Kí ức những ngày mưa

757

Nguyễn Thị Thanh Túy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời đã nhá nhem. Những cơn mưa vẫn tầm tã kéo dài. Mưa ầm ầm, xối xả, mưa như thể đã mấy nghìn năm tích tụ nay có dịp trút hết xuống miền Trung.

Gió càng lúc giật càng mạnh. Lúc đầu, tiếng gió vù vù từ xa, sau rít lên dần dần rồi áp sát vào tai tôi. Đến giây cuối, gió giật mạnh như muốn moi cả tim gan con người ra xem sự sợ hãi của họ đang ở độ nào. Cứ thế, hết cơn này đến cơn khác, tiếng gió hòa quyện với tiếng mưa, đập mạnh vào mái tôn nghe chan chát. Cả hai âm thanh đó quyện vào nhau tạo nên một hung thanh chứa đầy sát khí. Ruột nóng như ai cào, tôi vội vàng đi thắp mấy cây đèn dầu, rồi kính cẩn thắp mấy cây nhang khấn nguyện. Bây giờ ngoài cầu nguyện, tôi không biết phải làm gì. Thật sự, tôi rất lo. Lo cho mình, lo cho người. Tưởng tượng đến những căn nhà tạm bợ mái lá, mái tôn, tôi thương cho sự chênh vênh của bao phận người. Lạy Phật, gần đến nửa đêm, gió lặng, mưa dừng. Cả không gian yên tĩnh như chưa hề xảy ra sự gì trước đó. Thi thoảng, tiếng con ễnh ương ồm ộp từ ngoài hồ vọng lại. Tiếng giọt nước từ trên mái nhà rơi xuống thau hứng nghe lộp độp. Những âm thanh quen thuộc ấy kéo tôi về những miền xa ngái.

Văn Xá – quê tôi cách trung tâm thành phố Huế mười ba cây số về phía Bắc. Hồi ấy, dân làng tôi chủ yếu sống bằng nghề nông, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Lại thêm lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên nên cuộc sống người dân chẳng mấy ai khá giả. Gia đình chúng tôi thuộc hạng nghèo nhất nhì trong làng. Nhà ba má tôi ở Phe Ba trong một con xóm nhỏ nằm trên trục đường đến chợ, cái chợ duy nhất của làng Văn Xá. Cái xóm ấy chỉ vẻn vẹn có bảy ngôi nhà. Trong đó, có ba nhà được cất trên một đoạn đường thấp trủng dài chừng 200m. Nhà ba má tôi nằm trên con đường thấp trủng ấy. Khi những cơn gió mùa lùa qua khe cửa, khi những cơn mưa tầm tã, dai dẳng trút xuống ngày đêm, con đường ấy lại ngập lối đi về. Nước từ cái ao cạnh đường ngoi lên. Sau chừng nửa ngày mưa, nước mấp mé mặt đường. Tròn một ngày mưa, nước mon men lên mặt đất. Cứ thế, đến qua ngày mưa thứ hai, nước sẽ lõm bõm cả đoạn đường dài. Người dân muốn đến chợ phải lội qua một đoạn dài ngập nước. Mưa càng lâu, nước càng cao và ứ đọng càng dài ngày. Người dân muốn đến chợ lại phải vòng qua con đường khác xa hơn. Cũng vì thế mọi người gọi cái xóm chúng tôi là “Xóm Nước Lụt”.

Những ngày mưa to gió lớn, nước nguồn đổ về đục ngầu. Chỉ trong một hai ngày, nước lênh láng dâng cao rồi tràn vào tận con đường nhỏ dẫn vào nhà chúng tôi. Những lúc ấy không một ai dám lội qua con đường đó nữa. Con xóm nhỏ vốn thưa thớt lại càng quạnh vắng, đìu hiu. Mà nước ngâm dữ lắm. Có khi đến cả một tuần mới rút hết xuống ao. Cuộc sống của chúng tôi vì thế đã khó lại càng khốn hơn. Việc đi lại của ba gia đình trong xóm nhọc nhằn không biết kể chừng nào cho hết. Nhà nào cũng phải sắm hẳn một chiếc ghe để dùng vào những lúc mưa trên nước dưới.

Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, tôi lại nhớ đến ba tôi. Khi các bạn trong lớp vẫn đến trường bằng xe đạp thì tôi phải ngồi trên ghe mới ra được đường lớn. Ba chở tôi, chở cả chiếc xe đạp cồng kềnh. Chèo qua đoạn đường nước, ba cẩn thận bưng chiếc xe xuống, nhẹ nhàng trao cho tôi. Đến giờ tôi tan học, ba đã ở đó chờ tôi. Mãi đến tận hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in dáng ba ốm yếu, gầy gò; cái lưng dài còm cõi mà đôi tay vẫn thoăn thoắt lướt mái chèo, đèo tôi vào những ngày nước lớn. Nghĩ lại chuyện xưa, tôi lại thấy nghẹn lòng. Con đường tìm đến cái chữ của tôi gánh bao nhiêu nhọc nhằn của ba. Ba tôi vốn đã mất một lá phổi do ảnh hưởng của một viên đạn trong những năm tháng chiến tranh, lại phải dầm mưa dầm nước mỗi ngày nên ba không chịu nổi, vừa chèo chống ba vừa ho sặc sụa. Mười lăm mùa lũ đến trường là mười lăm mùa lũ tôi ngồi trên chiếc ghe nhỏ bé của ba. Thương ba, tôi ao ước có một phép màu biến con đường xóm tôi trở nên cao ráo, cho ba tôi bớt nhọc nhằn, cho cả dân “Xóm Nước Lụt” chúng tôi bớt phần vất vả.

Nhưng mãi đến hơn mười năm sau, khi ba tôi đã đi xa mãi mãi, ước mơ ngày ấy mới phần nào biến thành sự thật. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, con đường thấp trủng của dân “Xóm Nước Lụt” chúng tôi được nâng cao đôi phần và bê tông hóa. Tuy nó chưa cao bằng những tuyến đường khác nhưng vẫn tốt hơn so với thời xưa cũ, cái thời khó khăn chồng chất của “Xóm Nước Lụt” chúng tôi. Kể từ đó dân trong xóm cũng bớt đi những nhọc nhằn, con đường đến trường của lũ trẻ “Xóm Nước Lụt” sáng hồng hơn mỗi độ đông về.

***

Ngoài hồ, tiếng con ễnh ương vẫn vọng lại đều đều. Càng về khuya, tiếng ồm ộp nghe càng não nề. Gió thôi gào, mưa thôi xé. Tôi cố vỗ về giấc ngủ nhưng không thể nào chợp mắt được. Không biết ngoài quê, má và các anh chị tôi chuẩn bị chống lũ đến đâu? Cái “Xóm Nước Lụt” ngày ấy tuy đã thay da đổi thịt nhưng tiết trời xứ Huế vào mùa mưa lũ thì dầm dề não ruột cả nghìn thế kỉ không thay. Theo đài báo, mưa sẽ còn kéo dài, lũ đợt này rất lớn. Thương cho những phận người ở cái xứ miền Trung lắm mưa nhiều lũ! Cầu mong ông trời nhẹ hạt cho lũ sớm qua, cho đông sớm tàn và xuân lại về hồng thắm trong mắt ai.

Huế những ngày mưa!

N.T.T.T