Người sống với văn chương cùng thời

663

“Thi pháp truyện ngắn hiện đại” là công trình nghiên cứu chuyên biệt thể loại mới nhất của tác giả Bùi Việt Thắng.

Cuốn sách được chia làm hai phần: Phần thứ nhất “Truyện ngắn Việt Nam hiện đại – Cảnh quan và tác giả”.

Trong phần này có hai tiểu luận về truyện ngắn Việt Nam 1945-1975 và truyện ngắn Việt Nam sau 1975. Hiện thực hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn là phần viết về 10 nhà văn thành danh với truyện ngắn: Kim Lân, Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam.

Phần thứ hai Những sắc cầu vồng truyện ngắn, mở đầu bằng tiểu luận “Một lứa bên trời” (Về diện mạo và khuynh hướng phong cách truyện ngắn thế hệ 5X và 6X). Tiếp theo tiểu luận công phu kể trên là phần bình luận truyện ngắn của 10 cây bút nổi bật trên văn đàn đương đại: Nguyễn Quang Thiều, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng, Võ Thị Xuân Hà, Như Bình, Vũ Minh Nguyệt, Dạ Ngân, Nguyễn Văn Thọ, Văn Chinh, Nguyễn Trường.


Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng.

Có thể nhận thấy rằng giai đoạn 1945- 1954 truyện ngắn vẫn là dòng chảy liên tục, nhưng nhà nghiên cứu đánh giá: “Truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954, cũng giống như thơ ca, có cái nền rộng, có tính chất phong trào, “ít tính chuyên nghiệp” so với giai đoạn 1930 – 1945″ (tr.11). Nó có đặc điểm là “vặn mình” đổi thay; vỡ ra về khuôn khổ; không gian nghệ thuật được mở rộng.

Thời kì 1954 -1975, được nhà nghiên cứu ví von: “Như một vườn hoa nhiều hương sắc được vun xới bởi những “người làm vườn” âm thầm và tài hoa như Vũ Bằng, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hạnh, Võ Hồng,  Sơn Nam,…” (tr. 20). Không phân biệt các kiểu truyện ngắn, nhà nghiên cứu hướng sự quan tâm tới việc phân tích ba loại phong cách truyện ngắn thời kì này – Phong cách truyện kí, phong cách trữ tình và phong cách truyền thống.

Giai đoạn sau năm 1975, tác giả chú ý đặc biệt đến dấu mốc 1986: “Văn chương Việt Nam từ sau 1986 được gọi là văn chương Đổi mới. Đặc điểm cơ bản của văn chương Đổi mới là tinh thần dân chủ, phát huy cảm hứng tôn trọng sự thật, đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn và khai thác triệt để công năng của các thể loại” (tr. 26). Truyện ngắn được xem xét trên các đặc điểm đó, cũng như phong cách truyện ngắn thời kì này được phân chia và định danh khác với thời kì trước. Đó là: “Dòng phong cách trữ tình, dòng phong cách hiện thực, dòng phong cách kì ảo” (tr. 31). Mỗi dòng phong cách gắn với những tên tuổi nổi bật.

Phong cách trữ tình mà khởi thủy là Thạch Lam gồm các tác giả: Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Bản, Hồng Nhu, Lý Biên Cương, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Thùy Linh, Trần Thùy Mai, Đỗ Bích Thúy,… Phong cách hiện thực gồm các tác giả: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Phạm Hoa, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư,…Phong cách kì ảo có vẻ khiêm tốn hơn, gồm các tác giả: Võ Thị Hảo, Lưu Sơn Minh, Trung Trung Đỉnh, Sương Nguyệt Minh. Các tác giả được kể thêm là Phạm Trung Khâu, Tô Hải Vân.

Có thể thấy việc phân chia này chỉ mang ý nghĩa tương đối. Ngay chính tác giả khi phân tích đã xếp Trung Trung Đỉnh, Sương Nguyệt Minh vào cả hai dòng phong cách và Nguyễn Huy Thiệp cũng được xếp vào hai dòng phong cách vì: “Đây là một nhà văn tài năng, phức tạp, đa phong cách, bút pháp vô cùng biến ảo” (tr. 33). Tác giả cũng điểm qua về kĩ thuật truyện ngắn với cấu tứ, cách kết thúc, tình huống, chi tiết, ngôn từ gồm lời văn, giọng điệu và nhịp điệu. Những điều này sẽ được vận dụng khi đánh giá tác giả truyện ngắn cụ thể.

Phần công phu và lý thú nhất là 10 tiểu luận về mười “cây” truyện ngắn nổi bật của văn học Việt Nam hiện đại, cách viết của tác giả rất linh hoạt. Một số tác giả được chia ra các tiểu mục nhỏ có nhan đề như Anh Đức, Nguyễn Kiên, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam. Ba tác giả khác thì viết liền mạch. Nhà nghiên cứu cố gắng chỉ ra những nét riêng  nổi bật của mỗi tác giả được đề cập. Ví dụ với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người viết chỉ ra và phân tích kĩ sự độc đáo của Nguyễn Quang Sáng thể hiện trong “bố cục, tình huống, chi tiết và chất Nam Bộ”. Riêng với Nguyễn Huy Thiệp, người viết lại tập trung khắc họa “cấu tứ truyện ngắn” thể hiện ở “con người cô đơn, con người ảo tưởng, con người phạm tội bị trừng phạt, con người của đất đai”.


Bìa cuốn tiểu thuyết – phê bình “Thi pháp truyện ngắn hiện đại”.

Rất nhiều điều lí thú bạn đọc có thể tìm thấy trong các tiểu luận về 10 tác giả truyện ngắn nổi tiếng này, phần nhiều có tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn trong nhà trường. Vì thế các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên có thể tìm thấy ở đây những gợi ý và nhận xét bổ ích. Cũng có thể thấy những tranh luận thẳng thắn, ví dụ với Vương Trí Nhàn về tác giả Nguyễn Thành Long (tr. 119). Có thể tìm thấy những so sánh chính xác và thuyết phục về hai nhà văn kể chuyện xưng Tôi (Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, tr. 201-202).

Nhà nghiên cứu có một cái nhìn khách quan, tỉnh táo về tác giả Nguyễn Huy Thiệp khi viết: “Nguyễn Huy Thiệp “công nhiều”, nhưng “tội không ít”. Trước hết là biểu hiện của chủ nghĩa tự nhiên trong sáng tác – nhà văn thường say mê miêu tả những chi tiết tục tĩu, kinh dị, nhiều khi gây phản cảm (Tướng về hưu, Không có vua, Cún,…). Trong khi “lập ngôn”, nhà văn đứng chông chênh trên bờ vực nhưng tưởng mình tìm ra chân lí khi cho nghệ thuật hiện đại là suy đồi, cho rằng “du hý” là thiên chức của văn chương và nhà văn là người “lầm lẫn” (tr. 203).

Phần thứ hai của cuốn sách dung lượng chỉ chiếm 1/3 nhưng nội dung rất phong phú, khi nhà nghiên cứu quan tâm đến thế hệ tác giả truyện ngắn nối dài đến tận ngày nay. Một tiểu luận ngắn cho thấy bức tranh toàn cảnh của thế hệ tác giả truyện ngắn 5X và 6X. Bùi Việt Thắng cho rằng những tác giả được đề cập trong phần này là người có công “kê cao” thể loại truyện ngắn.

Nếu so sánh khuynh hướng phong cách với các tác giả đã định hình và thành danh ở giai đoạn trước thì thấy rõ sự khác biệt. Các tác giả này được phân chia thành 3 khuynh hướng phong cách: “Hiện thực tâm lí”, “Trữ tình” và “Triết lí-suy tưởng”. Rõ ràng đây là sự tiếp nối 3 dòng phong cách (tr. 31) nhưng có sự phát triển. “Hiện thực” bây giờ kèm với “tâm lí, Kì ảo” bây giờ được thay bằng “Triết lí -suy tưởng”. Riêng “Trữ tình” vẫn tiếp tục phát triển như một dòng phong cách riêng. Những tác giả này đang hứa hẹn  trước một chân trời rộng mở.

Mười cây bút truyện ngắn (ở phần thứ hai) được viết khá công phu và kĩ lưỡng. Ở đây, hình như giọng điệu tác giả có phần phóng túng, biến hóa hơn. Bùi Việt Thắng kể nhiều về những kỉ niệm của mình với các tác giả. Thêm một điều lí thú là, cái “tôi” của người viết phê bình bộc lộ rất rõ nét. Phải chăng, nhà nghiên cứu sau nhiều công trình về truyện ngắn đã có thể rất tự tin?

Chẳng hạn, khi viết về Dạ Ngân, trong khoảng 5 trang in, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đã 16 lần xưng “tôi”; cũng cái “tôi” ấy thể hiện rõ nét khi nhà nghiên cứu thân ái phê Văn Chinh hay “trộ” (hù, dọa) người đọc (tr. 325). Mặc dù “thích thú đặc biệt” với Nguyễn Văn Thọ, nhưng nhà ngiên cứu vẫn chỉ ra nhược điểm của tác giả này là hay “”bao cấp” người đọc” ( tr. 329).

Bạn đọc cũng sẽ thấy được “kĩ thuật” viết của tác giả Bùi Việt Thắng biến ảo. Khi thì khai thác khoảnh khắc, tình huống (moment, situation), khi thì chú ý đến cấu tứ, khi khác lại bàn về phong cách, khi khác nữa thì nhấn mạnh giọng điệu, khi khác lại so sánh hai kiểu viết gần nhau, hoặc đối lập nhau để làm rõ tác giả được bàn đến.

Điều ngạc nhiên là nhà nghiên cứu đọc “thiên kinh vạn quyển” nhưng không đọc ào ào, mà ông có nhã thú đọc chậm, đọc rất chậm. Không ít lần tác giả dẫn ra những câu văn hay và đẹp  của những tác giả  truyện ngắn được bàn tới (Phạm Duy Nghĩa, Võ Thị Xuân Hà, Như Bình), minh chứng cho điều này. Đúng như ông và các nhà phê bình đồng thuận đánh giá: Một truyện ngắn hay không chỉ là nhờ ở cốt truyện, cấu tứ, chi tiết, tư tưởng, mà còn hay cả ở lời văn nữa!

Có thể nói, với các tác phẩm “Bình luận truyện ngắn” (phê bình – tiểu luận, 1999), “Truyện ngắn – Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại” (chuyên khảo, 2000), “Truyện ngắn Việt Nam hiện đại” (giáo trình sau đại học, đồng tác giả với Đinh Trí Dũng, 2018), nay là “Thi pháp truyện ngắn hiện đại”, cùng với các chuyên luận về tiểu thuyết, không nghi ngờ gì nữa khi khẳng định Bùi Việt Thắng là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn xuôi Việt Nam hiện đại; người gắng gỏi sống với văn chương cùng thời.

Theo PGS.TS Vũ Nho/Văn nghệ Công An