Sau sự cố bị dư luận phản đối và cơ quan chức năng “tuýt còi” với MV “Theres No One At All” có nội dung bạo lực, thiếu tính giáo dục, ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã lên tiếng xin lỗi và tuyên bố sẽ chủ động ngừng phát hành MV mới. Điều đáng nói đây là sự việc không mới trong một bộ phận nghệ sĩ hiện nay khi liên tục có những sản phẩm âm nhạc hay phát ngôn, việc làm trái với thuần phong mĩ tục Việt Nam.
Tối 28/4, ca sĩ Sơn Tùng M-TP ra mắt MV hát tiếng Anh đầu tiên trong sự nghiệp. Anh vào vai một kẻ lang thang, ương ngạnh và coi việc tấn công mọi người vô cớ là cách để khẳng định sự tồn tại của mình. Cuối cùng, nhân vật đã chọn cách tự sát bằng việc nhảy từ trên lầu cao xuống.
Nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh đã phản ứng gay gắt về MV này, bởi theo họ nam ca sĩ gốc Thái Bình đã vô hình trung cổ súy cho lối sống lệch lạc và nhất là hành động tử tự của giới trẻ thời gian gần đây. Đặc biệt, anh lại là ca sĩ có số lượng người hâm mộ, trong đó số người trẻ rất lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ và có thể dẫn đến hành động dại dột cho rất nhiều bạn trẻ.
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong MV mới nhất của mình.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng nhận định: sự việc của Sơn Tùng M-TP là “giọt nước tràn ly” cho văn hóa của một bộ phận ca sĩ nói riêng và nghệ sĩ nói chung hiện nay, bởi theo ông, một số ca sĩ trẻ đang đi theo xu hướng thị trường, giải trí dẫn đến tình trạng buông lỏng chất lượng, nghiệp dư hóa – lệch chuẩn, chệch khỏi trật tự xã hội, không theo thuần phong mỹ tục… Tính nhân văn, tính nghệ thuật đang bị đảo lộn và đôi khi bị đảo ngược.
Theo tác giả “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” thì sáng tạo âm nhạc không còn dành riêng cho những người được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hoặc những người trưởng thành do tự học một cách bài bản, nghiêm túc để trở thành nhạc sĩ, nghệ sĩ, mà chính nền kinh tế thị trường với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã đẩy một bộ phận cấu thành của nền âm nhạc vượt ra khỏi chuẩn mực của đạo đức, của truyền thống dân tộc, tạo nên một dòng nhạc hỗn độn.
“Cùng với đó, các phương tiện truyền thông do cần thu hút khán giả nên ngày càng tạo nhiều hơn các sân chơi ca nhạc, biến âm nhạc thành trò chơi, vô hình trung hạ thấp tính giáo dục, tính thẩm mỹ, nghiêng sang lĩnh vực giải trí đơn thuần” – nhạc sĩ Đoàn Bổng nhấn mạnh.
Tiến sĩ, nhạc sĩ, nhà văn Phạm Việt Long (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, hiện nay tình trạng giới trẻ tự tử đang ở mức báo động, đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của gia đình, nhà trường, xã hội cần đặc biệt chú trọng hơn nữa. Hơn ai hết nghệ sĩ – những người được công chúng mến mộ, phải hiểu điều đó, phải dùng những sáng tạo nghệ thuật của mình để cảnh báo, giáo dục và lan tỏa lối sống đẹp, lối sống nhân văn trong xã hội. Trước hết nghệ sĩ – những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phải là những người có văn hóa…
“Hiện nay có những nghệ sĩ phản ánh những điều tốt đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng mà sống lại không theo những chuẩn mực đó. Theo tôi nghệ sĩ – những người có ảnh hưởng lớn đến xã hội cần tham gia mạng xã hội để lan tỏa giá trị tích cực, cái tốt và điều tử tế thông qua các “trạng thái”, “bình luận”… của mình?” – Tiến sĩ Phạm Việt Long trăn trở.
PGS.TS, chuyên gia tâm lý học Trần Thành Nam.
Bàn về giải pháp mang tính dài hơi, PGS.TS, chuyên gia tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước phải có những giải pháp rất tổng thể để nước ta có một môi trường văn hóa, môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Đó là cần thay đổi cơ chế quản lý với các sản phẩm sáng tạo. Rõ ràng chúng ta phải có cơ chế tiền kiểm chứ không thể chỉ hậu kiểm, sai thì gỡ như thế này. Trước khi công bố lên mạng, các sản phẩm này phải được duyệt kỹ càng, cẩn thận như phim điện ảnh. Hơn nữa, chúng ta yêu cầu những người tham gia sáng tạo nội dung trên nền tảng số phải tham gia lớp học bắt buộc, phải có “chứng chỉ hành nghề” để nắm được luật, quy tắc ứng xử và nâng cao nhận thức về những tác động, nguy cơ có thể gây ra cho cộng đồng.
“Mục tiêu của nghệ thuật phải là hướng đến sự “chữa lành”. Khi buồn chán, đau khổ, chúng ta tìm đến âm nhạc, phim ảnh như một cách thức để giải trí, xoa dịu tâm hồn, nên nghệ thuật phải cứu rỗi chứ không thể mang cái nhìn u ám, làm mất động lực, niềm tin vào tương lai” – PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Nhìn lại chặng dài lịch sử của dân tộc, dễ dàng nhận thấy những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước… hầu hết đều ra đời đúng thời điểm, trở thành vũ khí sắc bén cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất và biển trời của Tổ quốc. Không ai có thể phủ nhận được giá trị của âm nhạc. Trong thời chiến, âm nhạc đã hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, chiến thắng mọi vũ khí hủy diệt của quân thù, “tiếng hát át tiếng bom”; âm nhạc đã cổ vũ tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nâng bước những đoàn quân làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”,thôi thúc những người con của một dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (thơ Tố Hữu). Sau chiến tranh, âm nhạc lan tỏa trong từng nhịp thở của đời sống mới, động viên lớp lớp thanh niên ra công trường, nơi biên giới, thi đua lao động, làm kinh tế, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh…
Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung là cơ sở, là nền tảng vững chắc để đất nước ta, dân tộc ta tạo dựng văn hóa, văn hiến, gìn giữ nền độc lập – tự do. Nhất là tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lại lời tiền nhân: “Văn hóa còn, dân tộc còn”. Văn hóa đã trở thành sức mạnh nội sinh, vừa là động lực vừa là mục tiêu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo dựng nên một diện mạo về một đất nước Việt Nam tươi đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Nói vậy để thấy vai trò của những người hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn lao thế nào, trách nhiệm nặng nề ra sao. Và sau “luồng gió” của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, mỗi nghệ sĩ càng phải thêm trân trọng và ý thức hơn nữa giá trị của những sáng tạo nghệ thuật của mình với đời sống xã hội, đặc biệt bản thân họ phải luôn thể hiện trách nhiệm cao nhất với cộng đồng xã hội thông qua việc làm, hành động, phát ngôn và đặc biệt là những sản phẩm nghệ thuật.
Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ, trong đó nổi bật là một số quy tắc, như: Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa đến cộng đồng. Đó là một trong những quy tắc tối thượng, mang tính giằng buộc của người được xã hội trân trọng, yêu mến gọi là “nghệ sĩ”. Tuy nhiên Bộ quy tắc chỉ là quy tắc trên giấy tờ hay nói cách khác là Bộ quy tắc sẽ không đi vào đời sống nếu nghệ sĩ không thực sự có ý thức về vai trò, giá trị và sứ mệnh cao cả của mình, xứng đáng với hai tiếng “nghệ sĩ” trước công chúng.
Ngô Đăng Khoa/VNCA