Mùa bay không cánh của Nguyễn Hiệp

830

11.9.2017-17:20

Bìa sách Mùa bay không cánh của Nguyễn Hiệp

 

Biển của sự trầm tĩnh

 

NGUYỄN TRÍ 

 

NVTPHCM- Thả tập tản văn có tên “Mùa bay không cánh” của nhà văn Nguyễn Hiệp xuống bàn, con mọt sách của quán Cà phê Sách đăm chiêu:

 

– Nếu văn là người thì tay nhà văn nầy chắc khó tính lắm.

 

Hỏi sao? Mọt trả lời: – Chỉn chu đến cả cái dấu phẩy và mọi vấn đề được trình bày rất tỉ mỉ thì tác giả không khó tính mới lạ. Từ “Vé số 360 độ” đến “Phượng tím”, “Dã quỳ vàng”, “Nhớ mùa ruốc xưa”, “Nước mắt cô dâu”, “Bà Bốn” hay “Vía bịnh”,… tác giả của tập tản văn đã đem đến cho người đọc một sự hiểu biết rất cặn kẽ về những cái tưởng chừng xưa cũ nhưng rất lạ. Và vì lạ nên hoá mới. Mới toanh. Nó khiến người đọc gấp sách lại cười ý vị, hoặc đăm chiêu, hoặc có thể cay cay mắt với từng vấn đề được mổ xẻ đến tận cùng bằng một giọng văn hết sức mượt mà và trầm tĩnh. Có thể hình dung ra Nguyễn Hiệp đang ngồi trong bóng tối, chiêm nghiệm lại những gì mắt thấy tai nghe, những gì đã sống qua và cả những gì đang sống trên bước phiêu du của mình rồi lắng đi lắng lại nhiều lần nữa trước khi ghi lại để cho ra “Mùa bay không cánh”.

    

Ngay bài viết “Mùa bay không cánh” chứng tỏ tác giả đã nhìn mùa xuân khác lạ so với thế nhân: “Mùa mà tất cả đều bay, không cánh cũng bay đích thị là mùa giáp tết”. Phải trầm mặc, chiệm nghiệm sâu lắng lắm mới nhận ra thiên hạ đều bay về đâu đó của đời mình khi xuân về tết đến. Bay chứ không phải chạy. Trong “Phượng Tím”, tác giả diễn tả về “những tan vỡ, những rã rời, những u buồn chết lặng, những cô đơn tột cùng”… bất chợt nhớ đến câu thơ của Phạm Sĩ Sáu: “ Hãy nói dùm tao trong phút giây trầm tĩnh”. Vâng, có gì đó rất động, tựa như những cơn quặn lòng ẩn chứa trong sự trầm tĩnh mênh mông kia.

  

Người nghe hỏi mọt sách:

 

– Nhưng ấn tượng nhất trong “Mùa bay không cánh” là gì?

– Là biển, là đại dương.

 

– Đại dương hay biển?

– Cả hai.

– Là sao? Nói nghe!

    

Nếu thiên đường không có biển chắc chắn tác giả sẽ từ chối định cư. Trong “Đầu sóng ngọn gió” Nguyễn Hiệp cho hay anh đã “say đất bằng” khi tạm giã từ chao đảo của sóng gió. Biển là tim, là máu nên tác giả đã vô vàn đau đớn trong “Biển đỏ chiều nay gió” và “Mắt ghe nhìn xuống”. Không hô hào, không đao to búa lớn nhưng đã khiến người đọc xót xa, thậm chí căm uất trước sự tham lam đến vô độ của con người đã giết chết biển khơi. Nguyễn Hiệp cho chúng ta thấy sự ngọt ngào mà biển đã tặng không cho con người trong “Nhớ mùa ruốc xưa”. Không yêu sóng gió đến tận cùng hơi thở của mình không dễ để viết về biển khơi xúc động đến vậy.

 

– Còn đại dương là sao?

– Là tình yêu của đấng sinh thành trong tập tản văn nầy.

   

Chuyện mẹ và cha của Nguyễn Hiệp khiến người đọc rưng rưng. Ở “Mưa lá”, người cha, người chồng đã trèo lên mái nhà lá dang tay dang chân ra hình chữ X để ngăn cơn bão có thể làm bay mái nhà, nơi vợ và con đang nằm trong đó. “Sen gầy một đoá sang thu” kể về một người mẹ đi mót sen bán kiếm tiền nuôi con ăn học. Bà mẹ bệnh chết vì hồ sen nhiễm độc. Trời ơi, nghe đau đớn làm sao! Tản văn “Cò Cang” kể về chuyện người dân chạy tránh hơi độc khi hai bên giao tranh. Người mẹ ngã xuống bất tỉnh vì nhiễm chất độc da cam nhưng cũng cố nhắn nhủ với láng giềng đừng cho con bà biết vì sợ bầy trẻ lo lắng. Trong “Cốm giấy và ký ức bị bỏ quên” người con đã vô vàn đau khổ hối tiếc khi đã không thấu hiểu mẹ mình. “Vết phèn” cũng là một hối hận khôn nguôi với  người con trai ấy. Đọc “Mùa bay không cánh” ta cảm nhận sâu sắc hơn câu hát “Lòng mẹ bao la  như biển thái bình…”

    

Xen trong tập tản văn là một số bài viết rất thi vị mà cũng đầy tràn cảm xúc như “Nguồn sáng dịu dàng”, “Dã quỳ vàng lạnh”, “Mùa ổi chín”… Và cũng có câu chuyện cười ta nước mắt như “Bà Bốn”. Có câu chuyện chua xót đến rưng rưng như “Nghịch lý về miếng ăn”… vân vân và vân vân… Nói chung đây là một tập tản văn hay, bén ngót và tinh tế, đủ mọi cung bậc của đời sống đáng để chúng ta đọc, nó được viết ra bởi biển của sự trầm tĩnh, bởi một con người lắm phen “lên bờ xuống ruộng”.

 

– Nghe được đấy! Ông cho tôi mượn nhé!

 

– Vâng. Đừng để thất lạc! Tôi chọn lọc để làm tủ sách quý, đây là nhà văn đã in trên mười tác phẩm rồi đấy.

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…