Khái lược về kịch Nam Bộ giai đoạn 1945-1954

536

Trong đời sống văn học Nam Bộ 1945 – 1954, kịch (kịch nói và kịch hát) có bước phát triển hết sức mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều tác giả cùng các tác phẩm nổi bật. Kịch được đồng bào Nam Bộ đặc biệt ưa thích. Bài viết này tập trung trình bày phần kịch ở hai “không gian” có phần đối nghịch nhau: vùng kháng chiến do cách mạng nắm giữ và vùng đô thị do chính quyền tay sai cai quản.

Hoạt động sân khấu của kịch nói và kịch hát truyền thống diễn ra khá sôi động ở chiến khu và bưng biền Nam Bộ trong những ngày cách mạng còn tươi rói. Những đoàn hát bội, cải lương đi bằng ghe thuyền lưu diễn hàng tháng trời ở hầu khắp các vùng nông thôn Nam Bộ. Những tên tuổi nghệ sĩ tài danh của đô thành Sài Gòn như Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Chơi, Năm Châu, Ba Vân, Tám Danh, Tư Út… vẫn tiếp tục mang Nhạc Phi, Trương Phi, Lưu Kim Đính, Lục Vân Tiên… đến với đồng bào nông thôn như họ vẫn làm từ trước khởi nghĩa. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu đô thị đã hòa mình vào cơn lốc cách mạng, trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, dùng chính tài năng sân khấu của mình cổ vũ kháng chiến. Bên cạnh những nghệ sĩ – chiến sĩ hoạt động ở đô thành như Nguyễn Thành Châu (nghệ sĩ Năm Châu), Huỳnh Thủ Trung (nghệ sĩ Tư Chơi), Huỳnh Năng Nhiêu (nghệ sĩ Bảy Nhiêu), có những nghệ sĩ dứt áo rời bỏ đô thành ra chiến khu giữa những tháng ngày sôi động nhất của cuộc khởi nghĩa như: Trần Hữu Trang (nghệ sĩ Tư Trang) làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Phú Kiết (Chợ Gạo); Nguyễn Phương Danh (nghệ sĩ Tám Danh) làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Mỹ Khánh (Long Xuyên), sau đó hoạt động trong Đội Biệt động số 8, rồi Phòng Chính trị Khu 8; Nguyễn Văn Xe (nghệ sĩ Tư Xe) và Phan Văn Hai (nghệ sĩ Ba Du) công tác tại Cơ quan Văn nghệ Khu 8…


Trình diễn cải lương trước năm 1975 ở Sài Gòn. 

Tuy nhiên, bước vào chặng đầu kháng chiến (1946 – 1951), hoạt động của sân khấu kịch hát truyền thống ở nông thôn và vùng kháng chiến đã không còn sôi động nữa. Mãi đến sau Hội nghị tuyên truyền văn nghệ ở miền Tây Nam Bộ tháng 6/1951, hoạt động sáng tác và biểu diễn cải lương, hát bội mới trở nên sôi động trở lại với các vở Cánh tay cứu quốc, Mười năm khởi nghĩa, Vẹn tình cá nước, Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Lửa đỏ lòng son, Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, Nợ nước tình nhà, Cô Hai Nữ… Đặc biệt vở tuồng Trần Hưng Đạo bình Nguyên của Trần Bạch Đằng diễn lần đầu ở chiến khu Dương Minh Châu năm 1952 được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ nhiệt liệt và sau này vẫn còn được dựng diễn ở nhiều nơi.

Trong khoảng thời gian kịch hát truyền thống bị “thất sủng”, kịch nói hiện đại lại được tạo điều kiện phát triển ở vùng chiến khu. Theo Hoài Anh, Thành Nguyên và Hồ Sĩ Hiệp (1988), kịch ngắn liên tục được sáng tác và trình diễn khắp vùng bưng biền kháng chiến giai đoạn này. Khác với kịch trường đô thị quy mô và chuyên nghiệp, nơi mà kịch ngắn thường sáng tác để đọc chứ không phải để diễn, kịch ở vùng chiến khu tuy thiếu điều kiện kinh tế nhưng lại thừa nhiệt tình tập thể đã sản sinh ra nhiều tác phẩm sáng tác nhanh, diễn xuất gọn, phản ánh kịp thời đời sống kháng chiến và cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân dân Nam Bộ. Các vở kịch ngắn tiêu biểu đã được diễn ở chiến khu gồm có vở Cụ Hồ (1 màn, 1 cảnh) diễn tại Khu 8 năm 1946, vở Năm cánh sao vàng (1 màn, 1 cảnh) do Đoàn văn công Trà Vinh diễn năm 1947, vở Trai thời loạn (1 màn, 1 cảnh) diễn ở Trà Vinh năm 1948, vở Những bàn tay xây dựng (2 màn) và Hả dạ (2 màn) của Bảo Định Giang diễn ở Đồng Tháp Mười, vở Vì dân của Nguyễn Văn Vịnh và vở Tại ai? (1 màn, 2 cảnh) cũng diễn ở Đồng Tháp Mười, vở Chuyến công văn (1 màn, 2 cảnh) và Bảo vệ Liên Xô (1 màn, 2 cảnh) đều diễn năm 1951 ở rừng U Minh…

Đề tài của kịch kháng chiến Nam Bộ thường hướng vào thực tiễn sản xuất, chiến đấu, tập trung nhất là hình ảnh người chiến sĩ bưng biền, tinh thần tranh đấu của đồng bào Nam Bộ và tình quân dân cá nước. Vở Năm cánh sao vàng ngợi ca tình đoàn kết công nhân, nông dân, thương nhân, bộ đội và trí thức qua biểu tượng năm cánh sao trên lá cờ Tổ quốc; vở Trai thời loạn đề cao chí làm trai của người thanh niên miền Nam giữa thời khói lửa; vở Vì dân của người chỉ huy quân sự Nguyễn Văn Vịnh như một lời ngầm khuyên răn bộ đội phải hết lòng phục vụ nhân dân, chiến đấu vì dân; vở Chuyến công văn lấy cảm hứng từ gương anh hùng của một chiến sĩ giao liên được tuyên dương trong đại hội phong trào; vở Lòng dân của Nguyễn Văn Xe (nghệ sĩ Tư Xe) tập trung ca ngợi tinh thần cách mạng của những người dân vùng địch hậu ra sức bảo vệ cán bộ cách mạng, bất chấp những hi sinh…

Bên cạnh những vở kịch lấy cảm hứng từ đời sống kháng chiến đương thời, kịch chiến khu còn cho ra đời một vở rất đặc biệt phóng tác từ văn học nước ngoài, đó là vở kịch Người mặt cháy do Bảo Định Giang viết dựa theo truyện ngắn Tính cách Nga của nhà văn Nga Alexei Tolstoy. Truyện nói về một người lính Hồng quân đi chiến đấu chống quân đội Đức bảo vệ Tổ quốc, chẳng may bị thương, cháy nám khuôn mặt. Ngày chiến thắng trở về, anh mang mặc cảm vì gương mặt của mình, không dám gặp lại người yêu và mẹ già. Nhận thấy truyện có nhiều nét tương đồng với hoàn cảnh chiến đấu của ta, Bảo Định Giang đã chuyển thể thành vở kịch Người mặt cháy và cho dựng diễn ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Vở Người mặt cháy sau đó được soạn giả Nguyễn Phương chuyển thể cải lương, nghệ sĩ Năm Châu dàn dựng và cho công diễn ở Sài Gòn với tên gọi là Người trở về, bị ngụy quyền ra lệnh cấm sau khi đã diễn được 3 đêm ở rạp Kim Chung. Vở kịch Người mặt cháy sau đó được chỉnh lí và diễn ở nhiều địa phương miền Đông Nam Bộ.

Trong phong trào kịch quần chúng rất phổ biến hình thức kịch lửa trại, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hình thức kịch ứng diễn (kịch cương). Vào hoàn cảnh nhu cầu diễn kịch, xem kịch rất lớn mà nguồn kịch bản lại hạn chế, kịch cương đáp ứng năng động, linh hoạt đòi hỏi của văn nghệ kháng chiến. Kịch cương gần gũi, phản ánh sát sườn đời sống chiến đấu, kể những câu chuyện người thật việc thật, kết hợp với ứng xử linh hoạt của diễn viên đã thu hút sự yêu mến của đông đảo quần chúng. Tuy nhiên, do sáng tác tự phát nên kịch cương còn thiếu tính nghệ thuật, kết cấu lỏng lẻo, ngôn ngữ và hành động kịch còn nhiều thô vụng.

Để khắc phục những nhược điểm của kịch cương, hình thức kịch sáng tác tập thể ra đời, góp phần nâng cao chất lượng của kịch quần chúng. Khác với kịch cương, những vở kịch trước khi ra mắt đã được thai nghén và hoàn chỉnh cơ bản trong một quá trình sáng tạo tập thể. Phương thức này phát huy được trí tuệ, vốn sống của nhiều người, kết hợp được tính năng động của ứng diễn ban đầu với sự nâng cao của lời kịch có bổ sung sửa chữa, đồng thời kết hợp được năng lực của tập thể với khả năng của nhà chuyên môn về sân khấu nên đã nâng cao được chất lượng kịch bản.

Thời kì này, ở chiến khu cũng có những vở kịch thơ đáng chú ý như vở Những người cộng sản của Phạm Minh Hòa nói về cuộc đấu tranh anh dũng của những người tù Côn Đảo, vở Thủ khoa Huân được giải thưởng của Viện Văn hóa Nam Bộ năm 1949 và vở Áo đêm trăng của Nguyễn Bính. Kịch thơ Áo đêm trăng được công diễn lần đầu tiên vào đêm 20/1/1948 trong lễ phong công hàm cho Trung tướng Nguyễn Bình ở chiến khu Đồng Tháp Mười, ra mắt cùng lúc với bài hát Tiểu đoàn 307 lừng danh.

Đối với khu vực đô thị, trước 1945, hoạt động trình diễn kịch, bao gồm cả kịch nói và kịch hát truyền thống đã khá khởi sắc. Theo Hoài An, Thành Nguyên và Hồ Sĩ Hiệp (1988), thời kì đêm trước cách mạng, phong trào văn nghệ trong giới học sinh, sinh viên nổi lên khá rầm rộ với ban Kịch Sinh viên do Bùi Kiêm Bích làm Trưởng ban, tập hợp các diễn viên không chuyên từ các trường học và các công tư chức yêu nước. Ban kịch này tổ chức diễn những vở kịch lịch sử do thành viên của ban tự sáng tác nhằm cổ vũ tinh thần tranh đấu của nhân dân như Đêm Lam Sơn, Nợ Mê Linh của Huỳnh Văn Tiểng, Đời chiến sĩ của Bùi Kiêm Bích… Đêm Lam Sơn làm sống dậy cuộc khởi nghĩa Lê Lợi chống quân Minh, Nợ Mê Linh khai thác nỗi lòng của Hai Bà Trưng trong những ngày phất cờ nương tử đánh đuổi quân thù và Đời chiến sĩ nhóm lên ngọn lửa yêu nước trong lòng mọi lứa tuổi, thúc giục mọi người lên đường cứu nước. Bên cạnh đó, ban Kịch Sinh viên còn diễn những vở về người nghệ sĩ như bi kịch thơ 5 màn Lương Kha của Huỳnh Văn Tiểng diễn tả thảm cảnh của một họa sĩ chân chính bị xã hội ruồng bỏ đến nỗi phải tự tử. Huỳnh Văn Tiểng còn có vở hài kịch văn xuôi Những người đau khổ nhất thế giới châm biếm những nhà báo rởm sống phè phỡn trong khi những nhà báo chân chính chịu cảnh thất nghiệp khó khăn.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, ban Kịch Sinh viên đổi thành ban Kịch Việt Minh, cho ra đời thêm 4 vở kịch thơ mới: Hội nghị Diên Hồng, Con thỏ ngọc của Huỳnh Văn Tiểng và Nỗi lòng Hưng Đạo, Tâm sự Lương Khê của Bùi Kiêm Bích. Nỗi lòng Hưng Đạo ngợi ca Trần Quốc Tuấn dẹp thù riêng vì nghĩa lớn, xếp lời trăn trối báo thù cá nhân của cha già để toàn tâm cùng triều đình nhà Trần chống giặc xâm lăng giữ gìn cương thổ. Tâm sự Lương Khê lấy việc Phan Thanh Giản thất bại trong chủ trương thỏa hiệp với Pháp để phê phán quốc gia thân Nhật.

Ngay sau đó, Hội Nghệ sĩ được thành lập do Nguyễn Thành Châu (tức soạn giả, diễn viên cải lương Năm Châu) làm Chủ tịch, Diệp Minh Châu làm Phó Chủ tịch, Bùi Kiêm Bích làm Thư kí cùng với một số ủy viên. Hội đã đưa ra chương trình hành động trong đó có việc tổ chức một trường đào tạo nghệ sĩ và xây dựng những đoàn hát cách mạng.

Đến tháng 3/1946, Nguyễn Thành Châu và cha vợ là nghệ sĩ Huỳnh Năng Nhiêu (Bảy Nhiêu) thành lập gánh hát Con Tằm, thu hút các nghệ sĩ chuyên nghiệp như Nguyễn Thành Châu, Phùng Há, Ba Vân, Thanh Loan, Duy Lân, Tư Út, Từ Linh, Ngọc Sương… Gánh Con Tằm diễn nhiều vở đã nổi tiếng từ trước Cách mạng của Trần Hữu Trang (nghệ sĩ Tư Trang) và Nguyễn Thành Châu như Hồn bướm mơ tiên, Một tối tân hôn, Nỗi lòng chị bếp, Gieo gió gặt bão, Đời cô Lựu

Năm 1947, sau khi gánh Con Tằm phải ngừng hoạt động vì khó khăn tài chính, gánh Phụng Hảo xuất hiện quy tụ Phùng Há, Ba Vân, Tư Út, Hai Tiền, Mười Bửu, Sáu Lực… nổi tiếng với các vở tuồng phỏng tác từ truyện Tàu như Hận Kinh Kha, Máu nhuộm Phụng Hoàng cung của Văn Ngân, Tượng trưng công lí của Ba Vân…

Năm 1948, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang và nhiều nghệ sĩ yêu nước khác xây dựng đoàn Việt kịch Năm Châu. Đây cũng là cơ sở của Việt Minh đầu tiên trong giới nghệ sĩ sân khấu thành phố, là nơi tập hợp liên lạc của giới nghệ sĩ, trí thức kháng chiến nội, ngoại thành. Đoàn chuyên diễn những vở tuồng xã hội và những vở phỏng tác từ tiểu thuyết phương Tây như Gió ngược chiều, Tình ghen vương giả, Người với người, Thái tử Hàm Lê (phỏng theo Hamlet của Shakespeare), Túy hoa vương nữ (phỏng theo Marie Tudor của Victor Hugo)… của Nguyễn Thành Châu; Khi đào hát trả ơn (phỏng tác từ Angelo của Victor Hugo) của Nguyễn Thanh Hiệp; những vở kịch xã hội Hậu chiến trường, Đời cô Lựu của Trần Hữu Trang; Khi người điên biết ghét do Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở (Năm Nở) hợp soạn; Vó ngựa truy phong, Hội yêu chồng, Anh chị ăn mày, Nỗi lòng chị bếp, Ông huyện hâm hâm, Ngày về của Lê Hoài Nở; và có cả vở phỏng tác tích Tàu như Tây Thi gái nước Việt của Hoàng Mai và Nguyễn Thành Châu… Nguyễn Thành Châu chủ trương trường phái cải lương “thật và đẹp”, bao trùm từ lối trình diễn trên sân khấu đến lối sống đời thường của từng cá nhân trong đoàn hát. Để lôi cuốn khán giả, Việt kịch Năm Châu đưa kĩ thuật ánh sáng lên sân khấu với ánh đèn nguyên tử. Thời kì này, một số nhân sĩ trí thức được tăng cường về để hỗ trợ cho hai đoàn hát lớn Phụng Hảo và Việt kịch Năm Châu, gồm có Bùi Kiêm Bích, Lê Thương, Nguyễn Thanh Hiệp lo về văn hóa giáo dục; các họa sĩ Trần Đình Thụy (anh trai của nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh), Nguyễn Siêng, Nguyễn Quyền lo về trang trí; về y tế, khám chữa bệnh cho nghệ sĩ có các bác sĩ Lê Văn Ngôn, Trương Ngọc Hon…

Việt kịch Năm Châu là nơi công diễn đầu tiên vở cải lương Tây Thi gái nước Việt, được Nguyễn Thành Châu chuyển thể từ kịch thơ cùng tên của Hoàng Mai. Hoàng Mai là một trong những bút danh của nhóm Hoàng Mai Lưu (hay Huỳnh Mai Lưu) gồm Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ. Theo sưu khảo của Đặng Tấn trên báo Sân khấu, kịch thơ Tây Thi gái nước Việt được chính ông Mai Văn Bộ gửi gắm cho soạn giả Năm Châu để chuyển thể cải lương, có sự đóng góp về tân nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Trong tuồng cải lương này, Phùng Há giả trai đóng vai Phạm Lãi, Bảy Nhiêu vai Ngũ Tử Tư, Năm Châu vai Ngô Phù Sai và Kim Cúc (con gái nghệ sĩ Bảy Nhiêu và là vợ của nghệ sĩ Năm Châu) nhận vai Tây Thi. Tây Thi gái nước Việt là một trong những tác phẩm kịch thơ có giá trị của Nam Bộ thời đó, và việc chuyển thể sang cải lương – loại hình sân khấu thịnh vượng nhất Nam Bộ thời bấy giờ – đã mang đến cho nó một sức hút mãnh liệt và một sức sống khá dài lâu.

Từ năm 1953, Việt kịch Năm Châu khởi diễn vở tuồng Văn sĩ Nguyệt Hoa của Bùi Đức Tịnh (tức Bùi Kiêm Bích), đả kích mạnh mẽ các nhà văn đồi trụy, góp phần không nhỏ vào phong trào chống âm mưu đầu độc tinh thần nhân dân ta của đế quốc Mĩ và thực dân Pháp lúc bấy giờ. Vở này ra đời trong sự hưởng ứng phong trào chống sản phẩm khiêu dâm và văn hóa đồi trụy dưới sự cổ vũ của Hội Chống sản phẩm khiêu dâm (ra đời tháng 11/1950) sau mở rộng thành Hội Chống sản phẩm đầu độc tinh thần dân tộc (13/5/1953).

Giữa năm 1951, Thành Nguyên ra khỏi trại tù binh Phú Lâm liên hệ lại với Nguyễn Văn Hiếu lập ra Chi bộ Văn Giáo nghệ sĩ gồm Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang và Thành Nguyên (Bí thư). Thành Nguyên cũng tranh thủ mở được trang “Kịch trường” hằng tuần vào ngày thứ sáu trên báo Tiếng chuông, kí Quốc Bửu, và trang “Học sinh” kí Phụ huynh học sinh vào ngày thứ hai cũng trên Tiếng chuông. Ông có nhiều bài phê bình văn học chống sản phẩm khiêu dâm đồi trụy rải rác trên Tiếng chuông, Dân thanh, Tân thanh, Lòng dân… Trang “Kịch trường” có sự tham gia viết bài của một số nghệ sĩ, trong đó có nghệ sĩ lừng danh Bảy Nhiêu.

Từ năm 1946, trên các tạp chí, tuần báo và nhật báo, các nhà văn thành thị cũng sáng tác nhiều vở kịch ngắn văn xuôi và văn vần, nổi bật là nhà văn Lý Văn Sâm và Dương Tử Giang… Những vở kịch này chỉ phục vụ bạn đọc của các báo chứ không được dựng diễn. Dương Tử Giang cũng sáng tác tuồng trào phúng mang tên Chuồng báo trên Việt báo, đả kích những chủ bút và nhà văn chạy theo lợi nhuận, bán rẻ lương tâm. Một số kịch cổ động cho tiếng Việt cũng được đăng trên Việt bút (1949), Việt Nam giáo khoa tập san (1950), Nhân sinh (1950) và nhiều tuần báo khác. Tháng 12/1946, báo Dân quyền mở một cuộc thi kịch ngắn để cổ động cho phong trào chống nạn mù chữ và phong trào vận động đời sống mới.

Giai đoạn 1945 – 1954 cũng chứng kiến sự ra đời của khá nhiều vở kịch thơ ở Nam Bộ. Theo ghi nhận của chúng tôi, các vở kịch thơ sau đã được công bố trên báo chí, in thành sách, công diễn hoặc trình bày trên đài phát thanh: Tâm sự Lương Khê và Nỗi lòng Hưng Đạo của Bùi Kiêm Bích (1945); Hận nghìn thu (1944 – 1945), Dòng thác lũ (1947), Lữ Gia (1947), Hồ Quý Ly (1948), Tiếng trẻ khóc (1949 – 1951), Quán bên sông (1952) và Lão ăn mày (1954) của Nguyệt Cầm; Trần Bình Trọng (1948) của Hồ Thị; Tây Thi gái nước Việt (1949) của Hoàng Mai; Giặc cờ đen (1949) của Ninh Huy; Tráng sĩ Việt Nam (1949) của Ngao Châu; Đại phá quân Thanh (1949) của Phương Tùng; Phất cờ nương tử (1949) của Thọ Vân; Hận cầu Lam (1949) của Tô Yến Các; Tây Đô (1949) của Quốc Dân; Ai tìm lí tưởng (1952) của Hồ Đình Phương; Lá thu rơi (1952) của nhóm Xây Dựng và nhóm Khánh Sơn; Ông Ba Kẹ (1953) của Lê Xuân Nhuận…

Số lượng tác phẩm được liệt kê trên đây khá nhiều song thực tế chỉ tập trung ở một vài tác giả. Hơn nữa, Nam Bộ cũng không có tác giả chuyên viết kịch thơ, nổi tiếng nhờ kịch thơ mà chỉ có những tác giả thỉnh thoảng sáng tác một vài vở. Nguyệt Cầm Lê Xuân Nhuận có số lượng tác phẩm phong phú so với những cây bút khác nhưng tác phẩm của ông không gây được tiếng vang lớn. Như vậy, Nam Bộ chưa hình thành lực lượng kịch tác gia chuyên kịch thơ ở giai đoạn 1945 – 1954.

Khác với khu vực phía Bắc, nơi một số kịch thơ được viết ra để đọc chứ không phải diễn, kịch thơ Nam Bộ đa phần hướng đến sân khấu, có vở được chuyển thể cải lương và gây được tiếng vang nhờ sân khấu cải lương, như trường hợp kịch thơ Tây Thi gái nước Việt. Một số khác được diễn trên đài phát thanh, chứ không phải trên sân khấu kịch, như các vở của Nguyệt Cầm. Điều đó cho thấy việc tìm đất diễn cho kịch thơ ở Nam Bộ khá chật vật và với tình hình đó, kịch thơ cũng không đến được với công chúng một cách trọn vẹn.

Theo Nguyễn Thị Phương Thúy/VNQĐ