Lê Xuân Đố hoang tưởng đất trời sót lại câu thơ

810

13.12.2017-18:45

 Nhà thơ Lê Xuân Đố. Ảnh: PH

>> Nói chuyện một mình

>> Mưa nắng yêu nhau

>> Câu thơ làm trong mơ

>> Hồn muối Lê Xuân Đố

 

Lê Xuân Đố – Hoang tưởng đất trời sót lại câu thơ

 

LÊ THIẾU NHƠN

 

NVTPHCM- Nhà thơ Lê Xuân Đố bây giờ đã 74 tuổi, vẫn khóc đấy rồi cười đấy. Ông cười bất chợt vì sợ cạn nước mắt hay ông khóc bất ngờ nhằm để dành tiếng cười, tôi chẳng thể phân định. Giữa sự khó rạch ròi cười khóc của ông, không ít lần trào ra những câu thơ thấm thía...

 

Nhà thơ Lê Xuân Đố có bốn đặc điểm: nói như cãi nhau, khóc như đám ma, cười như trúng số và đọc thơ như sấm sét. Độc đáo hơn nữa là bốn đặc điểm ấy cứ thay thế nhau trong từng chốc lát, có khi đồng hiện trộn lẫn vào nhau. Vì vậy, gặp Lê Xuân Đố lần thứ nhất rất dễ hoảng hốt, gặp Lê Xuân Đố lần thứ hai vẫn còn kinh ngạc, và gặp Lê Xuân Đố lần thứ ba chắc chắn phải khâm phục. Bởi lẽ không thể nào đoán trước Lê Xuân Đố sẽ có trạng thái như thế nào một giây sau đó.

 

Ban đầu tôi cứ ngỡ Lê Xuân Đố diễn, nhưng quen lâu ngày mới biết cảm xúc thực sự của ông cứ run bần bật những biến chuyển khủng khiếp như vậy. Tôi nể lắm. Tôi đã từng mưu tính một cuộc làm ăn rằng, nếu lấy nguyên mẫu Lê Xuân Đố để viết thành một kịch bản sân khấu hay một kịch bản điện ảnh thì sẽ rất ấn tượng.

 

Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại, tôi không dám chắc diễn viên nào của Việt Nam có khả năng thể hiện nhân vật như vậy. Nhiều lúc ngồi giữa đám đông ồn ã, chứng kiến Lê Xuân Đố nói như hét vào mặt người đối diện, rồi ngửa mặt lên trời đọc vang vang “nước non một khoảng nuông chiều, cái hôn trong sóng đến điêu đứng bờ”, rồi bưng mặt khóc hu hu, rồi ngả ra ghế cười ha ha, tôi cam đoan diễn viên nào đóng được vai Lê Xuân Đố thì hoàn toàn có quyền mơ đến giải Oscar. Hơn nữa, giải Oscar trao cho người thành công đóng vai Lê Xuân Đố không những khẳng định một tài danh siêu đẳng của nghệ thuật diễn xuất, mà có khi còn vinh dự cho giải Oscar!

 

Ngược xuôi dông dài cũng vì tôi muốn nói thêm lần nữa, người duy nhất đóng được vai Lê Xuân Đố chính là… Lê Xuân Đố! Một người quái kiệt chừng ấy mà thơ bình thường như bao người khác thì không phải lãng phí ư? Qua bốn tập thơ đã xuất bản trong vòng 20 năm qua, Lê Xuân Đố tự vẽ chân dung bằng bốn câu: “Quảng Bình nặng lòng tiên tổ/ Hà Thành thất thểu văn chương/ Sài Gòn làm không kịp nhớ/ Trở mình thức mấy quê hương“.

 

Một Lê Xuân Đố ngoài đời thì tôi “kính nhi viễn chi” rồi, nên đành đi tìm một Lê Xuân Đố trong thơ. Tôi lần lượt đọc các tập thơ đều có tựa đề vỏn vẹn hai chữ của ông, từ “Hồn nhiên” đến “Ngọn nguồn” sang “Chạm mặt” và “Giọng muối”. Dù trải dài theo thời gian với những cung bậc tình cảm khác nhau, nhưng có một bút pháp xuyên suốt và ngày càng đậm nét.

 

 Năm 1972, Lê Xuân Đố 29 tuổi đã viết được hai câu đáng nhớ về những đứa trẻ mất tích sau cơn bão: “Tiếng con gọi khắp biển bờ/ Chìm trong nước bạc bao giờ nổi lên“. Trên cái đà ấy, thơ Lê Xuân Đố ngày càng bộn bề hơn theo gánh nặng kiếp nhân sinh. Ba vùng đất sinh ra và nuôi nấng Lê Xuân Đố đã hiển thị lên thơ ông ba mảng ký ức vừa đau đáu vừa xôn xao.

 

Mảnh đất quê nhà Quảng Bình trở đi trở lại trong thơ Lê Xuân Đố như đeo bám, như quặn thắt, như chới với, như âu lo. Đó là nỗi “Nhớ biển chiều hôm” theo bóng cha cồn cào gan ruột: “Chiều không quê lòng dạ ánh lên/ Vẩy cá lưng cha trứng cá mắt lưới/ Giăng từ trẻ thơ lên ba ngồi sóng/ Tưởng đã quá xa như kẻ chạy trốn/ Lưới lại buông lấp lánh chân trời“. Đó là niềm “Mẹ và cát” rát bỏng tâm can: “Cây liễu gió mẹ chịu đầu mũi cát/ Thuyền và hải lưu bạn đời phiêu bạt/ Mẹ nỗi chờ găm mảnh ánh trăng“. Những câu thơ đan chéo kỷ niệm, đẹp đấy mà buồn đấy, càng đẹp càng buồn. Một đời thơ dù viết cách nào cũng không đủ tỏ bày hết ân nghĩa cố hương. Chỉ cái tên gọi đô thị nhỏ bé thôi, nhưng âm thanh vừa dội vào tai Lê Xuân Đố thì xúc cảm đã giàn giụa từng câu thơ.

 

Những bài thơ có nhắc đến Nhật Lệ hầu như không còn nằm tách biệt nữa, mà cứ nối nhau lẫm chẫm trong nước mắt. Phía cưu mang “Nhật Lệ độ lượng lạ lùng/ Hơi thở em gió nồm đẫm ướt/ Đau khổ nào không tan“. Phía khuất mặt “Nhật Lệ rồi ra ngồi quán gió/ Rượu đẻn vào hồi ức huyên thuyên/ Nhật Lệ rồi người về yên ả/ Mẹ rất gần tâm sự khói hương“.

 

Phía xót thương “Ta trên cát cá ươn đói nắng/ Một xác thuyền phơi cạn cửa sông/ Thanh tân em rờ rỡ hoa hồng/ Tang lễ tình yêu tỏa lừng hương sắc/ Sóng Nhật Lệ liệm tình như lọc/ Đồng Hới hoa hồng dấu vết gai đâm“. Ba đoạn thơ trên, trích từ ba bài khác nhau, nhưng hoàn toàn có thể đọc liền mạch, vì những câu thơ hòa cùng một dòng máu đang chảy từng ngày, từng mùa trong huyết quản Lê Xuân Đố!

 

Mảnh đất Thủ đô gắn bó cả tuổi trẻ Lê Xuân Đố. Ông học Đại học Tổng hợp Văn rồi về làm biên tập viên thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có thể hồn vía Lê Xuân Đố từng treo lơ lửng trên nhành liễu ven Hồ Tây hoặc từng nấp im lìm trong tàng lộc vừng bên Hồ Gươm, nên ông không chỉ “Nhớ Hà Nội” tinh tế: “Có thể người đi không thấy mặt/ Nhưng mùi hoa sữa đã đưa qua” mà còn xem như một nơi để “Về” phấp phổng: “Hà Nội người về rối lá đường thu/ Lạ đến tim mình không dỗ nổi“.

 

Không cần biết Lê Xuân Đố yêu Hà Nội đến mức nào, nhưng một “Cây bàng” bắt gặp tình cờ ở phố Hàng Đậu hay ngõ chợ Khâm Khiên đã làm ông khắc khoải: “Năm cửa ô bổ sung gió bấc/ Heo may bay rát mặt đường/ Nghiền ngẫm cho người thử thách/ Bức tranh phố màu lá bàng đỏ thẫm/ Rớt bên đường giọt máu những ngày qua/ Em má đào ửng duyên phố lạnh/ Hy vọng như gần mùa cưới mùa hoa“.

 

Còn mảnh đất Sài Gòn là nơi Lê Xuân Đố định cư và táo bạo mang thơ lên sóng truyền hình để nhiều đồng nghiệp làm thơ cũng có dịp xuất hiện trên tivi như những diễn viên thời vụ hoặc diễn giả nghiệp dư. Ông tận tụy với vai trò biên tập viên thơ của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh suốt bao năm ròng rã, và nhận ra “Sài Gòn sau lưng” nhộn nhịp cũng đầy chất thơ: “Mình đi xa để hồn vơi chút bụi/ Sau lưng mình thành phố bỗng như mơ/ Lòng người như vừa qua sám hối/ Những cơn say cũng dịu quá bất ngờ“.

 

Tuy nhiên, nhịp điệu Sài Gòn ùa vào thơ Lê Xuân Đố không nằm ở những miêu tả hào nhoáng hay bay bổng, mà lặn vào những ưu tư se sắt, từ “Lửa” lứa đôi: “Anh cây đổ vườn mưa/ Tình ngoại ô lạnh cóng/ Em rượu trào vô vọng/ Lửa đen cháy phố khuya” đến “Tình khúc” dở dang: “Bây giờ chuyện cũ đâu đâu/ Mặt nhau lắm thứ che khuất/ Chuyện tình đúc chì trong ngực/ Kẻ lạ vào chật giấc mơ“.

 

Dõi theo hành trình sáng tác của Lê Xuân Đố, tôi thấy thơ ông càng ngày càng ngổn ngang, càng ngày càng có nhiều khoảng trống mỹ cảm. Ví dụ, trong tập “Hồn nhiên” ông viết về hoa quỳnh vênh vang lục bát: “Một đời vắt kiệt mà đi/ Hương bay mi khép nói gì rạng đông/ Đêm qua thơm một tấm lòng/ Tiếc cho kẻ thức mà không thấy gì“, thì trong tập “Giọng muối” ông viết về hoa quỳnh chứng minh được giá trị sự trải nghiệm “Có thể hoa giấu mặt người một ngày mở đầu cầu may/ Hoặc tránh cho người cuối ngày đụng mặt/ Chờ thế gian dịu cơn cãi vã/ Hoa nở góc mình sáng tỏ mong manh“.

 

Sau khi nghỉ hưu, Lê Xuân Đố gầy dựng một trang trại ở Bà Rịa để nuôi bò với một giấc mơ phát tài thật lương thiện và thật kỳ vĩ. Tôi rất hồi hộp trước quyết định này của ông, bởi lẽ nhà thơ làm kinh tế thường theo tiến độ từ thất bại từng phần đến thất bại toàn phần, có khi thua lỗ ba tháng của năm nay bằng tổng thua lỗ cả năm trước.

 

Không phải tôi nói điềm gở, Lê Xuân Đố chưa kịp thấy đàn bò của ông tung tăng đỏ đồng, đỏ núi thì chính ông đã đổ bệnh. Nằm điều trị ở Sài Gòn mấy tháng, ông phải bay sang Singapore chữa chạy tiếp. Trời thương, Lê Xuân Đố cũng tai qua nạn khỏi. Trở lại hồng hào, ông khoe: “Tớ vừa từ cõi chết trở về, không phải trở về chói lọi mà trở về bình thường! Mất mát vật chất ấy quả thật nhỏ nhoi. Đau thương thân xác này quả thật vừa phải!”.

 

Tôi tin, nếu Lê Xuân Đố trở thành chủ trang trại bò giống có hàng tỷ đồng nắm trong tay thì ông cũng chẳng thể nào rời xa thi ca được. Bởi lẽ ông từng day dứt “Hoa Kỳ, thơ Nobel ngàn bản bán không hết. Fahasa Sài Gòn, thơ ký gửi 3 năm chưa nhận được tiền”, nhưng ông vẫn khao khát “Gặp lại bạn thơ” chia sớt đắng cay ngọt bùi: “Nhắm chút gì đi/ Đôi đũa say chống qua mùa lụt bão/ Nuôi dưỡng vĩ nhân cũng từ mật máu phù sa/ Nói một lời đi/ Máu người lây nhiễm khủng bố/ May mắn mùi tình sót lại chân rơm/ Hoang tưởng đất trời sót lại câu thơ“.

 

Nhà thơ Lê Xuân Đố bây giờ đã 74 tuổi, vẫn khóc đấy rồi cười đấy. Ông cười bất chợt vì sợ cạn nước mắt hay ông khóc bất ngờ nhằm để dành tiếng cười, tôi chẳng thể phân định. Giữa sự khó rạch ròi cười khóc của ông, không ít lần trào ra những câu thơ thấm thía: “Loài chó nồng nhiệt hơn hẳn chúng ta/ Trời phú đức tính trung thành/ Ta xúc động và nhiều khi tự ái…/ Lớn tiếng rủa đồ chó má/ Ta thầm ganh tỵ lòng thủy chung“.

 

Tôi không dám xác tín khi viết mấy câu thơ cho chú chó tên Bim, ông đang cười hay đang khóc, hay là đang nửa khóc nửa cười? Thế nhưng tôi dám cam đoan, khi trái tim ông còn đập trong lồng ngực thì chúng ta không phải lo ông không muốn khóc nữa, không muốn cười nữa cùng cuộc sống đa đoan. Vì ông thường trực phẩm cách nhà thơ, và vì ông là người duy nhất đóng được vai Lê Xuân Đố!

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ngồi ngắm bóng mình đang khô

>> Nguyễn Vũ Tiềm tương tư gói lại mang về

>> Anh Đức và một Áng khói thần ven đô

>> Lê Thiếu Nhơn cô đơn để thức nhận cuộc đời

>> Thảo Phương dường như ai đi ngang cửa…

>> Lê Anh Xuân như nắng chở phù sa

>> Huỳnh Dũng Nhân dọc ngang mấy cõi đường trần

>> Thi Hoàng khuôn mặt như ngọn đèn vặn nhỏ

>> Lê Văn Nghĩa đánh thức vẻ đẹp tuổi thơ

>> Nguyễn Ngọc Ký trời xe mấy sợi chỉ hồng mà vui

>> Phạm Công Trứ ngỡ là gỡ cỏ mà chơi

>> Nguyễn Kim Ngân phơi đỡ lòng trước gió mùa

>> Lê Văn Thảo rong ruổi văn chương với phận người

>> Chánh Trinh phong lưu không cần danh thiếp

>> Chút tình gửi theo hoa rơi hữu ý

>> Lê Thiếu Nhơn vinh nhục với nghề

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…