(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 – 2025 được 3 ngày, tôi xin giới thiệu bài bình thơ về bài thơ hay về các cô giáo vùng cao của cố nhà thơ Lê Đình Cánh. Xin gửi bạn đọc bài thơ và bài bình thơ “Em đi”.
Cố nhà thơ Lê Đình Cánh
EM ĐI
Lê Đình Cánh
Em đi “bán chữ” trên rừng
Đã qua mặn ngọt, đã từng cay chua
Đất nghèo, chữ ít người mua
Ế hàng không nỡ phân bua nửa lời!
Ước chi Bộ hoá mặt trời
Rẽ mây ngó xuống mảnh đời sương giăng
Ước gì Sở hóa vầng trăng
Non cao soi trước, đất bằng sáng sau…
Ở rừng tự hát ru nhau
Lá trầu chị héo, quả cau em già
Ước ao có một gian nhà
Có trưa đưa võng đón bà lên chơi!
Em đi nón chạm chân trời
Rừng sâu “bán chữ” cất lời ngân nga
Tiếng rao xao xác lau già
Non cao đội mảnh trăng tà ngậm sương…
Lời bình của Lê Xuân:
LỜI TỰ RU CỦA CÔ GIÁO MIỀN NÚI
Trong cuộc Thi thơ lục bát của Báo Giáo dục & Thời đại (1997- 1998) có nhiều bài thơ nói hộ thầy cô giáo những băn khoăn trăn trở, những âu lo nhọc nhằn, những niềm vui nho nhỏ. Tôi như bị dội một gáo nước lạnh bởi tiếng rao “bán chữ” của cô giáo vùng cao, làm bừng tỉnh một giấc mộng bấy lâu về những vinh quang nhất, cao quý nhất của nghề dạy học ở miền núi, bởi tôi đã có 15 năm dạy học vùng cao này. Nhà thơ Lê Đình Cánh đã hiện thực hóa một trăm phần trăm niềm chua xót, và những ước ao cháy bỏng, chính đáng của các cô giáo miền núi qua âm điệu lục bát theo bước chân “Em đi”
Trong cơ chế thị trường thì chữ cũng là một món hàng có kẻ bán, người mua trong việc “dạy thêm học thêm”. Từ xưa, cha ông ta đã có thú vui thanh tao chơi chữ. Chẳng thế mà ông Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân đã cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục nên đã cho chữ trước khi chết. “Ông đồ” của Vũ Đình Liên đã từng Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua để bán câu đối trong các phiên chợ Tết. Cách “bán chữ” của ông đồ cũng não nùng lắm và ế khách: Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiêm sầu.
Còn cô giáo miền núi đi “bán chữ” chỉ là một cách nói cho vui, để tự an ủi cái nghề của mình mà thôi. Ở đây “bán chữ” đồng nghĩa với việc “dạy học” ở vùng núi cao Tây Bắc, Việt Bắc… xa xôi, hẻo lánh. Nơi đây, đồng bào các dân tộc đa số nghèo, thiếu ăn nên giặc dốt cứ hoành hành. Người ta cần phải đong gạo, đong thóc, đong ngô trước đã, chứ chưa ai vội đong chữ, mua chữ, nên lời rao “hàng” của cô cứ tan biến vào rừng xanh hoang vắng:
Đất nghèo chữ ít người mua
Ế hàng không nỡ phân bua nửa lời!
Nỗi khổ về vật chất, các cô có thể ước ao “Bộ hoá mặt trờ, Sở hoá vầng trăng” soi thấu, để có chế độ, chính sách bù đắp. Nhưng có lẽ nỗi khổ mà không gì bù đắp được là tuổi thanh xuân của cô cứ trôi đi, già đi theo năm tháng cùng núi rừng heo hút, và các cô chỉ còn biết tự an ủi, mình thương lấy mình mà thôi:
Ở rừng tự hát ru nhau
Lá trầu chị héo, quả cau em già
Lá trầu, quả cau là những ẩn dụ đã dân gian hoá nói về hạnh phúc, hôn nhân. Nhưng ở đây “Lá trầu chị héo, quả cau em già” cũng chính là tuổi xuân của chị, của em đã tàn phai, đã héo mòn theo năm tháng nơi rừng cao non xanh. Câu thơ ngắt làm đôi, trong thế tiểu đối “Lá trầu chị héo >< Quả cau em già” là lời tự bạch, tự than, tự ru, và người đọc có cảm giác nước mắt các cô đang chảy vào trong để làm vơi bớt nỗi đau thầm lặng của con tim. Song, điều đáng quý ở cô là ước ao vẫn không hề bị dập tắt, mà vẫn tràn đầy bên những trang giáo án, vẫn mơ về một hạnh phúc xa xăm, tuy mong manh:
Ước ao có một gian nhà
Có trưa đưa võng đón bà lên chơi!
Ước mơ hết sức giản đơn và thoáng một chút tội nghiệp. Người ta ước có nhà lầu xe hơi hay nhà ngói cây mít, vợ đẹp con khôn, nhưng em và chị chỉ ước cái hạnh phúc nhỏ nhoi là có một gian nhà… có bà lên chơi để ru cháu ngủ. Cô ước cái hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ – một ước mơ chính đáng đậm tính nhân văn.
Khó khăn gian khổ là thế nhưng không thể ngăn bước chân em. Hình ảnh em đi tới lớp, tới bản làng, vượt qua đèo cao suối sâu, lồng lộng như hình ảnh bà Nữ Oa đội đá vá trời trong truyện cổ tích:
Em đi nón chạm mây trời
Rừng sâu “bán chữ” cất lời ngân nga.
Tiếng rao “bán chữ” của em như hoà vào tiếng gió của lau già, như tan vào sương đêm và toả lan cùng ánh trăng bát ngát:
Tiếng rao xao xác lau già
Non cao đội mảnh trăng tà ngậm sương.
Em cũng chính là một mảnh trăng tà, là một nửa vầng trăng. Em đem ánh sáng văn hoá tới bản làng các dân tộc, còn trăng đem ánh sáng cho trần thế. Cả hai khuyết rồi lại tròn. Tôi cầu mong cho hạnh phúc của em trong cuộc đời và nghề nghiệp sẽ viên mãn như trăng rằm nơi non cao.
Lê Xuân
——————————————————————————————–
Ghi chú: Bài đạt giải cuộc thi Bình thơ của Đài tiếng nói Việt Nam năm 1997 – 1998.