Ninh Giang Thu Cúc
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nỗi buồn xuyên suốt trong tập thơ Lửa xanh thầm của Nguyễn Ngọc Hưng là một nỗi buồn trong veo, một nỗi buồn đẹp, một nỗi buồn được thắp sáng bằng ngọn lửa xanh trong một thân thể dở dang…
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng
Đố có người nào vui mà làm được thơ! Vậy, buồn là sản phẩm độc quyền của người làm thơ chăng? Tôi đã từng hỏi thầm mình như vậy, và tự trả lời: Buồn thì được nhưng cấm bi lụy! Bởi buồn và bi lụy là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Bi lụy làm cho con người chán nản, mất sức phấn đấu và ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh chúng ta; còn buồn là một nét đẹp, là vật trang sức gợi cảm, là chủ thể để sản sinh ra những vần thơ rung động lòng người. Chả thế mà Nguyễn Ngọc Hưng đã có bốn câu lục bát:
Nói thầm cũng sợ tiếng vang
Đành cho nước mắt đôi hàng lặng rơi
Cầu duyên em bước qua rồi
Tôi còn mỗi một quyền thôi… được buồn!
(Muộn)
Vậy buồn là quyền bất khả xâm phạm của mỗi người (nhất là người làm thơ); vả lại, toàn nhân loại trên cõi đời này đâu giàu có gì lắm với niềm vui – nếu không thế thì bé sơ sinh đã cười khi vừa ra khỏi lòng mẹ!
Nỗi buồn xuyên suốt trong tập thơ Lửa xanh thầm của Nguyễn Ngọc Hưng là một nỗi buồn trong veo, một nỗi buồn đẹp, một nỗi buồn được thắp sáng bằng ngọn lửa xanh trong một thân thể dở dang, trong một lý tưởng trồng người chưa kịp thực hiện đã gãy gánh khi mới bắt đầu quang gánh, cùng một tình yêu đôi lứa chưa kịp tác thành, và một thực tại cay nghiệt là tấm thân mang căn bệnh nan y, mọi sinh hoạt cá nhân đều không tự mình phục vụ được. Vậy, đáng ra anh có quyền cay cú, oán hận, than trời trách đất sao nỡ bất công, thế nhưng ta lại bắt gặp những vần thơ, những khổ thơ hào phóng, nhân hậu, nghĩa tình như thế này:
… Sâu thẳm lòng dân thị vẫn chân quê
Tình nghĩa luôn quý hơn tiền bạc
Thảng hoặc có người muốn gieo giống ác
Lương dân lập tức cắt mầm
Đất không chùa cũng lắm từ tâm
Xanh đạo lý lá te đùm lá rách
Mặt nhem nhuốc mà ruột gan thanh sạch
Như đá xám xì giấu ngọc sáng trong
Đã thưa những con cút mẹ còng
Lê khổ nhục đi kiếm cơm hàng xứ
Đã dày thêm những cao tầng biệt thự
Mái tranh nghèo thay mái ngói đỏ tươi
Bao cánh chim phiêu bạt khắp trời
Nhớ tổ ấm lại bay về xứ sở
Chợ là chợ của thị trường rộng mở
Chùa vẫn chùa của đức độ tâm linh…
(Chợ Chùa thị trấn quê tôi)
Và tự tại như một ẩn sĩ, anh viết:
… Bạch trà thấu dạ tri âm
Rủ mây trời xuống nâng tầm đất lên
Giấc mơ cánh trắng bồng bềnh
Đưa ta về với vùng quên thiên thần
Rời xa danh lợi phù vân
Xua tan ảo ảnh bụi trần… thăng hoa!
(Bạch trà)
Trong sâu thẳm của một trái tim cựa động và dạt dào niềm rung động chân thành với nét đẹp của nhân sinh và vũ trụ anh thể hiện quyền được yêu của mình qua Đêm trăng xuân:
Trăng đã trải chiếu hoa trên đồng cỏ
Nào đi em, ta đến đó tự tình
Giữa trời đất chỉ có anh và gió
Gió lắm lời anh cũng bắt lặng thinh
… Đêm huyền hồ như đang giấc chiêm bao
Ta bay lượn giữa mênh mông mờ tỏ
Chỉ có anh và em, và những con dế nhỏ
Lãng du tìm điệp khúc tình yêu
(Đêm trăng xuân)
Vâng, trong cái biến động hối hả của cơ chế thị trường – tình yêu được cân đo đong đếm, cộng trừ rạch ròi như một công thức toán học – thì Nguyễn Ngọc Hưng vẫn thèm và vẫn tìm một tình yêu trong veo miền cổ tích và lãng mạn như sóng vỗ mạn thuyền. Anh đi trong cuộc mộng du dài hạn với tình yêu, nhưng khi tỉnh lại anh vẫn đủ sức hoài nghi:
… Đâu chỉ là thơ
Đâu chỉ chỉ là tranh
Em huyền diệu trong mọi chiều thương tích
Sân khấu trần gian chưa hạ màn bi kịch
Trăng còn treo trên đỉnh dốc Mộng Cầm
Thế giới lâu rồi vắng bóng tri âm
Ngơ ngác trăng trôi về phố huyện…
(Trăng vỡ)
Hoài nghi cứ hoài nghi nhưng yêu vẫn cứ yêu, yêu để có cảm hứng làm thơ, như Macxim Gorki từng nói: “tình yêu là thơ ca…”. Vì thế Nguyễn Ngọc Hưng dù biết đó là tình yêu không thực vẫn cứ chấp nhận:
Em giả dối ba lần? Không sao cả
Bởi yêu em anh đã dối trăm lần
Trăm giả dối nuôi một tình chân thật
Đâu có gì phải đo đắn phân vân
(Xô nê cho em)
Với lại Nguyễn Ngọc Hưng yêu là để thỏa mãn nhu cầu tâm hồn (nhu cầu tâm hồn – NGTC nhấn mạnh). Vì thế anh khẳng định:
Nếu yêu nhau bằng tình yêu chiếm hữu
Em sẽ hủy hoại tôi và hủy hoại chính mình
(Tôi cũng là xương thịt giống em thôi)
Tôi hoan nghênh tình – yêu – không – chiếm – hữu của Hưng, bởi đó mới chính là tình yêu đẹp!
Một mùa thu hao gầy của trời đất, một chiếc lá mơ phai cũng khiến anh nửa đùa nửa thực liên tưởng đến thân phận của kiếp người:
Bay đâu?
Bay đâu, lá vàng?
Chiều thu gió dạt lang thang cuối trời
Tháng ngày xanh nhởn nhơ chơi
Mải mê quên cái mảnh đời te tua…
(Thu hao)
Trong 42 bài thơ gồm nhiều thể loại và chủ đề, anh viết về tình cảm gia đình năm bài, tôi dừng lại ở bài Lời sám hối mặt trời với đoạn:
Với mẹ chưa tròn hiếu đạo
Với thơ chưa cháy hết mình
Với đời con chưa sạch nợ
Làm sao yên ổn tâm linh?
…
Mẹ ơi! Trong cõi vĩnh hằng
Có nghe lời con sám hối
Mặt trời đi qua đêm tối
Ngập ngừng tia nắng đầu tiên
(Lời sám hối mặt trời)
Chủ đề mẹ con, gia đình nói bao giờ cho hết được, lòng thương kính ta dành cho mẹ biết nói mấy cho vừa, cho đủ. Nhưng, nước mắt không bao giờ chảy ngược, nước biển không bao giờ đổ lên nguồn, chẳng có đại dương nào rộng lớn bằng tấm lòng của mẹ. Yên tâm đi Hưng ạ, ở cõi vĩnh hằng Mẹ đang nhìn Hưng cười độ lượng khi biết Hưng còn nhớ và khẳng định:
… Mỗi – con – người – vĩnh – cửu – một – lời – ru!
Và Mẹ mãn nguyện khi biết dù khó khăn đến mấy Hưng vẫn cố vượt qua để thắp sáng ngọn lửa tin yêu cho bản thân, cho mọi người:
… Muốn xua bóng tối cuộc đời
Ngày đêm tôi thắp rực lời trái tim
Ơi người xe chỉ luồn kim
Áo manh không ngại thì tìm vá nhau
Dù trong gió thảm mưa sầu
Ngọn đèn tôi chẳng cạn dầu tin yêu!
(Thắp đèn)
Vâng, đấy là ngọn đèn của nghị lực, là ngọn Lửa xanh thầm âm ỉ cháy trong trái tim nhạy cảm của người thơ, dâng hiến hết mình cho thơ! Người thơ Nguyễn Ngọc Hưng có nhiều nơi chốn trong quá khứ để vọng về – một góc sân trường để mà thương con đường đi suốt tuổi học sinh, có một bờ sông nghẹn gió để đến hỏi lại người xưa:
Người mong gặp lâu rồi nay đã gặp
Sao bướm vàng sớm đậu trái mù u?
Với 7 tập thơ đã đến với công chúng và 3 tập đã tổ chức bản thảo đợi in, đó là thành quả lao động trí tuệ đáng trân trọng của Nguyễn Ngọc Hưng:
Lá khô xác, lá không khô hồn lá
Nối đất trời tươi rói một đường bay
Hai câu thơ ấy như một bản tuyên ngôn ngắn gọn của tác giả Lửa Xanh Thầm.
Vâng, chúc người thơ Nguyễn Ngọc Hưng mãi mãi tươi rói một đường bay!