Huỳnh Thúy Kiều muốn quay về khóc dưới cội quê hương

819

29.01.2018-12:00

 Tập thơ “Ru giấc phù sa” của Huỳnh Thúy Kiều

 

Huỳnh Thúy Kiều

muốn quay về khóc dưới cội quê hương

PHAN HOÀI THƯƠNG

 

NVTPHCM- Cầm trên tay tập thơ “Ru giấc phù sa” của nhà thơ Huỳnh Thuý Kiều (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Cà Mau), tôi thấy đồng hiện trước mắt tôi một đồng bằng Chín khúc phì nhiêu trải ra như tiếng đàn kìm thở dài của người dân miền Tây Nam bộ, thấm đẫm chất tài tử sông nước miệt vườn. Toàn bộ tập thơ vẻn vẹn 39 bài như đưa ta cùng chuyến viễn du trở về với tình đất và tình người Phương Nam trăm thương ngàn mến. Có lẽ nơi đây “Mỗi tấc đất quê hương là mỗi giọt máu cội nguồn” (Châu thổ) đã cưu mang và sinh thành nên một hồn thơ đặc trưng ấy.

 

Huỳnh Thúy Kiều là tác giả sở hữu ba tập thơ. Sự xuất hiện của chị trên thi đàn những năm gần đây làm cho độc giả chú ý nhiều hơn về một giọng thơ nữ trẻ đồng bằng đầy triển vọng của nền văn học vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và văn học cả nước nói chung.

 

Sau thành công của tập “Kiều Mây” – NXB Văn học 2008 (đạt giải thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật VN năm 2009), tạo cú hích cho chị viết tiếp “Giấu anh vào cỏ xanh” – NXB Văn học 2010. Và chị liên tục nhận được nhiều giải thưởng uy tín khác trên văn đàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan trong đời sống riêng tư, có lúc tưởng chừng như chị buông tất cả. Sau “Giấu anh vào cỏ xanh”, chị để độc giả phải chờ đợi khá lâu. Nhưng may mắn thay, nói như nhà thơ Trúc Linh Lan “Thơ là cách để cứu vớt tâm hồn, cứu vớt nỗi đau, nỗi cô đơn tuyệt vọng, thơ là cứu cánh của những khát vọng, những cái đẹp không vươn tới được, những nỗi buồn không tên”, Huỳnh Thúy Kiều một lần nữa lại tìm về với thơ, như Phùng Quán thi sĩ “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Mãi đến tận bảy năm sau đó, chị mới công bố “Ru giấc phù sa” NXB Phương Đông 2017, đánh dấu sự trở lại của một hồn thơ đầy ”mùi bùn đất” (Ngô Minh).

 

Giấc phù sa/Ru bản nhạc hiệu đồng bằng/Này tiếng ễnh ương, ếch nhái/Những bàn chân lấn bùn bước tới/Giữa rốn lũ ngậm ngùi chan nghẹn chén cơm lưng/ Phương Nam! Phương Nam!/Ru giấc phù sa xanh rễ mượt mềm/… Chín ngả rẽ/Trôi hướng nào cũng bắt đầu từ thượng nguồn mẹ Mêkông đang ầm ầm bừng thức/Khát vọng đồng bằng ru giấc phù sa!” (Ru giấc phù sa)

 

Thơ Huỳnh Thúy Kiều đậm đà chất quê kiểng, mang hơi thở hồn hậu, đầy chất trữ tình sông nước Cà Mau. Là tiếng nói của người gọi dậy miền đất Chín Rồng.

 

Thơ chị chiết xuất từ chất liệu “bùn đất”. Rất dễ dàng tìm thấy những câu đại loại: “… Em hứng nắng xanh mùa lũ/Nhuộm phù sa châu thổ lên nỗi buồn/Khâu ngàn vạn lá tràm U Minh thành tấm áo ngày đông trốn bấc” (Dư âm), “Anh cầu nguyện nổi chìm lênh đênh phù phiếm/ nụ thời gian giăng khoảng trời tơ nhện/ Theo em về treo cây bẹo giữa ngã ba sông” (Nỗi niềm phù sa). Chị đưa vào những từ ngữ là lời ăn tiếng nói đặc sệt chất miền sông nước như: cây bẹo, con nước lớn ròng ,neo bến chợ, nổi nênh, bến nước (Em giặt áo bà ba và gội đầu bên bến nước) , mái chèo (Mái chèo khua nhịp lở), quả bần (“Cắn quả bần chua ngỡ hương sấu bay theo suối tóc”),…

 

Đến với thơ Huỳnh Thúy Kiều, ta có cảm giác như tác giả “bưng” hết quê hương vào trong trang viết với bao ân tình, thủy chung. Từng cảnh sắc thiên nhiên và con người được chị tái hiện hết sức “đồng bằng” qua những vần thơ tươi nguyên, đầy chất tài tử: “Cầm cây sào tôi chống ngược về phía ngày xưa/Mẹ búi tóc củ co ngồi bên hiên nhà khâu ký ức/Cha bập bập điếu thuốc rê quấn giấy pơ-luya khói bay xông tiềm thức/…Cá lóc nướng trui ăn với gạo nàng thơm chợ Đào gọi mùa vụ mới/Vị đồng bằng khề khà từng ly đế nồng nàn diệu vợi/Thương hồ hát, thương hồ nghe giữa những cây bẹo rao hàng” (Về một vầng trăng) . Cái chất phác, thật thà có từ trong hơi thở từ lúc mới sinh ra. Lòng dạ người thẳng ngay, trìu mến, không một mảy may so đo, cân tính. Cái chất ấy là chất phù sa trong tâm tưởng nuôi dưỡng lòng người, mà dù có đi đâu cũng nhớ canh cánh khôn nguôi. Bản sắc Nam bộ là thế, đặc biệt là người miền Tây.

 

Trong bài “Cửu Long” những hình ảnh dung dị quê hương chỉ có thể bắt gặp lại nơi đây: “Phù sa di cư theo những đêm trắng không màu/Nhuộm đỏ đồng bằng qua ký ức nhớ thương rất đơn sơ giản dị/Sẽ thành kỷ vật những củ co, trái bình bát, trái ô môi, đọt choại xanh, đọt ráng/Chỗ cha ông nằm nước liếm cả mép đất vuông”. Mang nặng trong tim túi hành trang là miền quê sinh thành nên hồn thơ, chị như thấy mình quá nhiều nần nợ với nơi chôn nhau cắt rốn. Để rồi một ngày chị chợt nhận ra mình thật nhỏ nhoi, dẫu có “Đi suốt cuộc đời /Qua hết cả thảy những bãi hoang, gò, miếu/Vẫn thấy mình bé nhỏ trước tên gọi chín dòng sông”.

 

Hai tiếng quê hương trong thơ Huỳnh Thúy Kiều chan chứa biết bao ân tình. Chị gắn bó máu thịt với miền đất sinh thành ra mình, nơi khởi phát dòng sông thơ ca dạt dào chảy qua tâm hồn vốn nhạy cảm của chị. Chính nguồn cảm hứng từ ca dao dân gian đã thấm sâu vào huyết quản, thôi thúc chị chắp bút viết nên những vần thơ đầy duyên nợ: ”Bài học đầu tiên mẹ dạy tôi bằng ca dao tục ngữ/Những cù lao xanh mầm yêu thương vắt dọc ngang châu thổ/…” (Về một vầng trăng). “Vầng trăng tha phương dìu nỗi nhớ quay về” (Cửu Long). Hay khi chị viết “Cho miền đất yêu thương”, một miền quê hiện ra thật gần gũi trong tiếng chày nhặt thưa, tiếng lửa reo báo hiệu mùa vụ no ấm…: “Ai quết bánh phồng/Vẳng nhịp chày cuối xóm/Củi tàu dừa tí tách lửa reo”. Và hình ảnh người cha tất tả, thân thương như một nốt lặng giữa đời: “Cánh đồng trĩu vàng bông lúa/ Ba gánh hết nhọc nhằn trải sân phơi/ con len lén đếm mồ hôi người nhỏ giọt”. Chừng đó cũng đủ làm nên hạnh phúc cho con người. Mà cũng chẳng thể tìm hạnh phúc nơi đâu, không cần cất công đi tìm, hạnh phúc nằm chính chỗ chị đứng, nơi mảnh đất phù sa châu thổ hào phóng muôn đời như ngàn sợi dây vô hình buộc chặc lòng chị: “Hạnh phúc nào hơn khi ta ôm trong tim mảnh đất/Cho thăng hoa khúc nhạc dậy lòng mình”.

 

Cái tình quê không dễ gì phai nhạt trong lòng mỗi người. Chị “tham lam” muốn “gom hết đồng bằng vào giấc cỏ phì nhiêu” (Ru cỏ). Tựa như dòng sông chảy dùng dằng ra biển lớn tình yêu, lại khắc khoải nhớ về nơi khởi phát, lòng chị dẫu có “Biệt phương nào cũng muốn quay về khóc dưới cội quê hương”(Mái tranh quê).

 

Phải thật yêu thương mảnh đất mình sinh sống, phải canh cánh trong lòng hai chữ quê hương, phải gắn bó chân thành thế nào đó … mới là nguồn” phù sa” dưỡng nuôi hồn thơ chị. Về sông Hồng, chị không quên đoái hoài miệt Cửu Long đất mẹ với bao thủy chung. Như ôm đất nước vào lòng son sắt, mọi giới hạn về vị trí địa lí bị phá vỡ bởi khoảng cách lòng người được xóa nhòa. Trong Sông Hồng có hình ảnh câu vọng cổ phương Nam hòa quyện: “Cửu Long cách sông Hồng một vòng tay buông/Nghe tiếng nhớ chảy về tim đất nước/ … Xin gửi sông Hồng khúc lụa Tân Châu/Tiếng vó ngựa khua nhấn chìm nhịp võng/Hoa sữa đứng xếp hàng chở những nốt tri âm ngân bổng/Hà Nội một chiều/Câu vọng cổ cõng dáng áo bà ba” (Tự khúc Cửu Long kính gởi sông Hồng).

 

Thơ Huỳnh Thúy Kiều giàu cảm xúc với duyên nợ miền Tây. Chị viết say mê tất cả những gì có nơi chị sống, từng trải. Chị như nhà khảo cổ đi khai quật đồng bằng. Chủ đề đồng bằng được chị khai thác triệt để mà không lo cạn. Lắm lúc trong giới văn sĩ lo ngại thay chị, rằng tập trung hoài về một chủ đề sẽ hết cái để viết. Nhưng không, phù sa đồng bằng châu thổ mỗi năm còn được bồi lắng từ dòng Mêkông, thì chất liệu trong kho thơ chị còn trầm tích nhiều điều để viết, nhiều điều còn ấp ủ, hoài thai. Khi nào còn sống, trái tim chị hãy còn đập với hơi thở đồng bằng ruột thịt. Chính nơi đây là nguồn sữa thơm mát nuôi nấng hồn thơ chị: “Nhân nghĩa bà gieo qua từng câu chuyện kể/Tôi lớn lên giữa yêu thương của xóm làng yên bình dung dị/Có viết suốt đời cũng không thể trả hết nợ ca dao” (Ru lại bờ ca dao).

 

Với chị, cảnh trí đồng bằng luôn thường trực trong từng hơi thở. Duyên nợ châu thổ không dễ gì phai nhạt trong tâm hồn. Nhìn đêm trăng trung thu ở thành phố, cũng gợi cho chị nhớ về một nơi thôn dã có trẻ thơ nghèo khó hay là hoài niệm chính tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng? “Trung thu quê nghèo đâu rồi những nia, thúng đựng trăng?/Giấc ngủ mớ đèn ông sao cá chép/Trẻ con thành phố cầm đèn lồng nhốt chùm trăng công nghiệp/Tôi khóc riêng mình vô tình hoang hoải bờ ca dao”(Ru lại bờ ca dao) . Đôi khi chị thèm khát được chạm vào dòng nước đỏ sông quê mỗi khi xa. Cái cảm giác mát lành ấy đằm vào từng làn da, thớ thịt, chỉ có thể có ở chính con sông chảy qua bao thăng trầm mà đất mẹ dâng tặng lại: “Về khỏa nước sông quê để rửa trôi nhọc nhằn /Mưa tháng sáu vẫn rạt rào chảy giữa hai bờ lúa/Đong tuổi thơ phía nào cũng thấy mình mắc nợ” (Giữa hai bờ lúa).

 

Đồng hành với bước đường thơ chị, hóa ra chị cũng viết nhiều về đề tài khác. Hồn thơ Huỳnh Thúy Kiều cũng rất có duyên khi chạm đến đề tài vùng miền ngoài châu thổ. Với “Sài Gòn Sài Gòn”: “Sài Gòn cũng có mình ên, dạ thưa, mô tê, chi nớ/Tiếng cười vang xa/Rộn nỗi nhớ ba miền”. Nhưng tôi thích đọc những bài thơ chị viết về Huế hơn. “Anh thử một lần uống cạn đồng bằng để say khúc tương tư / đêm hóa đá. Câu vọng cổ nghẹn tràn đau lồng ngực / Sông Hương buồn thả nhớ tím tiếng chuông thổn thức/ Thiên Mụ đổ giờ … Nghe chừng như lạ thành quen!” (Rất Huế). “Lỗi hẹn với Hương giang “có những câu thơ tuyệt hay: “Gọi nhớ ngân tràn theo tiếng chuông Thiên Mụ/ đợi em về/ Thành Nội hóa rong rêu/… Em chưa đến/Mưa trút buồn lên Huế/ Giọng em cười/ Nắng giòn ngọt sông Hương/ … Em là khách sao nhớ Huế tím bời bời nhớ/ Hương giang buồn vì lời hẹn chưa khô.” Hay khi thưởng ngoạn Đèo Ngang, cảnh hoang dại hiện ra tương đối sống động trước “anh” và “em”: “Bông sim tím chân đèo, mây cũng xòe váy tím/Núi biếc chiều, lưng áo tơi cũng biếc /Tóc em thơm anh khẽ gọi gió về/Hoành Sơn mùa vẫn mùa đội gió vò mưa tưới núi đau đáu nhìn tít tắp biển khơi/Đã mấy trăm năm/Tiều phu cong dáng cõng nắng xuống chân đồi.” (Tùy hứng đèo Ngang).

 

Thi thoảng chị cũng viết về tình yêu lứa đôi. (Hay do sự đọc hết sức khiêm tốn của mình mà chưa bắt gặp?): “Tình yêu đầu anh chưa kịp đặt tên/gói khoảnh khắc/đưa vào ngăn rất vội /se sắt lòng em/ thương nhớ ngụy trang.” (Phía không em)

 

Nếu một ngày sóng xô anh dạt về phía em/ biển đã mặn/ van em đừng cứu anh bằng nước mắt/… Nếu một ngày không thể có em/ bình minh anh chẳng bao giờ rạng nữa. (Nếu)

 

Thả những tin nhắn chơi vơi lên bầu trời/ như bầy ngựa không dây cương/đêm hoang/ thời gian ngưng chảy. (Tin nhắn, đêm hoang và bầy ngựa)

 

Tinh túy của thu là em, hoa sữa hay hương dạ lý?/ anh vụng về quên mật khẩu mở cửa thu. (Thưa em, mùa thu)…

 

Những câu thơ ngồn ngộn ý tứ yêu thương đấy chứ!

 

Chị rất thành công khi viết về đề tài sông nước Nam bộ, nơi chị sinh ra. Còn với đề tài lịch sử, chị cũng mang lại dấu ấn đậm nét của tình yêu đất nước, dân tộc khi cơi nới sang mảng đề tài này. Chị viết về “Ký ức chiến tranh “ thật chan chứa cảm xúc của một người lính cụ Hồ, giờ mái đầu đã bạc phơ, trở về chiến trường xưa viếng hương hồn đồng đội: “Xuân Mậu Thân cha mới chỉ là chàng thanh niên ngoài hai mươi tuổi/Gởi một con mắt lại chiến trường cùng bao nhiêu xác đồng đội ven lộ Vòng Cung/…Ký ức chiến tranh là vô vàn khúc hát chưa được đặt tên/Có oai hùng , có nhiệt huyết, có bi thương và tràn trề nhựa sống”. Hay khi “Đưa cha về thăm nghĩa trang Trường Sơn”, như chuyến hành hương về nguồn, về với dòng sử chói lọi chiến công cũng lắm mà tang thương cũng không hề ít, ghi dấu một “màu hoa đỏ”(Thuận Yến) hiển hách, hừng hực hào khí ” nói như nhà thơ Viễn Phương: “Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn/ Ai đếm khăn tang ai đong máu chiến trường”, “Tiếng Bác Hồ: “Dù đốt cháy dãy Trường Sơn”(Bài văn bia- Viễn Phương), chị như lặng đi, tưởng tiếc: ”Bao nhiêu chàng trai đã bơi qua dòng Thạch Hãn nuôi giấc mơ hòa bình xứ sở/Mỗi mét đất Thành cổ Quảng Trị gánh trên mình hơn sáu kí –lô bom đạn/Chiến trường nào không nhuộm máu cha anh?/… Cha nói với con sẽ hát ru đồng đội đang nằm kia khúc U minh trầm mặc/Giọt nước mắt vỡ òa theo nếp nghĩ thời gian”. Tuy nhiên, với đề tài này, tôi thích nhất khi đọc bài “Em viết cho anh từ phía cuối chân trời”.Đó là một thứ tình yêu sẵn sàng dâng hiến cho Tổ quốc, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”( Hồ Chí Minh): “Em viết cho anh từ phía cuối chân trời/Cửa Ông Trang, Bồ Đề cũng đang sục sôi uất nghẹn/Đất nước mình không thể để mất dù chỉ một cen-ti-met biển/Bão dậy rồi/Em nhường anh cho Tổ quốc thương yêu!”…

 

Cuối cùng, rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà thơ Huỳnh Thúy Kiều được nhiều cây bút phê bình“gạo cội” trong giới văn chương tốn nhiều thời gian viết về chị đến thế. Hãy nghe nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch cảm xúc: “Cuộc sống là hành trình khắc khoải vô minh về cõi chết. Thơ Huỳnh Thúy Kiều như những lớp sóng ngôn từ phiêu linh ảo diệu phủ phê trên hành trình ấy. Có thể nói thơ Huỳnh Thúy Kiều là một diễn trình thi pháp cấu trúc năng lượng: Năng lượng sống liên hồi, năng lượng yêu hoang dã và cả năng lượng tối u huyền”… Còn với nhà thơ Trần Quang Quý xem: “Hàng loạt bài thơ, câu thơ như căn cước văn hóa của châu thổ, những miệt vườn phì nhiêu, những tên gọi nôm na, những đan chảy của phù sa, kênh rạch…” . “Cái khác của Huỳnh Thúy Kiều so với nhiều cây bút thơ cùng thế hệ là chị không quá bận tâm hoặc tự mình mày mò rồi mắc kẹt, rối rắm, mù mờ trong mớ hỗn mang, dây nhợ của những lý thuyết sáng tác nhập ngoại này nọ. Chị tự tin đi giữa đời sống quê miền ngồn ngộn chất liệu cảm hứng.” Nhưng ông cũng thành thật xác nhận một chút gì đó hơi luyến tiếc: “Giá như, trong những đợt triều cường cảm xúc và thi tứ, Huỳnh Thúy Kiều có một khoảng kìm lắng, để những câu thơ, ý thơ tăng hiệu năng lay thức từ bề sâu thi cảm. Đôi khi sự ham mê lại trở nên thừa thãi, thừa mà vẫn thiếu.”

 

Dưới góc độ là độc giả, đôi lúc còn cảm thụ chủ quan và thiển cạn, tôi xin mượn lời của những người “trong nghề” để bày tỏ đồng cảm với những hạn chế nhất định trong thơ chị. Tuy nhiên, con đường chữ nghĩa còn dài, đơn độc và lắm truân chuyên, nói như nữ sĩ Lê Khánh Mai: “Ta chung một lũ trời đày/ Đường quang chẳng bước nẻo lầy sa chân/ Đa đoan vấn vít gió trăng/ Nỗi sầu muôn thuở đeo mang phận người…”(Tâm khúc), trót lỡ “nhúng chàm” vào con đường thi ca như nghiệp phải trả, thì ta không nên có tư tưởng vội cầu toàn ở tác giả, dẫu biết xưa nay khen chê là lẽ tất yếu không có gì lạ của người làm công tác phê bình. Thay vào đó, phải chăng mọi người hãy cởi mở đón nhận với tất cả lòng yêu mến, trân trọng một hồn thơ đích thực, không lấy thơ làm con đường tiến thân hay mang lại phú quý vinh quang gì ? Hãy thầm lặng chờ đợi, cần lắm bạn tri âm tri kỷ để cổ vũ cho một giọng thơ đầy sáng tạo và hứa hẹn sự chuyển dịch lớn trong nhiều tập thơ kế tiếp, tôi tin chắc vậy.

TP. HCM, 24.1.2018

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…