Má tôi là bộ đội – Truyện ngắn của Trần Ngọc Đức

1312

(Vanchuongphuongnam.vn) – Má phe phẩy cái quạt mo đi vào nhà rồi ngồi uỵch xuống phảng gỗ. Có lẽ má đang giận ai đấy. Mà giận ai cơ chứ. Sáng giờ có ai ở nhà đâu mà chọc má. Tía vác cuốc thăm ruộng từ sáng sớm. Thằng Lụt cũng té ù theo bọn thằng Choai, thằng Choắt mặc áo Đoàn đi trực chốt kiểm dịch từ lúc mặt trời còn chưa dậy. Tui thì loay hoay trong chuồng heo từ sáng đến giờ. Đã có tị nị được với má câu nào đâu.

Chuyện là con heo nái chuyển dạ từ đêm qua, nhưng con so, nó ụi chảy cả máu miệng vào thành chuồng nhưng mãi vẫn chưa vỡ ối. Lâu nay chuyện ruộng vườn trâu nái vẫn do tía lo. Chuyện ăn ngủ học hành, lợp lờ cua cá là của thằng Lụt. Tôi thì đại thể cũng như thằng Lụt nhưng kiêm thêm chuyện bếp núc sau giờ học. Còn má, bốn giờ sáng đã treo cây bẹo hành, tỏi, ớt, chồng chềnh một mình với nồi bún riêu, chèo ghe ngược dô ngã ba sông bán cho khách du lịch đến ba, bốn giờ chiều mới về. Bao năm nay, mưa hay nắng, triều lên hay xuống, má chẳng nghỉ bữa nào. Bởi nhà bốn miệng ăn, hai miệng đang đi học, một miệng thì đau ốm suốt do vết thương từ lúc đi bộ đội đến giờ vẫn hành hạ. Má mà nghỉ một bữa thì lấy đâu ra tiền thuốc, tiền chợ, tiền học… cho cái gia đình này.

Thế đấy, nhưng rồi má cũng nghỉ bán thiệt, nghỉ hẳn hơn một tháng nay. Chuyện hai mươi năm buôn bán trong đời má buộc phải làm. Mà không nghỉ cũng không được. Đó là quy định của nhà nước. Mà mình là người dân thì phải thực hiện theo. Bởi chuyện phòng chống dịch bệnh là chuyện quan trọng nhất lúc này. Vậy là má nghỉ mà lòng thì buồn mình ên theo con nước lớn ròng trước nhà.

Con heo vẫn cứ ụi ụi thành chuồng. Tội. Tội cho nó mà cũng tội cho tui. Một đứa sanh nở lần đầu. Còn một đứa con gái lần đầu đỡ đẻ. Tôi lạo rạo trong dạ, thầm trách tía đi thăm ruộng lâu quá. Nhìn vô trỏng, lại trách má sao còn ngồi thừ ra đó. Nhưng tôi còn chưa kịp lên tiếng thì đã nghe tiếng má vọng ra.

– Mày lóng ngóng ở ngoài chi dậy con… cá mương kia. Nó chưa có đẻ được đâu. Vào trong nhà pha cám với nước dừa cho nó uống lấy sức. Vào đây tao nói cái này luôn.

Tôi như vớ được vàng, nhanh chân nhảy tọt ra khỏi chuồng heo rồi chạy thẳng vào trong nhà.

– Sao má hỏng ra đỡ cho nó!

Như chỉ chờ có vậy, má gắt:

– Tao bảo mày lấy cám pha nước dừa cho nó uống. Con so, nó uống nước dừa để giãn thành bụng dưới mới đẻ được.

Tôi định lui cui đi pha cám với nước dừa thì má lại gắt.

– Thôi mày để đó đã. Vô trỏng lấy cây bút, rồi ra đây biên giúp tao mấy chữ.

– Ủa thế con heo… Tui mới thốt ra thế má đã ngắt lời

– Để nó ghì một chút cho giãn xương chậu cũng không sao.

Tôi vô phòng lấy cây bút bi ra chỗ phảng, ngồi cạnh dưới chân má, chờ má dặn biên cái gì. Chắc phải là chuyện to tát lắm. Vì hồi nào tới giờ có thấy má giấy bút gì đâu. Tự dưng hổng rày thấy má buồn vô cớ, mắt hay nhìn xa xăm trông ngóng. Cứ kiểu giống ánh mắt của bà ngoại những ngày cuối đời, vừa như trông ngóng, vừa nuối tiếc mà cũng như vừa muốn dặn dò. Hay, hay má thấy khó ở thật rồi, má muốn… di chúc lại ư. Tự dưng nghĩ tới thế hai hàng nước mắt tôi lăn dài. Thôi đúng là thế rồi. Tôi cố bật ra trong nước mắt:

– Má, má đừng bỏ tụi con theo… ngoại nha! Má… má!

Mặc cho tôi ú ớ dưới chân, mắt má vẫn nhìn xa xăm ra chỗ chuồng heo nhưng hình như má không nghĩ về con heo má đang tính toán gì đó trong đầu. Tiếng khóc mỗi lúc một to của tôi làm má giựt mình. Má lại gắt:

– Cái con này, tự nhiên lại sướt mướt thế. Mày khóc như… cha chết vậy!

Má nói vậy mà đâu có biết tui khóc như… má chết đâu. Tôi ngặt nghẽo:

– Thế không phải má định … di chúc lại à! Tui ngây ngô. Má lại gắt:

– Đời tao có mỗi hai đứa tụi bây là đáng kể ra. Mà giờ tao có…di chúc hai đứa tụi bây lại thì có ai… dám nhận hông. Lớn hết cả rồi, mà hở ra là sướt mướt như cá mương gặp bèo à!

Tôi ngây người ra. Quẹt má ngăn dòng nước mắt. Định cố cãi chuyện năm rồi hai chị em tôi đều đạt học sinh giỏi. Sao má lại đánh giá hai chị em tui chỉ bằng… con cá mương chứ. Nhưng thấy má bắt đầu nghiêm giọng nên tôi thôi.

Đại để là má bảo tôi biên cái tờ đơn xin tình nguyện đi tham gia … chống dịch covid19 ở trên thành phố. Mới nghe má nói tui đã cứng tay.

– Ủa, vậy là sao má. Sao má lại bắt con vào… chỗ chết. Con mới có ý định năm nay thì ngành y thôi. Chứ có biết chi đâu mà má lại xin cho con đi… chống dịch. Má có phải má… ruột tui không vậy?

– Ngữ mày làm được gì. Chỉ có nhoi nhoi như con…cá mương à. Má lại gắt giọng. Và mỗi lần má gắt giọng là tui thành…con cá mương.

– Tao xin là xin cho tao à. Mày ở nhà mà lo cho tía mày với thằng Lụt, nhớ nhắc tía mày uống thuốc đầy đủ. À, còn con heo nữa. Tao đỡ đẻ xong cho nó tao đi. Mày ở nhà không để nó ăn uống đồ sống nhiều, tanh bụng tanh sữa nghe không.

À! Thì ra mấy ngày nay má vô ra bồn chồn là vì chuyện đó. Cứ tưởng má buồn, má bực vì mấy tía con tui. Chứ đâu có nghĩ là như vầy. Đúng rồi, cả nước đang gồng mình chống dịch. Chắc ở nhà hổm rày má cũng thấy tay chân thừa thải rồi. Tôi ngây ngây hỏi má:

– Ủa, mà má chống dịch kiểu gì. Bộ trên nó họ cần người nấu … bún riêu… Tôi chưa dứt lời đã ăn ngay cái cốc vào trán.

– Mày biên lẹ, chữ cho rõ ràng theo cái mẫu tao đưa đây.

Nói xong má phủi đít đứng dậy vào buồng trong. Tui đón lấy mẫu giấy má đưa rồi điền thông tin của má vào.

Má đi ra với mớ giấy tờ gì đấy trên tay. Rồi lại nhìn ra chuồng heo – chắc má cũng đang ngóng nó vỡ ối – rồi lại nhìn xuống… cái con cá mương đang hí hoáy. Lần này má nói chứ không gắt:

– Con viết xong, kẹp mấy cái giấy chứng chỉ này của má rồi sang đưa cho ông Bảy trưởng ấp. Nói ổng chuyển lên cấp trên xem xét cho má. Đi lẹ, khẩu trang, mũ nón đầy đủ vào nhé. Con heo để đó má lo!

Tôi nhận lấy từ tay má một vài mảnh giấy nhỏ đã ngã màu bàng bạc. Đó là một số chứng chỉ chứng nhận má từng là y tá trong quân đội. Có cái từng chứng nhận má đã tham gia tại chiến trường Tây Nam, lúc đánh nhau với bọn Pôn Pốt thì phải. Tôi tần ngần, cố đọc lấy đọc để mọi thứ má đưa. Trời ơi! Thế mà lâu nay cứ tưởng tía tôi mới là bộ đội thôi đấy. Sao má lại giấu nhẹm chuyện này thế nhỉ. Sao má không đi chữa bệnh cho mọi người mà lại đi… nấu bún riêu thế nhỉ. Hay là, đúng thế không nhỉ… Mớ suy nghĩ tới tấp đến trong đầu. Nhưng khi tôi chưa có câu trả lời chính xác thì má…lại gắt nhưng lại mỉm cười:

– Con… này, đi nhanh rồi con về. Mặt trời xẻ nước đóng đinh dưới kênh rồi đấy!

 Ôi! Má cười mới đẹp làm sao. Mà má cũng không gọi tôi là con…cá mương nữa. Tôi quơ mớ mũ nón, khẩu trang, xịt tay sát khuẩn rồi làm điệu bộ con nhà binh

– Tuân lệnh ạ!

Ra tới kênh, xuống ghe, tôi ngoáy đầu lại thấy má đang xách xô cám ra cho con heo nái. Dáng má bước vững chãi đúng tác phong quân đội, bây giờ tôi mới nhận ra. Thấy tôi tần ngần, má ngước lên nhìn về phía tôi vẫy vẫy ra hiệu đi nhanh rồi về. Mặt trời đã đứng bóng con sào, nhà ông Bảy trưởng ấp không xa, nhưng tôi muốn chèo thật nhanh. Tôi muốn báo cho ổng biết má tôi từng là… bộ đội, và tôi muốn đây là lá đơn tình nguyện đi chống dịch đầu tiên của ấp được gửi đi. Một cảm giấc lâng lâng chạy khắp người. Đó là đơn của má, nhưng tôi nghĩ tôi cũng có một phần trong đó. Ít nhất thì cũng có… nét chữ của tui trong đó.

***

Mâm cơm trưa nay có cá sặc chiên mắm gừng – cá tía bắt khi sáng, chả cua nấu rau tập tàng – món này dĩ nhiên của má, thằng Lụt góp mớ bông điên điển với ngó lục bình non để xào chung với mớ…. cá mương do tôi xúc được từ chiều hôm qua. Nói để thèm, chứ thật ra những món này ở quê ăn miết. Nhưng hôm nay có vẻ mọi thứ đều ngon hơn bình thường. Má mở đầu câu chuyện:

– Con heo nái nhà mình thế mà giỏi! Con so mà nguyên ổ bảy em núc ních. Sữa về luôn sau rốn cuối. Cả bầy ngủ ngoan từ nãy đến giờ.

Tía lại góp vui:

– Má tụi bây mát tay thì có. Hồi ở rừng, tao từng thấy bả đỡ đẻ rồi xuống sữa luôn cho một phụ nữ người Cam (Campuchia) lâm bồn. Mà lúc đó bả mới có mười bảy, mười tám tuổi thôi đấy.

Má lại gắt giọng:

– Cái con cá …( hình như má lại muốn nói cái con cá … mương như tôi tồng ngỗng rồi mà chẳng biết chi hết ) mương này xào với điên điển và ngọn lục bình ngon thiệt đấy. Xào ngon như thế nào không dễ đâu ha. Má vừa nói vừa nhìn tôi tỏ ra ngưỡng mộ. Rồi má lại dịu giọng

– Chắc mai thôi, cấp trên họ sẽ cho tui đi tham gia chống dịch. Mấy tía con ở nhà tự lo cho nhau nhé. Việc nước thì bao giờ cũng phải ưu tiên trên hết. Đất nước cần thì mỗi người dân đều phải có tinh thần tự nguyện tham gia. Mà những lúc như thế này thì mới biết con cái mình nó cũng lớn, cũng biết nghĩ hết rồi, tía nó thấy có đúng không?

Má hỏi mà như muốn tía đồng ý ngay. Tía gật gật cái đầu hưởng ứng theo. Ngoài sân những tàu dừa đang reo trong gió. Nước từ dưới kênh theo gió khỏa lên mát rượi cả không gian xanh ngắt đầy sức sống bên trên. Lũ heo con háu đói đã bắt đầu ầm ĩ tìm vú mẹ. Phía xa ngoài sông lớn, nhiều chiếc ghe có căng dòng băng rôn “hàng hóa ủng hộ đồng bào chống dịch” máy nổ phành phạch đang ngược con nước tiến về phía thành phố trong niềm hân hoan của sóng.

T.N.Đ