Ký ức về mẹ

925

Nguyễn Văn Ngọc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ mỗi lần về quê, con có dịp đi đến các chợ quê mà xưa mẹ từng đến: chợ Đình, chợ Quán, chợ Sơn, chợ Cầu. Hồi nhỏ, vào ngày chủ nhật, mẹ cho con ra chợ.

Hầu như các chợ đều họp vào buổi sáng. Vẫn nhớ nơi mẹ ngồi ở các chợ. Chợ Sơn mở vào ngày lẻ âm lịch. Những tháng ngày gieo neo vất vả với miếng cơm manh áo. Chiến tranh phá hoại miền Bắc, rồi đi sơ tán cùng cha mẹ ngược lên vùng núi của huyện. Cuộc sống của gia đình trông nhờ vào đôi gánh của mẹ. Món hàng của mẹ mang ra chợ chẳng có gì ngoài mấy bó rau khoai, mớ khoai lang, rổ cà quê. Mẹ bán được đồng nào, mua bát gạo về cho đàn con 7 đứa ăn học. Mùa đông, gió hun hút thổi dọc con đường dài ra phía chợ, cánh đồng. Mẹ gồng gánh đi sớm mỗi ban mai. Mái tóc mẹ, từng sợi bạc dần theo thời gian. Gió sương, mưa nắng cuộn vào tóc mẹ. Lam lũ bốn mùa lặn vào tóc mẹ. Nắng gió Lào hắt vào khuôn mặt mẹ, ngọn gió mùa lạnh hằn lên da nhăn nheo bọc lấy khuôn mặt gầy của mẹ. Bàn chân mẹ , bấm từng bước một trên lối đi đường trơn khi mưa xuống. Áo mẹ vá đi vá lại nhiều lần, bạc thếch hai bờ vai. Mẹ lủi thủi , tất bật công việc suốt tháng, suốt năm. Vất vả nhưng mẹ có bao giờ nói điều gì trước các con. Có nhiều lúc mẹ ngồi bần thần một mình khi bóng đêm đã về khuya. Đêm mùa đông chưa kịp đắp ấm mảnh chăn chiên thì trời đã bắt đầu sáng. Mẹ lại lo toan công việc. Đàn con thơ vây bọc lấy mẹ, mẹ cười vui khi phát chút quà nhỏ cho từng đứa con mỗi lần ở chợ về. Món quà mà đứa nào cũng thích, đó là con tò he làm bằng bột gạo, bột nếp. Ngoài tấm bằng màu xanh, đỏ. Không gian nhà mẹ ngày xưa, trùm trong bóng tre xanh. Mùa hạ được nằm trên chiếc võng, khi trăng về những câu dân ca ví dặm xứ Nghệ lại da diết vào lòng chúng con từ lời ru của mẹ.


Minh họa (Ảnh: Internet)

Ngoài vài mớ rau trong vườn bán chợ, không đủ để trang trải chi tiêu. Mẹ lại nghĩ cách làm hàng xáo, nghĩa là đi chợ mua lúa về, xát ra thành gạo, đem bán lấy đồng lời để có gạo ăn, lại còn có cám để nuôi lợn. Con vẫn còn nhớ, hồi đó trong nhà có một cối xay lúa thủ công, một cối giã gạo, cần giã gạo bằng gỗ. Mẹ khoán riêng cho từng đứa, đứa xay lúa, đứa giã gạo. Đứa nào lớn hơn phải làm nhiều hơn. Hồi đó có hạt gạo thật vất vả, khó nhọc, chạy chợ mướt mồ hôi mẹ. Trên dáng gầy của mẹ, con vẫn nhớ mẹ có cái vòng bao bằng vải, mẹ cứ hay buộc quanh bụng. Con cứ tò mò mới hay biết vòng bao đó là để mẹ đựng tiền lúc đi chợ. Tiền chỉ có mấy đồng bạc lẻ, ra chợ bữa nào chỉ lo ăn cho cả nhà trong ngày. Dường như các bà mẹ ngày xưa, đi chợ đều dùng vòng bao này. Mẹ thích vui, thích giao tiếp. Làng xóm còn hay nhắc chuyện mỗi lần đi chợ về mới đến đầu làng đã nghe thấy tiếng mẹ, tính mẹ xởi lởi, luộc nồi khoai lang để giữa nhà, bảo con gọi mấy người hàng xóm tới cùng ăn. Khổ mà giàu tình nghĩa. Nghĩa ấy mẹ để lại cho chúng con bước tiếp quãng đường dài. Sáng đi chợ, chiều tranh thủ ra đồng cày cấy. Mấy đồng tiền nhỏ và bát gạo ngày giáp hạt sao mà quí giá biết nhường nào. Hạt gạo, đồng tiền bào mòn cơ thể mẹ. Mẹ dành dụm chắt chiu trong những tháng ngày bơ phờ đói khổ. Những phiên chợ và cánh đồng của mẹ nuôi lớn chúng con từng ngày. Cánh đồng mẹ luân phiên gieo trồng bốn mùa. Đếm làm sao hết được bước chân mẹ ra đồng. Khi lụt lội, khi đồng khô, vùng đất thiên nhiên thật khắc nghiệt, bão mưa liên miên, mùa gió Lào thì nắng cháy kéo dài. Dáng mẹ cứ hao gầy nơi đồng thấp đồng cao. Khi về tuổi già yếu, ai cho đồng nào mẹ lại dành dụm, tiết kiệm rồi có lúc lại cho con cháu, đứa nào vất vả hơn thì mẹ cho thêm. Tình thương của mẹ phù sa năng lượng tinh thần cho con để đi đến bến đỗ bình yên của cuộc đời. Trong những giấc mơ đọng lại trong đời con là những giấc mơ về đôi quang gánh của mẹ. Mẹ đã đi về miền xa xứ, cõi hư không đã 16 năm, nhưng đôi gánh của mẹ cứ hiện về thăm thẳm trong lòng mỗi đứa con. Mẹ gánh chúng con đi đến những không gian đa chiều trong cuộc đời. Mẹ gánh nhọc nhằn trên vai, gánh cả nỗi buồn lúc vấp ngã trên đường đời của các con. Mẹ gánh cả ước mơ. Mẹ gói chúng con trong sâu thẳm tâm hồn.

Ngày giỗ mẹ đến rồi. Thời gian này đang căng dịch côvit. Chúng con ở xa không sao về quê, về lại mái nhà của mẹ. Ngày giỗ mẹ con mường tượng hồn mẹ về nơi bậc cửa của ngôi nhà cha mẹ sinh thành các con. Mảnh đất, ngôi nhà này, vườn cây của cha mẹ bây giờ thành của chung, chúng con tôn tạo, sửa sang lại. Thỉnh thoáng chúng con lại về đây, đứa ở xa, đứa ở gần tụ họp, đi trong màu xanh của các loại cây trong vườn cây của cha mẹ để lại, vẫn nghe tiếng chim vọng đến cuối vườn. Nhà thờ cha mẹ chúng con làm mới lại. Nén nhang trên bàn thờ mới đã cháy lên rồi. Hồn mẹ hiện về . rồi mẹ lại trở lại nơi khoảng trời mẹ yên nằm, gió cứ về xào xạc, mây trắng ở trên đầu, lặng im ngàn năm tuổi. Những người con ở xa quê xin được thắp nén hương trên bàn thờ vọng. Trước di ảnh mẹ, chúng con đứng lặng im mà không sao nói được nên lời, đứng lặng mà khóc nhiều mẹ ơi!

N.V.N