Lặn ma – Truyện ngắn của Trác Diễm

1368

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đó là một siêu phẩm nghệ thuật của tạo hóa. Dưới vũng lưới, là sát mặt nước được hắt lên bởi một thứ màu hiếm thấy. Hoàng hôn vỡ vụn, nhảy nhót theo hàng ngàn hàng triệu triệu cú nẩy bật tí tách của loài tôm tép. Trên bờ kè, dưới bãi biển, khách du lịch đua nhau phô diễn mọi tư thế.

Nhà văn Trác Diễm 

Bất chợt, chị mỉm cười. Với chị, có nhiều hôm hoàng hôn còn đẹp hơn thế nữa nhưng với đám săn ảnh từ phương xa đến thì khung cảnh huy hoàng lúc này chẳng khác nào một chiếc bánh pizza vàng rộm đầy hấp dẫn để họ tranh nhau chia chác. Chị rời cửa biển, men theo con đường đất cát hai bên được phủ xanh bởi những hàng dương xanh thẫm, mùi tanh nồng phả ra từ những sọt nhựa xanh đỏ hình chữ nhật buộc ở phía sau xe.

– Hôm nay mình bán xong sớm thế à?

Người đàn ông gương mặt rám nắng, quai hàm bạnh và đôi mắt cương nghị đang ngồi gỡ từng cọng rác trên đống lưới bùi nhùi. Mọi bận giờ này anh đang ở một vùng biển sâu nào đó với những người bạn chài nhưng sau sự cố rối dây dưỡng khí, anh bị ngạt thở kèm theo chuột rút dẫn đến chân đi khập khiễng, tê buốt nên cần phải nghỉ ngơi.

– Mình chưa khỏe hẳn, cứ để yên đấy em làm cho. Chị tất tả treo cái nón vào bên vách.

– Không sao, tôi làm được mà. Ái da! Sọt cá từ tay anh văng xuống đất tung tóe.

– Đấy, em đã bảo mình rồi. Chị vội vàng kéo tay chồng bá lên cổ, dồn hết sức mình nghiêng người làm trụ, đỡ anh đến chiếc giường tre ngoài chái.

– Mình à, hay chúng ta về trên núi sống nhé? Chị chăm chú dõi theo từng nét thay đổi trên gương mặt anh. Một gương mặt bình lặng, in hằn những vết khắc khổ của thời gian. Những tưởng chị sẽ nhận được từ anh một cái lắc đầu hoặc gật đầu đồng ý thật nhẹ. Thế thôi. Bỗng, anh túm lấy ấm nước trên chõng lia một cú thật mạnh ra ngoài sân, nói như hét.

– Cô thấy ở đây khổ quá thì cứ đi đi. Tôi không cấm… Tôi nói cho cô hay, dẫu có chết rũ ở đây tôi cũng không rời làng biển này.

– Mình, tại sao mình lại… Hai bàn tay rám nắng đang còn bám đầy những chiếc vẩy cá khô cong, chị úp chặt ngang miệng, cố chặn những cơn nấc đang dội lên từ phía lồng ngực.

Đêm. Chị nằm úp mặt vào trong vách, thi thoảng đưa vạt áo lên chùi những giọt nước nóng hổi ướt đẫm vầng trán đứa con gái ba tuổi muộn mằn của chị. Còn anh, vẫn như hóa thạch ở ngoài hiên, hàng dương trước mặt anh tối sẫm nhưng lấp ló phía sau đó là hàng vô số những ánh đèn chấp chới của tàu thuyền ngoài khơi xa. Trên đầu anh, bầu trời đầy sao. Anh thấy rõ, bao bọc xung quanh anh toàn là ánh sáng, gồm cả thứ ánh sáng mà trước đây anh đã từng dùng nó để vẽ lên khung cảnh tương lai rạng ngời của hai đứa. Rùng mình. Cơn ớn lạnh chợt bò dọc sống lưng và đẩy dồn lên gáy. Những âm thanh cuồng nộ, hoảng loạn, những tiếng la hét…; va đập vào tâm trí anh như một hỗn khúc quay cuồng.

Ối bà con ơi, con tôi sao thế này? Trường ơi, Hoàng ơi… Mở mắt ra đi. Dậy về nhà đi con!

Trên bãi cát, người đàn bà với cái nón mê trật ra sau gáy hết bò sang đứa con bên này lại lết sang đứa con bên kia. Hai thi thể co quắp, tứ chi vung lên trời. Tái bợt, cứng đờ… sau nhiều giờ ngâm nước.

– Trả con cho tôi… Trả con lại cho tôi… Người đàn bà rú lên những tiếng thất kinh khi hai mảnh chiếu phủ kín cơ thể hai đứa trẻ. Người đàn bà lịm đi trên cát. Mê man. Phía hàng dương, người đàn ông cấu chặt những móng tay vào thân cây xù xì tróc vỏ và đấm liên tục đến tứa máu. Anh đã lặn gần nguyên ngày dưới nước mới tìm thấy thi thể hai con. Chúng đi hết cả rồi, chúng đã bỏ anh… Đây là sự thật chứ không phải là một gấc mơ kinh hoàng. Khô…ôoong… Không đời nào! Anh thúc đầu vào thân cây và ngã vật ra cát. Máu. Cát. Trộn hòa vào nhau, bết vào gương mặt đớn đau tột đỉnh.

*

Biển chiều nay êm đềm quá, chị nhìn những con sóng nhỏ lăn tăn đi vào bờ, trắng xốp, reo vui như những âm thanh hồn nhiên của bọn trẻ. Chị nhặt một con ốc áp vào tai một hồi lâu. Mắt chị ươn ướt, chị khẽ nhếch một nụ cười rất nhẹ.

– Ngự, em có nghe thấy âm thanh gì không?

– Có, em nghe lời biển hát.

– Hả, em từ rừng xuống mà cảm nhận về biển rõ thế? Nói cho anh nghe, biển đang hát bài gì?

– Biển hát lời thì thầm tình yêu. Ngự cười, dụi đầu vào ngực anh, mùi muối mặn phả ra từ nơi cô tựa đầu thật ấm áp, gần gũi.

– Phịa! Nhưng mà anh rất vui. Em biết không, ngoài kia chính là nơi anh đã gắn bó cả cuộc đời mình. Từ nhỏ anh đã lên thuyền theo cha ra tận đó và khi cha mất thì anh một mình.

– Thật thương anh, vì em biết đó là vùng biển nước sâu rất nguy hiểm và cũng đầy nhạy cảm. Anh không sợ sao?

– Có bộ đội luôn luôn khích lệ, động viên và hỗ trợ cho ngư dân ra khơi bám biển em ạ. Anh đã rất xúc động khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên biển. Cảm giác anh lúc đó chẳng khác gì một chiến sĩ kiên trung trên mặt trận. Lâng lâng… sung sướng và tự hào lắm. Sau này chúng ta hãy đặt tên con, trai là Trường, là Hoàng…; nếu con gái thì… là… Sa. Chà, thật ý nghĩa biết bao.

Anh cuốn cô sát lại gần mình và hôn nồng nàn say đắm.

*

– Anh sẽ không đi biển đánh bắt cá như mọi bận nữa. Chị nhận ra nỗi buồn trùm lên trong mắt anh.

– Vậy anh định làm gì?

– Anh sẽ đi lặn. Mấy ông bạn anh đang rủ nhau đi lặn ốc nhảy, tôm hùm ở vùng biển sâu. Ở đấy còn nhiều, chứ quanh quẩn vùng này không còn gì…

– Nhưng lặn vùng nước sâu sẽ rất nguy hiểm, anh không thấy con trai ông Sết, ông Cừ… đã bỏ mạng rồi ư? Rồi ông Ngoách, ông Điển, ông Sự… không chết thì cũng bị liệt, tàn tật nằm một chỗ.

– Không đi thì lấy đâu ra tiền thuốc men chạy chữa cho con bé. Nhìn nó bị suyễn hành hạ như vậy tôi không chịu được. Tôi phải đi, cô đừng phủi phui cái miệng nữa.

Anh vơ bộ đồ nhái, bình hơi, dây đèn, cuộn chì và một số dụng cụ khác bỏ vào bao tải lớn rồi hùng hổ bước đi.

Chị nhìn theo những dấu chân anh thả lại trên cát cho đến khi anh bước lên tàu, một chấm đen nhỏ dần… xa mờ và mất hút.

*

– Dừng lại đây thôi nào.

Trung và một số anh em buộc dây néo trên thuyền, đồng thời buộc chì ngang bụng để chìm xuống. Như một đàn rái cá, họ lần lượt lao xuống ngâm mình trong nước hơn hai giờ mới ngoi lên. Phải lặn ở độ sâu tầm 40m mới có nhiều tôm hùm, ốc nhảy. Và cứ thế họ lặn từ sáu giờ chiều đến hai giờ sáng mới kết thúc công việc.

– Này mấy anh em, thằng Công đâu?

– Ơ, không phải nó đã lên rồi à? Nguy rồi, đèn báo hiệu nháy ngoài kia kìa… Mau lên!

– Cứu… cứuuuu… em với! Công ngoi lên khỏi mặt nước, nói một câu đứt quãng, rồi tứ chi xuội hẳn.

“Công, mở mắt ra đi”; vừa được đưa lên thuyền thì Trung nhào từ khoang lái ra, rẽ đám anh em, hét:

– Chúng mày ngu thế! Thả nó xuống nước lại đi! Không kịp nữa rồi! Trung buồn bã: “Do giảm áp suất không đúng kỹ thuật khiến cơ thể nó đã bị tê liệt hoàn toàn”. Chiếc thuyền rời khỏi vùng biển sâu khi trời mờ sáng.

*

– Anh Trung! – Một người đàn ông đứng gọi anh ở gốc cây dương. Anh vội bỏ bát đi ra ngoài, chưa đầy một phút anh quay trở vào, mặt mày xây xẩm.

– Mình và con cứ ăn đi, tôi đi một lát rồi về.

Trên bãi biển, một phụ nữ trẻ vật vã kêu khóc: “Ai cứu con tôi với. Nó vừa mới đứng ngay cạnh tôi đây mà, sao nước nuốt chửng nó nhanh thế được, con tôi không thể chết”. Trung đứng nhìn khoảng lặng xanh biếc giữa hai con sóng cao nghều. Người đi biển không có kinh nghiệm nhìn vào khoảng lặng ấy cứ nghĩ đây là nơi an toàn, nhưng đây chính là luồng hút cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt vào những ngày trung tuần tháng Bảy.

– Anh gì ơi, hãy tìm giúp con tôi. Tôi van anh, bao nhiêu tôi cũng trả, làm ơn… làm ơn đi mà…; người đàn ông vừa níu chặt tay anh vừa khóc rống lên. Cuồng loạn…

– Mẹ sẽ ra đó tìm con… con ơi…

Hình ảnh năm nào cứa vào tim can Trung đau nhói.

– Giữ cô ấy lại…

Trung lao người xuống nước. Nhưng sau mấy giờ liền ngụp lặn Trung vẫn không tài nào tìm thấy được thi thể của cậu bé xấu số kia.

– Ngày mai sẽ tìm tiếp thôi…

Trung nằm vật trên cát thở dốc rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết. Anh thấy trên đầu mình, hình ảnh con, nụ cười con cứ như những thiên thần bay lởn vởn. Hoàng ơi… Trường ơi… Các con đang ở đâu. Ba đến đón các con đây.

Mặt trời thả những tia nắng đầu tiên trên mặt biển, biển đang ôm trong lòng những đứa trẻ vô tư hồn nhiên như búp nắng. Trung bật dậy, lao xuống nước. Trên bờ, cảnh sát môi trường, gia đình người thân của đôi vợ chồng bị mất con, những người dân hiếu kỳ và khách du lịch chen kín một vùng dài. Họ kỳ vọng cả vào anh, con trai của người thợ lặn nổi tiếng một thời được người dân mệnh danh là “rái cá”.

Từ mặt biển ngoi lên, cậu bé như một lưỡi câu móc vào ngực mọi người, nhói buốt. Một bầu không khí im lặng đến rợn người sau tiếng thét đau đớn của người mẹ mất con. Sau hôm đó, cứ thấy bóng người xuất hiện dưới gốc dương, là Trung cầm đồ nghề ra đi… Anh đi đón những thiên thần!

– Ôi biển vùng này đẹp quá, cứ như là trong cổ tích! Cô bé tầm mười bốn tuổi, ôm chiếc phao tròn da cam tiến về khoảng xanh trước mặt.

Trung rời bóng dương, trên tay anh là mảnh thuyền vỡ bị hà ăn từng lỗ nhỏ, một dòng sơn đỏ đã được viết lên.

Cô bé tròn xoe mắt và dừng lại: “Đây vùng biển nguy hiểm, cấm tắm!”.

Anh đã kịp cắm xuống trước khi cô bé hòa vào biển xanh.

T.D