Ký ức mưa – Tản văn Huỳnh Thị Nguyệt

32

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa hạ, buổi trưa trời oi bức, không khí ngột ngạt. Tôi đạp xe chầm chậm ra khỏi nhà. Lang thang trên con đường quen thuộc thời thơ ấu, ngày hai buổi cắp sách đến trường, mong tìm một cơn gió lạc loài làm dịu đi cái nóng của mùa hè.

Ảnh minh họa

Bỗng từ xa, một đám mây đen ngòm ầm ầm lao đến. Bầu trời tối sầm lại, sấm chớp vang rền, gió thổi ào ào làm bụi đường bay mù mịt. Mọi người nhanh chân tìm chỗ trú mưa, tôi dắt xe tắp vào lề đường. Mưa như trút nước, lộp bộp trên mái nhà, nhìn những hạt mưa trắng xóa, rơi xuống mặt đường tạo thành những bong bóng rồi vỡ tan. Tôi chợt nhớ câu hát, mẹ thường ru tôi ngủ trên chiếc võng nhỏ, mẹ tự bện bằng dây chuối khô, trong những buổi trưa hè “Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Theo kinh nghiệm ông bà xưa về mưa bong bóng, tôi thầm nghĩ chắc là mưa dai, lâu tạnh lắm đây.

 Lúc này bầu trời khoác màu trắng đục, nhìn đám trẻ con tắm mưa, đùa nghịch với những trái bóng xanh đỏ, môi tái nhợt nhưng vẫn hò hét, hào hứng chụp banh, quên đi chiếc quần tà lỏn đã tụt khỏi rốn.

 Bên kia đường là ngôi trường quen thuộc. Hàng phượng sân trường, cành lá xanh đã nhường chỗ cho những chùm hoa đỏ rực. Cuối sân chỉ còn lại cây bả đậu già cỗi, cái thân to đùng xù xì đầy những gai nhọn, lá lưa thưa úa vàng chen lẫn vài bông đỏ chót.

 Mấy mươi năm rồi còn gì, ngày xưa đâu có đồ chơi đa dạng, nhiều màu sắc như bây giờ. Tôi và các bạn thường lượm trái bả đậu có hình tròn dẹt, nhiều hạt liên kết nhau như bánh xe, đem về dùng cọng dây chì gắn với chiếc lon sữa bò, đẩy trên đường kêu leng keng thật vui tai. Ban đêm chúng tôi cặm đèn cầy vào bên trong, ánh sáng từ lon sữa chiếu sáng chớp chớp thành hàng trông rất đẹp.

Sân trường đầy nước, những cánh phượng ngày xưa, bọn con gái chúng tôi thường hái ép vào trang lưu bút thành những con bướm xinh xắn, chuyền tay quyển sổ khi chia tay cuối năm, đứa nào cũng rơm rớm nước mắt, viết những lời tình cảm thân thương, lưu luyến thật cảm động, nay lả tả dưới mưa, trôi theo dòng nước.

Hơn chục em học sinh nhỏ đứng trước cổng trường, ôm cặp trước ngực vì sợ ướt, chờ cha mẹ đến đón. Chiếc áo trắng cổ xây, váy xanh trông các em đáng yêu làm sao. Ngày xưa cuộc sống còn cơ cực, gia đình có quần áo thế nào cho con mặc thế ấy đến trường, đâu có đồng phục đẹp như ngày nay. Em nhỏ cuối cùng được mẹ khoác áo mưa cẩn thận, rước về nhà làm tôi nhớ đến mẹ da diết, kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về tràn ngập tâm hồn.

Năm học lớp 2, mỗi lần tan học, trời mưa tôi đều được mẹ đến đón về, đường làng trơn trợt nên mẹ không cho tôi đi bộ, sợ té làm lấm lem quần áo. Các bạn được đón ở cổng, còn mẹ vào tận cửa lớp, cô giáo là bạn của mẹ cầm tay dắt tôi ra. Tôi được mẹ cõng trên lưng, hai tay mẹ choàng ra phía sau ôm chặt lấy tôi, cô giáo khoác tấm cao su che cả hai mẹ con, mẹ buộc hai đầu cao su ở cổ, quai chiếc nón lá được giữ chặt ở cằm.

Trên đường về nhà, gió thổi mạnh, tấm cao su trùm kín nên tôi chỉ nhìn được phía dưới đường, chi chít những dấu chân. Hai chân mẹ ướt sủng, chậm chạp từng bước một, năm ngón chân bám chặt vào đất cho đỡ trơn. Áp mặt vào tấm lưng gầy gò ấm áp của mẹ, tôi nghe rõ cả tiếng run lập cập vì lạnh xen lẫn tiếng mưa rơi lộp bộp trên lưng.Tôi choàng tay ôm mẹ, nhưng cánh tay bé bỏng không đủ làm mẹ ấm hơn. Thỉnh thoảng mẹ xốc tôi lên cho dễ đi.

Về đến nhà, nhẹ nhàng thả tôi xuống đất, cởi tấm cao su ra, giũ cho bớt nước dắt vào vách, mẹ đi thay đồ để cùng gia đình quây quần, vui vẻ bên mâm cơm nóng hổi, tô canh tép nấu với rau mồng tơi và cá lòng tong khô tộ thơm lừng xua tan đi không khí lạnh ngoài trời.

Mưa tạnh hạt, mọi người ùa ra đường để tiếp tục công việc. Tôi đạp xe về nhà và miên man nghĩ đến mẹ. Nay mẹ đã đi xa, nhưng hình ảnh mẹ cõng đi học trên đường làng quê trong suốt thời thơ ấu còn đeo đẳng trong tôi cho đến tận bây giờ.

Tôi thầm cảm ơn mẹ, nhờ tháng ngày yêu thương, che chở, dạy dỗ nên tôi được thành đạt, làm cô giáo như ngày hôm nay. Tôi mong ở cõi vĩnh hằng, mẹ mĩm cười hạnh phúc vì tôi luôn nhớ đến mẹ với muôn vàn yêu thương.

H.T.N