Ngươi anh hùng – Phi công huyền thoại

846

Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ai cũng có một cuộc đời. Cuộc đời của AHLLVT – Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy thật huyền diệu, đầy ý nghĩa. Ông đã để lại cho hậu thế những kỷ vật vô giá, đó là cốt cách người đàn ông đất Việt “nước có giặc thì đi đánh giặc”.

Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy

Vài ngày trước, tôi nhận được tin nhắn từ nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Việt Cường – một CCB Không quân, thân cận với AHLLVT – Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy: “Ông Bảy bị đột quỵ, đang nằm trong phòng hồi sức tích cực bệnh viện 175. Tình hình xấu lắm, anh ạ”. Tôi gọi lại cho Việt Cường và 10:00 sáng hôm sau chúng tôi có mặt trong bệnh viện 175 để thăm người phi công được mọi người trân trọng đặt tên: Phi công huyền thoại – Anh hùng chân đất.

Một

Tôi có dịp làm việc với ông Bảy từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi ông làm Chỉ huy trưởng Cơ quan Đại diện Quân chủng Không quân phía Nam & Trung tâm III Không quân tại TP Hồ Chí Minh (Thời kỳ 1982 – 1987). Lúc đó, ông Bảy được ủy quyền thay mặt Quân chủng trực tiếp chỉ huy, điều hành toàn bộ hoạt động của Không quân chiến đấu, phục vụ chiến đấu giúp bạn ở Cam Pu Chia và bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhưng tôi nghe danh ông Bảy đã lâu. Năm 1967, tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ tư, ông Bảy được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tại Đại hội này, cùng với những chiến sỹ lập công đặc biệt xuất sắc: Trần Thị Lý, Ngô Thị Tuyển, Hồ Giáo, Mẹ Suốt (Quảng Bình), Đào Thị Hào…, Quân đội ta có 31 người được tuyên dương anh hùng. Quân chủng Phòng không – Không quân có 3 phi công MiG 17 được phong Anh hùng là: Trần Hanh, Lâm Văn Lích và Nguyễn Văn Bảy. Đây là 3 phi công đầu tiên của KQNDVN được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Tôi nhớ hồi đó, đề thi văn có đề cập đến phẩm chất anh hùng cách mạng của những người lính Cụ Hồ, tiêu biểu là các AHLLVTND. Tôi đã chọn cuộc đời và chiến công của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy để làm bài thi.

Sinh ra trên quê hương Lai Vung (Sa Đéc) sau này là Đồng Tháp, mảnh đất có nhiều huyền tích về đánh giặc, giữ nước, cậu bé Nguyễn Văn Bảy từ nhỏ đã khát khao được theo cha anh làm cách mạng. Học hết lớp 3 trường làng, 17 tuổi, Bảy trốn nhà theo Việt Minh đánh Tây. Năm 1954, Nguyễn Văn Bảy tập kết ra Bắc. Lúc đầu ở đơn vị bộ binh, năm 1960, có đợt tuyển phi công, Nguyễn Văn Bảy được chọn trong số 10 người của Sư đoàn khám sức khỏe để dự tuyển phi công. Và, như trong mơ, cậu bé chăn trâu vùng Đồng Tháp Mười Nguyễn Văn Bảy có tên trong những người trúng tuyển. Sau này, lúc rảnh rỗi khi “trà dư, tửu hậu” ông Bảy thường kể lại chuyện ấy: “Ngày trước thấy máy bay Pháp tụi tao sợ quá nhảy xuống ao ngụp trốn. Nay bỗng nhiên được gọi đi học lái máy bay, cứ ngỡ trong mơ. Mừng thiệt mà lo cũng thiệt. Lo vì mới lớp ba làm sao lái máy bay được?” . Ông Bảy kể tiếp: “ Trúng tuyển chuẩn bị ra nước ngoài đào tạo phi công, tao (ông Bảy vẫn thường xưng hô như thế) được đưa lên trường Văn hóa Lạng Sơn của Quân đội. Chỉ trong thời gian rất ngắn, cấp tốc học từ lớp 4 đến lớp 10, cả ngoại ngữ nữa.

Năm 1964, đế quốc Mỹ dựng ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, lấy cớ dùng không quân thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại đánh phá Miền Bắc Việt Nam.

Đầu năm 1965, ông Bảy cùng đơn vị về nước, sẵn sàng chiến đấu. Tiếp sau đó là những tháng ngày oanh liệt, không bao giờ quên của phi công Nguyễn Văn Bảy. Từ năm 1965 đến năm 1968, Nguyễn Văn Bảy tham gia nhiều trận đánh không đối không, trực tiếp hạ 7 máy bay chiến đấu của Mỹ, gồm 2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4, được gặp Bác Hồ và nhận Huy hiệu của Người.

Ngày 1 tháng 1 năm 1967, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Khi ấy ông là Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1, thuộc Trung đoàn Không quân 923, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.

Về việc này, khoảng đầu những năm 80, có lúc chúng tôi chờ máy bay quân sự để bay sang Cam Pu Chia, bên ly trà nóng, ông Bảy hít hơi thuốc lào bằng cây điếu cầy tự tạo từ xác máy bay B52 của Mỹ, nói vui: “Đời tao gắn với số 7: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay Mig 17, được phong Anh hùng năm 1967…”.

Người phi công huyền thoại gắn với số 7 ấy có nhiều chuyện ly kỳ. Tôi nhớ cách đây hơn chục năm, Ban liên lạc CCB Phòng không – Không quân tại TP Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt kỷ niệm chiến thắng B52 (12/1972 – 12/2002), tôi gặp ông Bảy. Vẫn giọng khề khà, ông nói : “ Mày có nghe bộ đội Phòng không – Không quân thời chống Mỹ có công thức RTC chưa?”. Tôi có nghe nhưng thực sự chưa hiểu hết cội nguồn. Không để tôi chờ lâu, ông Bảy giảng giải: “RTC là rượu, thịt chó. Đó là món khoái khẩu, giàu dinh dưỡng, ngon bổ rẻ của lính ta ngày trước. Nhưng tao còn thêm nữa, đó là RTC + ĐC”. Tôi hỏi: ĐC là gì? Ông Bảy bật mí, đó là điếu cày! À ra thế. Sau này mỗi lần gặp lại ông Bảy, tôi thường nhắc lại công thức: RTC+ ĐC. Ông Bảy khoái chí, hít một hơi thuốc lá, ngửa mặt lên trời nhả khói, cười. Chòm râu bạc rung rung.

Hai

Năm 1994, đang làm Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân, ông Bảy viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông bảo: “Đủ rồi, giao lại cho lớp trẻ. Tao muốn về quê cày ruộng”. Nói sao làm vậy. Rời quân ngũ sau 40 năm chính chiến, với những chiến công lẫy lừng, ông Bảy “bỏ phố về làng”. Ông đưa người bạn đời đồng hương cùng tập kết ra Bắc năm 1954 về quê sống như những người dân quê thực thụ. Cứ như chưa từng có những ngày quần nhau với máy bay Mỹ trên bầu trời Võ Nhai, Chí Linh, Nam Hà, Đức Giang, Kiến An…

Xa quê gần nửa thế kỷ, ông Bảy “tập lại làm lão nông”. Vụ lúa đầu tiên bội thu. Ông Bảy chở 5 giạ lúa mới đi xát thành gạo rồi kêu xe đưa thẳng đến trường Trẻ em khuyết tật tặng các cháu. Không chỉ trồng lúa giỏi, ông Bảy còn nổi tiếng “có tay” nuôi chim, cá và trồng khoai mỳ (sắn). Năm 2011, ông Bảy giới thiệu củ khoai mỳ nặng trên 20 kg – sản phẩm “cây nhà lá vườn” của ông. Những năm gần đây, ông bà Bảy sống thanh tao, đạm bạc như bất cứ người dân Nam Bộ nào mà ta đã gặp. Đến nỗi khi đoàn cựu chiến binh – Phi công Mỹ đến thăm nhà, gặp ông, không ai nghĩ ông già nông dân rặc Nam Bộ này là đối thủ của mình trên bầu trời miền Bắc Việt Nam những năm chiến tranh.

Cuối năm 2015, Thiếu tá phi công Hải quân Charlie Plumb, người từng đụng độ với ông tại Quảng Yên ngày 24 tháng 4 năm 1967 gặp ông thật ngỡ ngàng. Viên cựu phi công Mỹ không nghĩ người bắn hạ các máy bay của không lực Hoa Kỳ được mệnh danh “bất khả chiến bại“ lại là một ông già bình dị và mỏng manh này.

Vào thăm ông, trên giường bệnh trải ra trắng toát với nhiều trang bị y tế cấp cứu chằng chịt, tôi vẫn nhận ra nét mặt thanh thản và chòm râu bạc như cước đầy huyền thoại của ông. Thượng tướng phi công Võ Văn Tuấn, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, một cán bộ có thời là cấp dưới của ông, tiết lộ: Ông Bảy để râu là để tưởng nhớ Bác Hồ. Sinh thời, Bác Hồ rất yêu quý các chiến sỹ phi công, đặc biệt phi công người Miền Nam, trong đó có ông Bảy. Và, chính Bác đã đề nghị “rút“ ông Bảy từ đơn vị chiến đấu về cơ quan huấn luyện. Bác nói, những người dũng cảm, lập công xuất sắc, nhiều kinh nghiệm như phi công Nguyễn Văn Bảy cần giữ lại làm cán bộ huấn luyện. Và điều này nữa, Bác bảo, nếu để ông Bảy tiếp tục lái máy bay chiến đấu mà hy sinh thì Bác có lỗi với đồng bào Miền Nam!

Tưởng nhớ Bác Hồ, ông Bảy để chòm râu giống như bộ râu của Bác.

Ai cũng có một cuộc đời. Cuộc đời của AHLLVT – Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy thật huyền diệu, đầy ý nghĩa. Ông đã để lại cho hậu thế những kỷ vật vô giá, đó là cốt cách người đàn ông đất Việt “nước có giặc thì đi đánh giặc”. Đó là phẩm chất anh hùng cách mạng của trai thời loạn. Và, khi giặc tan, nước yên, không màng danh lợi, như truyền thuyết, ông lui về cố hương làm “ông già Nam Bộ” như tổ tiên, cha ông đã từng làm.
Người lính Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Văn Bảy sống bình dị nhưng tỏa hương thơm ngát như hương sen Đồng Tháp Mười.

Thế là “người Anh hùng chân đất” – “Phi công huyền thoại “ Nguyễn Văn Bảy đã bay về trời .
NS nhiếp ảnh Nguyễn Việt Cường cho tôi biết, trái tim Đại tá AHLLVT phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy đã ngừng đập lúc 21 giờ ngày 22/9/2019.

Cầu mong hương hồn Ông siêu thoát, thung thăng, bay bổng cùng những cánh én sắt một thời trên bầu trời bao la của tổ quốc !

TP Hồ Chí Minh, 23/9/2019