Ma Văn Kháng & Người đẹp phố huyện K.

626

02.12.2017-07:00

 Nhà văn Ma Văn Kháng

 

Người đẹp phố huyện K.

 

TRUYỆN NGẮN CỦA MA VĂN KHÁNG

 

NVTPHCM- Phố huyện K. leo tèo hiu hắt. Xung quanh là núi bao bọc. Vài ba đường phố, với dăm bảy cái nhà cao tầng, còn thuần là nhà lợp cỏ, tường xăm đá xanh. Dân số chưa đầy năm ngàn người, lại thuộc ba sắc tộc Kinh, Giáy, Cao Lan. Nghề nghiệp bán nông, bán thương. Phố huyện K buồn tênh.

 

Xưa rày chẳng mấy ai chịu lên công tác ở miền đất khỉ ho cò gáy này nên Nhà nước đành đặt ra cái lệ, ai lên đây nhận việc, thì được hưởng thêm năm mươi phần trăm lương và chỉ phải lưu lại trong một thời hạn là ba năm thôi. Nói cho đúng phố huyện này sở dĩ tồn tại và có chút sinh khí chính là nhờ nó có một cái nhà ga. Nhà ga mỗi ngày đón và tiễn một cái đầu tầu kéo năm toa đĩa chở quặng sắt từ một khu mỏ cách đây 5 kilômét và độc một toa hành khách. Với dăm ba nhân viên, ngày hai ba lần rè rè tiếng kẻng khua báo hiệu tầu đến  tầu đi.

 

Phố huyện K. buồn lắm! Vậy mà lạ chưa cái phố huyện miền sơn cước này  sao mà lắm phụ nữ đẹp thế! Nói làm gì những thiếu nữ măng tơ mười tám đôi mươi. Vì xấu như ma cũng trà con gái. Đằng này phụ nữ ở đây đến tuổi bà tuổi chị mà vẫn còn phây phây mỡ màng tươi đẹp mới lạ chứ! Phát hiện điều này cùng lúc là ba thầy giáo trẻ cùng được điều lên đây để mở trường cấp 3 trong một năm. Đó là bộ ba tướng sĩ tượng thầy Khang, thầy Sâm và thầy Cầm. Văn hóa đúng là cho người ta một tầm nhìn cao sâu hơn người thật. Thành thử thầy Khang dạy văn ngay từ buổi đi thăm phố huyện khi vừa bước chân lên đây, cùng lúc trong bụng nghĩ: thôi cố cắn răng mà chịu đựng cho đủ thời hạn lưu đày ba năm là hơn  nghìn ngày ở xứ u tì quốc này, thì đã  lập tức nở tròn hai con mắt kinh ngạc. Ôi trời! Chẳng lẽ phố huyện K. này là cái nước Vénézuéla ở Nam bán cầu thu nhỏ chuyên cung cấp các Miss World cho hành tinh này? Chẳng lẽ nó có thể sánh được với xứ Tuyên Quang nước ta, vốn được mệnh danh là Miền gái đẹp?  Hay là phố huyện K. ở cao trên một gần một ngàn  mét, thuộc miền khí hậu á nhiệt đới, đêm ngủ quanh năm đắp chăn bông, nên âm thịnh dương suy, trong khi đàn bà thì hai má đỏ rạn, bầu ngực hở căng như khung vải dệt, eo hông mượt mà như xa tanh thì đàn ông mới ngoài  ba mươi mà anh nào anh ấy củ rủ cù rù èo uột  lượt khượt như cò bợ dính mưa cả lũ. Hay đây là một trò đùa của tạo hóa, điều ẩn mật   trêu ngươi của lịch sử!

 

Thôi, chuyện ấy để các nhà xã hội học, nhân chủng học gì đó lo phân giải. Còn những kẻ đương thời thì  hãy cứ biết hưởng thụ cái đã. Hưởng  thụ có nghĩa là bàn bạc là ngắm nhìn là chiêm ngưỡng là mơ mòng. Và những kẻ đương thời ở đây, ngoài thầy Khang  dạy văn, thầy Sâm dạy vật lý, còn là thầy Cần dạy toán, bộ ba xe pháo mã tất cả đều xuân xanh chưa đầy ba chục. Trường trung học mới lập, có nhõn một lớp 10, nên rỗi rãi. Rỗi rãi nên các thầy có nhiều thời giờ và lý sự để trò chuyện bàn thảo với nhau.

 

Chẳng hạn, đầu năm có đoàn xiếc về phục vụ bà con. Đi xem xiếc về, thầy Cầm liền pha một ấm trà rồi  mời hai thầy kia lại, nhâm nhi cùng trò chuyện với nhau về cái nghệ thuật siêu đẳng này. Thế đó, dùng thời giờ rảnh rỗi để trao đổi nhận xét về các sự vật xung quanh mình là việc làm thú vị lắm chứ! Là bởi vì,  sống nếu chỉ là sự nối tiếp những ăn uống, ngủ nghê, làm lụng, thì mới chỉ là sống có một nửa thôi!  Sống  là phải chiêm nghiệm, phải  suy ngẫm. Vì chỉ nhờ  có thế mà  ta mới có dịp thâm nhập sâu vào bản thể sự vật, thấu đáo được điều vô hình ở trong cái hữu hình, nhận ra được bài học ở thể vô ngôn có khi còn sâu sắc hơn cả một lý thuyết có sẵn văn bản kia!

 

Tất nhiên bàn bạc điều gì thì dấu vết nghề nghiệp của từng người cũng lồ lộ. Chẳng hạn thầy  Sâm dạy vật lý, nên nói đến xiếc là thầy bảo ngay rằng nó chính là cái vô lý có thật. Nó giống như lý thuyết tương đối của Albert Einstein vĩ đại. Nó trái với chân lý thông thường. Còn thầy  Cần dậy toán  thì bảo xiếc là sự tăng tốc ra ngoài giới hạn,  là sự siêu chính xác, là toán xác suất. Trong khi đó, khác hẳn hai thầy dạy môn khoa học chính xác, thầy Khang bao giờ cũng có ý kiến nghiêng về cảm xúc nhân văn. Tính tình điềm đạm, nhu nhã, thầy Khang nói: Xiếc là nghệ thuật của tính cộng đồng, của tình tập thể, của sự hợp đồng, của lòng thuỷ chung. Hãy xem tiết mục nhào lộn trên đu cao. Nghệ sĩ bên này bay người sang bên kia. Bên kia, một nghệ sĩ nằm trên đu đã sẵn sàng giơ tay đón bắt. Tôi cứ nghĩ mà rùng mình. Ngộ nhỡ… Thế đấy, tôi nghĩ: Tất cả những thói đời xấu xa ở cõi trần gian này như cơ hội, bon chen, xỏ lá đểu giả, ích kỷ hại nhân, đều tuyệt đối không được bén mảng tới đây. Xiếc là một thánh đường tôn nghiêm của con người!

 

***

 

Vậy thì, theo các thầy, thế nào là một phụ nữ đẹp?

 

Một buổi sáng, khơi mào câu chuyện theo lệ thường là thầy Sâm. Nhưng lần này người phát biểu đầu tiên lại là thầy Cầm. Thầy Cầm nói: Người đàn bà đẹp là người đứng cách xa 100m ta đã thấy đẹp. Và  liếc mắt một cái là thấy đẹp ngay! Thầy Sâm khen cái gọi là tiêu chuẩn cự ly thầy Cầm đặt ra, nhưng giơ tay xin ngắt lời thầy dạy toán rồi  thêm: Kể hai thầy nghe. Hồi đó tôi còn dạy ở trường Sư phạm Sơ cấp của  tỉnh. Một lần, đến Cửa hàng Sách giáo khoa, tôi mua một lúc hai trăm cuốn sách Vật lý học. Và đề nghị cửa hàng cho hoá đơn. Cô bán hàng lấy tập hoá đơn ra, cầm bút viết, ngẩng lên hỏi: Anh công tác ở đâu ạ? Thì cũng tưởng như mọi sự bình thường, nào ngờ vừa nói tên trường, cô bán hàng đã tròn mắt, rồi nghẹn ngào: Ôi, anh thật may mắn, thật hạnh phúc! Ước gì em được như anh? Các bạn có biết vì sao cô ấy nói thế không? Hỏi, mới biết: vì ở trường Sư phạm Sơ cấp tỉnh năm ấy có cô giáo Ngà đẹp như tiên giáng thế! Đẹp đến mức được ở cùng một đơn vị cơ quan đã là một hạnh phúc! Vậy người đàn bà đẹp là người gây nên một cộng hưởng cho môi trường vật lý.

 

Thầy Cầm bật cười và vỗ tay: Tuyệt vời!

 

Rồi quay sang nhìn thầy Khang: Thế nào, thầy dạy văn, chẳng hay thầy có ý kiến gì? Thầy Khang  nói gì? Đâu rồi khuôn mặt trắng hồng điển trai, với cặp mắt đa cảm của thầy. Mặt thầy hôm nay là một buổi sáng ảm đạm.  Và cả hai thầy cùng há tròn miệng vì  một lát sau, thầy  dạy văn bỗng thở hắt ra và quay đi, thì thầm: 

 

– Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo. Em nhớ cho.  Mùa thu đã chết rồi. Đã chết rồi. Em nhớ cho. Đôi chúng ta sẽ chẳng nhìn nhau nữa. Trên cõi đời này. Từ nay mãi mãi không thấy nhau. Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo. Em nhớ cho. Rằng ta vẫn chờ em. Vẫn chờ em…

 

– Thầy nói cái gì vậy?

 

Chờ cho hai  người bạn đồng nghiệp cùng đồng thanh cất tiếng, thầy Khang mới khe khẽ:

 

– Bài thơ Mùa thu chết của thi sĩ người Pháp Guillaume Apollinaire đấy, nhị vị ạ. Nhưng tôi xin nói thêm: Người đẹp và cái đẹp nói chung là đối tượng của nghệ thuật, nhưng chỉ là nghệ thuật đích thực khi nó gây cho ta một nỗi buồn. Một nỗi buồn, thật là thế, các bạn ạ…

 

***

 

Cuối cùng thì bí mật đã đươc khai mở. Hóa ra là thầy Khang từ bấy lâu vẫn thầm yêu cô Hương nữ sinh người Cao Lan học lớp 10. Cô  Hương  đẹp thật! Gương mặt tròn trắng phau. Đặc biệt là hai con mắt trong vắt và đen láy láy. Nhưng lạ hơn cả vẫn là  hình vóc. Rõ ràng là một thể chất lao động  mà vóc dáng lại thanh nhã, quyền quý như con gái nhà thế gia. Bờ vai tròn nhỏ xinh. Phập phồng sau làn vải mỏng tấm áo màu xanh thanh thiên, cài khuy bên sườn là một khuôn ngực nở nang tròn đầy. Một miền da thịt thanh tân thấp thoáng nơi khuôn cổ, vùng ức và miền eo hông mượt mà êm mướt!

 

Buồn thay, cô Hương đã thôi học rồi. Mùa thu ấy thị trấn mở hội diễn. Một gã nhạc sĩ  từ Sở Văn hóa tỉnh vào giúp các đoàn văn nghệ nghiệp dư dựng các tiết mục. Và bế mạc hội diễn hôm trước thì hôm sau cô Hương đến trường xin thôi học. Tiếp theo ngày hôm sau nữa, nghe tiếng còi tầu thét vang ở ngoài ga nhỏ, thầy Khang xốc xếch cái khăn quàng chưa kịp quấn quanh cổ chạy ra. Thì chỉ còn nhìn thấy cái  chấm đèn đỏ như một con mắt đau gắn ở đuôi con tầu đang trôi từ từ vào màn sương chiều.

 

Thầy Khang gửi tâm sự vào thơ Apollinaire và bây giờ chiều chiều lại tha thẩn ra cái nhà ga xép nho nhỏ này. Dõi con mắt về xuôi, thầy có cảm giác, thầy  đang tìm kiếm bóng hình cô Hương và gửi đi tín hiệu từ trái tim mình với cô. Một trái tim đa tình đa cảm chân thành, trang nghiêm và chung thủy. Dõi con mắt về miền xuôi, thầy có cảm giác thầy  như đã bắt được tín hiệu cô Hương nhận và đáp trả lại. Và thế đó, nhiều hôm trở về từ nhà ga, gương mặt thầy  lúc thì  buồn bã ỉu sìu, khi lại phấp phỏng lơ ngơ rất lạ lùng. Thì thầm đó đây mấy thông tin về  chuyện cô Hương như sau. Rằng thì  là gã nhạc sĩ lên đây đưa cô  Hương đi là một tay chơi sành sỏi. Gã đã làm một bài thơ về cô. Bài thơ có những câu khiến cô mê mẩn: Người đẹp trông như tuyết. Chạm vào lại thấy nóng. Người đẹp trông như lửa. Sờ vào lại thấy mát. Người không khát, nhìn thấy người đẹp cũng khát. Người không đói, nhìn thấy người đẹp cũng đói. Người muốn chết, nhìn thấy người đẹp không muốn chết nữa. Rắp tâm ve vãn để chiếm đoạt cô, gã còn tìm cách đưa cô Hương vào đoàn ca múa do hắn làm trưởng đoàn. Rất may, cô Hương đã nhận ra chân tướng  gã. Gã là một thằng nghệ sĩ lưu manh, một tên ăn cắp. Bài thơ xuất sắc nọ là của nhà thơ Lò Ngân Sủn, người Giáy chứ không phải của gã. Gã đã có vợ và hai con.

 

***

 

Thế mới biết cái đẹp là phong phú vô tận sức cuốn hút, chứ đâu có cạn cợt như cái xấu xí tàn độc. Cái đẹp thật tình là phong phú dồi dào sức cuốn hút thật. Chứng cớ đầu tiên là quên bẵng đi là thời hạn lên đây chỉ là ba năm. Ba thầy Cầm, Sâm, Khang đã năm cái Tết qua, vẫn còn ở lại đất này.

 

Chứng cớ là thầy Sâm mới được đề bạt hiệu trưởng đã tỏ tình với cô Riên, một cô gái người Giáy má lúm đồng tiền, mặt hình trái đào tiên. Cô Riên mở nhà hàng. Nhà hàng ăn của cô chuyên kinh doanh đặc sản lợn Mường Khương cắp nách quay và rượu men lá. Lợn quay nhồi lá thơm cây mác mật ở rừng mùa thu cho thịt một hương vị không đâu có. Giờ thì thầy Sâm ngoài  công việc lãnh đạo nhà trường, ngoài thì giờ lên lớp say sưa với nhị thức  luận của Newton và cặm cụi với định  luật Pascal, định luật  Nien Bo trong phòng thí nghiệm ở trường, là thầy hăm hở với công việc cải tiến men rượu lá và  xây trát  hầm bioga cho người yêu.

 

Hạnh phúc là một quá trình. Điều đó đúng với trường hợp thầy Cầm. Thầy yêu cô Linh. Cô Linh cũng gái Cao Lan góa chồng, hơn thầy bốn tuổi. Chồng cô là một gã nghiện oặt sà lai, đã chết cách đây năm năm vì bị sốc thuốc. Nhưng không sao hết. Cô Linh đẹp mỡ màng nồng cháy. Dính líu vào một vụ vận chuyển ma túy, cô Linh  bị phạt tù ba năm. Cũng không sao hết! Và bây giờ, tài năng toán học của thầy, ngoài việc giảng dạy cho học trò  về toán giải tích với đạo hàm, còn dùng để  hàng ngày ngồi  lầm nhẩm tính toán số ngày còn phải chờ đợi cô Linh thoát vòng lao lý để làm lễ cưới như đã hẹn hò.

 

Chao ôi là các cung bậc ái tình với các người đẹp! Sao mà nó ly kỳ và lãng mạn là vậy. Và hiển nhiên nói đến lãng mạn là phải kể đến tình yêu của thầy Khang với cô Hương. Có ngày nào thầy không có mặt ở nhà ga xe hỏa, để ngóng chờ tin tức của người tình. Rồi một ngày nọ, thầy  Khang từ nhà ga hấp tấp trở về, ngó vào buồng thầy Cầm; chưa để thầy Cầm kịp nói: Mừng cho mình đi! Cô Linh được hưởng ân xá lần thứ ba do chân thành cải tạo. Còn  đúng mười ngày nữa cô Linh hết hạn tù rồi!. Thì thầy Khang đã  xô vào kéo tay bạn, hổn hà hổn hển và rối rít: Đi! Đi với mình. Đi với mình! Cứ đi rồi khác biết. Nơi hai thầy đến là nhà hàng của thầy Sâm và cô Riên. Thầy Sâm lau hai bàn tay dính đầy dầu mỡ vì đang chữa cái máy bơm để rửa chuồng lợn cho cô Riên, vừa định quay vào gọi người tình: cho bọn anh một mâm lên đây, thì đã bị thầy Khang và thầy Cầm kéo tay; và không hiểu hai thầy nói gì, thầy bỗng tái mét mặt,  thểu thảo không ra hơi: Bỏ mẹ! Làm thế nào bây giờ!

 

Thì ra, thầy Khang trưa nay theo thói quen ra ga tầu hỏa để đón thư cô Hương thì gặp một người đàn bà  xộ xệ và một gã trai đầu trọc mặt mày sần sẹo, cả hai  sấn đến hỏi thăm nhà thầy  Sâm, và hùng hổ nói rằng, phen này lành làm gáo vỡ làm muôi, chứ nhất quyết không để  hắn ăn ở hai lòng như thế được, đoán là có chuyện chẳng lành, nên tức tốc chạy về báo tin.

 

– Chết cha tôi rồi. Mụ đàn bà ấy là vợ tôi. Thầy tôi cưới ả cho tôi khi tôi còn đi học phổ thông. Còn gã đàn ông là em trai mụ. Thằng này nổi tiếng côn đồ xã tôi. Các ông có cách nào giúp tôi đi, không chết cả nút bây giờ!

 

Giọt nước đã tràn ly. Cái kim trong bọc cuối cùng đó thòi ra. Hóa ra  thầy Sâm đã có vợ, dù là tảo hôn. Nhưng thôi trước mắt cứ phải là cởi gỡ cái đã. Cả hai thầy Văn và Toán đều đang nhăn trán bí rì thì ngoài cửa hàng đã nghe thấy tiếng cô Riên lóe xóe mời khách và tiếp ngay sau đó là một giọng đàn bà the thé: Ăn uống gì hả? Có món nào tên gọi Thầy Sâm thì đưa ra đây cho ta ăn gỏi !

 

Chết thật rồi! Tuy nhiên, đúng lúc cuống quýt thì anh hoa phát tiết, thầy Khang nhanh trí lập tức kéo tay thầy Sâm. Và nhận ra cái  nháy mắt làm hiệu của thầy Khang, thầy Cầm hiểu ý, liền chung tay đẩy thầy Sâm vào căn bếp, rồi cả hai thầy cùng thầy Sâm nhanh nhẹn chui vào căn hầm bioga đang xây dở làm nơi ẩn nấp.

 

– Thế nào, món Thầy Sâm đâu, sao gọi mà không thấy đưa lên?

 

Nghe giọng nói đầy vẻ khiêu khích của người đàn bà vóc hình xộ xệ, cô Riên hiểu ngay tình thế, liền bưng tới một cốc nước sâu – đặc sản,  tươi cười:

 

– Chị gái mới ở đâu lên, chắc còn lạ nước lạ cái, nên nói gì em không hiểu.

 

– Không hiểu thì ta nói cho mà hiểu: Mi có biết, lão Sâm là thằng cha máu Dê không? Có biết ta là con đàn bà thuộc dòng Hoạn Thư không?

 

– Dạ!

 

– Có biết ta là dân đao búa nổi danh xứ Đoài không? Có biết ta đã từng bóc lịch trong nhà đá ba năm và hiện có năm cái tiền án, sáu cái tiền sự không?

 

Gã trai đầu trọc, mặt mày sần sẹo phanh áo, gác chân lên ghế, sừng sộ tiếp theo một tràng. Cả hai đâu có ngờ. Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Cô Riên là gái nhà hàng, bản lĩnh cao cường đã được rèn luyện, nghe vậy, liền miệng cười nhạt, rồi vừa rút điện thoại di động trong túi ra vừa ỏn ẻn:

 

– Dạ. Chị gái và anh trai đã tự giới thiệu, vậy thì em cũng đành nhờ ông anh em là trưởng công an thị trấn này đến để tiếp chuyện vậy.

 

Trời! Thế này thì to chuyện rồi! Ngồi dưới hầm bioga, thầy Sâm run như cầy xấy. Rồi sau khi rên hầm hầm một hồi, thầy ghé tai hai bạn đồng nghiệp: Này, nếu nó có đến trường truy tìm tôi thì các ông bảo: Tôi được phân công lên xã Khu Chu Lìn dạy bổ túc cho cán bộ xã từ mấy tháng nay rồi nhé!

 

***

 

Khu Chu Lìn là một xã vùng cao heo hút, cách phố huyện K. một ngày đường đi ngựa cật lực. Không ngờ, lời nói bâng quơ lại ám quẻ. Tháng sau, khi vụ đánh ghen ầm ĩ thị trấn trôi qua, thầy Sám nhận án kỷ luật, bị mất chức hiệu trưởng, phải lên dạy bổ túc văn hóa thanh toán mù chữ cho cán bộ xã và dân sở tại ấy thật. Và sáu tháng sau, do bà vợ ở quê làm đơn tố cáo thầy vẫn chứng nào tật ấy, cố tình tìm cách ly dị bà, tỉnh liền quyết định sa thải thầy và trục xuất thầy về quề nhà Hải Dương.

 

Cái đẹp nói chung và người đẹp nói riêng là đầu mối của những câu chuyện rắc rối. Đó là một định nghĩa mới được phát hiện từ thực tế đời sống của ba thầy giáo trẻ. Tất nhiên, không phải chỉ có mộtthực tế là câu chuyện đánh ghen của bà vợ tảo hôn của thầy Sâm. Anh hùng bất qúa mỹ nhân quan! Năm ấy còn ba vụ nữa, cũng là đánh  ghen của các bà vợ mấy anh cán bộ Kinh lên công tác ở đây, thậm chí còn dữ dội hơn vì tình địch còn dọa đốt nhà và tạt át xít. Ái tình trước nay vốn là một kho chuyện ly kỳ!

 

Tuy nhiên sau cùng thì cuộc sống đã được chứng minh tình yêu chính là sự kết hợp hai mặt vui buồn, chứ không phải là cái gì khác. Thầy Sâm bị kỷ luật ra khỏi ngành được hai tháng thì thầy Khang được đề bạt hiệu trưởng. Chuyện tình của thầy và cô Hương bây giờ ai cũng biết. Suốt những năm tháng cô Hương đi xa, hai người vẫn giữ liên hệ với nhau. Và họ đã nhất trí với nhau rằng, thời gian hai người xa cách nhau sẽ còn dài. Vì cô Hương sau khi tốt  ngiệp đại học sẽ còn học lên cao học. Xa cách thì buồn, nhưng buồn thì thầy đã có thơ Apollinaire. Em nhớ cho. Rằng ta vẫn chờ em. Vẫn chờ em

 

Trong khi hầy Khang chờ đợi cô Hương trở về thì đám cưới cô Riên nổ pháo tưng bừng. Khoảng trống của thầy Sâm đã có  anh cán bộ người miền Trung đến lấp đầy. Anh này làm việc ở Trạm khí tượng phố huyện. Phố huyện mà cũng đặt Trạm khí tượng! Thì các cơ quan đoàn thể khác, dại gì mà không đặt chi nhánh. Hai năm sau thì đã  đủ mặt. Ngân hàng. Khách sạn. Nhà hàng. Siêu thị. Du lịch. Thậm chí cả hãng Hàng không Pacific. 

 

Ga xe hỏa phố huyện lên cấp thành một ga hành khách. Hú hú… xịch  xịch… Hàng  ngày có hai chuyến tầu lên và hai chuyến tầu  về xuôi. Thị trấn chẳng còn buồn tẻ như hồi bộ ba thầy giáo tướng sĩ tượng – xe pháo mã Cầm – Sâm –  Khang mới lên đây dạy học. Tất nhiên công đầu tạo nên cuộc tụ hội đông vui  là thuộc về  nghệ thuật. Cái đẹp là mục tiêu săn đuổi tối thượng của nghệ sĩ. Ăn phải bùa mê thuốc lú của con gái xứ sở này đầu tiên là các nhiếp ảnh gia. Theo chân các phó  nháy, tất nhiên không ai khác là các gã họa sĩ đầu bù tóc rối, quần bò, áo thổ cẩm, bê bết phẩm màu, đặt giá vẽ ở khắp nơi, bên eo đồi, cạnh bờ suối. Xuất hiện sau cùng là các nhà xã hội học, nhân chủng học. Miền đất này biết đâu lại có can hệ đến các cuộc biến thiên của lịch sử thời Lê, thời Mạc loạn lạc xa xôi nào cũng nên. Và như vậy các mỹ nhân thời nay có khi lại chính là con cháu của các ông hoàng bà chúa cung tần mỹ  nữ thất thế  lưu lạc  từ thời nảo thời nao nào.

 

Phụ họa thêm vào các lý do xã hội  và nhân văn: Mỏ sắt cách phố huyện 5 cây số đã mở rộng khai thác. Lâm nghiệp mới phát hiện giống dược liệu giảo cổ lam chữa bách bệnh. Lợn cắp nách và rượu men lá đã trỏ thành món ngon nổi tiếng tầm toàn quốc. Dân số phố huyện trong vòng mấy năm đã tăng lên một vạn mốt người.

 

Nàng công chúa ngủ trong rừng đã tỉnh thức. Con trai đàn ông miền xuôi lên đây làm việc, chẳng anh nào qua được cửa ải  mỹ nhân. Tất cả đều bị đám đàn bà con gái ở đây bỏ bùa mê. Hạn định ba năm và điều ưu tiên về lương bổng đã bị xóa bỏ. Quả thật sức mạnh cải hóa cuộc sống của cái đẹp chưa bao giờ  lại được biểu hiện dưới hình trạng độc đáo và  lạ lùng như thế! Tất nhiên là những vụ đánh ghen, ruồng rẫy vợ ở quê lấy vợ mới ở đây hoặc ngoại tình bí mật rồi bị vỡ lở, gây nên những xáo trộn an ninh trật tự xã hội, thậm chí  là những thảm họa kinh thiên động địa, cũng vẫn xảy ra đều đều. Rắc rối nhất và thê thảm nhất có lẽ là chuyện tình anh chàng nhân viên Trạm khí tượng lấy cô Riên. Hóa ra anh này đã có vợ  con ở quê hương xứ Nghệ. Nghe tin anh chàng  phụ tình, bà vợ liền hùng hổ lên đây cũng lại với quyết tâm lành làm gáo vỡ làm muôi, nhưng khi gặp cô Riên, liền bỏ hẳn ý định, rút êm, sau khi thú nhận với gã vệ sĩ rằng: Nó đẹp thế, mình là đàn bà con gái cũng còn mê  nó nữa là. Tuy vậy xót xa quá  là sau đó thì anh chàng này bị dư luận lên án dữ dội nên xấu hổ quá đã nốc hết hai lọ thuốc sâu để quyên sinh, dẫu có được cấp cứu kịp thời thì kết cục vẫn là một thảm kịch động trời!

 

Giờ thì thầy Cầm lấy cô Linh đã có tới bốn đứa con và tất nhiên thầy đã vui vẻ nhận kỷ  uật hoãn lên lương hai năm. Thầy chẳng lấy thế làm buồn. Các con thầy gái và trai đều khỏe mạnh và  xinh đẹp. Mẹ chúng bốn mươi mà mỡ màng nồng cháy thế kia cơ mà! Thầy nói. Và một hôm đang ngồi soạn bài thầy bỗng nghe thấy tiếng thầy Khang gọi ngoài cửa. Gì vậy? Sực nhớ chuyện bà vợ thầy Sâm lên đánh ghen hồi nào, thầy  run run hỏi lại thì thầy Khang đã xô vào lôi tay thầy: Tôi nhìn thấy thầy Sâm!

 

Thầy Sâm nào? Thầy Sâm nào? Thầy Sâm dạy vật lý chứ  còn thầy Sâm nào? Thầy Sâm yêu cô Riên, làm  hầm bioga cho cô, rồi cùng chúng mình chui vào đó trốn bà vợ thầy chứ còn thầy Sâm nào!  

 

Thầy Sâm thật! Thầy Sâm đang ngồi ăn bánh cuốn trong một quán ăn giữa ngôi chợ phố huyện. Một thân xác gầy gò. Một mái tóc muối tiêu. Một  chứng nhân thảm bại. Với hai con mắt bàng bạc lờ đờ đưa đẩy nhìn quanh, nuối tiếc và ngác ngơ. Phố huyện xưa đâu rồi? Đâu là cái quán ăn đặc sản lợn cắp nách và rượu men lá của cô Riên và những ngày tươi đẹp đã xa?

 

“Thi thoảng tôi vẫn trông thấy thầy ấy. Nhưng không muốn để thầy ấy biết, ông ạ. ”Thầy Khang nói và lẩm nhẩm đọc thơ. Lại  vẫn là thơ Apollinaire: Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo. Em ơi em mùa thu đã chết rồi…  Rồi gằm mặt, gục đầu, chép chép miệng: Buồn quá! Buồn quá!  Buồn quá thật! Tất nhiên, buồn còn vì thầy Khang muốn chia sẻ tình thương với thầy Sâm. Nhưng mà nói cho cùng thì nỗi buồn vẫn là có thật ở cuộc đời này. Vì cái đẹp là đối tượng của nghệ thuật mà nghệ thuật chỉ là đích thực khi nó đem lại cho con người một nỗi buồn, nỗi buồn xa vắng, cao sang, nỗi buồn của ao ước.   

 

Tháng 3.2014

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Thú dữ – Kiều Bích Hậu

>> Theo bầy – Nguyễn Ngọc Tư

>> Từ sông Đà tới sông La Ngà – Trần Quốc Toàn

>> Mưa đầu mùa – Tạ Ngọc Điệp

>> Mùa tựu trường nhớ mẹ – Trương Tri

>> Người đàn bà ôm lửa – Đặng Thị Thanh Hương

>> Cô gái tóc xoăn – Trần Thế Tuyển

>> Thứ trưởng sa cơ – Lại Văn Long

>> Lá thuốc – Tống Ngọc Hân

>> Cái thập giá của cô Sáu Quyên – Nguyễn Quốc Trung

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…