Sương Nguyệt Minh – Thuyền lá

890

24.12.2017-10:10

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

 

>> Miêu linh

>> Không đợi mùa, hoa súng

>> Về làng – truyện ngắn

>> Ám ảnh của “người lính lạc rừng”

 

Thuyền lá

 

TRUYỆN NGẮN CỦA SƯƠNG NGUYỆT MINH

 

NVTPHCM- Bến tắm.

 

Vô vàn thuyền lá. Chi chít thuyền lá. Là lá vông uốn cong cong. Ai đó bóp chụm hai đầu lá và lấy gai rừng xuyên qua. Y như một chiếc thuyền lá vậy. Thông điệp tình yêu đây. Lãng mạn thật. Chiến tranh, bom đạn mù trời. Ai còn bày đặt thả những chiếc thuyền lá xuôi dòng Đăk rông?

 

Tiếng hát rì rầm thoảng từ phía đầu gió âm u vọng đến. Bàn chân Miên như có ma dẫn đường. Miên không tự chủ, hoàn toàn đi trong vô thức. Tiếng hát mỗi lúc một to. Bỗng chốc, Miên nhận ra mình không còn ở bên bãi tắm nữa. Ngỡ ngàng bởi như vừa khám phá ra một vùng đất lạ kỳ ảo, đôi chân Miên đang đứng giữa con đường mòn như sợi chỉ giăng giữa đại ngàn thâm u. Thực ra, không phải lối đi của con người mà vết chân của thú rừng đi nhiều thành lối.

 

“Ê. Chị tên là Miên à? Đi lạc đường phải không?”

 

Miên giật thột.

 

Ai mà lại biết cả tên mình thế nhỉ? Miên khum tay dõi mắt nhìn lên phía vòm lá vừa phát ra tiếng người hỏi. Bước chân bị dẫn dụ đi đến mức không kiểm soát được. Miên lạc vào một không gian chưa bao giờ nhìn thấy ở trên đời. Cha mẹ ơi! Miên có nhìn nhầm người không đây? Một cái võng ni lông bạc phếch dãi dầu mưa nắng. Kẽo kẹt. Chao đưa. Võng monh manh như cánh diều trên lưng chừng trời. Cặp tình nhân ngồi vắt vẻo? Tay đan tay nhau, tay còn lại nắm đầu dây võng. Miên nhận ra một chàng trai mắt xanh biếc. Tóc vàng xoăn xoăn. Râu quai nón lại màu xanh đen mờ. Chàng ta đóng quân phục hộp. Người phương Tây? Chắc hẳn là người Mỹ. Và cô gái trẻ mặc quân phục quân giải phóng. Mũ tai bèo. Dép đúc. Khoác cái túi cứu thương có hình chữ thập. Những chiếc lá khâu hai đầu giống y như cái thuyền thả đầy lòng cô gái. Có lẽ cô gái cất tiếng hỏi bởi thấy  Miên có vẻ lơ ngơ.

 

“Vâng! Tên tôi là Miên. Tôi đi tìm anh em đằng mình.”

 

“Bọn tôi có nghe nói nhiều về chị khi chị vô lại cánh rừng nầy. Đằng mình đây. Tôi chờ mọi người bao nhiêu năm nay.”

 

Người Mỹ buồn rầu nói thứ tiếng Việt phát âm lơ lớ giọng:

 

“Thôi, em. Người đời đã lãng quên chúng ta lâu rồi? Ai còn đi tìm chúng ta nữa đâu”.

 

Miên bực mình, gắt:

 

“Ai đi tìm nhà anh? Tôi đi tìm đồng đội tôi chẳng hết, dỗi hơi mà tìm người của phía các anh.”

 

Người Mỹ:

 

“Vâng. Tôi biết thân phận phía chúng tôi ở đất nầy lắm chớ. Tui cũng  nghĩ, bọn tui đáng bị thù ghét, phân biệt đối xử, nhưng không nghĩ là nặng nề và kéo dài lâu thế.”

 

“Thôi, mà anh. Anh chưa kịp hiểu được tâm trạng người Việt Nam sau cuộc chiến nầy đâu.”. Cô gái vỗ về người Mỹ rồi nói vóng xuống với Miên. “Chị Miên thông cảm! Anh ấy mà người Mỹ, nhưng cũng có tính tủi thân như người Việt mình, tội nghiệp lắm. Bạn bè cùng tham chiến ở Việt Nam đã về nhà hết, còn anh ấy vẫn cứ lang thang ở cánh rừng nầy”.

 

Lúc đó, mặt mũi bớt căng thẳng, Miên bảo cô gái trẻ:

 

“Tôi đưa cô về nhà nhé? Cô ở đây lâu quá rồi mà.”

 

“Không! Chị Miên có cách gì lo cho anh người Mỹ này trước. Anh này về được quê hương thì tôi mới yên tâm”.

 

“Vậy là cô không muốn về với mẹ?”

 

“Chị Miên đừng nói thế phải tội. Hơn ai hết là chúng tôi muốn về. Nhưng, chị đưa tôi về rồi thì để anh ấy ở một mình giữa cánh rừng xanh này ư?”

 

“Nhưng, ít ra cô cũng nên nói quê quán, tên bố mẹ, hoặc người thân với tôi chứ?”

 

“Không! Chị biết, chị sẽ đưa tôi về. Tôi không thể bỏ mặc anh ấy ở xó rừng nầy”.

 

Miên thầm cảm phục. Miên đã gặp rất nhiều anh em đằng mình, phần lớn muốn về quê hương bản quán với cha mẹ. Có người còn gọi Miên nheo nhéo từ đằng xa. Miên chưa đưa về kịp thì giận hờn, oán trách. Vậy mà cô gái này, cứ nhất quyết ở lại với cái gã người Mỹ xa lạ kia.

 

“Chung tình nhỉ! Tôi chưa thể nói trước điều gì. Nói để cô và anh người Mỹ biết: Tôi còn hận phía bên kia lắm. Lương tâm tôi vẫn nhiều ẩn ức chưa cho phép hành động một cách nhân ái như cô và cái anh chàng người Mỹ thân thiện của cô nghĩ.”

 

“Ô. Thế là chị tự nhận rồi. Tôi biết mà. Nỗi đau không dễ ngày một ngày hai quên được”. Cô ta có vẻ hân hoan. “Người sống vẫn cứ sống vì cuộc sống của mình. Nỗi hận khó quên lắm.”

 

Miên bảo:

 

“Cười cợt trên nỗi đau người khác là kẻ nhẫn tâm. Cô vui mừng với bất hạnh của tôi lắm hử?”.

 

“Ồ không!” Gã người Mỹ chen vào. “Chị đừng bất công với cô bạn tôi. Là vì chị cứ chối quanh và không chịu chấp nhận sự thật đau lòng mình phải chịu. Hãy biết chấp nhận chị ạ. Chúng ta đều là nạn nhân của một thời đại đầy rẫy bạo lực. Đến những chàng trai khỏe mạnh, cường tráng như tôi đây mà còn bị đốn phạt. Huống chi thân phận cánh bèo như cô bạn gái tôi và chị.”

 

Cô gái vận đồ quân giải phóng giọng thở dài. Não nề, nặng trĩu như trái đất:

 

“Mấy chục năm rồi mà thù hận chưa tan. Người sống các chị cố chấp và thù dai, không bằng người chết chúng tôi.”

 

Không thể tranh luận với người đã chết và với người ở phía bên kia. Miên đành dung hòa và tìm một lối né:

 

“Thôi, cô ạ. Chuyện đó để tôi ngẫm nghĩ thêm. Chả lẽ tôi cứ đứng ngỏng cổ cò lên đối thoại với hai người. Cô chưa muốn về bởi còn người bạn Mỹ ở bên. Nhưng, cô có thể xuống đất được không và chỉ cho tôi biết: Ở cánh rừng này, anh em mình đang còn lẩn khuất ở những đâu mà người trần mắt thịt chúng tôi không thấy?”

 

“Ồ, cái điều này thì tôi nói được”. Cô ta nhảy vèo xuống đất. Cô ta bay thì đúng hơn. Nhẹ như một cơn gió thoảng. Miên thoáng ớn lạnh. Và rùng mình. “Tôi sẽ vẽ sơ đồ cho chị. Anh em đằng mình đang muốn về nhà lắm đấy.”

 

Địa hình. Sông suối. Cao điểm. Nơi có anh em quân giải phóng đang nằm… hiện hết cả lên trên mặt đất qua nét vẽ bằng đốt xương cuối của ngón tay chỏ. Cứ như Miên đang hóa thân vào nhân vật của một bộ phim ma quái, kinh dị.

 

Mơ hồ. Âm u. Và diệu vợi. Có tiếng khóc dấm dứt. Tiếng khóc tủi thân, hờn dỗi. Tiếng khóc hòa vào gió lạnh dội vào tim gan làm Miên bứt dứt không yên.

 

Miên nhìn lên vòm lá. Cô gái vận đồ quân giải phóng cũng nhìn lên vòm lá. Gã người Mỹ đang úp hai lòng bàn tay ôm mặt nức nở. Những cái thuyền lá rơi lả tả xuống dưới đất.

 

“Đừng khóc. Đừng khóc nữa… Tôi sẽ giúp. Anh người Mỹ…ơi!”

 

Miên kêu to. Tiếng vang xa lan trên màu xanh đại ngàn. Đập vào vách núi. Ơi… ơi… Vọng lại. Dư âm kéo dài lan rộng.

 

Đột nhiên, Miên bừng tỉnh. Hóa ra, một giấc mơ cuối ngày.

 

Miên đã đứng ở trong một vòm lá và trôi tuốt vào cõi mê một thời gian khá lâu. Chẳng có cái võng ni lông nào ở xung quanh. Không có chiếc thuyền lá nào dưới chân Miên. Nhưng, vẫn tiếng vọng ơi ơi…chẳng giống người gọi cũng không ra thú gào. Miên chui ra ngoài vòm lá. Lối thú đi chi chít vết chân trên đất ướt bởi cơn mưa từ hôm trước. Mặt trời đang gác núi. Hoàng hôn đỏ sậm đổ tràn cả màu máu xuống đại ngàn xanh rợn. Không một cái võng nào. Vắng lặng chẳng một bóng người.

 

“Chúng tôi ở đây cơ mà.”

 

Vẫn lời âm u thoảng trong gió nhẹ. Mơ hồ. Hối thúc. Và lan xa. Hư thực.

 

“Chúng tôi ở đây… ây… ây…”

 

Miên lại chui vào vòm lá. Miên nhìn quanh và ngước mặt lên tìm nơi có tiếng vọng âm u. Trời ơi! Một cái võng ni lông dưới vòm lá. Võng thật! Võng trang bị cho quân giải phóng thời chiến tranh. Bạc phếch! Không có người! Gió thổi dạt sang một bên. Và khi gió nhẹ bớt thì võng dạt gần về chỗ cũ. Miên tỉnh táo hoàn toàn. Không còn mê mê tỉnh tỉnh nữa. Linh tính mách bảo Miên rằng, bất ngờ đang ở trong cái võng.

 

Đó là loài thảo mộc Miên chưa từng nhìn thấy. Vỏ mốc thếch. Xù xì. Lá  bản rộng xanh mướt. Miên trèo. Hai bàn tay bám vào thân cây. Hai bàn chân quắp vào thân cây. Từng bước. Từng bước. Chậm dãi. Chắc chắn. Như cách con mèo trèo cây cau. Cuối cùng Miên cũng lên được chạc cây đúng chỗ buộc dây võng.

 

Mãi mãi sau này, Miên không thể quên được buổi hoàng hôn đỏ bầm như máu ấy. Buổi hoàng hôn ảm đạm thê lương chỉ cảm được chứ không gọi ra thành lời. Đất ẩm ướt. Vòm lá như một cái nhà mồ ken dầy đến mức không nhìn thấy mặt trời đi qua đỉnh đầu. Không nhìn thấy bình minh. Và cũng chẳng dòm thấy hoàng hôn. Âm u. Ẩm ướt. Cả khoảng không gian Miên đang đứng giống y hệt một cái hầm mộ hình vòm lạnh lẽo. Và hiển hiện trước mắt Miên là chiếc thuyền đựng đầy lá. Đúng, cái ni lông võng biến thành một chiếc thuyền chứa lá khô, lá mục và cành cây nhỏ. Vài ba dây leo mảnh mai bò theo dây võng bám thân cây. Hộp sọ Miên hoàn toàn trống rỗng không có óc. Nó biến thành cái bến và vô tình cái thuyền đầy lá mắc lại, neo lại vĩnh viễn không rời đi. Sau này, trong những giấc ngủ chập chờn, tỉnh tỉnh mê mê, chiếc thuyền lá ấy lại hiện về chao võng đến độ Miên phải cầu viện một người bạn là bác sĩ tâm thần chữa trị.

 

“Mày phải lấy giúp tao cái võng đựng hài cốt thằng Mỹ ở trong đầu ra ngoài. Cứ thế này thì tao điên mất”.

 

Bạn Miên bảo:

 

“Không thuốc thang nào chữa được. Cái thuyền chiến ấy sẽ mắc lại trong đầu mày mãi mãi”.                                              

 

“Tao sẽ bị nổ tung đầu mất. Mày bất lực ư?”

 

“Cả ngành y học bất lực”.

 

“Phải tống khứ cái thuyền hài cốt mắc cạn trong óc tao. Mày phải nghĩ ra cách gì chứ?”

 

“Con thuyền nào lang thang mãi cũng đến lúc neo đậu. Cái đầu mày đã thành cái bến tốt, nó sẽ neo đậu mãi mãi. Đành phải chờ thời gian. Thời gian sẽ làm cho con người nhạt dần với ký ức và những buốt đau của chiến tranh. Và con thuyền ấy bẻ lái ra đi. Nó sẽ rời khỏi cái bến trong đầu mày mà không để lại một hình bóng, dấu vết”.

 

Một người đã quá hạnh phúc thì không dễ từ bỏ sung sướng. Một người đã quá bất hạnh thì cũng thật khó khăn khi muốn trút bỏ nỗi đau. Một khi quá yêu và đau đớn vì người tình thì người ta không thể lãng quên.

 

Miên là người ra khỏi cuộc chiến tranh không dễ dàng.

 

Miên nhớ lại, bấy giờ vòm lá hầm mộ không tối tăm và cũng chẳng sáng rỡ. Trắng nhờ nhờ và sương mỏng tang cuộn bay nhẹ nhàng, vấn vít cành cây chĩa ngang gần như song song với chiếc võng. Chẳng biết sức mạnh khủng khiếp nào dẫn dụ, lôi cuốn Miên bò men theo cành cây. Lá vàng tươi, lá khô trong võng bỗng chốc động đậy rồi dựng đứng; cứ như có ai đó đang cựa quậy trong đống lá và muốn hất tung lên, vượt thoát ra ngoài. Miên búi lại tóc thành củ hành thật to. Rồi đu hai chân vào cành cây, thả mình xuống, đầu lộn ngược, giống hệt con dơi treo mình ngủ. Thật ngoạn mục! Cứ y như mình đang đóng vai chính trong một bộ phim tối tăm, kinh dị. Miên thò hai tay xuống bốc từng nắm lá khô thả ra ngoài. Lá khô rơi lả tả xuống đất. Hết lá khô là đến lá mục ải. Và cuối là lớp mùn nguồn gốc từ cũng từ lá ải mục quá lâu ngày bởi đất trời vần vũ phong hóa. Nghẹt thở, có cảm giác bàn tay ai đó cứng như sắt bóp chẹn cổ họng. Mũi không tài nào hí hóp nổi. Chẳng tin ở mắt mình: Hài cốt cứ lộ dần và lộ hẳn khi Miên vun vét nốt nắm mùn cuối cùng. Một khẩu AK hoen rỉ. Một cái mũ sắt hoen rỉ. Một dây lưng Trung Quốc, khóa cũng bị hoen rỉ. Một dây lưng Mỹ, khóa bằng I nốc chỉ bị xám bẩn. Lủng củng vài bao gói ni lông. Miên nhận ra, hai bộ hài cốt nằm song song. Một bộ xương nhỏ nhắn. Một bộ xương to kềnh kệnh. Nhưng, có lẽ do giông gió thổi dạt đi quật lại nên nhiều xương sườn lẫn lộn vào nhau. Hai cái sọ dừa không ở phía bên đầu võng mà lăn lông lốc ở giữa. Một bộ tóc dài. Miên đoán là con gái…

 

Lật thêm, bất ngờ một túi ni lông chồi ra, vẫn kiểu túi đựng clâymo của Mỹ thời chiến trận. Miên thận trọng mở ra. Ồ thì là quyển nhật ký.

 

Màu giấy ủ vàng. Nhiều trang nhòe nhoẹt. Có khả năng chủ nhân cuốn nhật ký tư liệu vừa viết vừa khóc. Miên lật giở vài trang đầu. Mùi khét của thuốc súng, đạn bom, của khói cháy rừng; mùi tanh tưởi lạnh lẽo của xác chết xộc lên mũi.

 

…Mình được ngồi trực thăng theo tướng Phú bay thị sát chiến địa. Có thể do mình là ký giả, nhưng lại là cô gái xinh đẹp nên được tướng Phú cho đi cùng. Bọn phóng viên nam thì đừng hòng, sẽ tha hồ mà ghen tị với những bài phóng sự chiến trường nóng hổi. Mình nhìn xuống mặt đất. Hố bom lỗ chỗ. Chiến hào lở loét. Bùng nhùng dây thép gai, cọc sắt, ghi đường băng dã chiến… có cảm giác vẫn đang nóng rẫy lên. Xác lính Cộng hòa và Quân giải phóng nằm ngổn ngang, lẫn lộn. Chắc chắn thân nhiệt còn ấm. Khói đen ngún vài đám chưa cháy hết… Đám lính mặc đồ rằn ri đang khiêng đồng bọn bị thương và chết lên máy bay trực thăng. Vì trận đánh vừa mới kết thúc, mà phần thắng thuộc về những người lính cộng hòa. Họ làm một cách khẩn trương, cho xong chuyện để thoát khỏi nơi nguy hiểm này.

 

Mặt tướng Phú lạnh lẽo, vô cảm. Cứ như ông ta dửng dưng với cảnh chết chóc, hoang tàn. Cứ như chiến tranh là phải hủy diệt và đã từng như thế, tiếp tục như thế. Không thể khác được.

 

Một trang khác viết:

 

Thằng cha sỹ quan tham mưu của tướng Phú mặt hơi choắt lưỡi cày. Mắt như cú vọ. Môi mỏng và lúc nào cũng ướt. Hắn chiếu tia nhìn hau háu vào ngực mình, cứ như muốn ăn sống nuốt tươi cặp vú căng tròn của mình. Xoay người lại, tránh đôi mắt cú hôi hám phát nôn mửa của thằng cha lính trận đói khát đàn bà con gái, mình hỏi tướng Phú:

 

“Thưa ông! Ông có cảm thấy ai oán không khi nghe được câu nầy: Nhất tướng công thành vạn cốt khô?”

 

Tướng Phú lạnh lùng:

 

“Vinh Long nào chẳng xây trên mồ hôi, xương máu bọn tốt đen tốt đỏ, con thuyền thắng lợi nào chẳng trôi trên biển nước mắt của các bà mẹ và thiếu phụ ở quê nhà? Hạnh phúc và may mắn nào của bọn sỹ quan thăng tiến mà chẳng xây trên bất hạnh và xác chết và máu thịt của binh lính? Xin cô đừng chép lời tôi vào thiên phóng sự trận mạc. Rất có thể tôi sẽ phải ra tòa án binh…”

 

Một đoạn khác, cô ký giả mặc đồ rằn ri chép toàn bộ thư của người yêu. Miên hiểu ra anh ta là đào binh lao công. Cô đã nhiều lần lên thăm và tiếp tế thức ăn cho anh ta. Mỗi lần cô về, trong lòng anh lại xuất hiện một tâm trạng hốt hoảng, nơm nớp âu lo. Anh ta viết:

 

“Đám đào binh lao công bọn anh rất khốn nạn. Không phải tù đầy nhưng sống chẳng khác con vật nuôi  bị bỏ đói và hành hạ. Chối bỏ trách nhiệm công dân trước vận mệnh quốc gia mà. Bọn anh bị phái đi tải đạn. Mỗi viên đạn pháo 105 ly nặng 12kg. Hai viên đạn đóng 1 thùng. Anh thường xuyên phải cõng hai thùng leo từ chân đồi lên đỉnh đồi. Một buổi sáng anh cõng 4 lần trong cái nắng nóng tháng sáu vắt khô nỏ người… Thực ra, trong buổi chiều, người Mỹ và quân đội ông Thiệu dư sức cho khu trục vận tải đạn lên cao điểm cho bọn lính pháo bắn cả tháng. Nhưng, họ bày ra cái trò cõng đạn khốn nạn này để hành bọn anh. Càng khổ cực, càng vất vả càng thân tàn ma dại càng đạt được mục tiêu đào binh lao công. Rồi sẽ đến lúc ý chí bỏ ngũ tới mức bã bời, bạc nhược, khuất phục hoàn toàn và đành phải xin trở lại đơn vị mới thôi. Tất nhiên, lúc đó bọn anh sẽ bị đẩy ra vùng 1 chiến thuật làm những cái bị thịt cho đạn bắn thẳng hoặc mảnh pháo của Cộng quân xé nát người. Đằng  nào cũng chết. Anh chọn cái chết khổ.”

 

Ở giữa quyển nhật ký có khá nhiều trang bị nhòe. Nước mắt nhỏ xuống khi viết? Cũng có thể bị mưa dọc đường ký giả đi lấy tin. Miên lướt nhanh và cô luận ra được rằng: Chủ nhân của quyển nhật ký gặp chuyện bất hạnh…Đại khái là người yêu cô bỏ ngũ bị đưa đi lao công đào binh.

 

Miên xót xa, bảo:

 

“Cô thông cảm. Lúc nãy, tôi đã chót lỡ lời.”

 

Anh chàng lính Mỹ bảo cô gái ngồi bên cạnh:

 

“Này em, chị ấy cũng nhân từ, em nhỉ. Để anh nói chuyện.”

 

Anh ta quay lại bảo Miên:

 

“ Chị đừng giận. Tủi thân. Hờn dỗi ấy mà. Chả là cô ấy và tôi nằm ở đây mấy chục năm rồi. Lạnh lẽo lắm. Không ai hương khói. Người dương thế đã quên chúng tôi rồi.”

 

Miên bảo:

 

“Anh đừng nói thế phải tội. Sau chiến tranh, đất nước kiệt quệ, mệt mỏi, xơ xác. Người dương thế còn nhiều việc phải làm lắm. Mà việc đầu tiên là phải lo cái ăn bỏ vào bụng. Sau đó, phải tìm cho mình một con đường đi đến tương lai.”

 

“Vâng! Biết rồi. Ông Lỗ Tấn bảo: Trước đây, không có đường. Con người cứ đi mãi rồi thành đường. Cái dân tộc mình rất khốn nạn. Thời phong kiến xa xôi thì phải mở đường thiên lý vào Nam. Thời chiến tranh thì mở đường Trường Sơn. Hòa bình thì phải tìm con đường cho dân tộc đi đến hạnh phúc. Mà con đường  nào cũng nhọc nhằn, có khi mù mịt. Rất gian nan.”

 

Miên ngạc nhiên:

 

“Anh nói có vẻ triết lý và am tường lịch sử quá nhỉ?”

 

“Chị không biết là tôi đang học Tổng hợp Sử năm thứ 4 ở Boston bị gọi vào lính đánh nhau ở Nam Việt Nam à?”

 

“Ôi! Xin lỗi. Tôi đúng là người trần mắt thịt. Nhưng, tôi thắc mắc rằng, quyển nhật ký này của ai?”

 

“Ồ. Của một cô ký giả chiến trường của Việt Nam cộng hòa. Cô ta đi theo trực thăng thị sát trận đánh. Máy bay bị bắn cháy, cả phi hành đoàn bị rơi xuống cánh rừng nầy. Và vô tình cái túi clâymo đựng quyển nhật ký của cô ta văng đúng vào cái võng của chúng tôi”.

 

Ngạc nhiên quá! Mỗi lúc Miên lại càng vỡ ra nhiều điều ở cánh rừng bí ẩn này. Rất nhiều người tử trận đang trú ngụ ở đây. Chị nhìn ra xung quanh, nhìn xuống dưới đất. Ôi trời! Kia là ông thiếu tướng cộng hòa đứng một mình tư lự trên gò cao. Mặt hướng về phía Tây, nhẫn nại trong sự bất lực, tuyệt vọng. Đám lính cộng hòa và quân giải phóng đang quây quần trên tấm ni lông, chụm đầu vào nhau đánh bài. Người cụt tay, người mất chân, người mất hàm. Và còn kia là cô gái ký giả mặc bộ đồ rằn ri đang ngồi một mình ghi ghi chép chép. Chiến tranh kết thúc lâu rồi, rừng xanh lại rồi, còn gì nữa đâu mà viết?…

 

Miên bò trở lại thân cây để tìm cách xuống đất. Thật sửng sốt! Bấy giờ, Miên mới để ý, dây võng ni lông như người mới buộc, không chặt cũng chẳng lỏng. Miên nhận ra cách buộc võng theo kiểu thắt nút cổ chó của bất cứ người lính nào đi dọc Trường Sơn. Cây càng lớn lên thì càng nới nút buộc rộng ra. Người lính buộc võng nghỉ ngơi, bao giờ cũng chọn cây vừa phải, hông quá lớn và cũng không quá bé. Nút dây buộc ngang tầm ngực để khi nằm võng không sát xuống đất. Khi giật hai đầu giây là võng tung ra, cuộn lại rất nhanh trước lúc cơ động. Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Cây lớn lên và cứ thế mang theo võng lên cao. Họ đã nằm đây từ lúc nào? Họ đã chết ra sao trong cái vòm lá như hầm mộ, ẩm ướt, âm u không ánh sáng? Cái võng là chiếc quan tài táng lộ thiên đôi trai gái khỏi mặt đất, giữa rừng già xanh thẳm.

 

Ôi trời! Kiếp người sao nhỏ bé mong manh, cát bụi vậy nhỉ?

 

Miên tỉnh dậy vào lúc hừng đông. Đôi khướu đậu ở cây săng lẻ đang liến thoắng tỏ tình với nhau. Từ khi vào khu rừng ấy, ngày nào cũng vậy, cứ khoảng lúc phía chân trời rạng là con khướu bắng nhắng lại đánh thức Miên dậy.

 

Miên mắt nhắm mắt mở nhìn quanh. Một thói quen kiểm tra nơi ở, quân tư trang vẫn giữ được y như thời chiến tranh. Hơn ba chục bộ hài cốt còn nguyên vẹn đang treo lủng lẳng. Miên đốt nhang trầm lúc nửa đêm về sáng, giờ còn vương mùi hương thoảng rất nhẹ. Cọc mái tăng vẫn chắc. Các dây néo săn và căng. Chẳng có con lợn rừng nào đi lạc đến phá rối.

 

Hết nỗi lo phấp phỏng, âu lo. Là vì năm trước, hài cốt đồng đội lấy được Miên xếp anh nọ bên anh kia, thành hàng thẳng tắp. Thì nghĩ, lúc còn trong đơn vị đứng theo hàng theo lối, lúc chết cũng đặt các anh cạnh nhau theo đội hình đội ngũ. Ai dè, nửa đêm về sáng con lợn lòi từ rừng sâu kiếm ăn, đi lạc về. Lợn lòi dũi tung lán, dứt đứt dây néo, cắn xé giây, vải gói hài cốt, nhằn quần áo, gạt hất lung tung đồ ăn thức đựng. Miên hốt hoảng. Châm vội cây đuốc. Huơ huơ loạn xị. Chọc thẳng bó lửa về phía trước. Rồi vung những đường lửa vòng tròn, hình cung biến hóa. Miên thăng đồng. Miên như nghệ sĩ múa lửa của một bộ tộc hoang dã giữa rừng xanh sâu thẳm. Chính lúc đó, Miên cũng kịp thấy, rất nhiều bóng quân phục màu xanh lá cây thấp thoáng như đứng vòng quanh xem Miên biểu diễn. Không! Họ đứng như bức thành vòng tròn mềm mại, uyển chuyển, lúc nhô hẳn, lúc giãn ra, lúc dạt sang chỗ khác theo vòng cung biến hóa của đường lửa bay. Con lợn lòi sợ lửa. Lấm lét nhìn bó đuốc nhảy múa, biến ảo rồi bỏ đi. Ôi trời ơi! Lửa đã đưa vượn người mông muội ăn sống nuốt tươi thành con người ăn chín uống sôi. Lửa đã cứu Miên thoát khỏi nanh lợn lòi trong gang tấc. Và cũng rất có thể, chính các bóng áo xanh kỳ diệu ấy đã đứng giăng thành bảo vệ Miên.

 

Thoát chết trong gang tấc. Miên khóc hu hu. Khóc vì sống. Khóc vì thấy cô đơn, mù mịt trong bóng tối sâu thẳm ở rừng. Khóc vì tủi thân lủi thủi cặm cụi làm cái việc chẳng ai khiến. Và khóc vì… những bộ hài cốt tìm được bị lợn lòi xáo trộn, chẳng biết xương ai đã lẫn vào cốt ai.

 

“Tôi có tội với các anh. Tôi xin các anh. Làm sao bây giờ?”

 

Phủ phục, quỳ rạp xuống đất, Miên vái những sọ dừa, những dóng xương, đốt xương, mẩu xương ngổn ngang vương vãi. Tuyệt vọng! Nước mắt lưng tròng oan ức rồi mặt thộn ra. Cũng y như cô Tấm ngày xưa bị bà dì ghẻ độc ác trộn sỏi vào gạo bắt nhặt xong mới được đi dự hội đón vua. Nhưng, Tấm vẫn còn hạnh phúc hơn Miên. Tấm nhặt sỏi một ngày không hết thì nhặt hai ngày, ba ngày, thậm chí nhặt sỏi cả đời người cũng sẽ hết, chỉ còn lại gạo trắng, nhưng đàn chim sẻ của ông Bụt đã giúp Tấm nhặt hết sỏi trong gạo. Hoặc Tấm nổi loạn, cùng lắm tung hê cả sỏi lẫn gạo, chỉ để được thực hiện trọn vẹn ham muốn của mình được đi lễ hội.

 

Còn Miên, ai sẽ giúp chị? Miên biết nhặt xương nào ra, bỏ xương nào vào? Miên không có sự lựa chọn! Miên chỉ có một việc buộc Miên không làm thì thôi, đã làm là phải đúng.

 

“Đừng quá não lòng và hốt hoảng, hỡi người đàn bà bé bỏng.”

 

Giọng nói vang và ấm từ cõi cao xanh chứ không phải nơi trần tục. Mơ hồ trong sâu thẳm lay động tâm thức Miên.

 

“Lạy trời! Lạy Phật giúp con. Con không còn mặt mũi nào để thanh minh, giải thích, để cầu xin sự tha thứ của người đã chết.”

 

“Tôi không phải Phật, cũng chẳng là Trời. Tôi là người chết. Người chết không nói được với người dương thế. Nhưng, tôi nói được với chị. Hãy để lòng mình lắng lại. Bồn chồn nóng ruột hay hoảng hốt sẽ làm hỏng việc lớn. Chị hãy xem này. Các bộ xương chị đào được ở các nơi đất khác nhau, và thời gian đi cùng tuổi người sống trên dương thế cũng khác nhau. Vì vậy, màu xương không giống nhau. Chị cứ thấy màu sắc gióng xương nào giống nhau thì chung một hài cốt.”

 

“Nhưng, anh ơi. Tôi nhìn xương nào cũng một màu xám như nhau.”

 

“Khác đấy. Xương màu xám nhưng vẫn ngả vàng hoặc trắng, nâu hoặc đen. Ngay cả khi chị cảm như hai gióng xương cùng 1 màu đen, nhưng cũng đậm nhạt khác nhau đấy. Chị nhìn ra được. Chị cố lên. Cố lên, đừng để chúng tôi lẫn vào nhau. Xương cốt lẫn vào nhau đau đớn lắm. Linh hồn chúng tôi sẽ nhập nhòa lẩn quẩn. Chị có đưa hài cốt về Bắc thì linh hồn chúng tôi vẫn lẩn quất ở đây, không siêu thoát được đâu.”

 

“Vâng! Vậy thì để tôi cố.”

 

Một vùng sáng bừng trước mắt. Miên không còn ở trần gian nữa. Như đi vào cõi lạ hoắc. Rừng xanh núi thẳm cũng biến mất. Bao la. Mông lung. Nhìn thấy cả đường chân trời. Đất cằn. Hoang. Thưa thớt vài cây khẳng khiu, trơ cành không lá. Không gian một màu bạc xám thê lương. Rợn ngợp trong ai oán. Và kỳ lạ! Bỗng dưng mắt Miên tinh tường đến mức nhìn ra các màu xương giống và khác nhau đến từng cấp độ đậm nhạt. Rồi chẳng mấy khó khăn, Miên nhặt nhạnh các dóng xương của bộ hài cốt nào bỏ vào đúng bộ hài cốt ấy.

 

Phiêu diêu trong sự hồ nghi lạ kỳ. Không tin việc đã xảy ra. Lúc cảm thấy mình vừa mơ trôi vào thế giới kỳ ảo. Lúc cảm thấy mình đang tỉnh; mười mươi hiển hiện ở thì hiện tại. Mọi sự vật vẫn đang phơi bầy trước mắt. Chẳng lẽ, có một anh lính nào đó hiện lên giúp Miên sắp lại các gióng xương, mẩu xương hài cốt của họ. Miên cứ mụ mị sống trong nỗi hoài nghi mình có còn là một con người?!

 

Nhưng, rõ ràng một sự thật không hề hư ảo: Sáng trắng, Miên ra suối lấy nước bất ngờ nhìn thấy con lợn lòi đen lông móc dựng đứng, chết hộc máu tươi ra mũi, nằm cứng đơ ngay bên gốc cây sồi già.

 

***

 

Câu chuyện này thật dai dẳng xuất hiện trở đi trở lại trong đầu óc Miên. Có phải vì ám ảnh? Có phải vì Miên đang làm một việc không bình thường mà người đời không hiểu. Bằng này tuổi, thân đàn bà lóc cóc, lầm lũi trong rừng đi tìm mộ đồng đội Miên. Người đời liệu có biết nơi sâu thẳm rừng già này đang có một vòm cây hầm mộ? Đúng lúc mắt Miên đang líu diu trên võng, chưa thoát hẳn giấc ngủ đêm qua, đúng lúc Miên nhớ lại chuyện cũ thì bất ngờ một cơn dông gió tràn đến. Rừng mù mịt. Mái tăng rung lắc. Lá rụng tơi tả. Nhiều lá vàng chao chác lượn qua cửa sổ bay vào trong lán dã chiến. Rồi đột ngột gió ngừng thổi. Vài cái lá vàng cuối cùng chao chác liệng nhẹ nhàng đáp xuống đất rồi ngưng bặt.  Rừng vắng lặng. Im ắng như chết.   

 

“Chị Miên. Có phải chị chưa có ý định đưa chúng tôi ra khỏi rừng?”

 

Miên nhỏm người ngồi dậy trên võng và quay lại phía tiếng hỏi ngoài cửa sổ lán dã chiến. Không có người. Rõ ràng là bên ngoài trời đã chạng vạng sáng. Đôi khiếu đã thôi vờn nhau và cũng không hót nữa. Chúng chạy trốn cơn giông gió đi đâu đó. Trong lán dã chiến vẫn nhờ nhợ tối. Vòm mái tăng trũng xuống bởi đọng nhiều sương đêm.

 

“Đừng nói thế. Tôi còn chờ cơ hội. Cô phải thông cảm với tôi chứ”.

 

“Đến như chị đã lặn lội vào đến tận rừng mà còn lưỡng lự, cân nhắc có đưa chúng tôi về hay không. Huống hồ là người đời! Họ quên chúng tôi là phải. Các người đâu biết được cái lạnh lẽo của chúng tôi”

 

Miên bảo:

 

“Tôi xin cô. Trong lúc chờ cơ hội đưa cô và người Mỹ ra khỏi rừng. Tôi sẽ làm một việc đưa hai người xuống đất mai táng. Tôi sẽ quay lại vào một dịp gần nhất”.

 

“Cảm ơn”. Giọng nói sẵng và giận hờn. Vậy thì, chị Miên hãy để chúng tôi yên. Chị không phải làm gì hết. Lá vàng đã lại mai táng chúng tôi rồi”.

 

Lá vàng! Lá vàng… Miên vùng khỏi võng. Miên bước ra ngoài lán dã chiến. Gió xao xác. Lá bời bời rụng cồn dưới chân. Một màu lá vàng óng ả, lộng lẫy. Miên đạp lên lá chạy trên lối thú đi. Miên xuyên giữa cánh rừng. Lá vàng rơi lả tả trên đầu, trên vai, lá dắt vào kẽ tai, lá chui vào cổ áo. Miên chui vào vòm lá hầm mộ. Miên leo lên cây. Miên bò theo cành ngang. Lạy trời! Cái võng ni lông đầy ắp lá vàng tươi. Võng chao đưa nhẹ.

 

Mắt hoa lên rực rỡ, Miên thấy một chiếc thuyền lá vàng lung linh trong vòm lá hầm mộ.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Ấm áp mùa Noel – Phan Trang Hy

>> Gió heo may – Nguyễn Quang Thân

>> Câu chuyện giữa rừng – Lê Hải Chinh

>> Thói quen – Nguyễn Vũ Hồng Hà

>> Đắng ngọt đàn bà – Nguyễn Thị Lê Na

>> Người đẹp phố huyện K. – Ma Văn Kháng

>> Thú dữ – Kiều Bích Hậu

>> Theo bầy – Nguyễn Ngọc Tư

>> Từ sông Đà tới sông La Ngà – Trần Quốc Toàn

>> Mưa đầu mùa – Tạ Ngọc Điệp

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…