Lận đận đường văn – Truyện ngắn của Minh Văn

685

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một xuân không mùa chập chùng, lận đận vì hệ lụy trong nghiệp đời gắn bó với nghệ thuật văn chương của Văn. Thời tiết mấy hôm nay bắt đầu trở rét. Trong căn nhà gỗ nhỏ vách lá đơn sơ, đàn con sớm mồ côi mẹ hằng ngày bữa cháo bữa cơm. Ngồi một mình thở dài ngao ngán, Văn bất giác nhớ đến câu thơ của một thi sĩ nổi tiếng: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/Lập thân tối hạ thị văn chương.

 

Nhà văn Minh Văn

 Sừng sững ba dãy lầu cổ kính kiến trúc đặc biệt theo phong cách Pháp, trường trung học Lương Khê trang nghiêm tọa lạc ngay giữa khu văn hóa La-Tin của đất Tây đô. Vách tường cam nhạt lỗ chỗ vết thời gian, mái ngói mốc mưa nắng rêu phong, vá víu đó đây âm thầm cho biết ngôi trường được xây dựng từ nhiều thập kỷ. Sân trường rộng mênh mông, trước những lớp học san sát cạnh nhau, mấy hàng còng già thân cành tong teo, đổ từng vũng bóng xám xịt trên mặt đất lún phún cỏ may, cỏ chỉ.

Buổi sáng chớm đông, da trời trong xanh không vướng gợn mây. Cơn gió nhẹ lao xao thoảng đưa vào từ sông Hậu gây cảm giác dễ chịu cho mọi người.

Phòng hiệu trưởng khang trang, đường bệ ngự ngay dãy giữa trường đối diện trước sân cờ, hai bên là phòng giáo viên và phòng giám thị, biệt lập hẵn với lớp học của nhà trường. Hai con sư tử đá xanh gra-nit nghiêm trang nằm chầu bên mấy chậu nguyệt quế xanh um trước cửa phòng càng làm tăng vẻ thâm nghiêm của biệt phòng hiệu trưởng.

Trịnh trọng gỡ cặp kính cận thị dày năm độ ra khỏi đôi mắt một mí tèm hem mệt mỏi như người mới ngủ dậy, hiệu trưởng Trần Cồ nhìn Văn:

– Hôm nay, tôi mời anh Văn đến bàn việc ra tờ báo Xuân dịp Tết này kỷ niệm trường ta tròn một trăm năm tuổi. Tôi biết anh có kinh nghiệm làm báo, viết lách từ lâu nên dự định giao cho anh biên tập đặc san. Anh sẽ phụ trách mọi công việc từ biên tập đến xin tiền quảng cáo, in ấn và  phát hành.

Ngồi yên lặng, lắng nghe, Văn nhìn hiệu trưởng:

– Dạ… thưa hiệu trưởng. Tôi xin cám ơn anh đã chiếu cố và tin cậy giao tôi làm tờ đặc san. Nhưng tôi thiết nghĩ, nhà trường cũng còn giáo viên khác có khả năng thực hiện tốt công tác này hơn tôi.

Đổi lại tư thế ngồi cho thoải mái tấm thân bồ tượng, hiệu trưởng thong thả móc một điếu thuốc Sa-lem từ trong gói mới khui, bật lửa với chiếc quẹt Zippo bóng loáng. Trần thủ trưởng ưỡn người ra sau, đốt thuốc, hít một hơi dài. Khói thuốc phả một làn khói màu xám đục ngoằn ngoèo như rắn lượn bay lên nóc phòng.

Văn tiếp tục chăm chú lắng nghe cấp lãnh đạo:

– Theo tôi biết, anh đã từng thực hiện tốt nhiều tờ báo xuân ở các trường anh dạy trước đây. Tôi có dịp xem qua các giai phẩm xuân: Niềm tin  ở trung học Long Mỹ; Nắng mới – Cái Răng và tờ Văn nghệ xứ Đoài do anh phụ trách trong các năm trước đây. Những tờ báo xuân anh chủ biên tôi thấy có hình thức trình bày đẹp thanh nhã, mỹ thuật, nội dung phong phú, và lành mạnh. Lê Uyên, giám học trường phát biểu thêm, khích lệ Văn.

Đợi cấp lãnh đạo dứt lời, Văn chậm rãi:

– Xin cám ơn hiệu trưởng và Giám họ đã có lời khen. Thực ra tôi đã cố gắng trong sự hỗ trợ và động viên anh em. Nhưng hoàn cảnh tôi hiện nay rất đơn chiếc, xin hiệu trưởng cho tôi suy nghĩ lại đôi ngày. Nếu sắp xếp ổn thỏa việc gia đình, tôi sẽ nhận công tác.

*

Vợ hiền là cô giáo mất chưa đầy năm năm bởi chứng bệnh ung thư nghiệt ngã, Văn sống đơn chiếc đạm bạc trong cảnh gà trống nuôi đàn con dại. Hồi vợ Văn bất hạnh sớm qua đời khi chưa tới tuổi ba mươi, trong khi con cả chưa lên sáu, đứa con gái nhỏ nhất chỉ hơn tháng tuổi, Văn phải nhờ gởi người chị ở quê ra nuôi hộ. Đứa chị kế nó mới hơn ba tuổi, anh phải gởi cho dì nó ở tỉnh bên trông nom. Dư, em trai Văn chưa lập gia đình còn ở chung nhà vừa đi làm vừa chăm sóc đàn cháu thơ dại con người anh mình. Thương anh, Dư thông cảm với hoàn cảnh người anh trót dính chân vào mảnh đất nghệ thuật văn chương đầy hệ lụy từ lúc còn nhỏ đã bắt đầu say mê bút cọ cho tới khi Văn đi làm nghề gõ đầu trẻ:

– Anh cứ nhận công tác văn nghệ báo chí do trường phân công. Các con anh, công việc nhà, em sẽ lo liệu. Chỉ ngại lớp dạy học thêm của anh, không biết phải giao cho ai phụ trách tiếp trong thời gian anh bận rộn thực hiện tờ đặc san xuân của nhà trường.

– Anh cũng đang nghĩ tới vấn đề đó. Chắc anh phải nhờ một người bạn giáo viên thân tín đang cộng tác với anh dạy hộ các lớp tại trung tâm của anh.

Văn cảm thấy thương vô cùng em trai trải lòng chia xẻ những trăn trở với mình. Vừa qua Khi mới được chuyển về từ một trường huyện, do đề nghị của giám học, anh đã khắc một tấm bia bằng xi măng tại sân trường để ghi nhớ công ơn anh hùng liệt sĩ của quê hương và những giáo viên nhà trường đã khuất bóng.

– Công tác này anh Văn có khả năng thực hiện, tôi hoàn toàn tin tưởng ở bàn tay tài hoa của anh để làm dấu ấn ngày anh trở về ngôi trường anh học ngày xưa.

Lời lẽ khéo léo tế nhị của giám học Lê Uyên tỏ ra hiểu Văn lúc đó khiến anh vẫn không thể từ chối. Bên cạnh cấp lãnh đạo như hiệu trưởng và giám học còn có những đồng nghiệp, bạn bè Văn có thái độ sẵn sàng hỗ trợ anh: Trần Lâu, Chu Tý và Bùi Mạnh.

– Đây không chỉ là công tác mà còn là bổn phận, anh là giáo viên mới về trường lại còn là cựu học sinh giỏi của trường

Bùi Mạnh nhìn thẳng vào mắt Văn, ra vẻ thân mật đôn đốc anh với cương vị một bằng hữu tình thâm!

Văn cảm thấy bồi hồi, xúc động nhớ lại ngôi trường đầy ắp kỷ niệm buồn vui, nơi anh từng mài đũng quần suốt bảy năm từ thời học đệ nhất, đệ nhị cấp mà anh từng là lá cờ đầu trong học tập và đạo đức. Tháng nào cũng được nêu tên mình trên bảng danh dự treo cao tại một nơi trang trọng trong nhà trường. Văn hăm hở lao vào công tác. Nhiệt tình, anh đội nắng trưa cháy mặt, hì hục dùng những ngón tay gầy guộc móc sâu từng con chữ con chữ đẹp tạo nên dòng thơ ý nghĩa của giám học Lê Uyên: Hồn thiêng sông núi/ Xương máu tiền nhân…!

Với tinh thần trách nhiệm, Văn đã hoàn thành tốt tấm bia kỷ niệm ở sân trường trung học Lương Khê. Đôi bàn tay, ngón tay Văn xơ đỏ cả tuần vì tác dụng hóa chất của xi măng sống suốt mấy ngày cật lực làm bia kỷ niệm ở sân trường khiến anh gặp không ít khó khăn cầm phấn bút khi đứng lớp.

*

Thuộc tuýp dân làng có máu văn nghệ mới chân ướt chân ráo trở về trường cũ, Văn được cấp trên phân công dạy lớp Đệ Nhị (lớp 11) chuyên Văn kiêm luôn thầy hướng dẫn lớp kiêm luôn ban Văn nghệ Báo chí của trường. Sau một cuộc tổ chức học sinh thi vẽ tranh cho học sinh cùng các họa sĩ giáo viên mỹ thuật Nguyễn Văn Ẩn (trường PTG), Nguyễn Thị Tâm (trường Đoàn Thị Điểm), Văn hăng hái lên kế hoạch cho công tác báo chí của trường. Văn băn khoăn tự nhủ:

– Mình phải làm sao xứng đáng với lòng kỳ vọng của cấp trên, đó cũng là để đáp đền lại công ơn thầy cô đã hết lòng dạy dỗ với nhiều kỷ niệm đẹp và tình cảm sáng trong về tình thầy trò ở ngôi trường xưa thân thương này. Thầy Dương Du Cam, nguyên soái Tao Đàn Dương Chi (2) với phong thái rất nghệ sĩ, đã dạy học trò làm thơ Tứ tuyệt vào cuối giờ trên lớp, thầy Hiếu Văn Bùi Văn Nên với bài thơ Cô Gái Huế, thầy Anh Pha Nguyễn Tri Hựu với bốn bài thơ Tứ Đỗ Tường điêu luyện, Giáo sư Hội họa Nguyễn Cường dìu dắt học sinh đi vẽ ngoài trời thời còn học Đệ Nhất cấp, họa sĩ Nguyễn Robert cạnh chùa Cây Bàng hết lòng vừa dạy vẽ tranh vừa dạy minh họa bằng thơ Đường cho học trò mà không nhận phí… Thật tuyệt vời, làm sao quên được công ơn thầy cô đã dạy mình!

Văn xin trường chọn cho anh những nữ học sinh tầm vóc, dễ nhìn, vui vẻ và có khiếu ăn nói thuyết phục đưa vào nhóm đi xin quảng cáo tìm nguồn tài chánh in báo, tuyệt nhiên không xin trợ cấp từ cơ quan nước ngoài theo lời khuyên của một trí thức yêu nước là anh Nguyễn Bá Thảo, giáo viên tư thục dạy tiếng Pháp tại tỉnh nhà. Mặt khác, Văn viết thông báo kêu gọi giáo viên, học sinh và toàn trường đóng góp bài vỡ cho đặc san xuân.

Về ban biên tập, Văn cần sự tình nguyện ở những giáo viên có khả năng văn nghệ ở nhà trường dù công tác này đòi hỏi phải có chuyên môn và máu say mê viết lách.

– Anh Văn để tụi tôi tiếp cho.

Cả Trần Lâu, Chu Tý và Bùi Mạnh tỏ vẻ sốt sắng đề nghị với Văn. Anh nghĩ có người lo tiếp cũng thuận lợi. Văn phân công theo khả năng và cá tính của mỗi người.

– Tôi lo chung. Còn các bạn, tôi đề nghị: Trần Lâu, giáo viên Toán, tính kim chỉ, làm thủ quỹ. Chu Tý, dạy Văn vui vẻ hoạt bát, dẫn đoàn đi các nơi xin quảng cáo. Công việc này rất quan trọng vì có tài chánh mới in được báo. Anh Bùi Mạnh tuy dạy Lý nhưng tỏ ra có tinh thần văn nghệ tiếp tôi, ở tại trường lo thu nhận bài vở. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở tinh thần hợp tác của các bạn.

Là bạn học và lại là giáo viên cùng trường, Văn và các bạn anh đôi khi xưng hô nhau một cách thân mật tự nhiên như anh em trong một gia đình.

Tám giờ sáng tại quán cà phê Thằng Cuội số 11 đường Pasteur. Nơi đây là địa điểm hội tụ của làng văn nghệ Tây Đô. Không khí u huyền bao phủ ngày đêm, triền miên với tiếng hát của các ca sĩ thời danh mang giai điệu buồn tênh, ca từ não ruột của Khánh Ly, Thanh Thúy, Chế Linh… qua ca khúc của Trịnh Công Sơn, Trúc Phương, Thanh Sơn… Văn bất chợt nhớ đến câu thơ của một thi sĩ đời Đường: Thương nữ bất tri vong quốc hận/Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa (1) khiến anh cảm thấy bâng khuâng. Khói thuốc lá đục ngầu, tản mạn bay vòng vèo như rắn lượn lên trần nhà. Với vẻ mặt trầm tư, khách ngồi quán ai cũng bâng khuâng cảm thấy mình là những triết nhân!

Nhóm nhà báo tài tử hiện diện đầy đủ, được phân công rõ ràng.

Thời gian xuất phát đã điểm. Bộ tứ trong ban biên tập khởi sự làm việc. Chu hăng hái chuẩn bị dẫn nhóm học sinh đi xin quảng cáo, anh tìm đến các tọa độ đỏ là rạp hát, rạp chiếu bóng, khách sạn, công ty, tiệm buôn, nhà hàng, nhà máy xay lúa, nhà máy nước đá… và những Mạnh Thường Quân như bác sĩ, nhân sĩ… theo phương án đã vạch. Công việc tài chánh và biên tập sắp xếp bài vở lúc bắt đầu chưa có gì bận rộn, Trần Lâu và Bùi Mạnh còn thong dong tại trường.

Để động viên anh em trong ban chủ biên, với tư cách mũi nhọn đầu tàu, Văn xung phong

ôm sổ sách khai hỏa đầu tiên đi xin quảng cáo, nhắm rạp chiếu bóng Tây Đô của anh Văn, cháu trai nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu và ca sĩ nổi tiếng Tư Sạng, hiện đang quản lý rạp hát Tây Đô. Anh Văn tính vốn hào phóng, yêu văn nghệ, vui vẻ nhận đăng quảng cáo cho rạp chiếu bóng Tây Đô trọn trang bìa 4 trang trọng của tờ báo xuân khổ lớn loại đặc san. Thấy Văn khai hỏa nhận được số tiền khá hậu, Chu Tý vô cùng phấn khởi, tiếp tục hướng dẫn nhóm học sinh phụ trách tiếp tục cuộc hành quân..

– Tý Sữa dạy Văn có duyên ăn nói, chắc chắn anh sẽ chiến thắng sau lần phát pháo đầu tiên của anh Văn.

Bùi Mạnh nhìn Tý Sữa động viên.

Biết công tác tài chánh là thiết yếu, Trần Lâu ngó cặp mắt kiến của Chu Tý, bồi thêm:

– Tý Sữa cố gắng lên, thành công tôi sẽ thưởng cho anh và cả nhóm một chầu thịt cầy ngon ở lộ 20. Chu Tý đốt điếu thuốc Ru-bi, đưa vào miệng, rít một hơi dài, nhìn Trần Lâu:

– Anh Lâu nhớ giữ lời hứa nhé. Nghe anh nói, tôi phát thèm rỏ dải rồi đây!

Trong khi các bạn đấu hót, Bùi Mạnh chậm rãi xem lại xấp bìa cứng dày màu lam nhạt dành đựng bài báo đã chuẩn bị sẵn từ hôm trước.

Văn phòng hiệu trưởng có mặt hiện diện đầy đủ các thành viên trong ban thực hiện đặc san Xuân Lương Khê năm Con Khỉ. Bài vở gởi đến chủ yếu từ học sinh, giáo viên và nhà văn địa phương tương đối khá đủ về số lượng và tạm ổn về chất lượng. Tài chánh thu hoạch từ việc đi xin quảng cáo và do Mạnh Thường Quân ủng hộ khả dĩ tiến hành được công tác in báo. Hiệu trưởng Trần Cồ kêu gọi người tình nguyện lên Sài Côn xin kiểm duyệt để được phép in và phát hành. Các thành viên trong ban phụ trách trực tiếp báo xuân như Trần Lâu, Chu Tý, Bùi Mạnh có lý do chính đáng không thể rời trường xa vợ con và công việc riêng tư bận rộn, không thể lên ở Sài Gòn vài tuần để lo hoàn tất kiềm duyệt và công đoạn in báo.

– Anh Văn, người chủ trương biên tập tính sao để hoàn tất cho kịp đặc san vào ngày mùng mười tháng chạp âm lịch, trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán.

Trần Cồ nhìn Văn:

– Tôi đề nghị anh Văn nhận công tác này vì anh đã quen việc.

Bùi Mạnh nhìn Văn rồi quay sang Trần Cồ xem dò ý kiến.

– Phải đó.

– Rất hợp lý.

Cả Lâu và Tý nhìn mọi người trong phòng họp với thái độ tán thành.

– Như hiệu trưởng và các anh đã biết hoàn cảnh tôi rất neo đơn. Tôi không thể vắng mặt lâu ở nhà vì con cái đều nhỏ dại, không mẹ, không ai trong nom trong khi kinh tế gia đình cũng không khá.

Văn trần tình trước hiệu trưởng, giám học và các thành viên còn lại trong ban thực hiện báo xuân.

Không ai chịu đi Sài Gòn xin kiểm duyệt in báo. Vì lẽ người nào đảm nhiệm công việc này ngoài việc nghỉ dạy ở lớp phải dạy bù cho học sinh sau khi hoàn thành công việc, còn phải xa gia đình, vợ con và gác lại công việc làm ăn riêng ngoài ra còn cần có khả năng giao tiếp với cơ quan cấp phép in báo cả việc trang trí, sửa bài, cò bài và viết bài đệm khi cần. Như vậy là với tư cách chủ biên, Văn phải lĩnh trách nhiệm này theo sự chỉ định của hiệu trưởng Trần Cồ và giám học Lê Uyên. Văn cảm thấy vô cùng băn khoăn vì đám con ở nhà và lớp dạy thêm của anh tại Tây Đô trong thời gian anh phải đi xa lo in báo. Văn thầm nghĩ anh xa nhà vì công việc nhà trường thì ai trông coi cái cho anh. Có chú chúng nó rất mực yêu thương đàn cháu mồ côi nhưng sao có thể bằng chính cha ruột của chúng nó.

Nhưng sau cùng, Văn cũng phải chấp nhận.

Những ngày bắt đầu ở Thủ Đô làm báo, Văn gặp không ít việc phải giải quyết. Tìm nhà bạn quen ở nhờ nhưng cũng phải lo sao cho gia đình bạn đỡ tốn kém. Lại phải liên hệ việc xin giấy phép kiểm duyệt để in báo hợp pháp mới có thể phát hành. Tốn kém ăn ở, đi lại và giao dịch với nhà in, trà nước anh em công nhân nhà in cho đặc san ra kịp thời gian đã định. Lúc đầu, Văn gọi điện về trường gởi thêm tiền lên cho anh. Những lần sau cạn túi, Văn  ngại đành mượn thêm tiền của bạn ở Sài Gòn để trang trải. Ở nhà anh, trong những lúc đứa em trai đi công tác xa, tình cảnh gia đình gặp không ít khó khăn. Dù có người chị trong nom nhà cửa, nuôi giùm các cháu, có ngày hết gạo phải mượn nhờ hàng xóm. Nhiều ngày anh bần thần vì phải ngủ đêm với anh em công nhân tại nhà in để cò bài. Nhưng Văn tự nhủ:

– Đã nhận nhiệm vụ, mình cố hoàn thành tốt đẹp sao cho không phụ lòng tin của thượng cấp dù có phải gặp bao gian lao trở ngại. Tờ báo là tiếng nói của học sinh, giáo viên, nhân viên, nó cũng thể hiện dấu ấn sinh hoạt văn hóa giáo dục, là linh hồn và truyền thống thiêng liêng của trường ta.

Và Văn cảm thấy vui mừng thoáng chút tự hào mong tờ đặc san xuân Lương Khê được chính thức chào đời như đứa con tinh thần xinh đẹp, kháu khỉnh của tập thể trường.

Nhà in Nguyễn Bá Tòng bệ vệ tọa lạc với ba tầng cao uy nghi tại đường Bùi Thị Xuân giữa trung tâm Sài Gòn. Tiết trời buổi sáng se lạnh, người đi bộ dập dìu, ép mình trong những chiếc áo ấm len xám sang trọng. Ngoài đường, đủ loại xe cộ qua lại nườm nượp tạo nên âm thanh ồn ào thường ngày chốn thành đô, nhưng không át nổi đôi lúc tiếng bom B52 đì đùng vọng lại từ chiến khu D, hay tiếng phi cơ gầm rú chói tai từ phi trường Tân Sơn Nhứt trong không gian gần của một đất nước đang chịu cảnh khói lửa tóc tang.

Trên lề một mép đường rộng sạch sẽ trước cửa nhà in, báo xuân trong những gói kỹ lưỡng từng bao kín đáo bằng giấy dầu chất chồng thành một khối to đợi xe taxi đến chở ra bến xe Miền Tây. Bên cạnh đống báo chông chênh, dưới một tán sao già, Văn đứng nhìn quanh quẩn chờ xe đến. Bỗng từ xa, bóng một chiếc xe du lịch bóng lộn sang trọng chậm rãi bò tới, từ từ dừng lại trước cửa nhà in.

– A, anh Trần Mầu, hôm nay đi Sài Gòn lo việc làm ăn phải không?

Văn vui mừng, đánh tiếng khi bất ngờ gặp bạn đồng nghiệp cùng trường từ tỉnh nhà lên Sài Gòn.

– …!

Mầu thong dong rời tay lái bước xuống xe, thản nhiên:

– À, báo in xong chưa anh Văn. Tôi lên đây có việc riêng.

– Đã hoàn tất, tôi đang đợi xe đến chở báo về, nhưng chờ mãi mà không thấy taxi hay xe xích lô tới. Suy nghĩ một chút, Văn vui vẻ:

– Chỉ có mấy gói nhỏ, chắc gởi nhờ băng sau xe anh, người trong nhóm làm báo, chở về trường mình cũng đủ chỗ. Tôi chỉ nơm nớp lo trời mưa. Sao năm nay trời sang chạp mà vẫn có những cơn mưa bất chợt trái mùa. Tôi không yên tâm anh ạ! Vừa nói, Văn vừa trông lên bầu trời đang vần vũ mấy đám mây đen. Thấy Mầu tự lái xe đi một mình, bên băng sau còn trống trải, Văn muốn nhờ Mầu.

– Tôi đi lo chuyện buôn bán, xe không còn trống chỗ!

Trả lời xong, Mầu lạnh lùng lên xe, rồ máy nhấn mạnh ga hướng về chợ Bến Thành! Mấy cuộn khói vô tình xám xịt vụt tuôn ra từ đuôi ô tô, bỏ lại phía sau bóng Văn một mình với chồng báo xuân nằm chông chênh bên lề phố, lác đác lá sao khô âm ấp bụi đường.

*

Mấy chồng báo xuân Lương Khê khổ lớn, in đẹp, bó kỹ được Văn đứng chờ thuê xe xích lô chở ra bến xe Miền Tây đưa về Cần Thơ. Hôm sau, nhà trường phân công cho các em Nhân, Hoàn, Quyên đi bán ở các trường học và cơ quan trong tỉnh.

Buổi sáng ngày cuối chạp, tiết đông trời se lạnh. Sau khi duyệt cuộc thi Báo tường, Văn cùng các bạn giáo viên được thông báo đến Thủ quỹ nhà trường lãnh lương. Mọi người vui vẻ đợi thần tài gọi tên mình. Đến lượt Văn, thầy Cương dò tên và đưa sổ lương cho anh ký tên vào. Văn vô cùng ngạc nhiên, lòng cảm giác đau nhói khi nhìn thấy con số lương của mình bị bớt một phần tiền đáng kể mà không được ai giải thích… Ba thành viên còn lại trong ban thực hiện đặc san xuân im hơi lặng tiếng. Cà người hăng hái động viên Văn tích cực nhất trong cấp lãnh đạo nhà trường được coi là sính văn nghệ cũng không có được nửa lời tiếng giải thích cho Văn hiểu rõ nguồn cơn. Sau này Văn tự hiểu ra: cấp chóp bu quy cho Văn đã lợi dụng cơ hội đi làm báo để ăn nhậu phung phí tiền bạc nhà trường gởi lên… trong khi anh là người từ nhỏ đến lớn không bao giờ uống rượu. Tiếp nối các tháng sau, Văn vẫn lãnh không trọn đồng lương của mình trong thời gian hơn một năm. Lương dạy giờ đã ít ỏi lại bất ngờ bị đột ngột xén bớt khiến Văn lại gặp khó khăn trong việc giải quyết tài chính ở gia đình. Gần một năm mỗi ngày, Văn phải vất vả thức sớm từ hai, ba giờ khuya để chạy xe ôm tìm thêm chút tiền còm gở gạc trong cảnh ngặt nghèo. Văn đau buồn trong thời gian anh đã bỏ nhà cửa, con cái trong cảnh neo đơn, hăm hở đi in đặc san xuân cho trường tận Sài Gòn.

Một xuân không mùa chập chùng, lận đận vì hệ lụy trong nghiệp đời gắn bó với nghệ thuật văn chương của Văn. Thời tiết mấy hôm nay bắt đầu trở rét. Trong căn nhà gỗ nhỏ vách lá đơn sơ, đàn con sớm mồ côi mẹ hằng ngày bữa cháo bữa cơm. Ngồi một mình thở dài ngao ngán, Văn bất giác nhớ đến câu thơ của một thi sĩ nổi tiếng: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/ Lập thân tối hạ thị văn chương (2).

M.V

(1) Ca nữ không hay sầu mất nước/Bên sông hát khúc ”Hậu Đình Hoa”- Đỗ Mục (803-853)Thi sĩ đời nhà Đường-Trung Quốc.

(2) Tạm dịch: Mỗi bữa ăn, không quên nghĩ đến công việc của ngòi bút/ Thấp kém nhất là lập thân trong đời bằng con đường văn chương.