Vãn cảnh chùa quê – Tạp bút của Võ Văn Trường

965

Nhân kỉ niệm lễ Phật Đản 2021

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có lẽ thói quen vãn cảnh các ngôi chùa bây giờ của tôi bắt nguồn từ những ngày học ở Huế. Huế quả đúng là xứ sở của chùa chiền và người dân theo đạo phật. Cảnh chùa ở Huế thật đẹp. Khi nghĩ về chùa Huế ám tượng trong tôi là những cây bông đại nở hoa trắng trong tinh khiết, những chùm phong lan nguyên sơ lúc nào nhìn cũng như bắt gặp ở đâu đó trong một bức ảnh treo tường hay bày bán ở quày hàng lưu niệm. Trong chùa hương trầm toả thơm ngào ngạt, uy nghi những bức tượng phật nhìn ta như thấu tận tâm can. Đặc biệt, tôi thích nghe tiêng chuông chùa trong khuya vắng. Những lúc như thế lòng mình cảm thấy được thư thái hơn, trút bỏ ưu tư phiền muộn trong cuộc sống, trong trắc trở tình duyên, trong men say chếnh choáng, trong một khi ta không là ta nữa…

Tác giả Võ Văn Trường 

Những ngôi chùa ở thành phố Tam Kỳ, ở các làng quê Quảng Nam không cổ kính, như những ngôi chùa ở Huế, nhưng cảnh chùa ở đâu cũng cho tôi những giây phút tĩnh tâm, tự tại. Những dịp lễ Phật Đản, Vu Lan, Ngày Rằm tôi thường ghé đến các chùa vãn cảnh. Trong tiếng chuông chùa tôi nghe phảng phất đâu đây lời bài hát “Từ Đàm quê hương tôi” của Nguyễn Thông một thời vui buồn tôi đã nghe “Ai đi qua miền Trung sớm hôm chuông chùa nhẹ rung/ Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm/ Nơi Bắc – Nam nối giữ đạo vàng… Từ Đàm ơi”. Một cảm xúc khó tả dâng lên trong tôi. Người ta bảo “Đất vua chùa làng”. Đúng vậy, ngôi chùa, mái đình, cây đa, bến nước… là biểu tượng làng quê Việt Nam, ghi khắc sâu vào tâm khảm mỗi người ngay từ thơ bé, qua những câu chuyện kể, những bài học vở lòng, những khúc ru nôi.

Còn nhớ hồi học thơ Đường tôi rất thích bài thơ “Phong kiều dạ bạc” nổi tiếng của Trương Kế. Bài thơ hay không chỉ bởi một tiếng chuông mà cả bài thơ như dồn vào trong một tiếng chuông (Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền). Toàn bài thơ lưu lại hậu thế chỉ 28 từ nhưng đã kiến tạc nên một không gian hư ảo nhiều chiều, khiến người đọc như thấy được phong cảnh trời nước mênh mang từ thành Cô Tô ra tới chùa Hàn San. Hình ảnh con đò, dòng sông với ánh lửa chài và văng vẳng tiếng quạ kêu sương vừa nên thơ, vừa thân thuộc. Giữa cảnh cô tịch khuya khoắt của đêm trăng mờ, tiếng chuông chùa ngân lên vừa thái bình lại vừa xáo động để rồi tất cả gieo vào lòng người chút gì đó huyền thoại, chút gì đó lắng đọng, tất cả đều thanh tao và thơ mộng.

Hơn cả những điều kể trên, sư thầy Thích Khế Chơn, trụ trì chùa Thiên Minh Tự (Huế) có lần giải thích “tích, tuồng” câu chuyện Trương Kế với bài “Phong kiều dạ bạc”. Ban đầu tức cảnh tác giả bài thơ nói trên mới chỉ làm được 2 câu… và hồn thơ của ông lụi tàn trong nỗi buồn “đối sầu miên”. Thế rồi hốt nhiên ngoài thành Cô Tô tiếng chuông chùa Hàn San vọng lại. Ông lắng nghe tiếng chuông và chợt tỉnh. Tiếng chuông khuya vang lên như rửa sạch lớp bụi trần gian tục luỵ. Cảm giác giải thoát đến từ tiếng chuông. Tiếng chuông đến từ vô ngã. Hiện hữu là một sự thức tỉnh, là khách của cửa thiền. Nói về đạo phật, một vị hoà thượng ở Huế cho biết hai biểu trưng không thể thiếu là liên hoa và chuông. Liên hoa (hoa sen) biểu trưng cho diệu pháp của đạo phật, còn chuông dùng để thức tỉnh và gọi. Bởi tiếng chuông ngân lên để rồi lại tắt, có thể nghe được mà không thể bắt được. Sự vô thường của thế giới hiện hữu là một tư tưởng lớn của phật giáo. Chẳng phải thế có người từng nói “Ai nghe tiếng chuông Từ Đàm sẽ thấy mây bay 300 năm về trước, trăng tròn Phật Đản 300 về sau…”.

Chùa quê ở Quảng Nam không đông đúc số lượng phật tử như Huế, kiến trúc ngôi chùa cũng đơn giản (không đủ thứ tự như tôi biết về một ngôi chùa gồm: tam quan, sân chùa, bái đường, chính điện, hành lang, hậu đường hay được thiết kế theo các chữ như đinh, công, tam…) nhiều ngôi chùa xây nhỏ nhắn như ngôi nhà ba gian, trụ cổng đi vào thường đắp nổi những bông sen rất dễ nhận biết. Mới đây có dịp đến thăm một ngôi chùa diện “bề thế” ở xứ Tam Ngọc, Tam Kỳ đó là chùa Kỳ Hương. Qua trò chuyện, thầy trụ trì Phước Minh cho biết, phật tử đến tế lễ thường xuyên không nhiều, chỉ đông Ngày Rằm, Phật Đản, Vu Lan. Nói như vậy để thấy rằng Quảng Nam không có nếp sinh hoạt lễ chùa như ở Huế nhưng chùa chiền vẫn là nơi gửi gắm tâm linh, niềm tin của nhiều người. Ai đó cho rằng trong bộn bề cuộc sống mưu sinh, tâm lý tìm về chốn bình an như là nhu cầu không thể thiếu, đặc biệt những lúc tinh thần lung lạc, con người muốn chỗ bấu víu, nương tựa. Ngẫm lời Phật dạy về khổ, mọi người sẽ nhận ra mình đáng thương, đáng được cảm thông chia sẻ. Đời có hai điều khổ và diệt khổ (tất cả sinh linh đều có chung số phận khổ đau và mong muốn giải thoát khổ đau). Khi tình thương và lòng từ bi nở hoa thì hận thù và chiến tranh sẽ bị đẩy lùi. Bánh xe luân hồi sẽ mãi quay, có nhân có quả.

Nói đến đây tôi chợt nhớ những ngày bão Chan-chu qua đi, về xã biển Bình Minh, huyện Thăng Bình tôi chứng kiến cảnh người dân đi lễ tại một ngôi chùa ở làng biển này đây rất đông. Những tiếng chuông rung, những làn khói trầm bay phảng phất… và tiếng kinh cầu đều đều vọng ra giữa làng quê biển như có sức bù đắp lớn lao những thinh lặng bi ai não nề khi hơn 100 gia đình có người thân vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Trong tĩnh tâm, tự tại người ta nhận ra bản ngã của chính mình. Đó cũng là sức mạnh của triết lý nhân sinh trong cuộc sống là không buông xuôi  “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ) và cuộc đời như một dòng trôi duyên phận, cho nhận, tỉnh thức và cả những điều diệu kỳ lúc nào đó con người chợt ngộ ra phần “tăng thân”. Hai trong 14 điều răn của Phật rất đời, rất chân lý. “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm. Món quà lớn nhất của đời người cũng là tình cảm”. Nghĩ đến đây tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài thơ tôi viết để tự an ủi mình khi nghĩ về đấng sinh thành (có quá nhiều việc tôi đã không làm được)

“…Nợ nần ta với người xa/ Nợ nần ta với mẹ cha sinh thành/ Bến quê mây liếp phủ tầng/ Phủi tay cho trót thêm lần vô tâm/ Cửa thiền, giũ áo mùa xuân/ Đời đông phiên chợ, bán mua nụ cười/ Bao dung cho nhận lòng vòng/ Mà thành vi diệu một đời tiếng chuông”.

V.V.T