Kẻ ngồi quán – Truyện ngắn của Vương Huy

1083

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. H. là một kẻ thường ngồi quán vì thất nghiệp. Đó là một căn quán bình dân, nằm trong một con đường nhỏ mà mặt đường bong tróc từng mảng lớn, trời mưa nước đọng vũng. Quán được lợp tôn, chung quanh có rào bằng sắt. Cà phê ở đây rất đậm ngon, phù hợp khẩu vị H. Ngồi ở quán thường là những người dân lao động như thợ hồ, người làm nông, thầy giáo tiểu học, anh vá xe, kẻ trèo dừa mướn,… H. tìm thấy sự tự nhiên trong căn quán hỗn tạp nhiều thành phần nầy. Những ly cà phê, những điếu thuốc được thưởng thức trong cái không khí xô bồ ấy như một sự tiếp cận đời sống thực.


Hình minh họa.

Vật bất ly thân khi ngồi quán của H. là cái bật lửa và gói thuốc Sài Gòn. H. châm thuốc hút, vẻ suy tư cho một vấn đề sâu thẳm. Từng hơi khói rít đậm vào cái lá phổi ốm yếu của H. Thuốc lá làm H. sảng khoái tinh thần. H. là một thi sĩ của một cái thi đàn hỗn độn bát nháo thời hiện tại. Cái thi đàn trông bề ngoài có vẻ tĩnh lặng nhưng lại ẩn chứa bên trong những điều muôn đời bất khả giải. H. viết như tự giải phóng tâm thức của mình, với những bài thơ đột phá, u buồn cô độc và gây ám ảnh. Thơ của H. không dành cho số đông, chỉ dành cho những người biết suy nghĩ, mà những người như thế thì quá ít trong thời buổi nầy – cái thời con người sống theo quán tính bầy đàn. Những thi sĩ ngày nay như những con công xòe cái đuôi ra múa máy làm đẹp cho mình và làm đẹp mắt thiên hạ. Những bậc kẻ sỹ đã không còn nữa, chỉ còn thuần một giọng điệu ỡm ờ rẻ rúng. Sự phản biện cần thiết trong văn nghệ đã không còn. Cho nên nhìn gương mặt H. rất buồn, như chất chứa điều gì, với mớ tóc dài phủ gáy và cặp mắt kính thâm u hoằng viễn.

Chị Chi chủ quán là người bà con với H. bên nội. Chị có nước da ngăm đen và tháo vát lao động liên tục. Dòng máu của H. là sự kết hợp giữa quý tộc và nông dân. Bên ngoại H. là dòng dõi quý tộc, trước năm 75 rất giàu có và nổi tiếng. Mấy ông cậu của H. toàn là sỹ quan chế độ cũ. Mẹ của H. đậu tú tài 1, là một nữ sinh xinh đẹp mà ông quận trưởng địa phương rất mê. Bên nội của H. là gốc nông dân, tuy nhiên có ruộng đất để cày cấy, không đến nỗi bần cố nông. Ông bà nội của H. lo lao động nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Ba H. tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ thời trước 75, là giáo sư trung học đệ nhất cấp, sỹ quan biệt phái từ quân trường Thủ Đức, dạy học nhưng ăn lương quân đội. Ba mẹ H. yêu nhau trong một cuộc tình đẹp giữa một hoa khôi và một thư sinh nghèo. Đời của H. cũng u buồn và nghèo khổ theo từng ý thơ hoang lộng. H. từng đậu hoặc ghi danh nhiều trường đại học nhưng cuối cùng trụ lại Đại học Sư Phạm như một nghiệp dĩ gia đình. H. đi dạy 10 năm và kết thúc hợp đồng dạy học trong nỗi buồn bã u uất trầm kha.

2. Khi ngồi quán, cái thực tại cứ mờ dần để H. lắng sâu vào ký ức, cái tiềm thức vẫn đeo đẳng H.

H. lại nhớ đến quãng đời trôi dạt làm thơ lang thang của mình ngày còn trẻ ở Sài Gòn. Sài Gòn phồn hoa đô hội, ánh sáng lập lòe thiêu cháy những con thiêu thân bay vào nghệ thuật. Hồi đó, H. chơi thân với Thọ – một thi sĩ trẻ gây chú ý của văn nghệ Sài Gòn. Những đêm H. cùng Thọ lang thang phố đêm như những kẻ ma cà bông, du thủ du thực. Hai thằng thường ngồi bên nhau trong những quán rượu cồn vỉa hè. Sau đó lại đi hoang phố đêm không muốn về nhà. H. và Thọ lang thang ra khu thuốc sái ở Quận 1 nằm hút thuốc lào và bồ đà, do một anh bộ đội phục viên người Bắc vào bán độ nhật mưu sinh. Anh tên Được, gương mặt rám đen, khắc khổ, lam lũ. H. và Thọ ngồi trò chuyện cùng anh cho đỡ buồn và cũng để hiểu hơn về đời sống. Đêm khuya khoắt, Thọ đã ngủ trên chiếu thuốc lào sau khi đã say bồ đà. H. còn thao thức một mình với anh Được. H. ngồi nhìn những em cave bước xuống từ những chiếc taxi xa hoa, đi vào khách sạn, tay cặp tay cùng những ông đại gia thành phố. Đời sống Sài Gòn về đêm thật lầm than và lẫn sa đọa. Một lần nọ, một anh chích xì – ke đến hút thuốc ở chiếu, ngồi tâm sự cùng H. Anh khuyên H. đừng bước vào con đường ma túy, vì anh đã trót sa chân nên gỡ ra không được. Anh kể, anh có đi cai nghiện một thời gian nhưng khi được thả về đi ngang khu vực cũ, cơn nghiện lại trỗi dậy và anh hút tiếp tục từ đó. H. thầm nghĩ : Ô hay, một anh nghiện còn lương tri.

H. thường giao du cùng những nhà báo, họ ở trong những nhà trọ uống rượu và bàn chuyện báo chí. Ban ngày họ đi viết phóng sự, thâm nhập đời sống. Đêm về sẻ chia nhau từng ly rượu, từng hơi thuốc lá. Ngày đó đời sống thật tươi đẹp, dù H. đói thường xuyên.

Có lần một thằng bạn tên Minh dẫn H. đến một phòng trà nằm trên tầng cao của một khách sạn để uống rượu nghe nhạc, vì Minh có quen một anh chơi trống trong phòng trà ấy. Anh chơi trống tên Phan, dẫn Minh và H. vào phòng trà cho ngồi chung cùng các em gái cave. Tiếng nhạc dội âm tức ngực, hơi thuốc lá bay mù và những chai rượu Tây được khui ra. Từ đó về sau, H. thường có cảm tình với những em cave.

Một bữa nọ, nằm buồn trong dãy nhà trọ, H. qua chơi, trò chuyện cùng mấy em cave ở phòng kế bên. Một em cave quê ở Bến Tre trao thân cho H., em cho H. biết về đời sống thực của giới cave. Sau đó em còn rủ H. ra mướn phòng cùng nhau ở riêng. Mọi việc em lo hết, H. chỉ cần ở nhà cho có bạn và chở em đi làm. H. từ chối và chia tay em cave Bến Tre. Gương mặt em thấm buồn. H. đoạn tuyệt, không muốn dính vào đời sống trụy lạc và thuốc phiện.

3. Trên chiếc bàn ngổn ngang ly tách, chỗ ngồi của H. dựa lưng vào tường. H. châm một điếu thuốc với vẻ suy nghĩ lung lắm. Những người uống cà phê trong quán vẫn bàn tán ồn ào nhưng những giọng nói, những gương mặt hiện tại cứ mờ nhòe dần nhường chỗ cho quá khứ tái hiện.

H. nhớ đến quãng đời H. vào học trường Tài Chánh và ở ký túc xá 8 tầng nằm trên một con đường xinh đẹp mát mẻ với hàng cây dầu cao vút. H. vào đại học nầy năm H. 17 tuổi. Nhưng không hiểu sao dạo ấy H. không tới lớp, coi như bỏ học từ đầu sau khi thi đậu môn Triết và rớt môn Kinh tế chính trị. H. không còn muốn tới giảng đường nữa, với những đêm thức trắng đọc sách. H. mua sách rất nhiều, chủ yếu là sách văn học. H. nằm trên chiếc giường tầng đọc sách suốt, chỉ rời phòng đi ăn cơm căn – tin và uống cà phê quán Ngọc đối diện ký túc xá. Quán Ngọc về đêm đông khách, tòan là sinh viên ký túc xá. Hơi thuốc tỏa mù trong tiếng nhạc Trịnh Công Sơn. Bạn bè ngồi quây quần chật quán. H. ngồi riêng một góc hút thuốc, nhấm nháp ly cà phê, nghe nhạc.

Về sau, H. quen một cô sinh viên lớp cử tuyển ở chung ký túc xá, học sau H. một khóa. Cô gái tên Hoa. Hồi mới quen nhau, H. và cô bạn đi uống cà phê ở quán có tàn cây trứng cá râm mát nằm ở một con đường gần đó, cạnh bên nhà máy thuốc lá Sài Gòn. Không hiểu sao Hoa lại khóc, nước mắt rơi lã chã. H. cứ để cô nàng tự nhiên tuôn nước mắt. Trên đường về, Hoa nói em thích bài Môi Tím. H. nói em hát anh nghe, Hoa hát nho nhỏ rằng: “Tình mình là tình đẹp nhất đó anh – Tình tuổi học trò mực tím áo xanh – Kỷ niệm tận cùng là mưa trên phố khuya – Hai đứa vui say sưa dắt nhau đi ngoài mưa“. Lúc ấy, đường phố lất phất mưa nhẹ và giọng của Hoa bay lên trong mưa khẽ khàng như vọng đến từ một cõi nào xa vắng. Sau này, khi đã lớn tuổi, Hoa có tìm được số điện thoại của H. và cô nói: “Hồi đó em giữ kỹ cuốn tự điển tiếng Anh mà anh đã tặng em thời ký túc xá. Chuyển nhà bao lần em vẫn đem theo, cho đến khi dọn nhà lần cuối nó lạc mất. Em tiếc lắm!“. Tình yêu thời tuổi trẻ bao giờ cũng đẹp và nó luôn nằm mãi trong tim.

H. có hối tiếc ngày đó H. thường xuyên bỏ học, nhưng lại rất hoài nhớ vì ngày đó H. sống thật nhất con người của mình, và sống trọn vẹn cái tuổi 20 yêu dấu với tình yêu và bạn bè. Cái thời đó đẹp đẽ vô cùng, tâm hồn còn sáng sủa tươi đẹp, điều đó H. không còn tìm thấy về sau nầy khi dòng đời đã đẩy H. xô lạc vào những mê lộ của nhân sinh không lối thoát. Đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời của H. tính cho đến lúc nầy. Bạn bè cùng khóa ký túc xá vẫn còn nhớ đến hình ảnh H. – một chàng sinh viên Tài Chánh bỏ học và sống với thơ, làm thơ trên những bao thuốc lá, giấy bạc thuốc lá.

4. Thấp thoáng bóng người ở khu vườn bên cạnh quán. Quán này ngày xưa là một nghĩa địa, sau đó người ta lấy cốt, biến thành đất thổ cư, phân lô bán. H. lại châm thêm một điếu thuốc, hơi thuốc thở ra bay phù trong không khí. Tâm tưởng H. hiện về cảnh sống một giai đoạn khác trong đời mình.

Đó là những tháng ngày H. quay lại trường đại học để hoàn tất bậc cử nhân. H. từ bỏ tất cả ở Sài Gòn để về lại Mỹ Tho học lại đại học. H. vào trường Sư Phạm.

Ban đầu H. ở trọ trong một căn chòi kề bên hông nhà của anh Lý – một người gốc Khơ – me đã qua Việt Nam sống từ lâu. Anh Lý làm nghề mài dao mài kéo. Sáng anh xách chiếc xe cũ kỹ cà tàng của mình ra đi đến tối mịt mới trở về. Phòng của H. trọ lợp lá, vách là những tấm bồ ghép lại với nhau, vài viên gạch bể nát lót nền đất. Giường nằm là những thanh ván đóng xộc xệch được đặt trên bốn khúc gỗ làm chân giường. Ánh đèn bóng tròn vàng vọt phả xuống (chính vì thế sau nầy mắt H. bị bệnh kém thị lực). H. ở đó 3 năm.

Học chung lớp Sư Phạm của H. có một cô gái tên Thúy. Thúy đã hứa hôn với một người chồng khá giả học thức. Nhưng Thúy lại thích H. Thúy quê ở Chợ Gạo. Nhưng mối tình chỉ âm ỉ, chực bùng phát lên rồi lại đằm xuống và sau cùng cũng không thành. 5 năm học Đại học Sư Phạm, H. chỉ tập trung lo học, thỉnh thoảng có vài bài thơ đăng báo làm vui. H. đã từ bỏ tất cả quãng đời trụy lạc phóng đãng trước kia để ngồi lại học hành bài bản cẩn thận ra làm một thầy giáo hướng tới tương lai. Lúc H. học, mẹ H. đang ở tù vì vỡ nợ. Cuối tuần H. về thăm nhà cũng là vào thăm mẹ ở trong trại cải tạo. Cũng may, cán bộ quản giáo thương gia cảnh của gia đình H. nên cho mẹ làm trưởng căn – tin của trại Mỹ Phước. Mẹ H. bán ở đó 10 năm, rồi cũng được ra tù khi có đợt đặc xá vì lao động tốt.

Thời gian H. đi thực tập sư phạm ở Gò Công, về nơi nhà ngoại của triều Nguyễn, Gò Công là đất của nhân tài và biển Tân Thành vỗ sóng ngày đêm mang hồn khúc hát Hoàng Phương. Cuối đợt thực tập, H. cùng bạn bè lên một lớp 11 giao lưu văn nghệ, phần của H. là đọc thơ. Chiều ấy khi H. còn đi uống cà phê cùng bạn, thì cô học trò tên Khánh Vân đến nhà trọ tìm H. Về nhà, H. nghe nhắn lại, hôm sau H. lên lớp tìm lại Khánh Vân và tặng em một tuyển thơ có bài của H. Sau đó, H. chia tay về lại trường để tiếp tục học năm 4. Khánh Vân thường viết thư cho H. kể cảnh sống ở Gò Công và chuyện học hành. H. liên lạc thư từ với em cho đến khi ra trường thì mất liên lạc. Sau nầy không gặp lại người học trò xinh đẹp ham học ấy nữa dù lòng của H. rất nhớ về kỷ niệm ngày nao. Mỗi lần nghe ca sĩ Phương Dung (cũng người Gò Công) hát là H. lại nhớ đến Vân. Vân trôi qua đời H. như một áng mây rực đẹp.

5. Nhiều khi ngồi quán, H. chỉ muốn ngồi lặng lẽ một mình, nhưng không một mình thì cũng một mình, vì H. có ngồi với ai bao giờ đâu. Khuấy tách cà phê đậm thơm, H. nuốt một ngụm cho trôi xuống cổ họng, đem lại sự tỉnh thức cho các giác quan. Hương vị cà phê như gợi nhớ lại quãng đời dạy học 10 năm của mình.

Ra trường, H. được phân công về địa phương sở tại – nơi quê hương của H. H. dạy trường cấp 3 nhưng lúc đó chỉ bán công. Nhận bằng tốt nghiệp xong là lúc H. ngã bệnh. Cơn bệnh trầm cảm đã làm tan nát đời H. Có lẽ do quãng đời trôi dạt, phóng túng, ăn uống thiếu chất, học hành căng thẳng, cũng như khủng hoảng đời sống đã đẩy H. vào cơn bệnh trầm kha nầy.  H. dạy môn Công Dân, học sinh rất thích học những giờ của H., nhưng căn bệnh cứ vò xé nội tâm.

Năm 30 tuổi H. lấy vợ. Xuân là một cô giáo dạy chung trường H. Xuân dạy môn Văn. Những tưởng đời sống sẽ êm xuôi sau nhiều biến động nhưng có ngờ đâu, Xuân ra đi sau 2 năm chung sống cùng H. Có lẽ đã hết duyên nợ chăng? Lúc đó, Bộ Giáo Dục phát động đợt học vi tính cho giáo viên và đưa vi tính vào trường học áp dụng đại trà. Xuân lần mò đi học vi tính lấy bằng A và quen luôn ông thầy dạy học của mình. Trở về sau đợt học, Xuân đề nghị chia tay. H. đồng ý, cả hai ra tòa và vụ xử ly dị diễn ra chóng vánh với sự đồng ý của hai bên.

Thế là H. lại chìm vào rượu sau những giờ giảng dạy và cơn bệnh trầm cảm lại tái phát dữ dội hơn. Ngày ấy, sau những giờ dạy, là H. ra quán bia 59 ngồi trà dư tửu hậu cùng Quốc – một thầy giáo trẻ dạy chung. Hai kẻ bất mãn sự đời lại sống một cuộc đời rượu chè vô phương hướng. Lúc đó, H. thường đăng những bài thơ ngắn gọn ở tạp chí văn nghệ địa phương. Sau những giờ dạy, H. lang thang vô định, có lúc đi suốt đêm đến sáng mới mò về.

H. quen một cô gái tên Hồng làm nghề mát xa. Hồng thanh mảnh, gầy ốm, người Bến Tre. Không hiểu sao những cô gái Bến Tre thường làm nghề nầy trong cái thời điểm đó. Và Hồng cũng thích H. Những lúc ăn nằm với nhau, tình yêu lúc nầy đượm mùi xác thịt và băng hoại trong hơi rượu lẩn quất. Sau 10 năm dạy học, H. không còn dạy được nữa, sức khỏe tinh thần suy yếu trầm trọng, H. làm đơn xin nghỉ. Nhà trường chấp thuận ngay. Từ đó, H. cũng bặt tin Hồng. Một lần ghé lại quán cũ, nghe người quen của Hồng nói lại rằng Hồng thiếu nợ nhiều quá do bài bạc và đã bỏ trốn ở một nơi nào không rõ. Thế là chấm dứt một cuộc tình diễn ra trong việc mua bán hợp lý nhưng vô tình nảy sinh tình cảm. H. lại trở về với những cuốn sách Triết và những bài thơ trầm ẩn đột phá tâm thức. Quãng đời 10 năm dạy học của H. trôi qua nhanh chóng như một cơn mê. Những ngày đó, H. thường tìm quên trong rượu và gái điếm. Một cuộc sống phóng túng của một thầy giáo dạy hợp đồng trường bán công lập.

6. Rót một ly trà đưa lên miệng, bàn bên lại là những lời tâm sự rấm rứt của hai người đàn ông quen thân. Một người là bộ đội Cam–pu–chia ngày xưa, còn một người làm công tác ở phường. Có tiếng ai gọi léo nhéo bên xóm đối diện. H. lại chìm vào những suy tư.

H. nghĩ đến quãng thời gian sau khi nghỉ dạy của mình. Ừ nhỉ, mới đó mà đã 7 năm trôi qua. Sau khi nghỉ dạy, H. ở nhà phụ lao động cùng gia đình. H. và ba mình thuê đất trồng mít, bán kiếm tiền cà phê qua ngày. Nhà H. cho người ta thuê làm dán keo xe. Mẹ H. đã ra tù và về nhà bán cà phê kèm theo. Những buổi lao động vất vả, H. còn nhớ bàn tay của mình phồng rộp lên, chai sạn đi vì múc nước tưới cây từ dưới mương rãnh. Cứ khoảng 3h chiều là H. ra vườn mít tưới cây. Múc từng gàu nước lên tưới cho từng gốc cây. Sau nầy, người anh rể cho mượn cái máy tưới có gắn mô – tơ nên việc tưới tiêu đỡ nhọc mệt. Mồ hôi tuôn ra ngực áo, chan hòa trên mặt H. Bây giờ H. mới hiểu giá trị thật của lao động sau nhiều năm học hành và phóng đãng. Những trái mít được bán, trong đó thấm từng giọt mồ hôi của H. Chiều tà, sau khi tưới cây xong, H. thường đứng chống gàu nhìn mặt trời đỏ lựng lặn xuống chân trời đằng Tây. Mẹ H. về sửa sang lại nhà cửa, tổ chức lại công việc kiếm sống. H. đã đi qua một giai đoạn 30 năm với những thăng trầm biến động. Những bài thơ làm lúc trồng cây của H. đầy vị mặn của mồ hôi lao động. Giờ đây H. biết yêu quý sức lao động của con người. Đúng như Đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay“.

Căn quán vẫn lác đác khách quen. Một người bán vé số mời mua và trò chuyện cùng H. đã đưa H. về lại thực tại sau 2 tiếng đồng hồ chìm trong quá khứ. H. thích ngồi ở quán nầy vì nó mang đầy hơi thở cuộc sống. H. hỏi chuyện cô gái bán vé số về đời sống. Cô ấy nói: “Mỗi ngày em bán chỉ được 100 tờ, mỗi tờ lời được 1 ngàn đồng“.  Vậy 100 tờ chỉ có lời 100 ngàn đồng, mà cô gái phải đi rạc cẳng, mời chào hết góc quán nầy đến đầu đường nọ. Việc mưu sinh của tầng lớp dưới đáy xã hội thật vất vả vô cùng. Cảm thông cùng cô gái, H. móc túi còn được 50 ngàn đồng, H. mua giùm 2 tờ vé số, phần còn lại tính tiền cà phê. H. ra về mà lòng thấy thanh thản vì sau bao nhiêu năm, H. đã hiểu ra giá trị sức lao động và giá trị đồng tiền – điều mà H. đã học trong trường đại học nhưng mới chỉ là mớ lý thuyết suông mà thôi!

Cai Lậy, ngày 25/9/2021
V.H