Nghi lễ của ánh sáng của Lê Tuân

663

11.01.2018-07:00

 Tập thơ Nghi lễ của ánh sáng của Lê Tuân

 

Từ đổi mới đến tự giải phóng

 

KAO SƠN

 

NVTPHCM- Là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, Lê Tuân đã có một khoảng thời gian dài gắn bó với nghiệp thơ. Tuy vậy, tính cho đến nay anh mới có hai tập thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành: Đi mãi không thôiMột nơi. Bây giờ Nghi lễ của ánh sáng là tập thứ ba. Và cả ba tập thơ đó đều là thơ tình. Không sao. Số lượng không quan trọng. Chủ đề cũng không quan trọng. Vấn đề là cách, là phương pháp thể hiện và quan trọng hơn, những chứa đựng trong chủ đề ấy.

 

Giống như người thợ xây một cái nhà. Giống như họa sỹ vẽ một bức tranh. Và giống như sự hiện diện một khuôn mặt người giữa muôn vàn gương mặt người khác. Có vẻ ngay từ đầu Lê Tuân đã có ý thức trong việc kiến tạo, tìm được một mảnh đất phù hợp để dựng ngôi nhà thơ của riêng anh, cho riêng anh. Vâng, với mỗi nhà văn nhà thơ, cái riêng là tối cần thiết. Nó là tiêu chí để đánh giá tài năng và nhân tố tạo nên sự cuốn hút, làm nên một vóc dáng, một phong cách. Song hành với đó là những chứa đựng của tầng vỉa tư tưởng. Tuy nhiên, nói thì dễ vậy, nhưng để đạt được cái riêng ấy, khai phá, tích cóp cho được những chứa đựng từ các tầng vỉa trong thơ là một quá trình không hề đơn giản.

 

Trong nhiều năm gần đây, trên địa hạt thơ, có vẻ đã có sự chựng lại của Tư tưởng. CHÂN- THIỆN- MỸ hầu như đã được khẳng định là tiêu chí bắt buộc phải có và không cần phải bàn cãi về giá trị của nó. Cái mới vẫn là một yêu cầu và trở thành bức xúc. Các nhà thơ bắt đầu tìm đến một hướng giải quyết khác. Có khi rầm rộ, có lúc âm thầm, lặng lẽ, lần lượt xuất hiện trên cái nền rộng lớn của thơ cổ, thơ truyền thống là phong trào thơ mới khởi từ những năm đầu 30-40 thế kỉ trước, cho đến nay đã có thêm nhiều cuộc cách mạng khác trong thơ:  Từ những năm 50 thơ Thiền xuất hiện bên cạnh thơ Hiện thực XHCN. Năm 80 từ Sài Gòn là thơ Vụt hiện. Và rầm rộ hơn cả là thơ Hiện đại của những năm cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21 với đội ngũ đông đảo các nhà thơ trẻ tham gia. Những cuộc cách mạng Thơ này thu hút được sự quan tâm của độc giả nhiều thế hệ, nhưng đa phần vẫn chỉ chủ yếu dừng lại ở việc cách tân thơ mà đặc điểm dễ nhạn thấy nhất ở cuộc cách tân này chính là thay đổi phương pháp, hình thức biểu cảm và biểu hiện: Từ bay bổng lãng mạn thoát li hiện thực, tới hiện thực rồi lại tới phiêu du cách tục, tới tượng trưng siêu thực.

 

Lê Tuân không đứng ngoài sự vận động của các cuộc cách mạng Thơ ấy. Anh bắt đầu mạch thơ của mình bằng những bài theo phong cách truyền thống: Thơ có vần điệu, có niêm luật, theo một mạch của chủ đề đã định, dùng ngôn ngữ và hình ảnh dễ hiểu.

 

Nghe đâu chiếc lá nói rằng

Mùa thu đang đến nên trăng rất vàng

Ngàn cây nội cỏ hoang mang

Liệu màu xanh ấy có vàng theo trăng…

 

Truyền thống về niêm luật, sử dụng cú pháp, câu chữ.

 

Ngày xưa em tắm suối tiên

Áo bay lạc gió qua miền trần gian

Ai di động cánh hoa vàng

Tôi đi về phía hoàng lan đứng chờ

 

Vẫn là truyền thống. Nhưng đã lấp ló trong đấy một kiểu tư duy riêng với ngôn từ và hình ảnh nhuốm màu thiền.

 

Em từ thiên cổ đi ra

Đi trong mộng mị, đi qua luân hồi

Thánh đôi mắt thiện tìm tôi

Phương đông lạc nhịp bên đồi chân tu

 

 Phong cách thơ đã lộ diện nhưng mới là những ẩn hiện chưa rõ nét. Đã có những lần tìm, thể nghiệm nhưng chưa nói lên được những điều mà nhà thơ mong hướng tới. Vẫn có một cái gì đó chưa an. Chưa đủ bột để tạo cho Lê tuân một vóc dáng, một giọng điệu, một phong cách riêng. Nghĩa là đọc lên vẫn thấy như đã gặp, đã nghe ở ai đó, ở đâu đó. Điều ấy chính Lê Tuân cũng đã nhận ra. Những băn khoăn đã đến. Nhà thơ đặt câu hỏi:

 

Hình như có một cái gì đó

chưa vẹn toàn và còn bỏ ngỏ

Có khi nào phải làm lại từ đầu không, hả gió

Hỏi gió. Nhưng chính là cật vấn chính mình.

 

Với mỗi nhà thơ chân chính, sự tự cật vấn, luôn đặt câu hỏi cho mình về sự còn khiếm khuyết hay hoàn thiện là điều đáng quý. Nó thể hiện trách nhiệm và khát khao vươn tới để khẳng định. Và Lê Tuân đã làm thế. Anh loay hoay đi tìm một phương thức thể hiện mới:

 

Ngồi suốt đêm trước biển

Tìm gì

Chẳng tìm gì cả

Đến sáng lại về

Bước như chưa hề

Đã nhiều năm như thế

Cho đến một ngày

…. Tìm gì

Chẳng tìm gì cả

Đã thấy được rồi

 

Có thể thấy đây là một bước ngoặt, cho dù còn nhỏ nhưng đã xuất hiện. Bước ngoặt không chỉ nằm ở thay đổi nhịp điệu kết cấu mà nằm ở sự chọn lựa hệ Mỹ học mới làm cơ sở cho những cách tân của nhà thơ. Đã có sự ảnh hưởng của tôn giáo: Đạo giáo, Phật giáo với quan niệm Vô- Vi. Cái nhìn không nửa chừng nửa vời, không lệ thuộc vào cái đang hiện hữu mà hướng đến cái tuyệt đối và chân lý nằm ở bên trong , nhưng là phía sau của sự vật:

 

Thật ra biển cũng là mây

Nên chi có chỗ là ngày. Vẫn đêm

 

Vẫn có sự vấn vít nửa đời nửa đạo. Có sự bồng bềnh trôi của cõi người trong cõi đạo. Là hư ảo bao trùm trên cõi thật. Nhưng câu thơ bắt đầu mở ra những cửa ngõ mới lạ. Thoát tục để đến với miền phiêu lãng. Và trong cái miền ấy, hình như ta được cảm thấy hết những cung bậc và thi vị của cảm xúc.

 

Con đường

đêm ấy xôn xao

Trăng vàng cởi áo thả vào hoàng huy

Đêm hồng

Vẽ lối vương phi

Còn bao đêm trắng từ bi lối nào

 

Như vậy, tuy chưa nhiều nhưng Lê Tuân bằng chủ ý và nỗ lực của mình, ở các phân khúc sáng tạo đều đã có xuất hiện những đổi mới. Tuy nhiên những bứt phá cần thiết chỉ thực sự đến với anh từ tập thơ thứ ba này.

 

Vẫn mạch thơ tình, vẫn những trăn trở về tình nhưng không tập trung khai thác bản thể, bộc lộ những mong muốn, khát khao, khai thác cái tôi như nhiều người mà hướng sự quan tâm tìm hiểu ra những điều rộng lớn hơn, nhân sinh, nhân gian hơn và cội rễ hơn. Đi sâu vào tìm hiểu căn nguyên của sự vật. Sau đó là gợi mở để thoát những mặc định: Thấy- sờ thấy.

 

Chàng đã đến khi em còn chưa đến

và đã đi khi trăng nhỏ vừa lên

Vẫn còn một ít không tên

và còn nhiều nữa để bên kia trời

 

Cái “thấy” bây giờ không nhìn bằng mắt. Chuyển hướng vào nội tâm và từ đó, trong cái lang thang, miệt mài của lần tìm ấy Lê Tuân thả rông cho ý nghĩ của mình mặc sức bay lượn, vẫy vùng cùng những liên tưởng.

 

Chàng tìm gì mà ngơ ngác trên đỉnh núi, không thấy em đang đứng đây sao…

Im lặng….

Chàng đứng đây chi mà sầu tủi, một mình em làm sao cứu nổi một cuộc tình…

Im lặng.

Đặt cái nhìn không phải lên cái đang có, đang hiện hữu mà ở hồn cốt của nó mang ở mãi muôn sau:

Rừng cây, linh hồn trang giấy

Ríu rít lá vàng

trút hết ngôn từ lãng đãng xuống bờ mây

đồi nho

vang đỏ

sẽ kể em nghe

tiếng cụng ly ngàn năm tuổi…

 

Tâm trí bây giờ đã mở ra và không cần một chỗ dựa cụ thể. Cứ thế lan tỏa. Lê Tuân tiếp cận dần đến dòng thơ triết luận. Ý thức chọn chỗ cho mình và cũng nói lên quan điểm của mình, cách nhìn nhận cuộc sống

 

Mỗi người mang lễ vật và những chiếc bình khác nhau

đến nơi ấy để lấy nước thiêng

chiều về

rót vào nhiều chiếc cốc khác nhau

uống theo những cách khác nhau

 

Như vậy là không còn băn khoăn nữa. Anh đã nhìn ra cái mà mình cần: chấp nhận sự khác và dám khác.

 

Vẫn là một giọng thơ của mộng mị, bảng lảng không chủ động vào một cái gì mà xốn xang va đập như tiếng gió va cây.

 

Sau lưng ngựa trắng

tịch liêu

ngác ngơ bến nước hỏi chiều nào đây

là mây

rảnh rỗi

cứ bay

ồ ta còn vướng bóng cây bên đàng

 

Tiếp đó là những giằng co nội tâm thức tỉnh về ý nghĩa cuộc sống, những gạ gẫm buông xuôi:

 

chiếc bóng lờ mờ, đến bên tôi gạ gẫm một đêm thơ

– này, đừng nghĩ nhiều về đi hay ở, hãy theo ta, để hết lại đây những gì đời có…

kẻ đến nhiều hơn đi, mang chi chút mỏng manh che lối vê ngàn xanh dạ mị,

thôi, nghĩ ngợi làm gì, chuyện vui buồn đã có gió mây bay…

 

Cảm giác về thân phận:

 

Mãi

cô đơn

vì chưa tìm thấy người cô đơn cùng mình

mãi

tìm một ai đó để giống…

 

Là nói vậy thôi. Một cách khẳng định cho cái tôi riêng cần thiết. Câu thơ viết ra trên giấy trắng mực đen nhưng là thứ thơ mà điều cần nói nằm ở phía sau con chữ. Đi kèm đó là một nhận thức. Thơ và cuộc sống vốn là nơi trú ngụ cho những cần thiết và linh thiêng  huyền bí. Nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó.

 

Có những điều còn lớn hơn tồn tại

có những tang đồ đến đây làm bẩn đền đài

 

Xã hội ngày càng rối rắm, phức tạp, thậm chí vô lí. Nhà thơ là một cá thể, một hạt bụi trong đó và đương nhiên có những quẫy lộn, tìm kiếm, loay hoay thể hiện, và cũng lạc lối, … là chuyện bình thường. Nhưng có điều,  những lần mò, lạc lối, hoang mang kia lại chính là sự khẳng định cho sự không thờ ơ, không buông xuôi của con người với cuộc sống. Những hy vọng không bị đem giết mà tồn tại trong một miền cho dù là ảo: Sự xuất hiện của đấng cứu thế.

 

Người lại đến

Đặt vào thế giới này

và cả thế giới không bay

trái tim của gió

tất cả cửa

từ đó

mở

 

Lấy cái mung lung, khó xác định để làm một khẳng định cho cái đang hiện hữu. Có những đứt khúc. Có sự rời rạc. Có sự không ăn nhập trong từng bài. Nhưng xâu chuối tất cả thì lại như đang có một cái gì thật thống nhất. Đó là giải phóng Con người cùng sự cô đơn, không định vị.

 

Câu hỏi

dắt nhau lên non cao đứng đợi

câu trả lời

cứ bỏ ngỏ rong chơi

 

Trong một đồng hiện nhòe nhoẹt có một đốm sáng trong đó. Có những câu thơ như vụt hiện trong tâm thức người viết. Có hình ảnh như tự vô thức hiện lên. Thường không khai thác và thể hiện bằng một ý, một tứ  như trong thơ truyền thống . Trong một bài có nhiều tứ nhưng cũng không theo đuổi một tứ nào cho đến cùng. Tất cả chỉ như một trò chơi cút bắt.

 

Thế giới nhân gian tồn tại trong ảo giác về một sân khấu lớn mà diễn biến thuộc ý muốn và sự chi phối, điều hành của chủ một ông chủ lớn vô hình:

 

Tôi đến xin việc báo giông

ôi

đừng hỏi những đau lòng

con chỉ là người tình của gió…

 

Tôi hỏi lại bức tường

ôi

Yêu thương

tất cả chỉ là tưởng tượng của ông chủ lớn.

Ai cũng gọi người là Anatta

 

Những tìm tòi triết luận. Truy cho đến cùng và dừng lại giữa hoang mang, nghi hoặc. Đa số là những câu hỏi bỏ ngỏ:

 

Đất

bay lên khỏi mặt nước

chỉ làm loang mơ ước đến tận bờ

hay còn điều gì muốn thấy

 

Trời

lao mình xuống nước

chỉ hít thở tình yêu

hay còn có điều gì muốn thấy

 

Người vẫn chưa nhớ ra

mình đã bay lên bay xuống đến lần thứ mấy

và có còn điều gì muốn thấy hay không

 

Bóng tối, cô đơn, nỗi buồn đâu cũng có. Nó dày đặc trên trái đấy này. Nhưng như Lê Tuân: Trái đất hình vô tội. Chỉ con người. Con người với hai con mắt, mỗi mắt nhìn về một phía, tự hoài nghi mình và tự làm đau mình. Làm bẩn đền đài, và tầm thường hóa cuộc sống, biến cuộc sống thành môt thế giới khô cứng  bằng việc giết chết ước mơ, bỏ tù những trái tim của gió.

 

Những câu thơ không trượt đi mà miết vào sỏi . Những câu thơ ở đây đã mang màu sắc của hiện sinh. Những khuôn mặt mang hình hài của nỗi sợ. Nỗi sợ của ẩn chứa và chìm lấp.

 

Ngồi bên cầu từ sáng

Chờ một phép màu

đến chiều lại câu được một xác chết…

 

Một câu hỏi đặt ra:  Sau cái đạt được là cái gì ? Phải chăng tiếp đó là nỗi buồn của những khát vọng, những phấn đấu trước kia sôi sục giờ đang và đã chết. Đó là hành trình mệt mỏi của Tìm và Thấy. Cuối cùng là một cái Mất trống rỗng. Chóng mặt trong cảm giác của ê chề lặp lại mà không thể buông bỏ. Nỗi sợ Big bang khởi từ đó, khởi từ những phi lí không thể giải thích.  Nó gợi sự bất lực, gây nên trùm lấp và nghẹt thở sau những câu hỏi không lời giải:

 

Trong thế giới ma quỷ

cái ác là điều thiện

từ xưa hay chỉ mới hôm nay

chết và sống là một hay là hai

tôi đang ở với ai hay chỉ là tồn tại…

 

Trong thơ các thi nhân thường hay nói đến nỗi buồn. Và với nhiều người, thường nỗi buồn không nguyên cớ, mung lung. Lê tuân, nỗi buồn mang vóc dáng một nữ hoàng, một cái bóng:

 

Có một gã, càng xua đuổi càng đến gần,

nàng đi một bước, gã cũng đi một bước, không thể thoát ra được. ai thế nhỉ

 

Nàng bảo

Gã là tôi

triết học bảo

tôi là tù nhân của gã

 

Đây là cái nhìn mang tư tưởng hiện sinh. Nỗi cô đơn hiện sinh, thấy mình, thấy con người, thấy đồng loại là xa vắng và không thể tiếp cận.

 

Và trong đó, trong cái vô cùng vô tận tưởng như trống rỗng của những Big Bang chết, sự xuất hiện của Chúa sẽ hồi sinh một đốm lửa mới: đốm lửa của tình yêu.

 

chừng nào em về

cho tôi quá giang

chuyến tàu Noah lần nữa

 

Thơ có gì đó gần với đạo. Nghĩa là cũng có khi không thể giải thích. Chỉ có thể cảm và chấp nhận.

 

Tiếng chuông báo hiệu một nhịp sống mới, một hành trình vận động mới cùng một cái nhìn mới cho vạn vật:

 

Ở rất gần hơi thở

Ưc mơ phải chết đi để sống

 

Và trên hết là nhận thức về cái thênh thang. Thênh thang chỉ là nó khi con người thoát khỏi hết những ràng buộc của lụa là, áo mỏng, hội hè phù vân để tự giải phóng mình về với thiên nhiên hoang dã.

 

Cả hai cùng bay khắp chốn vô cùng tuyệt kĩ, chơi với những nền văn minh từ xa xưa đến tận mai sau, hát đồng dao như con trẻ bên bờ vô ưu cho đến sáng… ồ, chả thấy ai canh chừng ta cả.

 

Nhà thơ là người truyền cảm xúc và thông điệp. Để thơ có mặt trong cuộc sống, thơ phải nằm trong và đi ra từ nhân gian. Và ” có thể hiểu, cảm được”. Khai thác nhiều hệ quy chiếu khác nhau nhưng không đánh đố về câu chữ, hình tượng. Thơ có thể được tiếp nhận từ trực giác, bằng lí trí. Nhưng quan trọng hơn, bằng Cảm. Cái Cảm sẽ mở rộng trường phổ hiện , tầng ẩn chứa và làm thơ lung linh hơn. Đi vào tâm thức, làm giàu tư duy, chậm nhưng sâu hơn, chính xác hơn.

 

Lê Tuân qua ba tập thơ và nhất là ở tập thứ ba này, anh đã bám chắc những tiêu chí cơ bản đồng thời dũng cảm dấn thân, không ngơi nghỉ. Dám thay đổi, có ý thức giải phóng và đầy tự tin. Tiếp thu, chối bỏ, lần tìm để tạo lập một RIÊNG rồi lại chối bỏ, lại tạo lập một mô hình sáng tạo khác. Điều đó xuất phát từ tinh thần tự trọng và nghiêm túc với nghề. Trong cái hổ lốn, nhếch nhác, vàng lẫn cám của cái gọi là Thơ đương đại, tạo được một giọng điệu, một phong cách riêng là rất quý. Có thể những cố gắng đó chưa thực sự đem lại kết quả mĩ mãn. Có thể ở đâu đó vẫn thấy dấu ấn của những ảnh hưởng ngoại lai hay sự pha trộn. Điều đó không sao. Nghệ thuật luôn chứa trong nó sự kế thừa và sự pha trộn. Mọi tìm tòi nghiêm túc đều đáng được cổ vũ.

 

Trong thơ, để nhận định, đánh giá một con người, một xu hướng, một trào lưu cần có thời gian và nhất là không thể lấy số đông để áp đặt. Bởi ngay cả với thơ truyền thống thì số người thành đạt, có được những gặt hái đáng kể  cũng đâu có nhiều. Và như vậy, với một trào lưu, xu hướng thơ mới , hay thậm chí, một dòng thơ đã được thử nghiệm với đông người: Thơ phi lí, thơ hiện sinh, thơ triết luận… thì cũng không nên vội vàng coi sự tiếp nối sau này của một số người  là ngoan cố một cách tuyệt vọng, là ăn theo, hoặc là một bắt chước lỗi thời và để rồi chê bai, phủ nhận. Thành công hay thất bại vẫn do mỗi cá nhân quyết định. Có thể thất bại với người này hoặc thành công với người kia. Và việc lao đầu hay dấn thân vào những thử thách, đối diện với những thử thách trong văn học nghệ thuật luôn cần được tôn trọng và dành cho một ưu ái nhất định. Bởi đó chính là động lực để thoát khỏi lối mòn tư duy trì trệ. Tất nhiên, thẩm mỹ và quan niệm, cách nhìn, sự đón nhận không phải dễ đến ngay từ đầu. Có khi các nhà thơ còn trách nhiệm phải hướng dẫn, lôi kéo, chinh phục dần. Người đọc cũng phải thay đổi để làm một song hành cùng nhà thơ, cho dù giữa người sáng tác và người đọc có một lằn ranh và giữa họ có một mối liên hệ mong manh, dễ đứt hình thành bởi những thiên chức riêng. Và để đạt tới điều đó cần thời gian dài.

 

Và nếu không có lòng với điều đó, xin hãy im lặng và chờ đợi.

 

Sài Gòn, tháng 7 năm 2017

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…