Nguyễn Tham Thiện Kế – Gã hành khách cuối cùng

652

29.01.2018-16:00

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế

 

Gã hành khách cuối cùng

 

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THAM THIỆN KẾ

 

1.

NVTPHCM- Bạn hay tôi, hẳn trong đời đã không ít hơn một lần bị ai đó nẹt: Muốn chết à. Muốn chết thì dễ. Tao cho mày chết luôn.

     

Thời bây giờ chết có dễ như người ta nói không nhỉ.

     

Tôi đã chứng kiến kẻ rắp tâm chết. Một người không bị ai dọa mà tự tìm kiếm cái chết. Và, tôi vô tình gắng giúp người đó toại nguyện. Hắn mong chết bằng cách lao đầu từ trên đỉnh núi Thượng Sơn, giữa khu bảo tồn thiên nhiên, xuống thung lũng Hoa Chuông để thân xác văng ra trăm mảnh cho chim ăn hoặc tan rữa trong dòng sông sôi bọt.

 

2.

Tôi ra bến xe buýt muộn. May, chuyến xe cuối ngày về Thượng Sơn chưa chạy. Vội ném mình xuống chiếc ghế trống.

     

Chiếc xe đuỳnh đoàng có dàn lốp mới nguyên phấn trắng lưu huỳnh nhưng nội thất lại chắp vá như toa xe – nhà lưu động của công nhân công trình giao thông. Chừng hơn chục khách rải trong bốn chục số ghế. Bánh mứt kẹo bia rượu lịch tờ ních chặt trong hộp các tông, cũi nhựa. Và cành đào Nhật Tân yểu điệu ngự trên phía buồng lái. Người nhà xe đi đâu nhỉ.

     

Ngày mai đã là 23 Tết. Thảo nào, người ta chăng lưới, tát ao đầm truy bắt cá chép cả tuần nay chưa ngưng. Nhấp nhổm, tôi nghĩ chỉ mươi phút nữa sẽ rời bến. Tưởng mình đã là người cuối cùng lên xe. Sân bến lập lờ lá bàng khô. Nhưng kia, trong mưa bụi xám mờ, một gã nữa cũng tầm tuổi tôi. Thừa bốn mươi thiếu năm mươi. Đầu trần. Gã đủng đỉnh thả bước.

     

Trắng nhợt. Ria tỉa chỉ. Măngtô ka ki xám mềm, khăn len lông cừu mịn Casơmia dài thượt, hai đầu khăn chấm gối. Giày da nai nâu. Chiếc bao đeo bụng căng phồng. Hai bên túi chiếc quần hộp cũng lồi phệ. Mắt kính cận loáng lấp tia nhìn vô cảm.

     

Hắn nhào vào ghế bên kia lối đi, thẳng hàng với tôi.

     

Vuốt mặt. Ngáp. Khoanh tay. Hắn nhắm mắt. Mùi nước hoa đắt tiền của hắn khiến tôi vừa nể vừa ghen tỵ. Tôi liếc chéo sang hắn. Cái túi đeo bụng kéo khóa chưa kín, để lộ mớ ngoại tệ dày cộp. Hắn mang nhiều tiền về miền rừng heo hút này để làm gì. Thời buổi này đi đái còn cần đến tiền. Kệ. Tiền của hắn liên quan gì đến tôi. Nhưng sao tôi bỗng có cảm giác hắn bí hiểm, hắn đang tiềm ẩn một nguy cơ nào đó. Hình như trong hắn có thuốc nổ xì khói dưới lớp băng đá Bắc Cực.

 

3.

Có tiếng người hằm hè. Người chủ xe là phụ lái. Người lái chính là người làm thuê. Họ cãi nhau. Chủ xe thì bảo ngày Tết phải phục vụ hết mình, dẫu đã quá giờ xuất bến, đợi dăm ba khách nữa làm phúc cho người ta. Hơn nữa tao đã phải chi thêm để nằm lại bến. Người làm thuê thì vằng lại, rằng ông chỉ kiếm cớ đơm thêm khách, hóng thêm tiền, tôi được thuê một giờ là 60 phút chứ không phải một giờ 120 phút. Giờ cao su mà tiền công rau ngót luộc.

     

Bỗng hắn ngán ngẩm đẩy kính cửa thò hẳn đầu ra vẫy hai kẻ đang bất đồng chính kiến. Không hiểu từ hắn tỏa ra thứ quyền uy gì mà hai kẻ đang gân cổ bạnh hàm cãi lý, cùng ngoan ngoãn tiến lại hắn lễ phép.

     

– Các ông đều cần tiền chứ gì? Chẳng qua là cách cần tiền của hai ông không giống nhau thôi. Này đây, mỗi ông 100 đô tôi bù giá. Tôi chán ngấy ngồi chỗ này…

     

Hắn phì nước bọt xuống sàn, khoanh tay cúi gục.

     

Nhà xe, cả chủ lẫn tớ rụi mắt lắp bắp ngậm tiền đô vào miệng, chạy quanh chiếc xe một thôi mới tìm thấy cửa.

     

– Chúng tôi nể đồng chí quá đấy…

     

Động cơ ạch ạch nổ thì một bà trung niên váy đen lạch bạch cầm tập vở quăn mép, chạy ra ngăn chiếc xe đứng lại. Bà ta chẩu môi lên.

     

– Đi hôm nay đâu có dễ. Năm cùng tháng tận đấy còn nợ đây tiền lệ phí vệ sinh bến bãi cả năm.

     

Phụ lái chủ xe ngọt ngào.

     

– Bà chị… bọn tôi đang vội. Để mai đi.

     

– Không được. Mai cơ quan quản lý bến cúng cá chép rồi. Cá chép lên tâu Ngọc Hoàng rằng vẫn chưa đòi được tiền nợ à.

     

Phụ lái chủ xe huơ huơ tờ 100 đô.

     

– Chỉ có mỗi tờ này. Mụ có trả lại được không…

     

Bà váy đen lần ra sau mông bành bạnh, lần quanh cái bụng ngấn mỡ tìm kiếm rồi tuyệt vọng giơ hai tay lên.

     

– Chịu, lấy đâu ra Việt Nam đồng cho đủ cơ bây giờ.

– Vậy thì để mai trả.

– Xe không lăn bánh nếu không trả nợ…

     

Bà váy đen quay lưng dựa vào đầu xe.

     

– Mà sao chú không để cả tờ 100 đô lại chỗ chị nhỉ. Trừ luôn cả năm sau.

     

– Con lừa già thì sắp bán sắt vụn. Bà chị năm mới lĩnh sổ hưu sớm. Họa điên. Tắt máy đi mày.

     

Hắn tuyệt vọng ngẩng lên. Ngáp. Chậm rãi hắn uể oải xuống xe. Tờ bạc polime xanh cứng mới như lưỡi dao thép mổ cạo cạo vào cái cằm ngấn mỡ của bà váy đen, rồi vô tình rơi xuống cái cổ áo hoang hoác viền đăng ten như rèm gió. Hắn nhũn nhặn.

     

– Tôi mừng tuổi cho chị. Làm ơn thả chúng tôi…

     

– Ừ thế này chứ. Chú là người tử tế tình cảm, nên tôi mới nhận. Chứ như hai cái ôn vật kia thì tôi dí vào…

 

Bà váy đen hích hích cười. Điệu cười nhạt nhưng bỗng đậm đà.

 

4.

Rồi thì chiếc xe cũng rời được bến. Thành phố tụt lại phía sau. Nham nhở. Ngổn ngang. Xanh. Xám. Đỏ. Vàng. Đen.

     

Mọi người sau những ồn ào, kinh ngạc, cảm phục cách giải quyết sự cố của hắn đều đã tự ru mình vào giấc ngủ vờ.

     

Tôi thì chỉ thấy ái ngại thay cho hắn. Hắn ném tiền ra hợp lý. Nhưng cái hợp lý như là của kẻ tiêu tiền cho nhẹ người rồi để chết. Có lẽ tôi phải tiếp cận hắn. Nhưng tiếp cận bằng cách nào đây. Hắn khoanh tay, cúi gục. Gọi hắn dậy ư. Tôi không dám. Hay là hắn điên nhỉ. Không thể. Hắn lịch lãm, và sáng ngời thế kia.

     

– Hãy chạy nhanh lên. Nếu tới chân núi Thượng Sơn trước sáu giờ tối thì các anh mỗi người sẽ được 200 đô nữa.

     

Ai nói nhỉ. Thì ra hắn lên tiếng âm ư sau hai ống tay áo măngtô. Chắc hắn muốn lên đỉnh Thượng Sơn nghe chuông chùa cầu an vào ngày ông Táo cưỡi cá lên Trời. Đời đã cho hắn sành điệu và vô tư với tiền bạc khác thường.

     

Nhà xe dạ dạ. Hai lần.

     

Động cơ gằn gằn rồi gào lên như lốc máy sắp vỡ. Bụi trong mọi ngóc ngách của chiếc xe tuôn ra. Matít, vảy sơn, vụn gỉ vật vờ. Lốp xe nghiến mặt đường rin rít. Đầu tôi bất ngờ cây sắt tròn. Không sao. Sẽ mau tới đích. Mưa mau hạt hơn. Mái nhà thưa vắng hơn. Tôi lơ mơ ngủ phụ họa vào không khí thìu thịu ngái ngủ, mọi cơ bắp của mọi cơ thể chảy nhão vì suy kiệt sau một ngày bươn chải.

 

5.

– Ơ, sao thế này. Dừng à. Hỏng xe à.

     

Lần này là hắn lên tiếng trước. Người làm thuê của nhà xe lễ phép đáp.

     

– Dạ, xe không làm sao. Cảnh sát giao thông bắt lỗi chạy quá tốc độ thôi ạ.

 

Tôi mở choàng. Nhìn quanh. Mới cách bến chừng hai mươi cây số. Lái xe lục sục mở cốp lấy bằng lái, giấy chứng bảo hiểm, đăng ký, sổ đăng kiểm. Cánh cửa xe khô dầu rít lên đau đớn. Gã làm thuê nhảy xuống, chạy con cón vào bóng cây có chiếc pick-up sơn trắng vạch xanh chạy suốt hai bên hông. Ông chủ xe thở dài đến liệt thanh quản.

     

Viên cảnh sát ngoặt tay sau lưng liếc xéo qua mớ giấy mở xòe như những con bài trang nâng niu trước mặt. Tích tắc thu gọn giấy tờ vào tay, cảnh sát này bỏ lên xe ngồi. Cảnh sát trên xe bước xuống, nghiêm trang ôm chiếc camera. Lái xe kính cẩn nhòm vào chỗ hiển thị hình ảnh. Ối, giời ơi, gã bịt miệng kêu lên. Gã như đang cố nong họng nuốt cục xương mắc ngang.

     

Sau khi cho lái xe xem, cảnh sát này cũng trỏ về chỗ ban nãy đã ngồi. Xe cảnh sát.

     

Lái xe tuyệt vọng chạy về xe, trao đổi với lái phụ – chủ xe. Bọn họ thì thào như buôn bạc giả hồi lâu. Bỗng lái phụ kêu lên như bị bóp cà.

     

– Đòi đạn cối cơ à. Mẹ kiếp, bán cả xe, cả khách cũng đ. đủ…

     

– Không đủ thì giam xe qua Giêng đấy… Họ bảo ngày Tết nên ra lộc tử tế gấp đôi ngày thường mới đúng thông lệ…

     

– Tại thằng khứa kia bắt mình chạy vượt tốc. Hai tờ nó bù giá cũng chẳng bõ…

     

Như bị kim châm đột ngột dưới mông, hắn nhổm phắt dậy.

     

– Được, tôi trợ giúp nhị vị… Đơn giản thế sao không nói luôn…

     

Roạt… oạt. Khóa kéo túi đeo bụng mở banh. Hắn rút mấy lỉa tiền mà không cần đếm. Hắn ấn tiền vào tay nhà xe.

 

6.

Trời bỗng âm u lạ thường. Hắn vụt ngồi ngay ngắn ngắm vạt rừng thưa mới trồng hai bên đồi lúp xúp. Bích quy. Kẹo cao su. Thuốc lá 555 loại mười điếu trong hộp kim loại. Hắn mời tôi đầu tiên. Tôi chưa kịp cảm ơn, thì hắn đã kịp xua xua tay. Lần lượt mọi người trên xe, hút thuốc, ăn bánh, nhai kẹo. Lom khom giữ vạt áo, hắn châm thuốc cho lái xe.

     

– Cần nhất là ông phải đủ tỉnh táo, bình tĩnh đưa tất cả chúng tôi đến Thượng Sơn an toàn. Các ông không có lần thứ hai như thế này nữa đâu…

     

Lái phụ – chủ xe hị hị cầu tài.

     

– Xếp cứ dọa em. Không có xếp thì em sống làm sao đây.

     

Ánh mắt bất chợt gặp sắc hoa đào vương vãi đâu đó chân đồi xóm xa. Giá như tôi cũng là xếp.

 

7.

– Thanh tra giao thông đang đuổi theo sau…

     

Lái xe nhìn vào gương thốt lên ngẹn ngào mãi mới thốt ra hết câu

     

– Mà xe mình thì sờ chỗ nào cũng có lỗi…

     

Chủ xe phẩy tay.

     

– Đám này quen mùi lâu rồi. Dừng. Mày cho nó mấy vại bia khắc yên. Nhớ đừng bép xép hôm nay tao có mặt ở đây. Nó bấu thêm ngay đấy.

     

Chiếc xe phành phành nổ không tải.

      

Xe thanh tra giao thông cũng đứng khựng phía sau nháy nháy pha tinh nghịch. Lái xe chìa tay về phía chủ. Chủ xe nhăn nhó như đang bị xẻo thịt sống. Thót bụng, anh ta cho tay vào bẹn kiếm tìm.

    

Tôi đoan chắc hắn sẽ có động thái. Quả nhiên, hắn đã rướn lên kịp nhét tiền vào tay lái xe.

     

– Tôi cần đi nhanh.

     

Hai người nhà xe nhìn nhau tròn mắt.

 

8.

– Đề nghị tất cả xuống xe. Khẩn trương. Chúng tôi phun thuốc kiểm dịch. Ai có đồ thì bao gói thật kín để chúng tôi tác nghiệp.

     

Một người blu trắng, mũ kêpi viền kim tuyến vàng, đi ủng đen, tờ giấy báo cuộn tròn trong tay vừa bước lên xe đã kịp ra lệnh.

     

– Nhưng hết dịch H5N1 lâu rồi ạ…

     

– Dịch đó hết lâu, nhưng dịch mới kịp xuất hiện rồi. Đừng có cãi pháp lệnh nhà nước nhé… Lái xe thì biết gì. Đang có trực khuẩn tả hoành hành ông ổng trên tivi, không xem không nghe à.

     

– Phun thuốc có lâu không ạ.

     

– Tùy… phụ thuộc vào thuốc. Loại nửa tiếng, loại hai tiếng. Bởi phải pha bằng dung môi như dầu hỏa chẳng hạn…

     

Hắn liền lễ phép tiến đến nhân viên kiểm dịch động vật. Hắn nhẹ nhàng. Hắn chỉ đề nghị. Hắn mời thuốc 555. Hắn ấn cục tiền cuộn lại như cuộn chỉ màu vào cái túi blu trẳng miệng bễ ra, há ngoác vì chiếc kim tiêm to bằng cổ tay em bé. Tôi nghe loáng thoáng “làm ơn..”, “đề nghị bỏ qua… cho kịp giờ…”

     

Như có phép màu, viên kiểm dịch tụt ngay xuống cửa xe. Anh ta chưa kịp khuất thì bóng quân phục màu mơ ủng, len chân bước lên tươi cười giơ tay chào. Nhân viên quản lý thị trường cúi đầu thi lễ.

     

– Xin bà con vui lòng cho chúng tôi kiểm tra hàng lậu thuế, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng và pháo nổ nhập lậu…

     

Mọi người trên xe nhao nhao kêu thuần đồ sắm Tết làm gì có hàng lậu mà khám. Anh chàng bảnh như hề xiếc, như lại mềm như lạt giang luộc nước muối buộc bánh chưng.

     

– Khổ lắm cơ. Chúng tôi phải thi hành lệnh trên. Tết nhất ai muốn nhọc. Nhanh nhanh bà con. Mở toang hết cả bao gói ra… Giấu pháo lậu nhỡ ra cháy nổ, là tan xác cả xe lẫn người…

     

– Phỉ phui mồm ông quản lý thị trường – Ai đó bực bõ càu nhàu.

     

Nhà xe bức xúc bấm còi bim bim bim.

     

Lần này thì mọi ánh mắt trên xe dồn đến cầu cứu hắn. Trông đợi, hy vọng ở hắn. Mím môi, hắn như cười mà cũng như đang bĩu ra khinh bạc. Hắn lần tay vào miệng túi đeo bụng.

 

9.

Ngã ba Ba Ngả. Chè cọ chen nhau. Rừng thưa. Bụi trung du mịn đỏ như cát sa mạc. Những mái quán lụp xụp phủ phục bên nhau, cam kết về sự nhẫn nại khôn cùng phục vụ khách qua đường cơ nhỡ.

     

Chiếc xe chúi đầu vào khe đất trống lơ phơ rau ngót ngầu bụi giữa hai quán cơm phở bình dân tổng hợp. Nhà xe khuyến cáo, nên vào đây ăn tối. Về đến Thượng Sơn thì chồng tiền tấn cũng chẳng ma nào hầu.

     

Khách lục tục xuống xe. Chủ xe – lái phụ lom khom cài chốt mọi kính cửa. Không hiểu sao tôi và hắn vẫn ngồi lại. Chúng tôi bất giác nhìn sang nhau. Cảm giác thân thiết và ấm áp từ hắn lan tỏa. Để tới được đây suôn sẻ, đâu phải ngẫu nhiên. Tỏ ra là người biết người, đâu phải là tội cơ chứ.

     

– Này, lão, sao ta không xuống xe mà cụng với nhau dăm chén nhỉ. Rượu cúc vùng này voi đi qua hít phải hơi cũng lăn kềnh… Gà ri đen rang nhạt, hay nấu canh măng trúc ngon mờ mắt…

     

Tôi buột miệng suồng sã. Nín thở đợi sự phản ứng của hắn.

     

– Vậy hả. Tôi cũng đang nhạt miệng…

     

Tôi chìa tay mời hắn xuống trước.

     

Vung vẩy chân tay, xoay ngang, vặn dọc. Hắn nhảy nhảy lên. Tôi cũng nhảy nhảy theo hắn. Đám người túa xuống ban nãy sau khi đi nhẹ đi nặng vào quán gọi đồ ăn bỗng trào ngược ra. Tất cả bối rối. Thì ra toàn bộ những quán còm ở ngã ba đang bị lập biên bản vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cấm bán hàng. Trong khi mùi thức ăn nồng nàn nóng khói đang nghi ngút trên bếp.

     

Tôi và hắn bước vào giữa hai hàng ánh mắt chăm chăm. Hắn như vị tướng. Tôi như sĩ quan tháp tùng. Tất cả dường như lại trông đợi vào phép nhiệm màu ở nơi hắn. 

     

Bên bàn chế biến nhoáng nhờn mỡ, vụn rau, hai nhân viên y tế đi găng cao su. Người cầm phanh kẹp lấy mẫu thực phẩm cho vào những chiếc lọ thủy tinh, đóng nút, dán niêm phong. Người ghi chép.

     

Lão chủ quán bụng phưỡn, đau khổ ngồi góc nhà lau mồ hôi lẫn mỡ trên vầng trán mênh mông.

     

Hắn mỉm cười tự tin, khẽ bỏ vào tai tôi.

     

– Để tôi điều trị vậy. Bệnh tiên, thì có thuốc tiên…

     

Hắn hắng giọng oai vệ. Nhân viên ghi chép ngẩng lên nhìn hắn. Hắn liền cúi xuống như buộc lại dây giày, rồi tiện tay cấu một cái vào bắp chân anh kia. Xong. Hắn ngoắt ra ngoài kêu trời nóng. Nhân viên ghi chép hất chiếc mũ trùm tóc gãi gáy, ngần ngừ giây lát rồi liền theo bước hắn.

     

Im lặng khống chế mọi người.

     

Tiếng gà gáy bỗng kéc kè ke kéc kè ke trong túi quần nhân viên y tế đang niêm phong mẫu thực phẩm. Anh ta vội thọc tay vào lôi điện thoại ra. Dạ. Dạ. Vâng. Em hiểu. Chiếu cố lần này. Vâng. Dạ. Tiếp điện xong. Mẫu thức ăn lần lượt bị bóc niêm phong, dốc cả vào thùng rác. Vơ chiếc mũ trên đầu. Cởi áo blu công tác. Hai thứ thời trang công vụ phút chốc vo tròn, nhét túi giấy. Trước khi bước ra ngoài, con người quan trọng đó hất hàm vu vơ vào góc nhà đau khổ.

     

– Bán hàng phục vụ nhân dân. Mau.

 

10.

     

Ăn theo hắn nên tôi cũng được ngồi ở chiếc bàn giữa nhà. Chiếc túi đeo bụng hắn đã ngót đi trông thấy. Khỏi phải nói là những lời hàm ơn hắn tuôn ra từ mọi chiếc bàn ăn có người ngồi, lúc thì ào ạt mưa rào, lúc lai rai mưa ngâu.

     

Chủ quán gần như quỳ xuống dâng cho hắn chai rượu cúc. Lần lượt từng người, từng người, quán này truyền quán kia, khắp ngã ba đến uống cảm tạ hắn. Không để một ai thất vọng, hễ cụng là hắn ực liền hơi ngửa trôn chén. Tái dại, mồ hồi lẫn rượu cúc thơm cay tóa đẫm khuôn mặt hắn. Sợ hắn gục, đôi lúc tôi quên mất mình là ai, dũng cảm xông ra định đỡ hắn mươi chén hoặc ý tứ đưa cho hắn cốc nước lọc pha chanh muối, ớt tươi.

     

Nhưng hắn kiêu ngạo.

      

– Thôi khỏi giúp tôi. Hôm nay dẫu có say đái ra quần tôi cũng không sợ. Tôi chỉ sợ chết trước khi lên được đỉnh Thượng Sơn thôi. Mọi người uống thoải mái đi. Ăn mái thoái đi. Tôi thừa tiền mời các quý vị… Sống mãi chán lắm rồi.

     

Tôi bỗng lạnh người vì nhận ra ý định khác thường của hắn. Đỉnh Thượng Sơn mùa này giá buốt, không mấy khi ai lên đó. Lên đó không dễ. Leo trèo vất vả đã đành, nhưng phải có lệnh đặc biệt thì mới lên được. Không hiểu hắn đã có cái lệnh đặc biệt ấy chưa. Đỉnh Thượng Sơn đã xảy ra quá nhiều tai nạn nghiêm trọng, nhiều du khách thiệt mạng.

     

Ngó hắn trân trối, lòng bàn tay tôi ướt nhoèn.

Hắn chau mày nhìn tôi xa lạ. Hắn cười ngơ ngơ. Tôi cũng cười gượng gượng.

     

Mọi người vẫn hân hoan ăn nhậu không mất tiền. Có thằng cha tóc xoăn, mắt lồi đỏ khé, bụng phệ, răng đen củ ấu, cổ rụt ngồi ợ hơi è è rồi nôn phọt ra chậu nước rửa tay. Nôn xong, súc miệng, thằng cha lại vào gọi đĩa lợn lửng xào hành, và chai rượu cúc.

     

Nhà xe giục ăn mau mồm. Bến phà người ta đóng cửa sớm thì có mà cởi truồng cõng nhau bơi qua sông. Ai đó văng ra, kệ mẹ phà phiếc gì. Chơi đang vui cơn. Đang ăn không mất tiền của Việt kiều yêu nước về thăm quê hương. Tội chó gì tan sớm. Đời là cái cục phân chó khô gỉ gì.

     

Hắn chệnh choạng đứng lên, một tay sờ túi đeo bụng, một tay nâng cốc.

     

– Hôm nay tôi vô cùng vui. Tôi đã thay mặt mọi người mừng tuổi cho tất cả những người thi hành công vụ liên quan đến hành trình của chúng ta. Bây giờ nhân lúc trà dư tửu hậu, mọi người châu tuần, tôi mừng tuổi mỗi người một tờ, sang năm mới, thêm tuổi mới và sẽ sống lâu trăm tuổi, làm ăn mãi mãi phát tài. Đề nghị mọi người xếp hàng một lần lượt nhận tiền rồi ra cửa lên xe luôn…

     

Hắn chưa dứt lời, thì gã tóc xoăn giơ tay lễ phép hỏi tên hắn là gì. Cái lắc đầu đầy huyền bí, hắn chẹp miệng.

     

– Hành khách cuối cùng. Cứ gọi tôi là hành khách cuối cùng. Các quý vị hãy cứ cầm tiền, không băn khoăn. Yên trí không bao giờ gặp lại tôi nữa. Mà tôi cũng đếch cần gặp các vị nữa ha ha ha…

     

Lập tức tóc xoăn giơ tay lên cao: Hoan hô hành khách cuối cùng. Hành khách cuối cùng muôn năm, muôn năm. Thìa, cốc, đĩa, bát, đũa gõ vào nhau hưởng ứng náo loạn.

     

Hắn cúi xuống với tôi.

     

– Trước tiên là phần của anh. Anh hôm nay anh ngồi gần tôi, nên được nhiều hơn người khác một chút…

     

Một xấp đô lỉa ra trước mặt tôi. Bối rối. Không nhận thì người khác sẽ nhận. Mà nhận thì tôi không thấy mình xứng đáng nhận những đồng tiền không phải bỏ công sức, tâm lực đánh đổi. Thôi đành, có thể hôm nay hắn không bình thường. Tôi cứ cầm tạm, nhỡ đâu, hắn sẽ lại cần tiền.

     

Người rú lên khi nhận tiền. Người thì oà khóc. Người thì thút thít. Người thì nèo tờ nữa. Người nhổ nước bọt.

     

Ậm ừ hai gã nhà xe chối lấy lệ rồi chộp nhanh lấy tiền.

 

11.

Ngã ba dưới chân Thượng Sơn. Đường đất.

     

Giờ thì chỉ còn tôi với hắn. Bớt mưa. Trạm khách đâu đó phía xa ánh đèn máy thủy điện lờ đờ vàng úa nơi chân núi thẫm đen.

     

Điểm dừng của chuyến xe cách đây mươi cây số ở sau lưng. Đỉnh Thượng Sơn mờ mờ trong ánh sáng sao thưa nhạt. Nét răng cưa, nếp đồi nếp núi trầm ngâm.

     

Mọi người lần lượt, bắt tay, ôm hôn, vỗ lưng hắn lúc từ biệt.

     

Hai người nhà xe hẹn hắn ngày mai, hoặc ngày kia hay ngày kia nữa hắn có thể lên xe của họ về thành phố miễn phí.

     

Hắn cười âm u, khép vạt áo măngtô.

     

Đáng lẽ ra tôi cũng đã chia tay hắn để về nhà chú em họ làm kiểm lâm, sau đồi cây dẻ. Thấy hắn bơ vơ lưỡng lự giữa việc tìm chỗ ngủ hoặc tiếp tục leo núi trong đêm.

     

– Có giấy phép chưa?

     

Hắn gật đầu.

     

– Hay ông về nhà người quen của tôi nghỉ. Sáng mai hãy lên núi.

     

Lắc đầu. Hắn ho khúng khắng.

     

– Đây là việc tâm linh…

– Có cần tôi giúp gì nữa không?

     

Ngồi thụp xuống, hắn châm thuốc. Hắn bỗng tuyệt vọng.

     

– Tôi không còn nhớ đường đến trạm đón khách tham quan của Vườn Quốc gia. Đêm tối xóa nhòa hết cả. Tôi đã từng qua đây bảy năm trước… cùng vợ. Nếu không phiền thì anh có thể dẫn tôi đến đó được không. Tôi mắc chứng quáng gà. Tiếc rằng tôi đã không còn đồng nào để bồi dưỡng, trả công cho anh… Lúc ở bến phà, cúi xuống rửa tay không kéo khoá, nên tiền đã buột hết xuống sông…

     

Mải nhậu nhẹt hò hét ở ngã ba Ba Ngả, khi chúng tôi đến bến phà thì đúng lúc giờ nghỉ đợi giao ca. Đèn trần xe bật sáng. Mọi người yên vị trên xe chờ đợi sự nhiệm màu. Sự nhiệm màu ở túi tiền của gã hành khách cuối cùng kỳ quặc. Chỉ mình hắn xuống xe. Người ta chỉ hắn xuống bến gặp người trưởng ca đang nhặt rau cải chân làm món lẩu, bên lưỡi phà.

     

Nửa tiếng sau, mặt mũi phởn phơ vì nước sông thau rửa, hắn ngồi lại đúng chỗ. Chuyến xe lại tiếp cuộc hành trình. Tất cả được ngồi trên xe, không một ai phải xuống vì ưu tiên bà con trời lạnh.

     

Có lẽ sợ tôi chối từ, hắn cố gặng.

     

– … Tôi chỉ còn cái túi đeo bụng này là có giá. Nó bằng da thật, mua tận Italia. Anh cầm tạm, coi như là kỷ niệm của chuyến đi cuối năm…

     

Trong túi quần sau mông tôi vẫn cộm những tiền của hắn. Nhưng tôi vẫn nhận chiếc túi đeo bụng từ tay hắn. Hắn cần được yên lòng. Không chắc giúp hắn đi đúng con đường tới trạm đón tiếp. Nhưng tôi không lo lắm vì con đường nằm ngay trên mặt đất, mà tôi thì không mắc quáng gà như hắn.

 

12.

Ngồi bệt xuống bậc thềm lát nguyên cả thân gỗ tròn. Hăn thở phì phò. Bóp bóp. Nắn nắn bắp chân. Cả triệu con thiêu thân và bọ lá hối hả lượn vòng quanh bóng điện trực ban.

     

Tôi ái ngại bảo hắn đưa cho cái giấy phép lên đỉnh núi Thượng Sơn. Lục tìm khắp các ngóc ngách gọi là túi trên người, hắn mới thấy tờ giấy màu vàng.

     

Người phụ trách tiếp nhận há hốc ngáp, phẩy tay.

     

– Cáp treo quá tải. Ngày mai không phục vụ. Vả lại có phục vụ thì lên trên đó rét lắm. Người ta lên đó cầu bái, nghe chuông thỉnh ngày Táo quân chầu trời chật cứng rồi.

     

Người tiếp nhận khách có vẻ khó chịu khi thấy hắn.

     

– Lại là ông à. Người ta phong tỏa thế mà ông vẫn xoay được giấy phép kia à.

     

Hắn xoa cằm, xoa cổ vì phấn ngứa của lũ thiêu thân bay bám vào. Như cần có lời giải thích cho tôi, người thực thi công vụ nhấm nhẳng.

     

– Ông ta đã làm phiền chúng tôi quá lắm. Năm nào cũng phải cảnh giác với ông ấy, lỡ ra là đi tù, mất việc vì chuyện không phải của mình.

     

Hừ, nghĩa là hắn đã từng gây rắc rối ở đây. Hắn đến đây để trả thù bằng cách làm phiền tiếp. Đến đây câu chuyện chẳng còn gì màu sắc bí hiểm nữa. Sao nhạt thế nhỉ. Biến.

     

Theo gương hắn, chẳng khó khăn mấy tôi cũng khiến cho con người nguyên tắc xiêu lòng. Nhưng tôi, kẻ đi sau, tinh tế hơn. Xếp tiền vào lòng bàn tay, tôi giả vờ bắt tay người đón tiếp. Cái bắt tay bỗng run rẩy.

     

Tiền của hắn đã lại được chi cho việc của hắn. Tôi thanh thản, không băn khoăn, phấp phỏng vì những đồng tiền không phải của mình.

     

Quay lại xóm nhà chú em họ Kiểm lâm hơi xa đây. Tôi lẩm bẩm.

 

13.

     

Hôm sau, tôi lên chuyến xe quay xuôi, với con lợn lửng khụt khịt trong rọ, mà người em họ đã mua giúp làm cỗ Tết.

     

Hai người nhà xe quen. Họ uể oải, không có vẻ gì là nhận ra tôi là khách của hôm qua. Ngáp. Ngáp. Khua khuắng góc buồng lái. Đập giẻ phủi bụi.

     

Lái xe – làm công nhìn đồng hồ.

     

– Khởi hành thôi. Hôm nay làm chó có ma nào. Ở nhà cúng tất niên hoặc chết hết rồi…

 

Phụ lái – chủ xe quét tia mắt bốn bề.

 

– Có khi vẫn còn hành khách cuối cùng. Đợi cố. Gỡ mấy lít dầu…

     

Tôi ngán ngẩm nhìn lên đỉnh Thượng Sơn ngạo nghễ mây mù làm oai. Không biết hắn giờ đang thế nào nhỉ. Quả thật, hắn điên khùng. Chi phí vô lối cho một chuyến đi gây sự vặt. Chiếc túi đeo bụng của hắn, đang ở trước bụng tôi. Nhưng nó rỗng không.

     

Bỗng một chiếc xe ôm sà tới. Hai người nhân viên bảo vệ vườn quốc gia, kèm một người ngỗi giữa băng bó kín mặt, và một bên gối chân to xù, cứng ngắc. Họ gửi người bị thương về thành phố, cụ thể là bệnh viện. Nhà xe hỏi thế có tiền tươi ngay không. Vườn quốc gia gì mà chẳng xứng quốc gia, chuyên nợ bửa. Có tiền mới cho người bị thương lên xe. Bên gửi đáp, đây là trường hợp cấp cứu, không được lên xe thì kiện.

     

Tôi xuống giúp đưa người bị thương lên xe. Và, hơi bị sửng sốt một chút. Người bị thương chính là hắn. Hắn một trăm phần trăm.

     

– Người… người này… bị thương vào mồm à?

     

– Không. Nhưng hắn cứ kêu oai oái là hắn chi hết tiền lên Thượng Sơn để chết mà không xong. Chúng tôi cho hắn uống an thần, nên phải tạm thời bịt miệng, sợ hắn lên cơn cắn vào lưỡi.

      

Người bảo vệ quấn chiếc khăn len lông cừu Casơmia rồi thít chặt nơi cổ hắn, sợ tôi không tin. Giải thích tiếp.

     

– Thằng cha này khùng lắm. Cách đây bảy tám năm gì đó, hắn và vợ lên Thượng Sơn chơi. Chẳng hiểu làm sao người thiếu phụ lao đầu xuống thung lũng Hoa Chuông tan nát. Từ đó, năm nào hắn cũng lên đỉnh Thượng Sơn vào ngày Táo quân về trời để gây sự. Tờ mờ sáng nay, lừa lúc bảo vệ sơ ý hắn nhảy đâm đầu xuống thung lũng. Hắn muốn chết theo vợ. Nhưng may mà người ta đã cảnh giác căng lưới cao su khuất phía dưới bảo hiểm. Hắn bị va đập vào vách đá, chân bị ngoắc vào mép lưới. Mất hơn hai giờ mới đưa hắn thoát ra được. Mà lạ bên chân mắc lưới không làm sao. Chân không mắc lưới lại lủng liểng.

     

Tôi nhìn xuống, một bàn chân hắn trắng nhởn, bầm tím không tất, không cả giày da nai.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Mực ơi, về đi! – Trương Duy Vũ!

>> Chọn chồng – Kiều Bích Hậu

>> Thiên chức đàn bà – Đặng Thị Thanh Hương

>> Gặp lại Khăm-phon – Bùi Tự Lực

>> Váy ướt quấn vào bắp chân – Đỗ Bích Thuý

>> Hội xuân con Mén đi đâu? – Mai Hương

>> Đường mưa – Tống Ngọc Hân

>> Người quê – Y Mùi

>> Hạt phấn cuối cùng – Lê Quang Trạng

>> Xin hãy tin em – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Dưới chân đèo cả – Chu Quang Mạnh Thắng

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…