Khóc, cười trong thơ Nguyễn Ngọc Thu

430

Xuân Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Người ta thường nói nước mắt mặn, nước mắt đắng, nhà thơ Thanh Tùng đã nới về thiếu nhi “các em mềm như nước mắt” nay Nguyễn Ngọc Thu lại phát hiện ra nước mắt không già trong bài Gặp lại: “Bao nhiêu điều nuối tiếc / Thời chinh chiến đã qua / Chỉ những giot nước mắt / Gặp nhau mãi không già”

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

1. Tất cả nhân loại khi sinh ra đã chào đời bằng tiếng khóc, tiếng khóc bắt đầu cho tương lai, một hành trình có bình yên, có thăng trầm dâu bể, có hạnh phúc, có khổ đau cứ thế mà xê dịch, mà lay động cuộc đời chúng ta cho đến những ngày cuối cùng trước khi vắng mặt vĩnh viễn trên mặt đất này: “Khi có dịp chụp hình/ Người ta thường thích cười/ Bởi đời một con người/ Cười không nhiều bằng khóc (trong bài Cười-khóc).

Nước mắt của con người chảy vào thiên tai địch họa, chảy vào chiến tranh, chảy vào những nỗi đau rình rập bất ngờ, cũng có thể do chính con người tự gây ra, từ khi có nhân loại nước mắt có thể tụ thành biển lớn và nụ cười thì cũng đầy ắp cả không gian, cũng có khi cười lại ra nước mắt và người ta đã ví nụ cười là cái khóc khô không lệ. Đời người được bắt đầu bằng tuổi thơ qua thành niên đến trưởng thành, yêu đương , lập gia đình rồi mải mê với hành trình cơm áo. Nhưng Nguyễn Ngọc Thu thì không phải vậy. Anh cùng với thế hệ của mình sinh ra trong hoàn cảnh đất nước ta đang có quân thù dày xéo, anh đã xếp bút nghiên , đáp lời sông núi vào cuộc trường chinh vệ quốc, bỏ lại sau lưng những ước mơ, những mộng tưởng, những người thân và môi chưa chạm phải lời yêu, chưa nghĩ đến ngày về bâng khuâng trong anh “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Anh đã tự giới thiệu mình “Ta về Thanh Miện quê hương / “Chôn nhau cắt rốn” lớn khôn thành người / Mênh mông biển lúa mây trời / “ đất lành chim đậu” ngàn đời ông cha…” (Ta về). Và đây nữa “… Bến phà xưa không còn / Cầu Mỹ lợi bắc ngang / Con lại về bên  ấy / Bao nghĩa tình nặng mang” (Quê nội).

Có lẽ trời Nam đất Bắc đã làm cho không gian thơ Nguyễn Ngọc Thu lung linh, huyền ảo, luôn hiện ra muôn cảnh, muôn màu, yên lặng mà dữ dội, từ trong sâu lắng mà bật ra những âm thanh xé lòng, mỗi lúc càng mở rộng biên độ cảm xúc làm cho ta rung lên khi lạc vào không gian thơ Nguyên Ngọc Thu. Anh là nhà thơ của lính nên tính ngăn nắp, gọn gàn, nguyên tắc, trung thành, chịu đựng, và cái thi vị của người chiến binh vệ quốc đánh giặc bảo vệ độc lập quê hương, tất cả đã làm nên chất liệu cho thơ anh bềnh vững nhưng không thiếu những ảo điệu mong manh, nhẹ nhàng, xao xuyến lòng người: “Đời người ngắn lắm ai ơi / Khôn ra thì đã… gần nơi… cõi về” (Hoài niệm) nhẹ nhàng mà triết lý nhân sinh lắm, “Ngắt hoa sau vườn nhà / Thắp nhang bàn thờ em / Những bông trang đỏ thắm / Còn đọng giọt sương đêm / Nhiều người còn muốn ngắm / Cũng đành giành thương em” (Sớm mai) mong manh mà nước mắt lắm Nguyễn Ngọc Thu ơi.


Tập thơ “Phía mặt trời” của Nguyễn Ngọc Thu

Hoàn cảnh tác giả luôn luôn lắng đọng vào trong thơ như người phương Tây đã nói “le style c est l home”, văn chương chở đạo đời. Nguyễn Ngọc Thu thuộc mẫu người nội tâm, anh yên lặng viết, yên lăng nghe và yên lặng tìm kiếm phát hiện, miệt mài như những cánh ong hút mật chữ nghĩa mà thành cái nghiệp văn chương . Mới gặp tưởng anh là người kiêu bạc nhưng khi đã kết nối thì tôi đã đếm được nỗi buồn anh, có lúc anh lại vô vi, do vây các từ “trời phật” hay xuất hiện tong thơ anh. Anh như một bông hoa súng tím mộng mơ, bên một góc trời, không làm rạo rực cỏ cây như hoa sen, nhưng sẽ xao động lòng ai đã ngang qua đấy và dừng lại khi nghe “… Dạ thưa nước mắt xuôi dòng / Con ru cháu tiếp mênh mông biển dời / Đồng lòng là kiếp con người / Lời ru muôn thuở… ru nuôi tâm hồn”. Những nụ cười trai tráng của Nguyễn Ngọc Thu, đã tạc vào Trường Sơn thành ký ức tươi xanh thời kháng chiến, anh đã dấn thân yêu đời và tự hào. Những tiếng khóc của Nguyễn Ngọc Thu đêm đêm cho đồng đội nằm lại chiến trường, cho người vợ hiền quá cố từ độ thanh xuân, cho những giả dối của lòng người…

2. Sóng lòng hay sóng thi ca cứ vỗ vô biên giục giã anh viết, viết cho quê hương, viết cho thiên nhiên và thân phận con người. Với “Biển đời” xuất hiện một Nguyễn Ngọc Thu giàu trải nghiệm, qua những dông bão, bể dâu, ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, chỉ 27 đoản khúc viết cho người vợ hiền quá cố của anh đã rung lên trong ta những tiếng kêu thất thanh từ sự dồn nén khổ đau, thương nhớ. Sau đó sự xuất hiện của “Mùa hoa dã quỳ” anh lại gần gủi với thiên nhiên, với bao hoài niệm, bi hùng một thời trận mạc. Rồi qua “Ngôn ngữ tứ tuyệt” thơ anh đã có tầm khái quát cho những triết lý nhân sinh. Đến trường ca “Đã gần 40 năm” anh đã bộc lộ sự trăn trở của người lính sau ngày về đang tồn tại giữa hiện thực xã hội của thời anh đang sống với thái độ nghiêm túc mà nhìn nhận mọi diễn biến xã hội trước mắt anh. Bây giờ đến “Phía mặt trời” thơ Nguyễn Ngọc Thu có tầm khái quát, tư liệu chiến tranh là nguồn cảm xúc phong phú, sự chân thành, nghiêm túc, những hoài niệm đã mở ra và hướng tới cho thơ Nguyễn Ngọc Thu không lẫn vào ai được.


Nhà thơ Xuân Trường

Những bước chân lãng du qua mọi miến đất đã khơi gợi cho anh nguồn cảm xúc bất tận nhìn ngoại mà hướng nội, hòa hợp dân tộc hòa hợp gia đình “… Xa bao năm hội ngộ / Buồn vui chuyện trong nhà / Tiền tài không hẳn sẳn / Tâm tình thì bao la / Chuyện Quốc Gia Quốc Tế / Đụng đến là lệch pha / Tranh luận càng thêm rối / Yên lặng và tránh xa/ … Chiến tranh dã lùi xa / Lòng người còn sóng gió!” (Hội ngộ) hoặc là “Ngày xưa anh chị vượt biên / Nay người yêu nước mặc nhiên Việt Kiều / Dân như giọt nước thủy triều / Mặc cho trái đất xoay chiều xuống lên / Cho dù thế giới đảo điên / Gà cùng một mẹ Tổ Tiên… vẫn là!” (Hoàn cảnh). Mùa trong thơ Nguyễn Ngọc Thu luôn phảng phất hương quê, anh lại gần gũi với thiên nhiên “Tháng ba những trận mưa rào / Cá rô lạch vượt hồ ao ra đồng / Thảm lúa con gái ken chồng / Khói lam chiều vịn uốn cong tre làng…” (Tháng ba). Lục bát không phải sở trường của anh nhưng “Lúa thì con gái kén chồng / Khói lam chiều vịn uốn cong tre làng…” là hình tượng, là hiện đại ngôn ngữ, làm cho lục bát mới ra, một cách nhẹ nhàng. Nguyễn Ngọc Thu luôn mở lòng ra với thiên nhiên “Đã lập tiết sang đông / Sao Thu còn níu lại / Hờn giận mà làm chi / Xuân về ta xanh lại / Thời gian kéo mùa đi / Tình ta còn ở lại”.

Trong những nội hàm của cách phê bình hiện đại hôm nay là phê bình sinh thái hướng văn chương phải vào cuộc để cứu lấy môi trường sống đã và đang bị đe dọa từng ngày. Nguyến Ngọc Thu đã đi đúng hướng ấy trong “Phía mặt trời” có không ít những bài thơ gắn chặc thiên nhiên và con người. Đêm đêm hơi thở của mùa chinh chiến cũ đã phả vào anh những gian truân vội vả của ngày xưa, mùi hương của đồng đội, của quê hương, của núi rừng.

Hình ảnh của người vợ quá cố, mà anh đã hết lòng yêu thương “đi đâu em vẫn là số một”cứ hiện về. Tất cả làm cho thơ Nguyễn Ngọc Thu càng trăn trở, những bi hùng, những mãn hội ức, những khóc cười, những vật vả áo cơm, những gắn kết, quá khứ hào hùng và hiện tại đa đoan, thì anh đã tìm ra được hướng đi cho thơ và đời anh dã vượt qua gian khổ để tìm ra lẽ sống cho chính mình. Đây quý vị hãy nghe anh vô vi: “… Thân phận loài chim yến / Lấy cái chết làm đầu / Cả cuộc đời dâng hiến / Trọn kiếp đời đau thương” (Chim yến) và đây nữa: “Hình như em hiện hình về / Bóng em lẫn giữa bốn bè hoa lau / Âm dương cách trở đã lâu / Vẫn nghe tiếng vọng hai đầu nhớ thương” (Hình như).

Người ta thường nói nước mắt mặn, nước mắt đắng, nhà thơ Thanh Tùng đã nới về thiếu nhi “các em mềm như nước mắt” nay Nguyễn Ngọc Thu lại phát hiện ra nước mắt không già trong bài Gặp lại: “Bao nhiêu điều nuối tiếc / Thời chinh chiến đã qua / Chỉ những giot nước mắt / Gặp nhau mãi không già”. Hai câu đầu là hoài niệm, hiện thực một thời, nhưng hai câu sau đậm chất thơ, nâng lên cung bậc cảm xúc, một phát hiện rất gần gủi mà ít ai nghĩ ra, đúng là cười ra nước mắt vì mừng quá đấy thôi. “Phía mặt trời” là thông điệp bình yên, mở ra và hướng tới, vượt qua những bóng tối để mà tồn tại, để mà thủy chung, để mà gắn kết, phải chăng nó là liều thuốc quý giá giúp cho đời bình sinh sau những phong ba bão táp hãi hùng.

Khép lại trang viết này vẫn chưa hết những điều tôi muốn nói cho thơ Nguyễn Ngọc Thu. Xin quý vị hãy tiếp tục cảm nhận. Chúc anh thành công trong hướng đi của mình, cũng là trong cái nghiệp, cái vô thường của thi ca.

X.T