Vụ lùm xùm của NSƯT Hoài Linh với hơn 13 tỷ đồng từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung một lần nữa cho thấy việc kêu gọi đóng góp của nghệ sĩ cần hết sức minh bạch. Sự hỗ trợ phải đúng nơi, đúng người và đúng thời điểm.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no
Nghệ sĩ Hoài Linh vừa lên tiếng trần tình về số tiền hơn 13 tỷ đồng anh quyên góp được vào tháng 11/2020 cho đồng bào miền Trung bị bão lụt và nhiều câu hỏi đã được đặt ra.
Theo đó, việc hỗ trợ chỉ mới diễn ra tại H.Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) trong đó có xã Quế Long, còn một số địa phương khác tại Quảng Bình, Hà Tĩnh đều bị hoãn với lý do dịch COVID-19. Lý do giải trình cho sự chậm trễ này không mấy thuyết phục, bởi tại thời điểm đó, nhiều nghệ sĩ khác vẫn thực hiện việc giúp đỡ người dân vùng bão lũ. Thậm chí nghệ sĩ Trấn Thành vận động được hơn 8 tỷ đồng, nhưng vì bận việc riêng nên anh đã trao cho ba đầu mối làm thay, có thông báo cụ thể đến khán giả thông qua trang cá nhân.
NSƯT Hoài Linh trần tình về số tiền quyên góp từ thiện
Nếu đây là tiền của riêng nghệ sĩ Hoài Linh, anh hoàn toàn có quyền thực hiện theo kế hoạch cá nhân. Nhưng toàn bộ số tiền là sự chung tay của cộng đồng, được chuyển đến nghệ sĩ Hoài Linh trong một thời gian rất ngắn, với mong muốn hỗ trợ người dân đang ngặt nghèo trong bão lũ, chứ không phải chờ đợi một dịp khác hay trao cho những đối tượng khác. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Người mất sinh kế, mất tài sản, bệnh tật trong thiên tai có còn chờ đợi được suốt nửa năm qua? Liệu đây có phải là sự vô cảm khi không nghĩ đến hoàn cảnh của người cần được trợ giúp? Những câu hỏi này đều chưa được nghệ sĩ Hoài Linh giải đáp thỏa đáng.
Tiền vẫn còn đó, nhưng sự chậm trễ này của NSƯT Hoài Linh ít nhiều làm mất niềm tin của những nhà hảo tâm, công chúng yêu mến anh.
Minh bạch thông tin: Điều quan trọng hàng đầu
Tháng 10/2016, MC Phan Anh cũng dính lùm xùm với số tiền 24 tỷ đồng quyên góp được thông qua tài khoản cá nhân để ủng hộ đồng bào miền Trung. Dư luận hoài nghi nam MC chi tiêu không minh bạch, sử dụng không đúng mục đích. Chẳng hạn, anh dùng 2 tỷ đồng để đóng góp cho quỹ Hiểu về trái tim, trong khi người dân ủng hộ để giải quyết khó khăn cho đồng bào miền Trung. Ngay cả Thủy Tiên cũng từng phải chịu lời ra tiếng vào trong đợt kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung vào cuối năm ngoái.
Dễ thấy, việc không hoặc thiếu công khai, minh bạch, hoặc chậm trễ là nguyên nhân dẫn đến những tai tiếng. Như trường hợp MC Phan Anh, thời điểm 2016, các con số không được công khai rõ ràng, khiến sự nghi ngờ của dư luận càng tăng. Đến tháng 10/2017, anh tổ chức họp báo tại TP.HCM để công bố số tiền đã được dùng như thế nào, có kê khai cụ thể, nhưng niềm tin từ công chúng vẫn ít nhiều mất đi.
Sau một số phản ứng từ dư luận, ca sĩ Thủy Tiên đã nhanh chóng làm việc với địa phương, công bố công khai trong mỗi chuyến đi giúp người dân an tâm, còn cô cũng thoát khỏi phiền toái. Riêng MC Đại Nghĩa, mỗi chuyến từ thiện do anh tổ chức chi bao nhiêu, tặng quà gì, hình thức trao tặng, số lượng… đều được anh cập nhật công khai trên trang cá nhân mỗi ngày.
Giúp đỡ nghệ sĩ khó khăn, một trong những công việc thiện nguyện gắn với NSND Kim Cương (trái) suốt mấy chục năm qua.
Làm thiện nguyện gần 50 năm, có hai điều NSND Kim Cương đặc biệt coi trọng là uy tín và sự minh bạch. Các khoản tiền do cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ, bà đều đề nghị chuyển cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM. Với những chương trình riêng lẻ, sử dụng bao nhiêu tiền, vào mục đích gì đều có chứng từ. Có những hoạt động bà sẽ mời nhà hảo tâm đến tận nơi vừa để chia vui, vừa để họ an tâm. Nữ nghệ sĩ nói: “Làm từ thiện, càng minh bạch, rõ ràng, thì người cho càng an tâm, và người nhận cũng nhẹ nhàng”.
Rất cần sự chuyên nghiệp
Theo nghị định 64/2008/NĐ-CP, ngoài những tổ chức được quy định như (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trung ương và địa phương, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương…) thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Nhưng nghị định này cũng bộc lộ sự bất cập khi thực tế nhiều cá nhân đã đứng ra kịp thời kêu gọi cứu trợ và điều hành nguồn thu rất hiệu quả. Vì thế, hoạt động cứu trợ của các cá nhân vẫn đều đặn diễn ra và luôn nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng.
Tuy nhiên, việc đóng góp của nhà hảo tâm và các cá nhân cũng không có một thỏa thuận nào cụ thể. Sau một vài vụ lùm xùm, câu chuyện của NSƯT Hoài Linh một lần nữa cho thấy, đã đến lúc việc kêu gọi từ thiện của nghệ sĩ nói riêng, cá nhân nói chung cần được chuyên nghiệp hóa và có sự điều chỉnh bằng luật.
Diễn viên – MC Đại Nghĩa có rất nhiều chương trình từ thiện nhưng luôn minh bạch thông tin và đúng thời điểm
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính soạn thảo nghị định mới, hiện đang ban hành dự thảo lấy ý kiến, dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng Sáu. Theo đó, cá nhân kêu gọi cứu trợ, từ thiện phải thông báo với chính quyền nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức; đi từ thiện phải thông báo, phối hợp với địa phương; có trách nhiệm công khai những khoản đóng góp; cam kết với Mạnh Thường Quân về thời gian chuyển tiền hỗ trợ…
Luật sư Trương Anh Tú (đoàn luật sư Hà Nội) nhấn mạnh cần quy định rõ trình tự thực hiện, từ khâu tiếp nhận cho đến phân phối. Chẳng hạn, việc đóng góp chỉ được qua tài khoản ngân hàng, lập quỹ có sự giám sát của ngân hàng nhà nước Việt Nam hoặc bên thứ ba có chức năng quản lý, giám sát; công khai chi tiêu, có chứng từ… Nhà nước cũng cần thực hiện kiểm toán, đặc biệt trong những trường hợp nghi ngờ có sai phạm.
Theo Trung Sơn/PNO