Làm báo học đường

707

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trước ngày thống nhất đất nước, tại các tỉnh thành miền Nam, không thiếu những tạp chí có lập trường tiến bộ rõ nét như Nhân loại, Tin văn, Đối diện… ấn hành phổ biến hợp pháp ở Sài Gòn. Còn lại là các tạp san khai sinh từ các trường Đại học và Trung học. Tại các trung học tư thục, bán công ở tận cùng các thị trấn xa xôi hẻo lánh, xa mặt trời, các đặc san Xuân được coi là những bệ phóng khá an toàn cho những bài viết có nội dung yêu nước, chống thực dân đế quốc trong vùng bị tạm chiếm.

Vào những năm đầu của thập niên 1960, âm vang mạnh mẽ của tiếng súng Đồng Khởi tại Bến Tre – Nam bộ vừa làm thế lực thù địch và đế quốc kinh hoàng, vừa hun đúc tinh thần đấu tranh của đồng bào ta trên mọi lĩnh vực. Ở mặt trận văn hóa giáo dục, tại các trường học, nếu được sự nhất trí của hiệu trưởng có tinh thần tiến bộ, một số thầy cô giáo thích làm báo, có cơ hội, nhân dịp Tết Nguyên Đán ấn hành những tờ đặc san gọi là giai phẩm Xuân, để làm diễn đàn chung cho giáo viên, học trò và nhân viên nhà trường.

Ngày ra trường, thầy giáo Nguyễn Tấn Thành đồng ý đổi nhiệm sở cho một anh bạn quê ở tận miền Trung xa xôi, về dạy tại trường trung học Long Mỹ. Anh bạn của ông Thành ngại về Trà Ban Lớn – Long Mỹ – vì nghe nói đây gần như là vùng xôi đậu rất nguy hiểm. Đi xa thị trấn vài trăm mét, thậm chí ngay giữa lòng thị trấn cũng là có thể gặp Việt Cộng. Ngày ấy, Long Mỹ là một quận lỵ của tỉnh Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang), hiệu trưởng Nguyễn Văn Trương là một giáo sư tốt, đàn giỏi và yêu văn nghệ. Thầy hiệu trưởng nhận thấy trong ban giáo sư nhà trường có người biết làm văn nghệ báo chí nên gợi ý trước với thầy cô, mỗi năm ra một tờ đặc san vào dịp Tết Nguyên Đán để nói lên nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của mình.

Ông Nguyễn Thanh (1) , giáo viên Việt văn, Mỹ thuật và Võ thuật của trường có kinh nghiệm viết báo, làm báo được anh em đề cử làm chủ biên, vận động việc ra đặc san. Vừa dạy Việt văn, Mỹ thuật và Võ thuật, vừa làm trưởng ban Văn nghệ nhà trường, thầy giáo Nguyễn Tấn Thành vẫn hăng hái tiến hành công tác báo chí vì ông coi đây là một sứ mệnh tư tưởng không kém phần quan trọng của nhà giáo trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước ta lúc bấy giờ. Ông chủ biên vừa lo viết bài, tự vẽ bìa và tranh ảnh minh họa, vừa chạy ngược chạy xuôi kêu gọi viết bài vở từ giáo viên và học sinh. Thầy trò trong ban báo chí trường trung học hì hục đổ mồ hôi nhưng vẫn vui vẻ hăm hở ngày đêm làm báo trong tiếng bom và đại bác thỉnh thoảng đì đùng vọng lại từ miệt Vĩnh Viễn, Xà Phiên hoặc từ vùng U Minh Thượng.

Thế là liên tục trong ba mùa xuân năm 1961, 1962 và 1963, các đặc san Xuân Niềm tin 1, 2 và 3 ra mắt độc giả, đồng bào Long Mỹ gây nên một sự kiện hiếm thấy tại một quận lẻ cách xa thành phố Cần Thơ hơn 50 cây số. Gác lại một bên hình thức quá thô sơ vì thiếu thốn điều kiện in ấn, giấy thô vàng bệt để in báo xin lại từ các Mạnh Thường Quân yêu văn nghệ báo chí như chủ nhà máy xay lúa Chí Tâm (ông Sáu Mót), chủ nhà máy xay lúa Việt Nam, nhà máy nước đá Vĩnh Tường… Bài vở số ra mắt phải viết tay trên giấy stencil bằng cây sắt nhọn rồi kéo mực bằng xơ dừa khô như cách in tranh mộc bản, chứ không có máy quay ronéo.

Do vậy, chữ viết trên các trang báo trong số ra mắt nguệch ngoạc, lờ mờ đọc không mấy thoải mái đừng nói chi tới in ti – po. Về sau, bắt đầu từ số 2, 3, ban biên tập mới nghĩ ra cách mượn bàn máy chữ của văn phòng ngoài giờ làm việc, tranh thủ đánh bài vở lên tờ giấy stencil sau đó trét mực và dùng xơ vỏ dừa khô kéo trên mặt ván phẳng. Nhờ vậy, tờ báo có khởi sắc hơn chút ít. Bù lại hạn chế về hình thức, những đặc san Xuân Niềm tin 1, 2 và 3 của trường trung học Long Mỹ đã đăng tải nhiều bài viết có giá trị tư tưởng khá cao: thông qua những tranh vẽ đơn sơ và bài viết chân tình hồn hậu đủ thể loại, đặc san đã chuyển tải thông tin và bài học quý báu về tính giáo dục và lòng yêu gia đình, quê hương và tổ quốc.

Ông chủ biên cùng các em Hồ Văn Ngộ (sau 1975 là Phó GĐ Sở Giáo dục TP.Cần Thơ), Trần Văn Nhẫn (nhà báo báo Thanh Niên), Trần Văn Mỹ (nay là Công chứng viên), La Ngọc Chí… vốn có lập trường tiến bộ kiên cảm tình với kháng chiến, ngoài những bài viết có tính thủ tục về ngày Tết truyền thống để làm bình phong, đã mạnh dạn cho đăng nhiều bài viết mang nội dung lành mạnh, thể hiện tinh thần yêu nước. Mượn những bài thơ tình quen thuộc của thi sĩ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên … để làm nền, ban biên tập lồng vào đặc san các bài thơ chứa đựng tư tưởng yêu nước, chống thực dân, đế quốc của Hồ Chí Minh như Cảm tưởng đọc ‘Thiên gia thi’, Cảnh khuya, Tặng Bùi Công…, của Tố Hữu như Dậy mà đi, Chiều, Con chim của tôi, Thư Đề Thám gởi cha, Cá nước, Tình khoai sắn…, của Nguyễn Bính như Trận Cây bàng Nhưng gắn vào dưới các bài thơ đó tại vị trí tác giả là các bút danh ẩn dạng như T.H, N.B, X.D, H.C, C.L.V… để tránh rắc rối cho ban biên tập và ban lãnh đạo nhà trường.

Ngày ra mắt, đặc san Niềm tin được người đọc nồng nhiệt tiếp đón, tạo được sự phấn khởi, lòng tin tưởng và hy vọng cho ban biên tập. Nhưng khi bắt đầu Niềm tin số thứ 2, do trình bày sáng sủa dễ đọc, tờ báo xuân được người đọc khen ngợi đồng thời cũng bị chiếu cố bởi chính quyền cộng hòa sở tại. Nguyên nhân là do sự thóc mách của một giáo viên tiểu học tên L. Khang vốn có thành kiến với cá nhân ông chủ biên… lẫn đường lối chủ trương của tờ đặc san trung học nên ông chủ biên được mời lên làm việc tại văn phòng quận. Ông chủ biên tờ báo Niềm tin phải trả lời cho quận trưởng những câu hỏi liên quan đến việc đương sự một đi chơi với học trò vào vùng sâu nguy hiểm có Việt Cộng.

Cuối năm học 1962-1963, khi đặc san phát hành được 3 số, ban biên tập đặc san bỗng gặp sự cố bất ngờ. Ông chủ biên tờ báo Xuân Niềm Tin hằng năm của trường trung học được tin có lệnh gọi trình diện nhập ngũ. Dù trước đây, lúc còn học trung học, đã ba lần nhịn đói, chịu ép xác cho thiếu cân để được xếp vào loại “Bất lực vĩnh viễn” để suốt đời khỏi phải đi quân dịch. Bây giờ, thầy giáo Thành đang dạy học, vẫn không được buông tha vì có bằng Tú Tài bị bắt buộc phải đi học khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Trước tình cảnh ngặt nghèo, ông chủ biên tờ báo đành không kèn không trống, âm thầm trốn hiệu trưởng, ôm khăn gói sách vở, bỏ trường lớp và học trò thân yêu, trốn biệt tăm về Cần Thơ.

Lánh mặt về Tây Đô, trong hoàn cảnh trốn lính, ông Nguyễn Tấn Thành lầm lũi sống mặc cảm, may được những bạn học cũ tốt hết lòng giúp đỡ: anh Nguyễn Hoàng Nam, giám học tư thục Tân Văn cho một chân dạy giờ, anh Nguyễn Xuân Vũ – nay là nhà thơ – giáo sư hiệu trưởng trường Ngọc Phú – một tư thục lớn và có uy tín tại Cần Thơ, và anh Nguyễn Hưng, giáo sư Toán nổi tiếng (nay là Giám đốc trung học tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm) tiếp tục cưu mang ông Tấn Thành, cho dạy học tại trung tâm Luyện thi của các anh. Một thời gian sau, ông chủ biên đặc san Niềm tin xin dạy thêm được tại các trung học tư thục Thủ Khoa Huân, Ngọc Phú, Bồ Đề, Tân Văn…

Chính trong thời gian lăn lộn dạy học tại các tư thục mà ông Nguyễn Tấn Thành có dịp gặp lại thầy Nguyễn Bá Thảo (2), giáo sư tiếng Pháp uy tín tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, anh Nguyễn Đức Minh (3), giáo sư Âm nhạc trường trung học Phan Thanh Giản và Cái Răng, cả ba cùng san sẻ cảnh ngộ của những bạn đồng nghiệp lận đận cùng chung một một chí hướng. Sau ba năm túi bụi vừa đi dạy tư, vừa học thêm đại học, ông Thành bỗng cảm thấy máu làm báo sục sôi trở lại trong người mình.

Được nhắc nhở lại về đường lối văn nghệ dân tộc và nhờ sự quan tâm thường xuyên của anh Bá Thảo và Đức Minh, cả hai đều là cơ sở cách mạng. Ong chủ biên ngày nào của đặc san Niềm tin ở Long Mỹ, bây giờ cho ấn hành tạp chí Văn nghệ miền Tây (4), một diễn đàn sinh hoạt văn học nghệ thuật có chủ trương lành mạnh, tiến bộ và lập trường dân tộc yêu nước, chống thực dân đế quốc. Tạp san đã tập trung được một số cây bút uy tín, tiến bộ trong hàng ngũ nhà văn và sinh viên học sinh tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng một hoàn cảnh khó khăn như tờ Niềm tin trước đây tại Long Mỹ, Văn nghệ miền Tây 1 còn phải in ronéo. Nhưng bài vở số đầu vẫn phong phú, cô đọng và tư tưởng lành mạnh. Bài “Hồn nước trong thi ca Việt Nam” của Nguyễn Tấn Thành và nhiều bài tiểu luận, thơ có giá trị tư tưởng của Nguyễn Bá Thế, Ngũ Lang, Nguyễn Xuân Vũ, Lê Trúc Khanh, Huyền Vân Thanh…

Văn nghệ miền Tây 2 có chủ đề: giáo sư – nhà thơ Nguyễn Tri Hựu với 4 bài Đường thi “Tứ đỗ tường” tuyệt bút và các bài khác của Nhất Tâm, Nguyễn Thanh, Nguyễn Văn Xứng… Đặc biệt, Văn nghệ miền Tây 3 tình cờ ra ngay mùa Xuân Mậu Thân lịch sử với bài tiểu luận chủ lực hừng hực tính chiến đấu: “Tinh thần bất khuất của nòi Việt qua tục ngữ, ca dao” của nhà văn Nguyễn Bá Thế, truyện ngắn của Kiều Diễm Phượng, thơ của Ngũ Lang, Nhất Tâm, Văn Quê, Lê Hà Uyên, Lý Thị Kim Xương… với những câu thơ có lửa mang tính phản chiến cao: “Bom đạn vẫn cày sâu mả mẹ / Thịt xương còn lấp ngất sông đào / Tức quân tàn bạo bày mưu cáo / Hận lũ xâm lăng giỡ chước Tào” (Xuân nguyện – Ngũ Lang); “Đồng quê mả loạn, hồn oan khóc / Thành thị binh đồn, chúng nghẹn cười” (Xuân bên thềm chiến – Nhất Tâm); và còn nữa những vần thơ ngập tràn cảm xúc của một nữ thi tài yểu mệnh khi quá đau đớn nhìn lại quê hương mình quằn quại tang thương dưới đạn bom đế quốc: “Mẹ em đã nằm im không thở/ Đạn cài đầu, bom nổ trong tim/ Và con em, thằng bé chết trên tay bà ngoại …/ Tôi muốn bắc loa sang trời Nửu-Ước / Nói cho em biết / Và chụp hình cho em coi…/ Người dân Nửu-Ước có biết không… ?” (Xin em nhìn về quê hương – Lý Thị Kim Xương).

Năm 1970, ông Thành có dịp gặp Nhà thơ Kiên Giang và nhà văn Sơn Nam tại Sài Gòn, hai anh đã ân cần nhắc nhở lại cho ban biên tập về đường lối văn nghệ dân tộc khi làm báo. Cũng trong năm này, nhà văn Vũ Hạnh – Nguyễn Đức Dũng – và tôi đã trao đổi về văn nghệ tiến bộ tại quán cà phê Giọt buồn – đường Mạc Tử Sanh nay là đường 30/4, TP. Cần Thơ. Do hoàn cảnh xã hội và kinh tế và người chủ biên phải dạy học quá xa thành phố, tạp san Văn nghệ miền Tây ra được tới số 5 thì đình bản!

Năm 1972, ông Nguyễn Tấn Thành từ Cờ Đỏ đổi về dạy tại trường trung học Đệ nhị cấp Cái Răng (nay là trường PTTH Nguyễn Việt Hồng) có cơ hội làm tờ đặc san Nắng Mới 1, 2, 3 trong ba năm liên tiếp 1972, 1973, 1974 với chủ đề đặc biệt mỗi năn về một nhà thơ yêu nước: Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa và Lê Vĩnh Hòa. Đó là nhờ may mắn thầy giáo Nguyễn Tấn Thành gặp được ông hiệu trưởng có tư tưởng tốt, cũng yêu văn nghệ báo chí là giáo sư Phan Tấn Muôn. Trong khoảng thời gian phái đoàn ta tiến hành hội nghị Paris về hòa bình Việt Nam và nhân dân ta anh dũng chiến đấu 12 ngày đêm trong “trận Điện Biên Phủ trên không” tại thủ đô Hà Nội, được sự trợ lực tích cực của thầy dạy Việt văn Đỗ Ngọc Phúc và một nhóm học trò nhiệt tình như các em Nguyễn Văn Ấu, Kiên Huỳnh, Nguyễn Văn Dũng… thầy giáo Thành đã thực hiện hoàn chỉnh nội dung các đặc san theo đúng chủ trương, lập trường tiến bộ, lành mạnh của ban biên tập, đại diện cho toàn trường. Mỗi đặc san được phổ biến rộng rãi và gây được tiếng vang tốt ở người đọc rộng khắp Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong số Xuân Nắng Mới năm 1972 của trường Trung học Đệ Nhị cấp Cái Răng, Thành phố Cần Thơ trọng tâm là bài viết : Phan Văn Trị, nhà thơ yêu nước miền Nam của thầy chủ biên, với phần giới thiệu mở đầu bằng bốn câu thơ nổi tiếng của võ trang thi sĩ Hoài Sơn (5), quê quán tại Cái Răng:“Bốn mươi chiến sĩ tiến về Cái Răng / Quần tua áo khíu nóp chầm / Đầu không nón đội, chân không đủ giày/ Không súng ngắn, thiếu súng dài / Phi tiêu bốn chục, dao dài bốn mươi” (Tiến về Cái Răng). Bài tiểu luận làm nổi bật chân dung nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị trong dòng văn học kháng Pháp giàu tính chiến đấu vào nửa sau thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 ở Nam bộ. Bài viết cô đọng trong lời kết luận sự lên án tội ác tày trời của thực dân Pháp với nhân dân Việt Nam. Đó cũng là tiếng chuông cảnh báo cho thế lực đế quốc ở nước ta lúc bấy giờ.

Trong năm này, anh Mặc Tuyền – đại diện nhà văn Vũ Hạnh có dịp xuống Cần Thơ đã gởi ông Thành phổ biến với học sinh và bạn bè các tác phẩm: Ngôi trường đi xuống, Người Việt cao quý và Đọc lại truyện Kiều của cùng tác giả “Bút máu”. Ông Thành đã cất kỹ và bán sách hết rồi gởi đủ tiền bán sách lại cho nhà văn Vũ Hạnh qua đường bưu điện. Đặc san Xuân Nắng Mới năm 1973 nổi bật bài tiểu luận về tầm vóc cao đẹp của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, một nhà giáo yêu nước lý tưởng cùng thời với Phan Văn Trị – nhà thơ vốn đã nổi tiếng trong cuộc bút chiến với  Tôn Thọ Tường. Cũng trong số báo xuân này, trong một “Bức thơ gởi bạn” của thầy dạy tiếng Anh – Lê Ngọc Ánh (đã mất) của trường trung học Cái Răng, tác giả đã khắc đậm lại cái đẹp ở tâm hồn cao thượng của một nhà giáo yêu nước, đáng trân trọng ở tinh thần bất hợp tác với thực dân.

Ông thầy giáo trong truyện như đã noi gương cụ đồ Chiểu từng từ chối lời mời hợp tác với Pháp của viên tỉnh trưởng Bến Tre Michel Ponchon trước đây. Anh Lê Ngọc Ánh dẫn lại bối cảnh vùng bị tạm chiếm trong truyện ngắn “Nước cạn” của nhà văn liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa qua một bức thư gửi bạn: “Mày còn nhớ không… Ông thầy không nhận dạy cho trường Tây cất ngoài vàm, hưởng lương của Tây mà đã tự nguyện sống với đồng bào trong ngọn để được tự do dạy họ bài ca yêu nước. Rồi Tây vào bố, đốt trường, thầy trò phải chịu trốn trong bụi ô rô. Tây rút về, đồng bào lại cùng ông thấy đốn tre, đủng đỉnh cất lại ngôi trường và những bài học thuộc lòng yêu nước lại vang vang khắp xóm. Rồi học tró của ông lớn lên, đứa có vợ có chồng, đứa theo kháng chiến. Mỗi lần hay tin một học trò hy sinh, ông lại trầm ngâm, nhớ lại từng kỷ niệm vui buồn, từng nét mặt, tính tình của nó.

Có một năm, mùa màng thất bát, lúa gạo không đủ ăn, sự có mặt của ông là một gánh nặng cho cả xóm. Học trò ông có đứa lại mở trường dạy học ở đầu xóm. Nước đã cạn, cá phải ra đi. Ông khăn gói xuống xuồng qua làng bên dạy mà người hàng xóm còn kêu lại “gởi thầy chục khô sặc rằn để qua bên đó nhậu chơi”. Ông thầy giáo của năm 1945-1950 là như thế. Ông chưa có điều kiện để thật sự làm công việc chống Tây đuổi giặc, giành độc lập cho quê cha đất tổ, nhưng ông đã đóng góp lớn lao vào cuộc vận động chung của dân tộc bằng cách giúp thức tỉnh đồng bào”.

Đặc san Xuân Nắng Mới năm 1974 với chủ đề trọng tâm Bùi Hữu Nghĩa, con rồng vàng của đất Đồng Nai: “Đồng Nai có cặp rồng vàng / Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan tuẩn thần”! Bài tiểu luận mở đầu tạp san nhấn mạnh vị trí trang trọng của tác giả Kim Thạch Kỳ duyên, nhà thơ tài năng, bản lĩnh đã chống đối những tiêu cực bất công trong xã hội phong kiến kèm theo sau là thơ, truyện mang nội dung tư tưởng tiến bộ, có tác dụng tích cực đến thế hệ trẻ đương thời. Trong những năm dồn dập sự kiện chính trị từ 1967 đến ngày giải phóng, ban ngày, ông chủ biên vừa làm báo xuân tại trường, vừa tham gia biểu tình chống đế quốc ngoài phố. Ông đã bị ăn lựu đạn cay, uống nước vòi rồng, ban đêm lại tiếp tục tham dự những đêm không ngủ, đốt lửa căm thù, hát nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng, Trương Quốc Khánh… trong khuôn viên Đại học Cần Thơ đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30/4) cùng các sinh viên yêu nước như: Nguyễn Hoàng Trãi, Nguyễn Trước Lâm, Trương Chí Ường, Vương Cao Biền, Nguyễn Đức Dũng… Chủ nhật, ngày lễ, thầy giáo chủ biên đặc san còn hướng dẫn các em học sinh nhà trường đi viếng mộ nhà thơ Phan Văn Trị tại Phong Điền, mộ cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại Bình Thủy.

Đồng thời, ông Nguyễn Tấn Thành cũng thuyết trình tại phần mộ cuộc đời đấu tranh và sự nghiệp văn chương đáng trân trọng của ba danh nhân văn hoá lịch sử đó. Cũng trong  những năm này, cố bác sĩ Lê Văn Khoa, một trí thức yêu nước Cần Thơ được nhiều người kính trọng có gợi ý cùng ông Thành hợp tác chỉnh trang lại mộ phần đã quá xơ xác tiêu điều của hai nhà thơ yêu nước nổi tiếng đất Tây Đô nhưng tình hình đất nước chưa cho họ điều kiện thuận lợi để thực hiện.

Nhìn lại trong hơn một thập niên, từ năm 1961 tại Long Mỹ đến bình minh ngày thống nhất đất nước tại Cần Thơ, những tạp san hay giai phẩm Xuân trường học do thầy giáo Nguyễn Tấn Thành chủ biên đã ghi lại một dấu ấn tích cực đặc biệt trong sinh hoạt báo chí tiến bộ tại Tây Đô nói rộng ra là cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù còn là một công dân còn ở ngoài Đảng, ông chủ biên trước sau vẫn nhất quán cùng những nhà giáo có tư tưởng tốt, những người bạn tiến bộ, cùng hướng dẫn học trò làm công tác báo chí theo đường lối văn nghệ dân tộc, trên lập trường kháng chiến chống thực dân, đế quốc.

Cái đáng ghi nhớ trong những tờ báo văn nghệ hay giai phẩm xuân của trường học như: Văn nghệ miền Tây, các đặc san xuân trường học: Niềm tin và Nắng Mới luôn là những trang văn hừng hực ngọn lửa đấu tranh chống mọi thế lực ngoại xâm thù địch trong hoàn cảnh đất nước còn nô lệ. Tinh thần đó là chất thép chiến đấu cần thiết trong văn nghệ: Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi), như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy những người làm văn học nghệ thuật từ trước đến nay.

N.T

(1) Nguyễn Tấn Thành (Nguyễn Thanh , Phương Đình…): GV Văn học, Ngoại ngữ và Mỹ thuật các trường trung học: Long Mỹ, Cờ Đỏ, Cái Răng, Phan Thanh Giản, C3.TP Cần Thơ, PTTH Châu Văn Liêm. Hiện nay là Giảng viên hướng dẫn Biên dịch Ngoại ngữ Đại học Cần Thơ. Sau 1975 là Tổng Thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, đã chủ biên các đặc san: Niềm tin (Long Mỹ), Nắng Mới (Cái Răng), Văn Khoa 1968 (Đại học Cần Thơ, về sau bàn giao lại cho Lưu Quốc Bình để bận tập trung vào tạp chí Văn nghệ miền Tây (Cần Thơ), Văn nghệ TP. Cần Thơ (1975-1980)…Nay là CTV của các tạp chí: Văn nghệ, Tạp chí thơ, Hồn Việt, Tuần báo Văn nghệ TP.HCM, Văn nghệ trẻ, Kiến thức ngày nay, Sài Gòn giải phóng…
(2) Nguyễn Bá Thảo, GS Pháp văn, nguyên Phó Chủ tịch MTDTGP Khu Tây Nam bộ.
(3) Nguyễn Đức Minh, GS Âm nhạc, nhạc sĩ. Sau 1975 là Đồn trưởng CA phường An Nghiệp – TP. Cần Thơ.
(4) Tạp chí Văn nghệ miền Tây số 3 được giáo sư Nguyễn Bá Thảo mang vào khu giải phóng (5/1968) (5) Xem Tuần báo Văn Nghệ TP HCM số 371 ra ngày 17.09.2015.