Nghệ sỹ và trách nhiệm xã hội

651

01.01.2018-07:00

NVTPHCM- Standwithkeaton, đó chính là dòng hashtag phổ biến của tháng 12, được những nghệ sỹ nổi tiếng trên thế giới cùng chia sẻ. Standwithkeaton, nôm na là “sát cánh cùng Keaton”, là một chiến dịch được nhiều người ủng hộ, được nhiều kênh truyền hình nổi tiếng như BBC, CNN cùng đưa tin.

 

Tất cả đều xoay quanh Keaton Jones, cậu bé 11 tuổi ở Knoxville, Tennesse, Hoa Kỳ. Cậu bé bị bạn bè cùng trường tẩy chay, bắt nạt và khi kể lại cho mẹ nghe, cậu đã khóc nức nở. Người mẹ quay video lại cảnh cậu bé kể lại chuyện của mình trong dòng nước mắt và đăng tải lên mạng xã hội. Ngay lập tức, video ấy tạo hiệu ứng mạnh, được chia sẻ rộng rãi và các nghệ sỹ cũng bắt đầu vào cuộc.

 

Nếu chúng ta gõ dòng hashtag ấy trên thanh công cụ tìm kiếm trên internet, chúng ta không khó khăn lắm để thấy những nghệ sỹ lên tiếng bảo vệ cậu là ai. Điển hình là tài tử Chris Evans, người quen thuộc với chúng ta qua vai diễn Captain America. Evans lập tức đăng trên twitter của mình rằng “Hãy mạnh mẽ lên Keaton. Đừng để chúng làm em trở nên mềm yếu và cô đơn. Anh hứa với em là mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn”.

 

Và Chris Evans cũng mời Keaton đến tham dự buổi chiếu ra mắt bộ phim Avenger. Trong khi đó, nữ ca sỹ, diễn viên Demi Lovato cũng chia sẻ rằng “Keaton, hãy nhớ là em không cô đơn. Có nhiều người đã vượt qua được nạn tẩy chay, bắt nạt và họ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Và không chỉ có giới nghệ sỹ, ngay cả tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng trên trang cá nhân của mình. Điều đó đủ mang lại cho Keaton sức mạnh để trở lại trường học mà không còn bất kỳ một nỗi sợ nào.

 

Câu chuyện của cậu bé Keaton Jones đủ để chúng ta liên tưởng đến những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Bạo lực học đường là thứ mà chúng ta nhắc tới nhiều nhất trong năm qua và dường như chúng ta chưa có cách nào để khắc chế nó. Xử lý những đứa trẻ gây bạo lực là điều rất khó, bởi bản thân chúng còn ở tuổi vị thành niên, chưa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

 

Nhưng biện pháp răn đe mang tính giáo dục không đủ sức nặng để chúng từ bỏ thói quen xấu kia, và một khi câu chuyện liên quan đến chúng lắng lại, chúng hoàn toàn có thể bắt đầu trở lại thói quen xấu như một hành vi đã ăn sâu vào ý thức.

 

Điều chúng ta có thể làm chính là việc động viên, khuyến khích, bảo vệ những nạn nhân, tạo ra cho chúng sự hãnh diện với bạn bè khi chúng được những nhân vật uy tín trong xã hội bảo vệ, che chở. Và trong số những nhân vật có uy tín trong xã hội, các nghệ sỹ là lực lượng mạnh mẽ nhất, bởi bản thân họ cũng là thần tượng của phần lớn giới trẻ học đường.

 

Nhưng dường như nghệ sỹ Việt chưa biết cách để thể hiện mối quan tâm của mình ở lĩnh vực này. Họ có thể bức xúc với vấn nạn bạo lực học đường, nhưng đó vẫn chỉ là sự lên tiếng chung chung, chưa cụ thể thành một chiến dịch điển hình. Phải thừa nhận, nghệ sỹ Việt rất quan tâm đến hoạt động xã hội và các dự án từ thiện của họ là minh chứng rõ nét nhất.

 

Song, việc đảm lãnh trách nhiệm xã hội không chỉ bằng cách làm từ thiện, tham gia các hoạt động mang tính vận động phong trào kiểu như “chạy vì trẻ em dị tật bẩm sinh” mà nó còn cần là những hành động cụ thể, chi tiết, hướng đến một cá nhân tiêu biểu và đủ dấy lên mối quan tâm của cả xã hội về một vấn nạn thông qua cá nhân tiêu biểu ấy.

 

Hi vọng rằng, bài học Keaton Jones sẽ làm nghệ sỹ Việt biết thêm cách để tham gia vào các hoạt động xã hội một cách thiết thực hơn nữa trong năm 2018 này để hiểu rằng, nhiều khi, trách nhiệm xã hội chỉ là những hành động nhỏ, không tốn kém chi phí, nhưng hiệu quả lại lớn lao vô cùng.

 

VĂN ĐOAN

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…