Một nửa Giáng sinh | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

591

24.12.2017-09:30

NVTPHCM- Không chỉ trong cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Giáng sinh từ lâu đã được cộng đồng hồ hởi chào đón. Nhưng Giáng sinh đâu chỉ là những thú vui, những kiểu trang trí có ông già Noel, với tuyết, với thông… Giáng sinh còn là dịp để người ta chia sẻ với những người cô đơn, bệnh tật, yếu đuối. Nếu chỉ du nhập vài thú vui, những kiểu trang trí bắt chước lễ Giáng sinh của phương Tây, hẳn là chúng ta mới có “một nửa Giáng sinh” mà thôi.

 

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã trở thành những thành phố lễ hội khổng lồ khi ngày Lễ Noel đến gần. Buổi tối, trời Hà Nội khoảng hơn 10 độ C. Nhưng không gian được sưởi ấm bởi rực rỡ đèn, hoa. Đâu đâu cũng những cây thông xanh đỏ. Thi thoảng lại bắt gặp những đứa trẻ vùng vằng khi không được cưỡi lên mô hình con tuần lộc xếp hàng kéo xe. Ông già Noel đứng tủm tỉm cười trên khắp các ô cửa kính cửa hàng. Nhạc Giáng sinh vang lên hòa cùng giai điệu bất tận khi tuýt tuýt, khi bim bim của tiếng còi xe…

 

Phố Hàng Mã, nơi chuyên bán đồ trang trí chen nhau như cướp lộc ngày hội. Có siêu thị dựng hẳn một cây thông nghễu nghện cao đến hơn 10m. Không chịu thua, một số địa điểm giải trí khác bạo chi làm hẳn tuyết nhân tạo…

 

TP Hồ Chí Minh, nhiệt độ ban ngày lên đến gần 30 độ C, nhiều người vẫn hăng hái quần cộc, may ô bên những bông tuyết giả, hay chụp hình kỷ niệm ở những không gian “đậm đặc” chất Noel.

 

Từ lâu, Giáng sinh không còn là ngày lễ của người theo đạo Thiên Chúa nữa. Cộng đồng hồ hởi đón nhận như một phần cuộc sống của chính mình. Phố Hàng Mã ở Hà Nội nhiều lúc tắc nghẽn, không phải vì mua hàng, mà bởi những nam thanh nữ tú chen nhau biến con phố này như một “phim trường”. Nhiều bậc phụ huynh cũng chịu khó “vượt thời gian” chu môi, nheo mắt chụp ảnh rất “teen”. Mạng xã hội thêm phần ảo diệu nhờ những tấm ảnh lung linh. Bận rộn nhất là giới trẻ. Đâu đâu cũng nghe rộn ràng lên kế hoạch ăn uống, xem phim, hay những cuộc check-in…

 

Giáng sinh là dịp các chàng thể hiện “tâm ý” qua những món quà. Mấy cậu sinh viên quê xa lên kế hoạch “mì gói thay cơm” khá sớm để dành tiền tặng quà bạn gái. Đáp lại, chị em cũng rộn ràng công nghệ làm đẹp để thật ấn tượng đêm Giáng sinh… Nhiều trường học thầy cô “ươm mầm Noel” cho học sinh, bằng tổ chức đón Noel tập thể. Mỗi cô cậu học sinh phải có một món quà. Bố mẹ lại được dịp tất bật chuẩn bị.

 

Cũng may, thời tiết Hà Nội năm nay khá hợp với không khí Noel. Còn nhớ, vài năm trước, Noel đúng dịp nóng. Chỉ thương mấy cậu thanh niên đóng giả ông già Noel chạy sô giao quà tặng. Bộ quần áo ông già Noel lùng thùng lại thêm bộ râu trắng như khăn kín cổ, mồ hôi cứ chảy ròng ròng.

 

Có người bảo rằng, không khí Giáng sinh ở Việt Nam đậm nét không kém một số quốc gia phần đông dân cư theo đạo Thiên Chúa. Cũng không có gì quá lạ lẫm. Từ xa xưa, văn hóa Việt Nam vốn cởi mở đón nhận những dòng văn hóa khác. Lớn, phải kể đến Nho giáo, Phật giáo. Nhỏ, là những phong tục, lễ tết như “giết sâu bọ”, “bánh trôi, bánh chay”… Thế kỷ 19, 20 lại có thêm những luồng văn hóa khác nữa, mà các cụ một thời gọi là “gió Âu, mưa Á”.

 

Thế giới ngày càng “phẳng”, điều kiện giao lưu, rồi tiếp nhận thêm những lễ hội, những nét văn hóa mới, nhất là từ phường Tây càng trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ có Lễ Noel, lễ Tình nhân (Valentine), lễ Haloween… cũng trở thành những dịp mà nhiều người Việt tổ chức với cả sự nhiệt thành.

 

Nhưng nếu chỉ có tặng quà, rồi trang trí, hẳn Giáng sinh không có sức sống lâu bền đến thế. Giáng sinh là dịp những người theo Thiên Chúa giáo, Tin Lành đoàn tụ gia đình, chia sẻ những ấm áp, yêu thương. Giáng sinh cũng luôn đến với thông điệp của hòa bình và là dịp để người ta chia sẻ với những người cô đơn, những người bệnh tật, yếu đuối.

 

Tôi còn nhớ một bài hát khá phổ biến với trẻ em phương Tây, được hát lên những dịp Giáng sinh, đó là bài The spirit of Christmas (Tinh thần của Giáng sinh). Rất giản dị, bài hát nói về niềm vui ngày Giáng sinh. Đó là ngày khi mỗi đứa trẻ đều được tặng nhiều món quà, nhưng hãy nghĩ đến những người chưa có. Khi sẻ chia, bạn đã gia nhập vào “đội” của ông già Noel. Bài hát nhấn mạnh: “Đó là tinh thần của Giáng sinh”. Nhiều nước đã dạy trẻ em tinh thần nhân văn ấy ngay từ rất sớm.

 

Nếu chỉ du nhập vài thú vui, những kiểu trang trí bắt chước lễ Noel của phương Tây, hẳn là chúng ta đã không tiếp nhận những giá trị nhân văn cốt lõi của ngày Lễ Giáng sinh, cũng như với những ngày lễ “ngoại nhập” khác.

 

Giáng sinh là dịp người Việt bắt đầu rục rịch chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tôi đã nghe một số người lên kế hoạch đón Tết cổ truyền. Hơn một lần nghe chuyện chuẩn bị lên đường đi du lịch từ chiều 30 Tết.

 

Dấu ấn Noel kiểu Việt Nam đang ngày một đậm hơn. Còn Tết cổ truyền thì nhạt dần. Khi viết “Một nửa Giáng sinh”, tôi tự nhủ rằng, hy vọng một ngày nào đó, mình sẽ không phải viết bài báo với tựa đề: “Một nửa Tết cổ truyền”…

 

TUỆ MINH

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…