Không còn ‘đường băng’ cho những cán bộ sai phạm ‘hạ cánh an toàn’

756
Lê Thiếu Nhơn
(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái khái niệm “hạ cánh an toàn” tồn tại từ lâu trong đời sống cán bộ nước ta. Dù dở thế nào, dù sai thế nào, hễ “hạ cánh an toàn” nghỉ hưu thì được ung dung vui thú điền viên mà không còn vương vấn gì với hậu quả mà mình đã gây ra. Từ khi chiến dịch chống tiêu cực và tham nhũng trong xã hội do Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đích thân đôn đốc, thì cái quyết tâm “lò đã nóng, củi tươi cho vào cũng cháy” đã phát huy hiệu quả tích cực. Những cái “máy bay” hư hỏng thì không còn “đường băng” nào để “hạ cánh an toàn” nữa!

Nhà nghiên cứu phê bình Lê Thiếu Nhơn

Kỳ họp thứ 39 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cả hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020. Chỉ trừ ông Lê Thanh Quang – Bí thư Tỉnh ủy đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa bị xử lý về những sai phạm nghiêm trọng với tư cách người lãnh đạo cao nhất địa phương. Hàng loạt dự án BT (xây dựng – chuyển giao) tại tỉnh Khánh Hòa phơi bày nhiều khuất tất và bất cập, gây bức xúc dư luận. Cơ quan chức năng kết luận 20 dự án sai phạm liên tục và kéo dài đã làm thất thoát 16.559 tỷ đồng. Vì vậy, trách nhiệm không chỉ gọi tên những nhân vật đương nhiệm như ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mà còn liên đới đến những quan chức đã về hưu như ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Sơn Hải- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Tỉnh Khánh Hòa sở hữu thành phố biển Nha Trang nổi tiếng, cho nên đất đai là một nguồn tài nguyên vô cùng béo bở. Sau khi di dời sân bay ra khỏi trung tâm Nha Trang, thì vị trí đắc địa này đã được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ưu ái giao cho tập đoàn Phúc Sơn xây dựng trung tâm đô thị- thương mại, thông qua hình thức BT, làm thiệt hại ngân sách 11.994 tỷ đồng. Vì vậy, nếu những vị “nguyên” như Nguyễn Chiến Thắng và Trần Sơn Hải được phủi tay thong dong thì thật không công bằng. Một minh chứng khác cho thấy quan hệ giữa lãnh đạo hai nhiệm kỳ là dự án xây dựng mới Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa. Năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng đã dùng tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa để phê duyệt di dời Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ra khu vực ngoại ô, đến năm 2016 thì ông Đào Công Thiện với tư cách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định thu hồi mảnh đất 7388 m2 của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang giao cho Công ty cổ phần Thanh Yến. Hai chữ ký đầy quyền uy của ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Đào Công Thiện đã giúp Công ty cổ phần Thanh Yến thu được món lợi khổng lồ nhờ phương pháp quy đổi theo “giá tạm tính” chứ không phải giá trị trường!

Cũng từ kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chấp hành Trung ương đã quyết định khai trừ Đảng đối với hai vị nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn. Trong đại án Mobifone thu mua 95% cổ phần AVG, hai vị quan chức này đã có những biểu hiện trục lợi cá nhân rất táo tợn. Vì biết bản thân sắp về hưu vào đầu năm 2016, nên ông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo phải hoàn thành thương vụ tráo trở Mobifone – AVG ngay trong năm 2015. Cái tâm lý “hốt cú chót” của ông Nguyễn Bắc Son được sự trợ thủ của ông Trương Minh Tuấn làm nên một kết cục rất bẽ bàng. Khi bị khởi tố và tạm giam, ông Nguyễn Bắc Son khai đã nhận hối lộ 3 triệu USD. Rõ ràng, nếu không quyết liệt truy kích, thì nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông – Nguyễn Bắc Son đã ôm đống tiền mấy chục tỷ đồng mà hưởng thụ sung sướng, còn ông Trương Minh Tuấn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông để rao giảng đạo đức và lập trường!

Cái khái niệm “hạ cánh an toàn” nghe thật mỉa mai và đáng sợ. Chính vì suy nghĩ về hưu sẽ hết chuyện, nên nhiều quan chức thoải mái “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Vào khoảnh khắc “phút 89”, nhiều lãnh đạo không ngần ngại trong việc ban phát bổng lộc cho cấp dưới, mà những chữ ký bổ nhiệm cấp tốc tạo ra không ít thị phi. Liên tục hai nhiệm kỳ Tổng Thanh tra Chính phủ đã làm con số cán bộ cấp cục, cấp vụ ở cơ quan này bỗng dưng tăng vọt. Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền – Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2006-2011 bổ nhiệm 60 cán bộ. Tương tự, trước khi nghỉ hưu, ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 cũng bổ nhiệm 35 cán bộ. Cho nên, mỗi lần nhắc đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì dư luận lại giật mình vì lạm phát chức vụ đột ngột.

Để xóa bỏ việc lợi dụng “hạ cánh an toàn” để làm bừa và làm bậy, hình thức kỷ luật cứng rắn để được áp dụng cho các vị “nguyên”. Ví dụ, cũng liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, ông Bùi Quang Vinh – nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Nghiêm trọng hơn, trường hợp ông Vũ Huy Hoàng còn bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. Trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, trước băn khoăn về mức độ xử lý vẫn còn nhẹ đối với ông Vũ Huy Hoàng, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đây mới chỉ là kỷ luật về Đảng, về mảng công tác cán bộ, chưa nói đến vấn đề vi phạm hình sự, kinh tế. Nếu điều tra thấy sai phạm thì còn phải đi tù, phải trả lại tài sản”.

Từng bước, những chiếc “máy bay” hư hỏng không còn chỗ để “hạ cánh an toàn”. Tiến hành kỷ luật các vị “nguyên” hiện nay chỉ mới áp dụng với những cán bộ do Ban Bí thư quản lý, nghĩa là từ cấp bậc thứ trưởng trở lên. Điều này cũng tạo ra không ít ái ngại.

Xác định không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực, chính là cơ sở để triệt tiêu khái niệm “hạ cánh an toàn”. Các vị “nguyên” ở cấp cao bị xử lý, thì các vị “nguyên” ở cấp thấp cũng phải bị chế tài nghiêm khắc.

L.T.N