Kẻ sống chậm – truyện ngắn của Ngô Phú Thiện

676

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hơn mười năm trước… mình cũng từng làm một quan chức nhỏ ở tỉnh lẻ. Lúc ấy xã hội ta mới bước đầu “mở cửa”, nên mọi nền “văn minh-văn hóa” từ nước ngoài ào ạt tràn vào. Trong khi đó, cuộc sống của lớp bạn mình như một cái ao cạn, khát nước…                         

Nhà văn Ngô Phú Thiện

1. Đã thành nếp, cứ sáng thứ 7 những người bạn “đồng môn” một thuở cùng gặp nhau ở cà-phê cóc. Cuối tuần vừa qua lại có thêm ông bạn công tác xa, lâu lắm mới gặp lại nhau. Có khách mới góp mặt cuộc “cà kê” trở nên rôm rả, vì ông bạn này làm nghề đi tour du lịch. Anh hào hứng kể chuyện khách Tàu, khách Tây thích thú với phong cảnh và nếp sống của người Việt mình… Đột nhiên anh hỏi tôi: Ông có biết ở vùng trung du, gốc quê của ông mà cũng nổi danh một “ Biệt điện”, ở làng Cỏ Bồng trước kia không?

     – “Làng Cỏ Bồng”? Tôi ngạc nhiên. Nếu tìm trong điển tích thì còn biết ít nhiều ở Trung Hoa, chứ ở quê mình thì…chịu !

     Anh bạn trố mắt, lắc đầu. Sau tiếng thở dài không cần giấu diếm, anh xin lỗi bạn bè để chê tôi:

     – Bây giờ ông làm gì mà còn “lạc hậu”, đói thông tin vậy? Ngay cả trẻ con ngồi đây, chúng còn biết đích xác sáng nay chiến sự ở Syria ra sao; nơi nào bị đánh bom cảm tử… Còn cái làng quê gắn bó nửa đời của mình mà bạn lại chưa hề biết. Thật lạ…

Câu nói “thẳng ruột ngựa” của ông bạn mới nhập cuộc, làm tôi đâm cáu: Thì cái “ Biệt điện” với “Cỏ Bồng” do ông vẽ ra, chứ mấy tên gọi lạ lùng ấy từ lâu đâu có ở quê mình!

Anh cười ruồi. Nghe chừng không khí chuyện trò có phần mất vui, anh chuyển đề tài, kể vài mẫu chuyện đi tour để giúp tôi “hạ hỏa”. Nào chuyện ăn uống của người Nhật khác với kiểu của ta như thế nào… Rồi anh chuyển đề tài Đông-Tây sang chuyện ta. Vương kể về cách ứng xử của người dân quê mình:

     – Một lần, đưa đoàn khách Tây đi thăm quan ở vùng quê đang vào vụ gặt. Thấy có nhiều khách lạ ra đồng, các nông phu cùng đứng chống nạnh mà nhìn. Thấy vậy, mình lên tiếng chào rồi hỏi một lão nông dân: “Vụ này, lúa có được mùa không bác”?

     Lão đáp: mùa với màng, dạo này trớt huớt !.. Mình đứng ngẩn tò te, chẳng biết làm sao ‘dịch’ được cho người nước ngoài!..

     Hình như anh ta nhận ra mọi người không mặn mà gì với mẫu chuyện vừa kể. Anh mất hứng, rút điện thoại ra bấm, xem gì đó. Đoạn Vương nhìn tôi, xuống giọng: Lâu ngày mình mới gặp được các bạn. Ngày mai là Chủ nhật, hay là để mình “ sửa sai ” đưa quí bạn cùng đi dã ngoại vùng trung du một chuyến, tiện thể ghé thăm cái Biệt điện ấy nhé!

2. Đi hết đường bê-tông của thôn 2 là vào xóm Đồi. Cái xóm xum xúp, nằm lọt thỏm giữa mấy ngọn đồi, nên tự bao đời nay người làng gọi như thế. Thời chiến tranh, nơi này nổi tiếng là cái túi đựng bom na-pan của Mỹ nên mấy ngọn đồi cũng bị trọc lóc. Qua thời bom đạn, cái thứ còn “sống” được nhiều nhất trên mấy ngọn đồi là các loại đá… Thế mà bây giờ trông khác hẳn.

     Vừa đến xóm Đồi, người đầu tiên đứng nhìn chúng tôi là một ông lão có mái tóc trắng như khói. Ông ta gật đầu cười, rồi bỏ vào bên trong khu vườn rộng mà ông bạn Vương gọi là “khu biệt điện”. Tôi ngờ ngợ nhận ra khuôn mặt ấy rất quen, nhưng chừng như râu  tóc bạc trắng kia đã mà mắt tôi. Chủ nhân khu biệt điện này có lẽ cũng không mấy mặn mà với những người khách lạ. Ông ta lửng thửng bước qua khoảng sân rộng trước nhà, rồi khoanh tay đứng nhìn trời ra dáng một đạo sĩ. Khi chúng tôi lên tiếng chào và bước qua cánh cổng, thì ông mới chịu quay lại. Đôi mắt thản nhiên nhìn khách, một cánh tay ông ta giơ lên, ra hiệu mời anh em tôi vào căn phòng phía trước. Tôi kịp định tâm nhận ra người quen cũ nhưng thấy chột dạ, nghĩ thầm: Lão này có vẻ trịch thượng đây, không thèm chào hỏi nhau một tiếng. Quá khứ của lão với tôi có xa lạ gì… bây giờ chắc đang học đòi làm thượng lưu đấy mà !

      Ba người khách miễn cưỡng ngồi xuống ghế, chẳng ai buồn rót trà uống. Bỗng chủ nhân đâu từ nhà trong bước ra, diện mạo, áo quần tươm tất khác hẳn trước đó. Ông đưa tay ra bắt tay tôi trước, nói nhỏ nhẹ:

     – Quá lâu rồi Hà hỉ? Cứ tưởng ông vẫn mải miết bon chen nơi phố phường, còn thì giờ đâu về lại chốn “sơn lam chướng khí” này?

      Đến lượt Vương- người bạn làm du lịch của tôi, trợn tròn mắt. Tôi biết, anh đang rất bất ngờ vì chẳng hiểu mối quan hệ của tôi với chủ nhân “biệt điện” này thế nào. Khi anh ta đứng dậy, bắt tay với gia chủ và định nói mục đích chuyến thăm, nhưng rồi im lặng cứ nhìn chằm chằm vào tôi. Chủ nhà vuốt râu cười, lên tiếng:

     – Anh đưa khách lên thăm đây đã một vài lần, tôi vẫn nhớ. Có lẽ anh vẫn còn làm du lịch ? Chỉ có khác là lần này tour của anh có hai người và người này chính là bạn bè “nối khố” của nhau! Vừa dứt lời, Hoàng “đạo sĩ ” quay sang tôi: Ông thấy đấy, mình có treo bảng “Biệt điện” chỗ nào đâu? Cái tên “bất đắc dĩ” ấy, chủ yếu do anh bạn làm du lịch sáng tạo ra. Với mình, cái “điện” này ai vào cũng được, cái cơ bản là cứ đi ngắm cảnh không mất tiền. Nhưng riêng hôm nay…ba người đã “lỡ” đến đây gặp mình, thì cho mình chất vấn chút đã. Vì ”tam nhân đồng hành, tất ngã…

      Thấy chủ nhà xởi lởi thực sự, tôi hứng chí cắt ngang:

     – Lúc đầu gặp “bố già”… tôi thấy khác lắm! Chứ chẳng phải “ bố” muốn làm “tiên ông” giữa chốn bồng lai này, nên nhử bộ râu.. cho ra dáng Đế Thích à?

      Chủ nhân “biệt điện” khoát tay, nheo mắt cười to. Ông ta bảo: Riêng bộ râu cũng đủ kể thành “chuyện dài nhiều kỳ”; bây giờ chỉ nói được với các bạn mấy lời: Mình không có diễm phúc của giống Tiên, mà thuộc hệ zen bạc tóc sớm. Thôi thì, bận rộn suốt ngày nên cứ cho nó tự nhiên phát triển!

      Xem chừng anh bạn làm du lịch có vẻ sốt ruột. Vương vội đứng dậy, xin lỗi chủ nhà để cho mọi người được tự do ra vườn thưởng lãm. Chủ nhà đành chìêu ý khách, nhưng thực lòng nhắc lại:

     – Thôi tùy các bạn. Nhưng khi nào quí khách thấy “no mắt” thì sẽ đói bụng đấy. Sẵn lúc mình đang rổi việc, tí nữa cùng vào đây uống với nhau chén rượu mừng “ tri ngộ”.

      Công bằng mà nói, cái làng nhỏ dưới chân núi mà có được không gian cảnh sắc như thế này thì không thể chê vào đâu được. Hoá ra, ngày xưa nơi này từng được định danh là “Cỏ Bồng”, nhưng lớn lên tôi chưa một lần nghe nói đến. Nguyên nhân nào để làng có tên gọi như thế tôi lại càng mù tịt, nhưng giờ đây khung cảnh “biệt điện” của lão bạn tôi với tên làng “Cỏ Bồng” có vẻ rất nên thơ. Mà cũng có phần kỳ bí. Chu vi khu vườn đủ thoáng rộng để nhìn thấy rõ những ngọn đồi mấp mô phía Tây và khe suối nhỏ chảy qua góc vườn nhà. “Sơn thủy giao hòa”- với các cụ xưa, thì đây là thế đắc địa. Tuy ở gần rừng núi nhưng tuyệt nhiên, trong vườn không hề có các loài cây cổ thụ. Nhiều chậu Bonsai, cây cảnh thuần hậu đất quê đang lặng lẽ tạo dáng và đủ che nắng cho các lối đi lát sỏi xinh xắn trong vườn.

     Vẫn chẳng có gì mới, từ Đông sang Tây khu vườn là hoa dâm bụt, muồng hoàng yến, lộc vừng, sung tím…nhưng trông khá hợp cảnh, hợp tình. Chung quanh mấy gian nhà rường, được chủ nhân trải thãm xanh bằng cỏ chân vịt xen với cỏ mồng gà, trườn ra đến lối đi. Khoảnh đất phía Bắc, gần con suối là vườn rau mượt mà với đủ thứ rau cải, rau thơm, dưa leo, hành lá… Phía trước mấy thãm cỏ và lối đi, có rất nhiều kiểu đá sa thạch và đá ong. Có hòn đá dựng đứng; có hòn nằm; chỗ góc này là khối hình tròn; góc kia là mặt đá hình thang, ngũ giác… chẳng theo qui luật nào.

      Tôi níu áo ông bạn Vương, hỏi nhỏ: Này, mấy cục đá “hạ cấp” ấy mà “trồng” làm gì lắm thế? Anh ta dừng lại, hứ một tiếng rõ to:

    – Đá phong thủy đó “cha nội”! Bộ ông chưa đọc sách phong thủy, nói về cách bài trí đá của Nhật, của Tàu sao mà hỏi?

      Tôi ậm ờ, nói gượng: Chả biết phong thủy, phong lưu chi với ngữ đá này! Còn khu vườn nhà đây nữa chứ, bình dị dân dã thôi mà sao ông tô màu thành cái “biệt điện”?

     – Trời đất, cái tay nhà quê này! Vương trở nên cộc cằn. Lẽ nào ông không biết, “điện” không chỉ có nghĩa là nơi để thờ mà còn là để.. tôn thờ. Còn “biệt” ở đây, ông cứ mở khóa từ đồng nghĩa ra xem: Nó có thể hiểu là khác biệt, dị biệt, đặc biệt, cách biệt…cái gì mà chẳng đúng!

      Anh lên lớp một tràng, làm tôi thấy mình “nhà quê” hơn. Chẳng biết ông bạn làm du lịch này, giảng giải cho tôi nghe điều gì…

3. – “ Thế nào? ‘Quí khách’ đã chán chê với khu vườn hoang dã của mình chưa? Ở đây xế trưa không được mát mẻ cho lắm, ta nên vào ngồi nghỉ ở căn gác trên kia…” Anh Hoàng chủ nhà bước ra từ lúc nào, tôi không nhìn thấy. Giọng anh trầm mà trong veo, trẻ trung như đang ở độ tuổi xuân xanh. Thực tình, tôi chỉ đợi lời mời ấy của anh, vì đôi chân không còn mấy thích thú ở ngoài vườn.

      Lúc mọi người cùng bước lên căn gác gỗ, tôi mới chú ý đến mấy gian nhà. Chừng như gần rừng núi và để đề phòng thú dữ, rắn rết nên anh dựng ngôi nhà gỗ theo kiểu nhà sàn của dân tộc Mường. Ngoài cái vẻ bóng loáng, tao nhã thì cấu kiện nhà sàn này cũng không có gì đặc biệt. Tôi tâm đắc nhất là các đĩa thức ăn trên bàn, đặt cạnh cửa trông ra phía dòng suối. Vừa kéo ghế ngồi, anh Hoàng vẫn giữ phong thái “đạo sĩ”, chậm rãi “phi lộ”:

    – Được gặp quí ông bạn hôm nay là một sự kỳ ngộ. Mình muốn dành riêng chiêu đãi mấy món “đặc sản” của gia đình, để bạn mình cùng sống lại với kí ức tuổi thơ. Bia lon, rượu ngoại trong “căng-tin” dưới nhà không thiếu, nhưng chỉ dùng cho khách du lịch khi có yêu cầu…

      Vương- anh bạn đi tour, tỏ sự phấn khích ra mặt. Anh vỗ tay đánh “đốp”, rồi trân trọng nói lời cám ơn dài dòng như tiếp thị gói du lịch mới. Còn tôi ngồi chủ tâm quan sát mấy món “đặc sản” trên bàn: Chỉ một hủ rượu dầm màu vàng đục; hai cái đĩa lớn kềnh càng với cá tràu, cá rô nướng; bốn chén muối ớt và rất nhiều rau, gia vị… Đợi Vương dứt lời, tôi hỏi:

    – “Đặc sản” này đều do công sức ông làm ra à?

    – Thì có gì đâu: Cá dưới ao ngoài kia, rau quả trong vườn, chỉ có rượu đặt hàng xóm nấu rồi mình đem về tự giầm lấy- anh Hoàng giải thích.

      Mở đầu chén rượu “kỳ ngộ” gia chủ cao hứng, phán: Đúng bài “trà tam, rượu tứ”! Để khỏi phải khách khí, bạn mình cứ thoải mái chén và thống nhất gọi bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba là… “ông”! Ba người khách cùng gật đầu, tán thưởng.

4. Đang nhâm nhi rượu mật ong với cá nướng thơm lừng, ông bạn Vương bỗng nhiên dở chứng. Anh ta rút con iPad trong túi ra, rồi đão mắt quanh tường gỗ, hỏi:

     – Bộ ở đây không có Inter, wifi gì…sao ông chủ?

     Hoàng “đạo sĩ” từ tốn: Đường cáp quang “phủ sóng” vùng này từ lâu, nhưng mình chẳng ứng dụng vào việc gì, ngoài cái Tivi. Giờ này mà ông “lên Phây” thì thất vọng rồi đó! Đã mười năm nay mình sống với phương châm: “ Tăng làm, giảm nghe, tránh lối xum xoe, uống ăn tự túc”.

     Tôi hớp vội cốc rượu, thắc mắc: Điều kiện sống như ông mà cũng không biết chơi theo mốt thời thượng, hỡi “đạo sĩ” ?

     Ông Hoàng “khà” một hơi kéo dài, rồi vuốt râu cười. Thấy hai người tỏ ý hoài nghi, ông miễn cưỡng trần tình:

     – Hơn mười năm trước… mình cũng từng làm một quan chức nhỏ ở tỉnh lẻ. Lúc ấy xã hội ta mới bước đầu “mở cửa”, nên mọi nền “văn minh-văn hóa” từ nước ngoài ào ạt tràn vào. Trong khi đó, cuộc sống của lớp bạn mình như một cái ao cạn, khát nước. Người đầu tiên trong gia đình mình là.. bà xã, bị cơn lốc tiện nghi cuốn theo. Niềm say mê lớn nhất của nàng là giành thời gian lên mạng để sống đua đòi với “thế giới ảo”… Giữa lúc mình đang có điều kiện vật chất hơn người khác, nên không tiếc tiền để thỏa mãn mong muốn của vợ con. Rồi cái gì đến nó phải đến. Công việc ở cơ quan, tài sản trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi…

      Thấy Hoàng “đạo sĩ” mà cũng đăm chiêu khó nói, tôi đành xen vào: “ Và đoạn kết có hậu là gia đình ông dọn về đây, dựng “biệt điện”?

     – Thì cũng có thể gọi như thế. Từ ngày về lại quê cũ, mình khởi đầu cơ nghiệp bằng cách chăn bò, nuôi dê. Bây giờ vẫn còn mấy trại chăn nuôi ngoài rừng và cũng là nguồn cung cấp thực phẩm chính yếu cho gia đình. Điều căn bản hơn là chính bà xã bắt đầu thấy sợ thông tin mạng và thường giật mình với các loại rau thịt bày bán ngoài chợ. Nàng quyết định xắn tay cùng mình, lập khu vườn nhà này để trồng rau, trồng cải và tự chế biến cho con ăn.

     Cuộc sống gia đình mình trở lại ổn định, con cái lớn lên học tập càng giỏi giang và có ý thức tự lập. Đứa con gái lớn chọn trường Sư phạm, mình thấy phù hợp; nhưng thằng em nó học vật lý rất khá lại tự chọn vào ngành chăn nuôi của trường Đại học Nông nghiệp. Mình băn khoăn hỏi nó, thì nó bảo: “ Để sau thành kỹ sư chăn nuôi, con sẽ về giúp ba cải tạo giống bò, thay đổi cách nuôi dê theo lối hiện đại”!

     – Thấy cảnh sống của ông thế này, tôi cũng “mê” lắm rồi chứ nói gì con cái- Vương nổi hứng. Nhưng xin cho tôi hỏi chuyện ngoài vườn: Ông sắp đặt các kiểu đá ở ngoài kia, theo “cao pháp” nào vậy?

     Hoàng lắc đầu, lý giải: Mình chẳng có ‘cao pháp’ hay bí quyết nào cả! Tất cả chúng đều là đá tự nhiên, vốn có ở đây như thế. Chỉ khi mình dọn vườn, mình lấy nó làm “cọc tiêu” để dễ chia từng khoảnh!..

     – Ông lại giấu nghề rồi! Vương lắc đầu, hoài nghi. Tôi cũng biết chút ít về thuật phong thủy đương đại mà…

      Ông Hoàng lại cười đến híp mắt. Ông ta đặt vội chén rượu xuống bàn, rồi bỗng nhiên cao giọng: Mà tại sao ngày nay thiên hạ cứ muốn thay đổi tự nhiên để làm khổ mình lắm thế? Nhiều người còn thích dẫn dụ thủ thuật này, trường phái nọ để cố đua tranh theo lối sống hiện đại, để làm gì? Chính cái “thị hiếu đám đông” đó mới nảy ra những chuyện như “thực phẩm bẩn”, “đa cấp ma”… có đất sống tốt tươi!

      Có thể mình đã lỗi thời, lại có phần lập dị nên chọn cách “ tăng làm, giảm nghe” để được sống thực và thanh thản hơn. Thực ra, cái các ông gọi là “Biệt điện” này, chủ yếu do “sức chồng, công vợ” tạo lập, suốt phần đời còn lại đấy…

     Xem chừng cuộc rượu “tri ngộ” đang chuyển thành cuộc khẩu chiến, bởi tôi biết tính ông bạn Vương. Đợi ông Hoàng kết thúc màn hùng biện, tôi xen vào:

     – Thôi, cho tôi trở lại “kính mời ”! Các cao thủ triết luận mãi, chỉ thiệt thòi cho chúng tôi và…mấy con cá nướng. ‘Quí ông’ càng tranh luận, tôi càng tự thấy mình nhà quê đích thực đây này!

                                                                                                    Ngô Phú Thiện