Khen thưởng phải thực chất

1517

21.01.2018-07:20

Cuối năm là dịp các cơ quan, doanh nghiệp vào mùa tổng kết. Tổng kết hiệu quả công việc trong năm và tổ chức khen thưởng cho các cá nhân, tập thể.

 

Mục đích của khen thưởng là để ghi nhận sự đóng góp của từng cá nhân, tập thể nhằm khuyến khích sự nỗ lực, hợp tác, thúc đẩy nâng cao hiệu quả công việc; biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, các nhân tố mới để cơ quan, doanh nghiệp học tập. Đó là mặt tích cực của hoạt động thi đua khen thưởng. Thế nhưng, thực tế cũng không khó để nhận ra mặt trái khi người ta làm không đúng, không có thực chất và nặng căn bệnh hình thức, chạy theo thành tích để “lấy điểm”, để đưa vào báo cáo chung, báo cáo thi đua khen thưởng, để nhận các hình thức khen thưởng từ thấp đến cao, trong khi chất lượng và hiệu quả công việc lại không tương xứng. Kèm theo đó là những buổi lễ tổng kết, mừng công, lễ kỷ niệm, phát thưởng… hết sức rình rang, tốn kém công sức, tiền của, thời gian và những khoản chi lớn khác. Chỉ riêng tiền hoa tươi ở những buổi lễ lớn đã mất đi hàng chục triệu đồng, trong khi chỉ sáng đến chiều hoặc qua hôm sau là hoa đã tàn, cực kỳ lãng phí.

 

Không chỉ hoang phí, cách khen thưởng thiếu thực chất lâu dần trở thành thói quen khoa trương. Ngay cả những doanh nghiệp dính dáng đến các đại án thất thoát cả ngàn tỉ đồng đang bị điều tra, xử lý trước đó cũng được báo cáo với đầy thành tích, hằng năm tổng kết, khen thưởng tưng bừng. Nhiều địa phương kinh tế chưa phát triển, đời sống người dân còn khó khăn, ngân sách trung ương phải rót về nuôi bộ máy nhưng thành tích cứ báo cáo rất đẹp, lễ lạt tiền tỉ là chuyện thường.

 

Khen thưởng không thực chất sẽ làm cho bệnh chạy theo thành tích ngày càng nặng thêm, ngày càng xa rời thực tế, khoảng cách nói và làm càng rộng dần. Trong khen thưởng, tình trạng khá phổ biến là thường tập trung dồn cho quan chức mà ít chú ý tới đối tượng công nhân lao động trực tiếp. Có những vị chức sắc nhận đủ thứ danh hiệu tôn vinh nhưng chủ yếu là nhờ “bơm đẩy” và kẽ hở của công tác thi đua khen thưởng. Câu chuyện ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, khai man thành tích để nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân hay ông Đặng Ngọc Dũng – Bí thư Đảng ủy thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam – khai man tuổi để nhận Huy chương Kháng chiến hạng nhì làm nóng dư luận một thời – cũng là điển hình của căn bệnh hám danh. Sau đó ông Dũng làm đơn, trình bày nếu hồ sơ không hợp lệ và không công nhận thành tích thì ông trả lại huy chương. Còn ông Hồ Xuân Mãn đã bị thu hồi danh hiệu anh hùng, truy thu các khoản trợ cấp qua danh hiệu này mà ông đã nhận.

 

Hãy khen thưởng đúng đối tượng, tôn vinh những người lao động, sáng tạo, những cán bộ quản lý tài ba. Họ làm nên những giá trị tốt đẹp, đóng góp lớn lao cho tập thể, địa phương, đất nước. Khen thưởng, tôn vinh đúng người, đúng việc sẽ tạo nên những động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự đi lên của cả tập thể, sự phấn đấu của cá nhân. Đó là giá trị vững bền, sâu sắc cần tạo dựng, giữ gìn.

 

DUY PHƯƠNG/NLĐ

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…