Lá thư màu xanh đậm – Bút ký của Vũ Thảo Ngọc

585

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ sắp đến ngày kỷ niệm 30-4 hàng năm, tôi luôn như bị món nợ từ lá thư màu xanh đậm nhắc nhớ, một nỗi buồn mênh mang, một nỗi niềm khó có thể giãi bày. Món nợ ấy sẽ theo tôi đi hết cuộc đời này…

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Ấy là, vào quãng mùa hè năm 2005 tôi nhận một bức thư có địa chỉ tên người gửi lạ hoắc. Những dòng chữ xô nghiêng màu mực xanh đẫm trên một tờ giấy học trò xé ra để viết, như thể người viết rất khó kiếm giấy để viết thư khi thời buổi quá dư thừa về giấy viết đẹp. Tôi ngập ngừng mở ra và thư thả đọc, vừa ngập ngừng phán đoán là ai gửi cho tôi… Khi tôi đọc đến dòng cuối lá thư, lòng tôi như nghẹn lại, mông lung, tiếc nuối và thật là day dứt. Nỗi day dứt khi tôi cứ đọc đi, đọc lại những dòng cuối lá thư đó. Và nhìn như vô định vào tên và địa chỉ người gửi. Lá thư bằng tờ giấy vở học sinh nhàu nhĩ đó từng dòng chữ nghiêng nghiêng, xanh đậm. Thư viết: “Thưa chị, tôi được mời đi dự Lễ kỷ niệm giải phóng miền Nam nhân Kỷ niệm 35 năm giải phóng  tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đại biểu có được một xách quà, trong đó có cuốn sách, trong cuốn sách có câu chuyện của chị, có kèm địa chỉ nữa. Tôi như vớ được cọc, vội viết thư gởi đến và mong chị giúp đỡ. Việc thế này, tôi có người bạn kháng chiến là Quách Quang Minh sinh năm 1931 tại Cà Mau, tập kết ra Bắc 1954, được phân công làm giáo viên văn hóa trường công nhân kỹ thuật mỏ khu Hồng Quảng ở thị xã Hòn Gai. Tôi biết là trường công nhân kỹ thuật mỏ nơi Hòn Gai là quê chị đó, anh còn làm bí thư chi bộ, là một cán bộ rất có chí hướng tiến bộ của trường… Hồi chưa giải phóng miền Nam, anh đã mất ở đó, tôi cũng chỉ nghe chuyện biết vậy, không rõ anh mất vì bệnh hay mất vì sao nữa…  Sau giải phóng mấy năm, tôi và chị Tuyết có lần đã ra Hòn Gai tìm nhưng không tìm được, như thông tin chúng tôi biết anh được chôn cất ở nghĩa trang Núi Xẻ, đã nhờ cả phòng thương binh xã hội thị xã… nhưng vô vọng, không tìm được mộ anh ấy. Giờ chị Tuyết – vợ anh Minh – bao năm chờ chồng nuôi con trong vùng kìm kẹp của Mỹ Ngụy – có đứa con trai duy nhất cũng đã mất rồi. Chị ấy chỉ muốn trước khi chết tìm được hài cốt chồng về Nam, một ước nguyện nhỏ nhoi mà khó quá chị ơi, biết chị là nhà báo, chúng tôi mong chị ra tay cứu giúp, người xưa nói rồi, “Dẫu xây 9 phủ, 10 chùa, không bằng làm phước cứu người mới hay”, tôi viết cho chị từ 2h30 đến 4h sáng mới xong lá thư này, vì tôi đã 77 tuổi và tay viết run lắm, chữ khó đọc, chị cố gắng đọc và giúp ý nguyện của chúng tôi. Thân kính. Ký tên: Huỳnh Văn Cang, ngày 5/8/2005, TP.HCM”.

Tôi đã đọc đi đọc lại lá thư, bật khsoc theo những lần đọc lại đó, và hễ có cơ hội là hỏi, là tìm manh mối việc ông Cang nhờ, nhưng rồi chuyện mưu sinh, chuyện buồn vui trong cuộc đời, chuyển đổi công tác từ nơi này qua nơi khác… có quá nhiều chuyện lớn nhỏ của tôi xảy ra trong thời gian sau khi nhận được lá thư trên. Không phải tôi không nhớ đến việc ông Cang nhờ, mà chính là tôi không thể tìm được ngôi mộ như ông và bà Tuyết đã có dịp đến nghĩa trang tìm. Tôi lần theo dấu vết đó và cũng vô vọng. Nghĩa trang đã thay đổi nhiều, có người nói nghĩa trang Đèo Sen hay Núi Xẻ đã có đận còn di chuyển hàng trăm ngôi mộ lên cao hơn để nhường đất làm đường, làm cầu gì đó. Tôi đã có vài lần đi đưa tiễn người thân đến khu nghĩa trang trên lưng chừng núi ấy, và tôi thực sự choáng ngợp trước hàng ngàn ngôi mộ lớn nhỏ, cao thấp trùng điệp trong ánh chiều đang xuống như một câu hỏi không lời đáp. Vì thế, tôi không dám điện thoại, hay viết thư trả lời ông Cang. Tôi chắc ông giận tôi quá, vì có tí việc thế nhờ nhọi hẳn hoi mà biệt vô âm tín, rõ là thất vọng về một niềm tin mà ông đã gửi gắm! Thực sự, tôi không hề quên việc đó, nhưng tôi đã bất lực vì thông tin của ông viết cho tôi rất chi tiết mà tôi đã không giúp ông được…

Thời gian như bóng câu qua cửa, chiều nay ngồi lục tìm tài liệu viết bài, tôi lại chạm vào cái bì thư có những con chữ màu xanh đó. Thót tim. Chao ơi là bội bạc, những dòng chữ kia như xoáy vào ruột gan tôi. Một lần nữa tôi lại lạnh người vì cái việc tưởng như đơn giản thế mà sao mình không giúp được nhỉ. Vì chiến tranh, những người con – người anh em ruột thịt từ miền Nam xa xôi mới về đây cư ngụ, vậy mà khi chưa kịp hưởng niềm vui thống nhất họ đã ra đi mà không kịp nói lời giã biệt vợ con. Cái giá của chiến tranh thật khốc liệt. Ai ở trong hoàn cảnh này mới thấu hết cái đau, cái xót của nỗi đau mất mát, chia cắt khi có chiến tranh. Tôi luôn cầu khấn trời phật linh thiêng phù hộ cho tôi có thể tìm được phần mộ người đồng đội ông Cang ở Hòn Gai quê tôi… Để mong có thể làm yên lòng chị Tuyết – gọi theo cách gọi của ông Cang – một phụ nữ Nam bộ chỉ mong ngày thống nhất đất nước để được đón chào hạnh phúc trọn vẹn bên người chồng thân yêu xa cách non phần tư thế kỷ, vậy mà… tôi đã thất hứa với ông Cang, với chị Tuyết.

Tôi nghẹn ngào hình dung chị Tuyết đã yêu chồng biết bao, đã thương nhớ biết bao người chồng tài giỏi của mình, người cha thân yêu của con trai chị. Chị đã ở vậy nuôi cậu con trai nhỏ, mong lắm một ngày bình yên, vậy mà… ngày đó, biết bao gia đình sum họp, nhưng riêng chị lại phải khóc ngất vì biết tin anh đã mất và nằm lại mãi vùng than biển Hòn Gai xa lắc xa lơ nào đó. Mấy mươi năm chờ nhau thì được, mà ngày về thì anh lại bỏ chị đi trước. Đất nước thống nhất hơn ba mươi năm rồi mà lòng chị thì vẫn héo hắt nhớ thương, mong mỏi được cầm nắm xương khô của anh về nơi chôn nhau, cắt rốn để hương khói trọn vẹn cho anh mà càng mong càng vô vọng. Tôi chắc chị Tuyết cũng như muôn triệu người đàn bà đất Việt khác, nhớ chồng thương con mấy đỗi mà so sánh được. Tôi không biết giờ này người đàn bà đã ngoại tám mươi, thức bao đêm, thương nhớ bao ngày về người chồng thân yêu mà chị chỉ được sống trong chốc lát giờ này ra sao. Tôi chỉ biết mình đã cố gắng để làm một việc gì đó để niềm mong mỏi kia được trọn vẹn… Tôi đã đi hỏi một cán bộ lâu năm ở bên Sở lao động, một cựu cán bộ ngành mỏ thời kỳ ấy, nhưng đều nhận được cái lắn đầu. Tôi đã tìm đến mấy bạn ngang tuổi mình có mối quan hệ rộng kể cho họ nghe, mong rằng – dù rất mong manh- họ sẽ giúp mình có những thông tin hữu ích việc mình nhờ. Nhưng tôi vẫn lan man nghĩ, giữa vùng mỏ rộng lớn này, cũng thật khó, chắc gì họ tìm ra được thông tin của người mà tôi cần tìm.

Và rồi công việc cuốn đi, tôi cũng bẵng quên chuyện đó, giữa cuộc sống còn bao nhiêu chuyện bận bịu của mỗi người… nhưng thực ra trong lòng tôi không khi nào ngưng lại sự bồn chồn về câu chuyện lá thư của ông Cang, song lực bất tòng tâm… Thời gian thì cứ dày lên phủ bụi lên lá thư tôi vẫn cất giữ cẩn thận ở ngăn kéo phòng làm việc – dù tôi chuyển cơ quan đến ba lần-nhưng lá thư đó tôi vẫn để nghiêm ngắn ở ngăn kéo bàn làm việc của mình khi chuyển về cơ quan mới – để dễ bề quan sát và nhắc mình là có một việc hệ trọng trong các việc hệ trọng của đời mình là lời đề nghị trong lá thư đó… Nhưng hình như mọi việc cứ nằm im như lá thư trong góc ngăn kéo. Thời gian cứ trôi. Cuộc sống thì còn bao bề bộn công kia, việc nọ, song tôi không thể quên lá thư này, lá thư với những dòng chữ viết màu xanh, những con chữ xiêu vẹo. Một mảnh giấy xé ra từ vở học trò đã  bị nhàu nhĩ. Những dòng chữ như cứa vào trái tim đa cảm của tôi, mỗi khi mở ngăn bàn ra lấy vật gì đó thì lá thư như một đôi mắt nhìn tôi với sự van lơn, nhìn tôi như giấu đi thăm thẳm nỗi buồn và thất vọng nhưng lại như đôi mắt biết bao dung, thông cảm và thấu hiểu tôi đã cố gắng, đã nỗ lực đi tìm theo dấu vết trong thư như ông Cang đã nói mà không có kết quả. Thế rồi lần nữa tôi đi qua, tôi bước qua những cung bậc khác của thời gian, và coi như lãng quên “đôi mắt bao dung” ấy cứ nằm im trong góc ngăn bàn làm việc của tôi. Thời gian cứ trôi. Tôi mắc nợ bức thư, mắc nợ tác giả bức thư và mắc nợ dân tộc tôi vì những dòng thư ấy, những nỗi đau chiến tranh còn ở lại mãi mãi thời hậu chiến…

Việc đó cứ day trở trong tôi. Bây giờ, mỗi khi trở lại thị xã Hòn Gai xưa, thành phố  Hạ Long nay, lòng tôi luôn day dứt, nỗi day dứt vì món nợ vô hình đó đã ám ảnh tôi. Một món nợ nhân tình không có ngày trả. Cho đến giờ, gần mười năm nữa trôi qua, tôi vẫn “treo” món nợ đó, qua những dòng chữ này hy vọng, biết đâu có ai đó biết về nhân vật của tôi để có thể… cho tôi trả nợ được món nợ vô hình kia, dù muộn còn hơn không, cầu trời là như thế….

Hà Nội, 3/2014

V.N.T