Đi dân nhớ, ở dân thương

541

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cách mạng tháng Tám thành công, ở quê tôi, bộ đội từ bốn phương lũ lượt kéo về làng. Tại xã Tân Quới – Cái Vồn (nay là Bình Tân, Vĩnh Long), đại đội anh Khương (Phạm Duy Khương còn gọi là Khương Tò Le vì anh thổi kèn tây rất giỏi) đóng quân tại khu vực ấp Tân Phú xóm tôi, gần ngã ba Cái Tắc – kênh Mười Thới. Hai căn nhà xưa rộng lớn của bà Bảy Phố, bà ngoại anh Ba Paul (tức Ông Tây Việt Minh (1) ) bên kia sông đối diện nhà tôi và ngôi nhà thờ cổ bằng gỗ khá rộng do nội tôi để lại cho ba tôi chăm nom lo việc thờ tự được chọn làm nơi đóng quân.

Ba mẹ tôi và bà ngoại anh Ba Paul tỏ ra rất vinh dự được cách mạng chiếu cố, tin tưởng cho hai gia đình được góp phần vào sự nghiệp chung, bảo vệ đất nước quê hương. Tất cả thành viên lớn nhỏ, nam nữ trong hai gia đình đều hãnh diện, hồ hởi ra mặt và đón tiếp các anh bộ đội không quen biết từ các nơi mới về. Nhà ai cũng rộng lớn nhưng các anh bộ đội vẫn không vào ở chung nhà với chủ nhà. Tất cả dựng lều trại ngăn nắp trong phạm vi khu vườn cây ăn quả rậm rạp quanh nhà. Khệ nệ tạm gác nóp với giáo lỉnh kỉnh trên vai xuống đất, các anh bộ đội đa phần ở độ tuổi đôi mươi, trong bộ quân phục còn lấm lem bụi bặm, mặt mày hiền lành, ăn nói dịu dàng. Tướng đi dáng đứng các anh từ tốn, nghiêm trang trông rất dễ thương, loay hoay với công việc suốt ngày đêm bên cạnh vũ khí khá thô sơ súng mousqueton – thường gọi là súng mút hay oảnh tầm sào vì nó dài lòng ngòng, súng tiểu liên (mitraillette), trung liên gọn hơn. Ngay từ buổi đầu mới về làng, trước tiên, các anh nổi bật trong cách đối xử hết sức mềm mỏng, lễ phép với anh em bà con trong xóm và làm việc hăng say nhưng với một tinh thần cảnh giác cao độ trước kẻ thù thực dân và bọn tay sai.

Trong thời gian nhạy cảm, sau khi Ủy ban hành chính xã tại địa phương đã được thành lập với chủ tịch là chú họ tôi – ông Nguyễn Hùng tức Nguyễn Thanh Hà (2) một trí thức yêu nước, yêu văn nghệ gốc nhà giáo, từ vùng trong trở về. Ba tôi, nông dân tuy chữ nghĩa ít, mới học hết lớp sơ đẳng tiểu học nhưng được trời cho văn hay chữ tốt nên được tập thể bầu làm thơ ký Ủy ban. Văn phòng Ủy ban Hành chính đặt cạnh một miếu thờ thần thành hoàng nơi đầu ngã ba kênh Mười Thới và sông Cái Tắc. Bà con trong làng, từ quần chúng địa phương, cán bộ và bộ đội hoạt động sôi nổi, cư xử nhau thân thiện trong bầu không khí thân mật, cởi mở của một đất nước mới vừa được vừa giành lại độc lập, thoát khỏi ách nô lệ gần 100 năm từ tay thực dân Pháp. Ba tôi với trách nhiệm của một thơ ký, ngoài giờ hành chính làm việc ở ủy ban, khi ra đồng hay làm vườn, nếu có hội họp bất thường sẽ được gọi đến cơ quan bằng một hồi trống hiệu lớn vang dội bốn tiếng trong khi má tôi trông nom nhà cửa và các anh chị tôi lo việc ruộng đồng, vườn tược.

Từ hôm bộ đội lỉnh kỉnh với ba lô, súng ống rầm rập về làng, không khí xóm tôi trở nên vui nhộn ấm áp hơn ngày thường trước đây vì mọi người có cảm giác được che chở, bảo vệ hơn bao giờ hết. Dù là những người xa lạ mới đến địa phương, bộ đội luôn tìm dịp giúp đỡ bà con ở gia đình nơi các anh đóng quân. Riêng ở nhà tôi, khẩu hiệu Tam cùng được các anh bộ đội thực hiện cụ thể một cách đáng mến phục mãi cho tới hôm nay chúng tôi không bao giờ quên. Thấy ba tôi đã có tuổi chuẩn bị leo hái dừa, cau hay phác cỏ ngoài ruộng, làm cỏ trong vườn, các anh vui vẻ xin làm thay. Trông chị Ba, chị Tư tôi đầu chích khăn rằn đội nắng, hì hục kéo chiếc gàu sòng tác nước cái đìa to ngoài đồng bắt cá dưới nắng trưa chang chang như thiêu người, các anh mềm mỏng, lịch sự xin phép được làm thế cho các chị tôi. Thấy má tôi lúi húi khòm lưng súc mấy cái lu, khạp gần cạn chuẩn bị đổ đầy nước vào, anh Lê, một anh bộ đội trung niên người dân tộc Cam-pu-chia, có đôi mắt sâu hiền từ, nước da ngâm ngâm nhưng giọng nói rất dịu dàng, tự nguyện xin làm công việc nặng nhọc thay má tôi. Sau khi lấy xơ dừa chùi sạch rong bùn trong lu, anh Lê lấy hai chiếc thùng thiếc to, tự nhiên xuống sông, cách khá xa nhà tôi lấy nước lên, đổ đầy tới miệng hết mấy chiếc lu và những chiếc khạp lớn nhỏ sau nhà. Trong một lần, đang đêm đại đội mổ heo khao mừng chiến thắng lớn của quân đội cách mạng ở Cái Vồn (Bình Minh hiện nay), anh Nhân, với giọng nói người miền Trung nhỏ nhẹ dễ thương, mang sớm trước cho ba má tôi gần hai ký thịt nạc đỏ au và một đùi heo to gọi là để cả nhà ăn lấy thảo, mừng chiến công với bộ đội. Giờ giải lao, các anh chuyện trò thân thiện và vui vẻ hát các bài: Lên đàng (Lưu Hữu Phước), Giải phóng quân (Phan Huỳnh Điểu).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian lao anh dũng thành công vẻ vang đã đi qua nhưng tôi vẫn không bao giờ quên anh bộ đội về làng là hình ảnh những con người giàu phẩm chất cao đẹp – biểu tượng những người con yêu của tổ quốc. Vì đất nước và nhân dân, những chiến sĩ cách mạng, đã chín năm chân đất chiến đấu dũng cảm không ngại hy sinh gian khổ chống giặc ngoại xâm. Các anh,với lòng yêu tổ quốc quê hương đã chiến đấu gan góc dũng cảm, trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn, vũ khí thô sơ trước một kẻ thù xâm lược sức mạnh gấp bội lần hơn mình.

“Đi dân nhớ, ở dân thương”! Những anh bộ đội với tính tình phóng khoáng mà oai hùng không sợ chết: núi không đè nổi vai vươn tới/ Lá ngụy trang reo với gió đèo (Tố Hữu) và sa trường đi chẳng tiếc đời xanh (Quang Dũng) – những con người phẩm chất tốt đẹp rất đáng kính yêu. Nhân dân mãi mãi nhớ ơn và ngưỡng mộ các anh, những con người đẹp nhất của quê hương – hình ảnh các anh luôn tỏa sáng và vĩ đại như những tượng đài anh hùng bất tử trên các nẻo đường đất nước hôm nay.

Hoài Nam

(1) “Ông Tây Việt Minh”. Xem Tạp chí Văn nghệ số 18+19 ngày 3/5/2014, Tuấn báo Văn nghệ TP.HCM số… và Kiến thức Ngày nay số 868 ngày 20/9/2014

(2) Đ/c Nguyễn Hùng ( Nguyễn Thanh Hà) sau 1947 là Công an Xung phong TP. Cần Thơ. Sau 1975), và Hiệu trưởng trường Tiểu học An Nghiệp (sau 1975), Q. Ninh Kiều, Cần Thơ  –  Ông Nguyễn Hùng cũng là một nhà thơ với bút danh Hà Thanh Trúc