Nghĩ về mấy cái Tết độc đáo trong văn chương

714

Đặng Ngọc Hùng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi vũ trụ vận hành theo một nhịp điệu nào đó, Tết đến. Nhưng Tết không chỉ là dịp để con người giao hòa với trời đất. Từ trong thẳm sâu tâm hồn, Tết – với mỗi chúng ta – lạ lắm, nó vi tế trong nếp nghĩ, trong mỗi rung động khi những thời khắc cuối năm đang vùn vụt chạy về “bến” giao thừa.


Tác giả Đặng Ngọc Hùng.

Tết là khát khao gắn bó, khát khao một cái gì mới mẻ rất khó diễn đạt thành lời đến với mình. Tết ở quanh ta, trong ta, nó hiện hữu vậy nhưng không nắm bắt được nó. Tết đến, như có người từng nói rất hay, chúng ta từ miền đời vật chất trần trụi để bước vào miền thiêng liêng của tâm linh.

Thanh Tịnh có hai truyện ngắn rớm lệ về trạng thái rất người này. Ở truyện Tình quê hương, hai người bạn Thuyên và Đồng gốc miền Trung, vì điều kiện mưu sinh không về quê ăn tết được. Ngày thường, “tình quê hương dạt dào trong tâm trí họ”, nói chi ngày Tết. Ở sân ga Gò Đen, nơi họ đang làm việc, hai bạn trai làm quen với một cô gái Huế đang chờ chuyến tàu muộn để về quê đón Tết. Cả ba làm cỗ đón xuân sớm. Kính cẩn lắm, dù hương được cắm vào cái khe của cái máy đóng vé tàu. Lúc khói trầm tỏa lên khắp nhà, cả ba kẻ tha hương đều nhòa lệ, lòng bùi ngùi nỗi nhớ quê. Ngoài kia, bên quãng đồng xa, một tiếng còi tàu thét vang lên trong đêm tối. Người con gái Huế sẽ lên chuyến tàu muộn bất thường về miền Trung. Nơi đây, Thuyên và Đồng ngồi truyền hơi ấm cho nhau, tưởng về quê hương bản quán với những gì thân thương nhất.

Chuyến xe cuối năm tả một chuyến tàu muộn đưa những người làm ăn xa trở về quê ăn Tết. Tàu chạy hấp tấp trong gió trời vi vút, trong tiếng pháo nổ. Những người đi làm ăn xa nóng lòng muốn về nhà với người thân. Vậy mà, chưa về đến nhà, giao thừa đã đến. Đã qua một năm khác. Họ buồn, họ tủi, họ muốn khóc. Con tàu vẫn chạy giữa đồng hoang, trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Khách trên tàu nhắm mắt nhưng sự thật đều không ngủ. Họ thao thức để nhớ về những ngày xưa cũ. Câu văn của Thanh Tịnh cứ nhẩn nha, rủ rỉ trong một nhịp điệu xa xót. Sáng hôm sau, cụ già lấy áo điều ra mặc. Rồi những người khác lấy cái áo mới ra mặc theo. Con tàu muộn vẫn chạy. Người soát vé đến từng toa chúc Tết và nhận được lời chúc từ hành khách trong toa. Sau đó, người đi tàu chúc lẫn nhau. Một bữa tiệc tinh thần khiến người ta thấy niềm vui trong mình như “ánh nắng xuân trên đồng cỏ mới”. Bỗng đâu một thiếu phụ dắt đứa con nhỏ đi vào toa của một cụ già và nhận ra mình đã trót xông đất (!). Cụ già trong toa “bỏ qua” chuyện đó, vui vẻ gọi toa của mình là “nhà”.

Thanh Tịnh viết: “Một gia đình gồm có những người không gia đình đang vui vẻ ăn Tết và đang quay bánh lăn dài trên con đường sắt”. Ấy vậy mà mỗi người đều thấy lòng ấm lên một cách thành thực. Cái gì đã kết những con người xa lạ trên chuyến tàu lại thành một gia đình? Tết. Chỉ có Tết. Một cuộc đoàn viên đẹp như giấc mộng.

Tuy nhiên, những nhân vật trên của Thanh Tịnh là những con người sống “trên bề mặt xã hội”. Còn Huệ và Liên trong truyện ngắn Tối ba mươi của Thạch Lam lại là những… kỹ nữ.

Sau rất nhiều lần đọc, tôi luôn giữ ý nghĩ: Viết Tối ba mươi, Thạch Lam không có tham vọng đưa ra một vấn đề vĩ mô như lý giải nguyên nhân xô đẩy con người vào con đường cùng ô nhục hay những biện pháp giải thoát họ… Điều mà Thạch Lam chủ tâm trình bày là niềm tin của ông về sự bất diệt của nhân tính trong trẻo trước sự hủy diệt tàn bạo của kiếp đời nhơ nhuốc. Và một lần nữa, Tết là một thứ “nước thánh” chan rưới lên tinh thần để con người được rũ bỏ những cũ phiền rong rêu phên dậu tâm hồn ngày cũ.

So với những tác phẩm viết cùng đề tài như Đời mưa gió của Khái Hưng, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng thì Tối ba mươi của Thạch Lam chỉ là một nhát cắt. Nói theo các nhà lý luận, truyện ngắn tạo ra một mảnh nhỏ để nhìn vào cuộc đời bao la. Bởi vậy, truyện ngắn không dễ viết. Truyện ngắn phải gây sự lôi cuốn ngay từ đầu – một thử thách cho bất cứ ai đã, đang và sẽ viết thể tài này. Những yêu cầu nghiêm nhặt nói trên, Thạch Lam đều “tuân thủ” thành công qua Tối ba mươi. Nếu không “cố tình” đặt nhân vật vào thời điểm đêm ba mươi, tác giả sẽ không dễ dàng làm toát lên ý vị nhân đạo, nhân văn độc đáo của câu chuyện. Đêm ba mươi, nhà săm vắng lặng, Huệ và Liên thấm thía cảm giác lạc loài. Đêm ba mươi là cái thời điểm nhạy cảm trong tâm thức người Việt. Khi nắng vừa tắt, đêm đến rất nhanh, một lời nói không đúng lúc có thể làm chạnh lòng, tổn thương người kỹ nữ.

Đêm ba mươi, đường phố mưa bụi bay, cái lạnh thấm vào hồn hai cô gái sống đời trụy lạc không còn chỗ dung thân. Tết đến, người ta chúc nhau những điều tốt lành. Trong căn phòng chuyên tiếp khách làng chơi bẩn thỉu, người bồi săm, trước lúc về nhà với vợ con, quay lại với hai cô gái: “À, chút nữa quên, tôi xin chúc mừng trước hai cô nhé !”. Với hai cô gái làm nghề bán thân, ông ta chúc gì? Câu nói của người bồi săm đứt quãng: “Chúc hai cô sang năm mới được… được…”. Sự đứt quãng không phải vì lạnh. Sự ấp úng ấy của người bồi, theo tôi, là một bằng chứng về nhân tính. Nhà nhân đạo Thạch Lam hiểu điều này hơn ai hết. Cho nên, thay vào sự lặng im đầy tủi nhục ấy là “tiếng cảnh cổng sắt dưới nhà rít lên trong yên lặng lạnh lùng”. Nếu người bồi tốt bụng nhưng vụng về nói lỡ một câu nữa thì thế giới sẽ tan vỡ một cách đau đớn. Phải chăng hai cô kỹ nữ đã bị gạt ra khỏi những giá trị người? Không, nhà văn đã “cúi” xuống họ, “xúi” họ bầy cỗ cúng. Chỉ có hương, không cần vàng. Lòng se lại, hai cô gái nhìn nhau. Trong khói hương, dường như con người ta thánh thiện lên thì phải?

Quả vậy, sau một năm cuồng quay trong nhớp nháp, giờ đây, trong đêm ba mươi, Huệ và Liên sống với phần đời thanh sạch nhất. Chả thế mà thoáng chốc, Huệ “nhớ đến cuộc đời mình, lúc trẻ thơ, lúc còn con gái, ở nhà quê”. Tuổi thơ luôn là một ẩn ngữ về thiên lương của con người. Nghĩ đến tuổi thơ là nghĩ đến những cảm xúc thần tiên: sự vô tư, trong trắng, tinh khôi… Vì vậy ký vãng tuổi thơ đưa Huệ về một buổi sáng ngày tết, “nàng mặc áo mới đứng trên thềm nhìn mấy bông hoa đào nở ở trước vườn. Tại sao nàng lại chỉ nhớ rõ có cái cảnh ấy? Huệ không biết; nàng chỉ mang máng cảm giác một sự gì trong mát, tươi non…”. Thạch Lam đã “bố trí” cho hai cô gái sa đọa cúng tổ tiên trong gian buồng ẩm ướt, “cái giường sắt lạnh, đệm và gối hoen rỉ, cái bô, và cái bàn rửa mặt gỗ đã mọt… Đó là khung cảnh của cuộc đời trụy lạc đã từ lâu…”. Liên không biết khấn gì. Thay vì thế, cô nấc đến rung cả hai vai trong nỗi tủi cực mênh mang. Hai cô gái trơ trọi giữa nhân gian.

Rồi giao thừa cũng đến. Liên và Huệ im lặng trong tiếng pháo nổ. Liên nói như thì thầm: “Giao thừa”. Thế là đủ. Hai cô gái nép vào nhau.

Nâng niu tâm hồn những con người trót bẩn tưởi trong thời khắc giao thừa – thời khắc của hi vọng, linh diệu, thế là nhân đạo, sâu sắc biết nhường nào. Từ dưới đáy xã hội, với sự bao bọc, dìu đỡ của khói hương, hai cô gái bước vào “ngôi đền thiêng” của tết. Ở đó, hệ thống thang bậc giá trị xã hội không còn có mấy ý nghĩa. Tất cả đều trở về với thiên lương.

Quan tâm đến điều kiện sống của con người, đó là nhân đạo. Nhưng chú ý đến ý nghĩa cuộc sống của họ, trân trọng tất cả những gì mà con người cho là tốt đẹp, đó mới nhà nhân văn. Đó là luôn yêu thương, nâng đỡ những linh hồn lầm lạc đang bơ vơ giữa cõi người. Đọc văn Thạch Lam, độc giả cảm nhận lòng thương người đau đáu của người nghệ sĩ thấm trong từng trang viết. Nói cách khác, cái lòng thương người ấy vang lên xa xót, truyền thấm một tinh thần nhân đạo, nhân văn đối với bất kỳ ai đọc văn của ông.

Thanh Tịnh và Thạch Lam sống và viết trong thời mà người ta từng gọi là “mưa Âu gió Mỹ”. Các ông mặc Tây, đọc sách Tây, rành chữ Tây, giã từ câu văn biền ngẫu để viết câu văn theo cú pháp của cảm xúc. Vậy mà hồn dân tộc hổn hển trong mỗi câu văn khi các ông viết về Tết.

Có quá lời không khi nói: Tết cổ truyền là nồi lá thơm được chưng cất từ bao đời để vẩy lên trần thế lấm láp, làm cho cuộc chơi đón năm mới mang ý nghĩa mà chỉ con người mới có, và nghệ sĩ là người suốt đời đi hái lá thơm?

Tết – sự trao truyền từ tổ tiên. Nhà nghệ sĩ có mặt trên đời để làm gì? Xin thưa, để làm nhiều điều lắm, trong đó có việc nói ra được vài ba điều về lẽ tồn tại của con người, trong đó có sự thanh lọc của Tết. Với ý nghĩa đó, Thanh Tịnh, Thạch Lam là những “thiên sứ” về giá trị con người với những kiệt tác về Tết của mình.

Đ.N.H