Nghệ sĩ Năm Phỉ – Chuông vàng ngân xứ người

1398

Tương Như

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thuở bình minh của sân khấu cải lương Nam bộ, Năm Phỉ là lớp nghệ sĩ tiền phong như NSND Phùng Há, Năm Châu,… được coi là thần tượng của nhiều thế hệ nghệ sĩ với tài sắc lưỡng toàn. Sống 47 tuổi, nhưng cô Năm Phỉ đã lưu lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng đẹp qua lối diễn xuất sắc ở các tuồng: Tham phú phụ bần, Ơn đền oán trả, Thiện ác hữu báo, Chí thiện – Chí hiếu, Sắc đẹp giết người, Vì đâu nên nỗi, Phụng Nghi Đình, Lan và Điệp. Cô Năm Phỉ, trong chuyến xuất dương sang Pháp hát tại Paris năm 1931 là lần đầu tiên đem chuông vàng đi đánh xứ người được thưởng 4 Huy chương vàng. Bà cũng là nghệ sĩ duy nhất được vua Bảo Đại tặng Huy chương Kim Tiền.

Nghệ sĩ Năm Phỉ

Nghệ sĩ Năm Phỉ (1906 -1954) tên thật là Lê Thị Phỉ, gốc người Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), cái nôi của nghệ thuật cải lương. Thân sinh ra bà là một kỹ sư cầu cống mê chữ nên đã chọn một cụm từ có ý nghĩa “Công Thành Danh Toại Phỉ Chí Nam Nhi Bia Truyền Tạc Để” đặt tên cho 11 người con… Dù cha không ưa một nghề bị coi là “xướng ca vô loại”, về sau, cùng với Năm Phỉ, một số người con khác của ông như Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền đều trở thành những nghệ sĩ có tên trong lĩnh vực sân khấu cải lương. Với một ngọn lửa đam mê ca hát cháy bỏng, Năm Phỉ đã sớm tìm đến với sân khấu cải lương đến nỗi có lúc người cha từ con, không muốn nhìn mặt đứa con gái mê hát dù người mẹ hết lòng cổ vũ. Sự say mê sân khấu cải lương của Năm Phỉ đã ảnh hưởng tích cực tới mấy người em sau này của bà. NSND Bảy Nam, em ruột bà về sau khi đã ở trên đỉnh vinh quang nghệ thuật, đã trả lời phóng viên khi được hỏi rằng ai là thần tượng của bà, thì nghệ sĩ Bảy Nam – bào mẫu của NSND Kim Cương – đã nói nhanh không chút đắn đo: Đó là Năm Phỉ, chị ruột của bà.

Mới 10 tuổi thơ, chưa kịp học đủ lấy con chữ, cô bé Năm Phỉ chỉ biết có ký tên. Nhưng được hưởng luật bù trừ của trời, Năm Phỉ sở hữu một trí nhớ phi thường. Những lần tập diễn các vở hát cùng các bạn đồng nghiệp, chỉ nghe qua lời thoại, bài hát một lần, Năm Phỉ đã thuộc nhuần nhuyễn đọc lại không vấp một chữ, một câu nào. 11 tuổi, Năm Phỉ thoát ly gia đình, theo biểu diễn với gánh hát Nam Đồng Ban của ông Hai Cu. Nơi đây, vừa chớm tuổi teen, Năm Phỉ đã kết duyên với nghệ sĩ Hai Giỏi, kép chính tài năng của đoàn. Nhưng Hai Giỏi là người đoản mệnh đã chết sớm, đưa người vợ trẻ chưa tới tuổi thanh nữ vào cảnh góa bụa khó khăn. Vốn có nghị lực phi thường, từ nghiệt ngã cô đơn, Năm Phỉ âm thầm biến nỗi đau mất chồng thành ý chí sắt đá, vững bước vươn lên trên con đường nghệ thuật đầy gian khó. Một thời gian sau, khi nghệ sĩ Hai Giỏi mất, gánh hát Nam Đồng Ban tan rã, nghệ sĩ Năm Phỉ lần lượt hát cho các gánh hát Tái Đồng Ban, rồi Văn Hí Ban rồi tiếp đó là đoàn Phước Cương. Tại gánh hát này, chính là thời điểm Năm Phỉ có dịp trổ hết tài năng ca diễn trong những vở hát được phóng tác từ sách truyện xưa: Trà Hoa Nữ, Xử án Bàng Quý Phi, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Mông Hoa nương, Lan và Điệp… làm cho tên tuổi cô đào Năm Phỉ được đông đảo khán giả Nam Kỳ và một số khán giả ở Pháp biết tới và nhiệt liệt hâm mộ. Trong vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt tuy không quá sắc sảo nhưng tươi mát cùng giọng ca hơi thổ khàn khàn độc đáo, nghệ sĩ đã hút hồn công chúng mê sân khấu cải lương của cả nước.

Năm 1931, trong kỳ đấu xảo (hội chợ quốc tế )- international fair – đặc biệt, trong vai Bàng Quý Phi, Năm Phỉ cùng nghệ sĩ Bảy Nhiêu (vai Tống Chơn Tôn), gánh Phước Cương được mời sang Pháp trình diễn vở Xử án Bàng Quý Phi tại Paris. Trong vở hát nổi tiếng này, trong không gian lung linh ánh đèn màu, trước bức màn nhung sân khấu lộng lẫy, nghệ sĩ Năm Phỉ đã rực sáng lên như một ngôi sao sân khấu độc nhất vô nhị của nền cải lương thời thượng. Từ động tác, cử chỉ sinh động tới thái độ biểu lộ xuất sắc những trạng thái tình cảm phức tạp ở khuôn mặt cho tới cái nhìn, cái liếc mắt sắc sảo, tinh tế của Bàng Quý Phi cộng với lời nói, giọng ca, dù chưa chắc khán giả Pháp đã hiểu, của nghệ sĩ Năm Phỉ, dìu dặt bổng trầm qua giai điệu ngũ âm tiếng đàn dân tộc. Họ ngồi im cảm nhận như đã bị hút hồn, cơ hồ như bị đứng tim bởi những xen (scene) biểu diễn xuất thần của cô đào Năm Phỉ tài danh trên sân khấu.

Sau này, NSND Phùng Há, một nghệ sĩ cải lương tiền phong, danh tiếng lẫy lừng, đang ở trên cương vị một giảng viên uy tín trường Sân khấu Kịch nghệ Sài Gòn, đã có lần phát biểu về nghệ sĩ Năm Phỉ. Cô Bảy Phùng Há vẫn thành thực coi mình là đàn em của nghệ sĩ Năm Phỉ khi bà chỉ được về hát chung với NSND Năm Châu ở gánh hát Tái Đồng Ban vì không có mặt nghệ sĩ Năm Phỉ.

Trước đây, cái duyên nghiệp đã đưa nghệ sĩ Năm Phỉ đến với anh kép Hai Giỏi của đoàn Nam Đồng Ban thì hôm nay ở gánh Phước Cương, cũng chính cái duyên ca hát đã chắp mối tơ duyên với ông bầu của đoàn – ông Nguyễn Phước Cương, người con ngoại hôn của phế đế ThànhThái. Những tưởng cuộc hội ngộ lần này giữa nghệ sĩ tài hoa và người danh giá giàu tâm huyết sẽ có điều kiện đưa nền nghệ thuật nước nhà được phát triển tốt đẹp. Không ngờ, chưa lâu sau, xảy ra mâu thuẫn sâu sắc khiến họ phải ly hôn. Nhưng cảnh trời già lắc léo, ông Nguyễn Phước Cương, chồng của Năm Phỉ sau đó trớ trêu trở thành chồng của em gái mình là NSND Bảy Nam, mẹ ruột của NSND Kim Cương!

Chưa tính đến các lần nghệ sĩ Năm Phỉ đi biểu diễn tại Thái Lan, Lào, Campuchia, sau lần trình diễn ấn tượng tại Paris, nghệ sĩ Năm Phỉ càng gây thêm tiếng vang mạnh mẽ không những tại Pháp mà cả thế giới. Được hoan nghênh nồng nhiệt sau vở diễn tại thủ đô ánh sáng Paris, bản thân nghệ sĩ Năm Phỉ vinh dự nhận được 4 Huy chương từ chính phủ bản địa, 1008 Danh thiếp, 186 lá thư bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tình cảm, 167 kiểu ảnh chụp, 42 bài báo có bình luận và khen ngợi và 230.000 đồng tương đương với hàng ngàn lượng vàng thời bấy giờ. Thiển nghĩ, đây cũng là phần thưởng vật chất lẫn tinh thần quý giá cho một nghệ sĩ đã cống hiến trọn vẹn tài năng và cuộc đời phụng sự nghệ thuật đầy truân chuyên, đau khổ cho sân khấu nghệ thuật cải lương.

Về gia đình, bè bạn, nghệ sĩ Năm Phỉ đã thể hiện một tình cảm trong sáng. NSND Kim Cương vừa là cháu gái ruột gọi bằng dì vừa là con của chồng xưa và em ruột NSND Bảy Nam, nên đã dồn nhiều tình yêu thương để truyền nghề cho người cháu gái xinh đẹp tài hoa này. Trong thực tế, giữa Kim Cương và Năm Phỉ có nhiều nét tương đồng, không chỉ về cá tính mà còn cả trong phong cách biểu diễn. Nói đến nghệ sĩ Năm Phỉ, GS. Hoàng Như Mai, một trí thức rất thiết tha đến nghệ thuật dân tộc nước nhà đã nhận định: “Bà là bậc nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của sân khấu cải lương. Đó là một tài năng đa dạng, đã chinh phục được cảm tình của tất cả khán giả”.

Ngày nay, có dịp nhắc đến hai tiếng Năm Phỉ, công chúng nghệ thuật cải lương Nam bộ đã nghĩ ngay đến hình ảnh thân thương của một nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh một thời vang bóng. Chân dung và giọng hát của nghệ sĩ Năm Phỉ sẽ còn mãi hiện diện trong tâm khảm khán giả mộ điệu sân khấu nước nhà. Và giọng ca ngọt ngào quyến rũ của nghệ sĩ sẽ mãi là những dư thanh lắng đọng trong tim mỗi người và thế giới nghệ sĩ tri âm bốn phương. Mang dòng máu lụy tình, khi miệt mài viết xong bài về nghệ sĩ Năm Phỉ, tôi chợt cảm thấy chạnh lòng, bồi hồi cảm xúc: “Thi nhân, người đẹp như danh tướng/ Không hẹn nhân gian thấy hết xuân/ Đi sớm để làm hoa bạc mệnh/ Còn hơn đau khổ kiếp hoa tàn”.                                            

10.2.2020

T.N