éo le, giữa sự sống và cái chết, giữa cái thiện và cái ác, giữa bóng tối và ánh sáng, và thường chia làm hai tuyến đối lập như lửa với nước. Và bao giờ kết thúc cũng có hậu như một cổ tích giữa đời thường. “Bình ơi, làm sao em quên được, ngày xưa anh đã cho em bờ vai. Cho dù bờ vai đó có đôi lúc yếu mềm, chao đảo, em sẽ nổ lực để giữ gìn bờ vai đó luôn cứng cáp, để cả gia đình chúng ta cùng nương tựa lẫn nhau” (Áo bà ba). Chính cái nhìn lạc quan, tiếng cười trong trẻo trong quá trình xây dựng nhân vật nên Huyền Văn luôn cho nhân vật vượt lên từ trong đau khổ, đứng dậy mà hướng tới tương lai.

Giữa những ồn ào của của lối sống công nghiệp thời hội nhập, đọc những truyện ngắn của Huyền Văn ta như đang lắng nghe lời tâm sự của những con người, những mảnh đời khát khao, hy vọng vươn tới một hạnh phúc trọn vẹn. Xã hội ngày càng phát triển, nhưng cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, trăn trở, thì vẫn còn đó những mâu thuẫn, những đối lập nảy sinh trong mối quan hệ vợ chồng, tình yêu, tình bạn… nhưng ta tin rằng cái cao cả, thiện lương luôn chiến thắng cái xấu, cái ác.

Bằng một giọng kể hồn nhiên, đôn hậu, từ ngữ mộc mạc đậm chất Nam Bộ, Huyền Văn đã để lại trong tâm trí người đọc những câu chuyện tình đẹp ở lứa tuổi đã trưởng thành, từ đó góp phần định hướng bằng xúc cảm thẩm mỹ để bảo vệ hạnh phúc gia đình và sự bình an trong tâm hồn mỗi con người.

Tuy là tập truyện đầu tay nhưng Huyền Văn đã tỏ ra khá vững trong bút pháp khi sắp xếp bố cục, dẫn dắt tình tiết, miêu tả tâm lý nhân vật, đã tạo được những tình huống mang kịch tính để lại những ấn tượng khó quên đối với người đọc. Với thành công bước đầu ở tập truyện ngắn này, tôi tin rằng Huyền Văn sẽ tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp văn chương.

Lê Xuân