Người con gái làng Krona – Truyện ngắn Trần Quang lộc

507

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dùng xong bữa cơm chiều trong quán ăn cuối thị trấn Đường Sơn trời cũng nhá nhem tối. Bác tài giục chúng tôi lên xe về lại khách sạn Trúc Lâm, kịp tránh cơn mưa rừng sắp kéo về. Trúc Lâm là khách sạn duy nhất của thị trấn trung du. Nhìn bên ngoài chỉ nhỉnh hơn mấy cái nhà nghỉ ở khu trung tâm, nhưng bên trong, phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát và tiện nghi hiện đại. Chưa tàn điếu thuốc, xe dừng lại trong sân khách sạn. Các thành viên của đoàn lần lượt xuống xe ai về phòng nấy. Riêng tôi, đầu óc lúc này vẫn còn váng vất, hậu quả bữa rượu cần buổi trưa do bà con dân tộc khu sản xuất Daklinh chiêu đãi…

Nhà văn Trần Quang Lộc

Mở cửa bước vô phòng gài chốt, bật công tắt đèn ngủ, đặt nhiệt độ thích hợp cho máy điều hòa. Lúc này, phía bên ngoài bức tường kính chịu lực, mưa rừng bắt đầu nặng hạt. Thi thoảng những tia chớp xé toạt màn đêm đen kịt, kèm theo tiếng sấm ầm ì vang vọng từ đại ngàn. Tôi kéo tấm rèm phủ kín bức tường kính trước khi gieo mình xuống tấm ra trắng thở phào khoan khoái, bù lại suốt buổi sáng cùng đoàn đi thực tế dưới cái nắng rừng hừng hực trên khu sản xuất Daklinh và cuộc rượu cần say túy lúy.

Đường Sơn, thị trấn miền núi không xa lạ với tôi. Hồi còn công tác tại cơ quan thường trực Hội Văn nghệ, mỗi năm ít nhất cũng vài ba lần đến địa danh này, chủ yếu đi công tác bằng xe cơ quan. Xong việc là về ngay trong ngày. Thị trấn vùng cao xinh đẹp, hiếu khách chỉ cách thành phố chưa đầy 80 km nên không có chế độ lưu trú.

Lần này, Đoàn văn nghệ sỹ đi thực tế mấy xã vùng sâu nên được nghỉ qua đêm tại khách sạn tiện nghi hiện đại. Với tôi, ấn tượng nhất của chuyến đi là món nộm rau rừng trong bữa ăn trưa. Vị nhân nhẩn của bông đu đủ đực, giòn giòn của rau càng cua, chua chua của rau chua lẻ, ngòn ngọt của lá xoài non, beo béo của đậu phộng rang giã nhỏ, thơm thơm của lá chanh non và lá ngò tàu thái chỉ. Tổng hợp những hương vị đó tạo thành món nộm rau rừng, món khoái khẩu của người miền núi. Những ai kén ăn đến mấy nếu nếm thử một lần chắc phải gật đầu thán phục món ẩm thực độc đáo này!

Đang lơ mơ vào mộng, bỗng có tiếng gõ cửa khẽ khàng. Tưởng mấy ông bạn phòng bên sang tán phét, tôi ngồi bật dậy, lên tiếng:

-Chờ một chút!

Vừa dứt câu nói, cánh cửa phòng bỗng dưng bật mở!. Dưới ánh sáng ấm áp của hai ngọn đèn ngủ treo tường, một cô gái trẻ vận trang phục dân tộc xuất hiện với hương hoa ngọc lan thoang thoảng. Có lẽ lai kinh nên nàng sở hữu một làn da trắng mịn?!

Là gã đàn ông vô cảm trước phái đẹp, vậy mà lúc này đây, tôi bị choáng bởi nét mặt đầy sức quyến rũ của người con gái trong căn phòng tĩnh lặng, ấm áp!. Chắc là cán bộ Phòng văn hóa huyện đến liên hệ công tác với trưởng đoàn, nhưng lại đến nhầm phòng!?

Tôi luống cuống hỏi:

– Chào… chào cô! Cô gặp tôi có việc gì không ạ?

Cô gái thong thả ngồi xuống một trong hai chiếc ghế nệm bọc nhung kê sát tường. Tôi định bật công tắt đèn nê ông, cô gái ngăn lại bằng chất giọng Hà nội trong veo pha trộn âm hưởng Bana:

-Được rồi anh. Người dân tộc quen với ánh sáng đèn dầu rồi!. Cô gái cười thật nhẹ, tiếp – Em xuống thị trấn thăm bà cô, nhưng cô lên Gialai từ chiều hôm qua. Luôn tiện ghé xem anh đã tỉnh rượu chưa?

Mặc dù chưa biết người đang đối diện là ai, Nhưng nghe nhắc lại bữa rượu cần vừa rồi, tôi bật cười chữa thẹn:

-Hi hi, thưa thật, tôi chưa bao giờ say rượu cần như lần này cô à! Say quắp cần câu! Say ngửa nghiêng trời đất! Nhưng không hẳn say bởi hương vị đậm đà của món đặc sản nổi tiếng vùng cao, mà còn vì tình cảm nồng ấm, chân thật của các sơn nữ xinh đẹp, hiếu khách! Giọng tôi chùng xuống – Nếu không có ai đó đã kịp dìu tôi rời khỏi khu sinh hoạt chắc tôi lật gọng ngay tại trận rồi! Lạy chúa! Giờ thì đỡ nhiều. Cảm ơn cô đã quan tâm!

 

Theo lịch, cuộc giao lưu giữa đoàn với khu sản xuất sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ. Nhưng sợ chiều có mưa nên chương trình lùi lại vào buổi trưa. Bà con bỏ một ngày đi rẫy ở nhà tiếp đoàn!

Cơm trưa xong, đông đảo người dân tộc xúng xính trong trang phục truyền thống đang tập trung nói cười râm ran tại khu sinh hoạt. Dọc theo hành lang, có đặt sẵn nhiều ghè rượu cần, mỗi ghè có ít nhất hai cô sơn nữ xinh đẹp túc trực tiếp khách.

Sau lời giới thiệu khái quát về khu sản xuất Daklinh, về mục đích ý nghĩa chuyến thực tế sáng tác của đoàn, các trai làng, các sơn nữ và anh em trong đoàn nhập cuộc bằng điệu múa xoan uyển chuyển hòa nhịp với dàn cồng chiêng vang vọng núi rừng. Không khí cuộc giao lưu bắt đầu sôi động.

Thấy vài thành viên trong đoàn hứng khởi nhập cuộc rượu, tôi cũng ghé lại ghè đầu tiên. “Người dân tộc rất hiếu khách. Trong các hội làng, hộ nào cũng tình nguyện đem ghè rượu ngon nhất của mình ra đãi khách. Do vậy, khách phải nếm thử mỗi ghè một ít để vui lòng bà con. Nếu chỉ tập trung vào một vài ghè rượu ngon nhất, các chủ ghè còn lại họ rất buồn”. Theo lời mách bảo của anh Giám đốc trung tâm văn hóa huyện, mỗi ghè rượu tôi chỉ nhấm nháp một chút cho có lệ!.

 

Đến ghè thứ 15, hơi men đã ngấm, mắt đổ hào quang, trông gà hóa cuốc, bước chân lảo đảo cứ muốn ngã dụi về phía trước! Trong lúc đầu óc mụ mị, không còn làm chủ bản thân thì có bàn tay ai đó đỡ lấy tôi, bên tai du dương một giọng Bắc pha trộn âm hưởng Bana:

-Anh say lắm rồi! Để em giúp anh!

Nàng dìu tôi rời khu sinh hoạt. Đến chân cầu thang của một nhà sàn cũ ở đầu hồi, cũng bằng chất giọng trong veo ấy:

-Anh cố nôn hết ra, nếu không ba ngày sau cũng chưa dậy nổi. Rượu cần say dai lắm!.

Nàng vỗ nhẹ bàn tay vào lưng tôi ba cái, tôi nôn thốc tháo, nôn đến tận mật xanh!. Đợi tôi nôn hết các thứ trong ruột, cô đưa tôi chiếc khăn trắng thoang thoảng mùi hoa ngọc lan:

-Anh lau mặt đi. Em đưa anh lên nhà sàn nằm nghỉ.

Tôi ngoan ngoãn làm theo lời cô gái như một đứa trẻ. Lên nhà sàn, cô đỡ tôi nằm ngay ngắn trên chiếc chiếu đã trải sẵn, bảo:

-Anh nằm nghỉ cho lại sức.

Nằm quay mặt vào trong, tôi thiêm thiếp ngủ. Khi thức giấc, thấy người tỉnh táo trở lại. Khu sinh hoạt cách chỗ tôi không xa. Điệu cồng chiêng vẫn vang dội núi rừng, tiếng cười nói râm ran xen lẫn tiếng hát với lời mời rượu lảnh lót như chim rừng buổi sáng. Hóa ra, tửu lượng của mình quá tồi! Chợt nhớ cô gái đã giúp qua cơn say, tôi đảo mắt nhìn chung quanh ngôi nhà sàn, nhưng không thấy một bóng người! Chắc cô ấy đã trở lại khu sinh hoạt?.

Tôi rời khỏi nhà sàn. Hỏi thăm mấy người bạn trong đoàn về cô gái đã dìu tôi lúc nãy, nhưng không ai biết! Hỏi anh quản lý khu sản xuất, anh bảo, ở đây không có cô nào nói giọng Bắc pha âm giọng Bana! Hay là người từ làng khác đến?! Vậy là tôi sẽ không còn cơ hội gặp lại người con gái đã tận tụy giúp tôi qua cơn say túy lúy! Tôi thở dài thất vọng!

Khoảng xế chiều, đoàn lên xe về lại thị trấn Đường Sơn. Anh em chuyện trò rôm rả về buổi giao lưu đầy ấn tượng! Còn tôi, tôi cứ nghĩ về giọng Bắc pha âm hưởng Bana và mùi hoa ngọc lan thanh khiết. Xe từ từ lăn bánh mang theo một nỗi buồn!

 

Trở về thực tại, tôi xúc động nói:

-Vậy mà…Tôi nhìn người con gái bằng ánh mắt hàm vẻ biết ơn – Vậy mà không ngờ được gặp lại….!

Cô gái nhỏen miệng tươi cười:

-Đâu riêng gì em. Ai gặp anh trong hoàn cảnh đó họ cũng xử sự như em thôi mà.

Đột nhiên tôi hỏi:

-Cô không phải người của khu sản xuất?

-Không! Em người làng krona, cách khu sản xuất Daklinh về phía tây hơn cây số. Nghe nói khu sản xuất có tổ chức giao lưu văn nghệ với đoàn gì đó trên tỉnh nên ghé lại xem.

 

-Vậy thì từ thị trấn Đường Sơn về làng cô còn xa hơn đường lên Daklinh?

-Vâng! Xa hơn gần cây số. Chiều nay xuống thị trấn không gặp được bà cô, em thuê xe ôm quay về làng, nhưng không ai chịu đi, họ ngại trời tối, còn phải vượt qua một đoạn đường rừng!.

-Sao cô không thuyết phục gia đình về thị trấn sinh sống cho tiện việc đi lại?

-Cuộc sống núi rừng đã ăn sâu vào máu huyết của người dân tộc rồi anh. Làm quan lớn dưới huyện trên tỉnh, đến tuổi hưu họ lại về hẳn với núi rừng, với nương rẫy, với ghè rượu cần quen thuộc.

Chúng tôi đang say chuyện, chuông điện thoại báo 10 giờ đêm. Cô gái đứng lên:

-Em phải ra thị trấn tìm nhà bạn nghỉ qua đêm. Sáng mai về làng sớm.

Lúc này, bên ngoài đang mưa như trút nước, sấm chớp ì ầm! Tôi vội ngăn lại:

-Trời đang mưa lớn, cô không thể ra đường trong lúc này!.

Cô gái còn đang phân vân, tôi đưa ra đề nghị:

-Cô cứ tạm nghỉ lại phòng này. Tôi sang ngủ nhờ phòng bên cạnh.

Cô gái khẽ lắc đầu:

-Thế thì phiền anh quá. Ngoài thị trấn có nhà quen. Tạnh mưa em chạy ù một loáng là đến nơi thôi mà.

-Nhưng trời đang mưa rất lớn, đêm đã khuya. Biết đến lúc nào mưa tạnh? Hay là… phòng có hai giường. Cô yên tâm. Tôi không phải loại gió trăng bậy bạ đâu!

Thị trấn đang chìm sâu trong giấc ngủ. Trời lại đang mưa như xối nước! Thôi đành vậy. Nàng buông xuôi!.

Tôi xếp lại chăn mền, bảo:

-Cô nghỉ đi, mai phải dậy sớm vượt gần 20 cây số đường rừng nữa đấy!.

Có lẽ đang thiếu ngủ, nàng nằm xuống nệm kéo chăn lên đến ngực. Chỉ trong chốc lát đã nghe hơi thở nhẹ, đều…

Lần đầu tiên được ngủ cùng phòng với cô gái xinh như thiếu nữ trong tranh! Tôi trùm chăn thật kín để ngăn chặn mọi tạp niệm!

Nhưng không hiểu sao, cứ chốc chốc lại khẽ vén chăn ghé mắt nhìn sang người đẹp đang thiêm thiếp giấc nồng!. Lạ thật! Bình thường nàng đã đẹp, trong tư thế ngủ càng có sức quyến rũ nao lòng!. Cố kiềm nén nhục cảm đang có nguy cơ bùng phát, tôi kéo chăn trùm kín, cố dỗ giấc ngủ. Nhưng không thể ngủ được! Hồi còn bé, chị tôi mách bảo, muốn chóng ngủ hãy đếm sao. Trước đây tôi đã thử mấy lần, rất có hiệu quả! Tại sao hôm nay lại không chứ?! “Một ông sáng sao, hai ông sao sáng, ba ông sáng sao…” Tôi đếm đến 1001 ông sao mà đầu óc vẫn cứ tỉnh rụi! Chốc chốc lại hé chăn ghé mắt ngắm nhìn người đẹp đang say giấc! Đã không ngủ được, cả người tôi cứ nóng ran như đang phát sốt! Chuông điện thoại báo một giờ khuya! Lúc này, tôi lại cầu mong trời đừng vội sáng!

Vừa định vén chăn nhìn sang bên ấy thì nghe tiếng nàng trở mình, rên khẽ :

-Anh có dầu gió không?. Em không quen ngủ phòng lạnh nên cảm thấy hơi choáng!

Vội tắt máy điều hòa, mở ba lô lấy chai dầu miêng đưa cho nàng, Nàng ngồi dậy xoa dầu lên trán. Thấy động tác của nàng có vẻ vụng về, tôi đề nghị:

-Để tôi giúp cô. Công vệc này tôi cũng từng làm!

Nàng khẽ gật đầu.

Tôi dùng tám ngón tay của hai bàn tay đỡ lấy sau ót, hai ngón cái xoa nhẹ hai bên thái dương. Thi thoảng nàng lim dim mắt nhìn tôi. Những lúc như vậy tim tôi đập thình thịch như sắp bật ra khỏi lồng ngực, toàn thân nóng bừng! Không cưỡng lại được sự ham muốn đang bùng phát, tôi đánh liều cuối xuống hôn nhẹ lên vầng tráng của nàng. Nàng lặng yên. Tiếp tục hôn lên môi, nàng cũng không phản ứng! Đến lúc không thể kìm chế nổi dục vọng, tôi ôm chặt lấy nàng hôn tới tấp. Bất chợt, nàng dang rộng hai cánh tay ôm riết lấy người tôi. Giọng nàng đứt quãng, hơi thở hổn hển:

-Anh…

Những trận mưa hôn dồn dập dội lên môi, lên má, lên ngực của nhau, những bàn tay cuống cuồng, vồ vập… Rồi dưới ánh sáng hồng của ngọn đèn ngủ, trong mùi hương ngọc lan thoang thoảng, hai thân hình trần trụi, săn chắc cuốn chặt lấy nhau, đắm đuối trong miền hoan lạc…

Sau cuộc truy hoan, nàng mệt lả, xoay người ôm lấy tôi cùng đi vào cõi mộng. Trong mơ, chúng tôi ngồi bên nhau trên thảm cỏ mềm óng mượt, cạnh dòng suối Duling thơ mộng. “Rừng rừng hoa tiếng chim ca vui tưng bừng. Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh…”. Nàng khe khẽ hát điệp khúc bài Tình ca Tây Bắc bằng chất giọng mượt mà của một ca sĩ chuyên nghiêp. Lúc này, ánh trăng rừng trong suốt như pha lê dịu dàng tỏa sáng. Trăng cài lên mái tóc em, trăng tan trong dòng suốt ngọt, trăng hoà vào mùi hoa rừng ngan ngát. Dưới ánh trăng bàng bạc, tình yêu chúng tôi thanh khiết như một loài hoa trắng. Nàng bỗng ngừng hát, quay sang nhìn tôi mỉm cười, âu yếm!. Tôi ôm riết lấy nàng rồi đặt lên môi nàng một nụ hôn sâu hơn lòng suối Duling và dài hơn dòng Kôn êm đềm…

Đang chuếnh choáng trong men tình giữa đêm trăng đại ngàn tĩnh lặng, bỗng có tiếng gà gáy xao xác bên tai khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Thì ra, đó là âm thanh báo thức 7 giờ sáng từ chiếc di động đặt ở đầu giường. Quay sang bên cạnh, cô gái tối qua không còn nữa!. Tôi nghĩ, chắc nàng dậy sớm ra ngoài tập thể dục. Tôi ngồi bật dậy, bắt gặp trên bàn nước, một tờ giấy khổ A4 dằn dưới cốc thủy tinh, vội mở ra xem:

Anh,

Em phải về làng sáng sớm hôm nay.

Nếu muốn gặp em, anh thuê xe ôm lên thác Duling, hỏi thăm người làm rẩy, họ sẽ chỉ cho anh làng Krona.

 

Chiều hôm sau đoàn về lại thành phố, kết thúc chuyến thực tế . Tôi tách đoàn, viện cớ ở lại thị trấn thăm người quen.

Trời về chiều, bến xe đò thị trấn Đường Sơn vắng khách. Một bác xe ôm rà rà chiếc Ware bên tôi chào mời, hy vọng kiếm thêm cuốc xe cuối ngày. Nghe tôi nói lên thác Duling, bác lắc đầu:

-Đường xa, trời sắp tối, lại phải đi xuyên rừng. Nguy hiểm lắm!.

Đề nghị trả tiền gấp đôi, bác tài lưỡng lự một lúc rồi bảo tôi lên xe. Chiếc xe cà tàng nhưng khỏe như chú ngựa tơ, nó cứ nhảy chồm chỗm trên những cung đường lởm chởm đá cuội; khi thì cắt ngang những dòng suối đang mùa khô cạn; lúc chạy băng băng trên lối mòn ven sườn núi có nhiều khúc cua gấp. Chốc chốc tôi nhắc:

-Chậm thôi bác! Còn sớm mà.

-Chú em vô tư. Mình đã nhiều năm kinh nghiệm chạy xe đường rừng!.

Đến khúc ngoặc, một cô gái người dân tộc đứng cạnh gốc đa cổ thụ đưa tay vẫy vẫy, nói tiếng kinh:

-Cho cháu quá giang với!

Bác xe thồ bỗng tăng ga cho xe vọt nhanh. Tôi ái ngại ngoái nhìn lại phía sau thì không còn thấy cô gái đâu nữa. Lạ nhỉ! Người như ma! Chỉ trong cái chớp mắt đã không còn thấy bóng dáng?! Hỏi bác xe ôm, bác bảo:

-Ma đấy chú ơi! Hồn của cô gái chết oan cách nay đã gần giáp năm tại gốc đa cổ thụ đó.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, bác xe ôm nhẩn nha kể:

– Chiều cuối tháng Tư năm ngoái, đôi nam nữ người dân tộc chở nhau về thị trấn Đường Sơn mua mấy thứ cần dùng cho ngày cưới sắp đến. Đến khúc ngoặc lúc nãy, xe bạt tay lái tông thẳng vào gốc đa. Cô gái chết ngay tại chỗ, anh con trai bị thương phải đưa xuống bệnh viện cấp cứu. Từ ấy, cứ quãng chạng vạng thấy có người đi ngang qua gốc đa, oan hồn cô gái hiện lên trêu chọc. Trước đây tôi chỉ nghe đồng nghiệp truyền miệng nhau. Không tin! Sau này mới thấy tận mắt!

Nghe bác xe thồ kể, tóc gáy dựng ngược và cảm giác như cô gái đang bám theo ngay phía sau lưng mình! Tôi giục bác tăng thêm ga.

– Đoạn này nguy hiểm lắm chú! Một bên là vách đá đứng dựng, bên là vực sâu, rủi lạc tay lái tí tẹo là đi vèo….!

-Lúc về bác đi đường khác chứ?

-Đây là đường độc đạo. Tối nay phải nghỉ tạm nhà người quen ở khu sản xuất. Mai về lại thị trấn.

Đến chân thác Duling đã cuối hoàng hôn. Bước xuống xe, vừa móc ví trả tiền, tôi vừa hỏi:

-Làng krona ở gần đây không bác?

Bác lắc đầu:

-Chưa nghe ai nói tên làng này bao giờ!

Trời sắp tối rồi! Hay là theo xe ôm xuống khu sản xuất ngủ nhờ, mai tính tiếp?!. Còn đang phân vân, bỗng một cậu bé cõng trên lưng lọn củi khô đang từ trong bìa rừng đi ra. Tôi đến gần, hỏi:

-Cho chú hỏi thăm!

Cậu bé người dân tộc dừng lại ngơ ngác nhìn tôi.

-Cháu ở đây có biết làng krona không?

-Dạ, cháu biết!

-Từ đây đến làng có xa không cháu?

Cậu bé chỉ tay về phía chân núi lãng đãng sương chiều:

-Trong chân núi kia chú. Chú có vào làng krona không, hay chỉ hỏi thăm cho biết?

-Chú muốn vào thăm làng.

Chú bé vui vẻ:

-Vậy chú theo cháu. Cháu người làng Krona đây mà.

Tạm biệt bác xe ôm. Tôi cố bám theo bước chân thoăn thoắt của cậu bé. Qua khỏi con truông vừa dài, vừa hẹp, hai bên bụi cây cao lút đầu người là đến đồi sim tím. Không khí ở đây trong lành tươi mát, chim bách thanh hót lảnh lót trên đọt cây phía trước, gà rừng gáy râm rang tận cuối thung xa, hoa ngọc lan tỏa hương ngan ngát cả vạt rừng chiều lãng đãng một màu sương khói. Cảnh quang thơ mộng của đại ngàn cuối buổi hoàng hôn như cõi bồng lai tiên cảnh. Cậu bé chợt hỏi:

-Chú có quen ai trong làng này không?

-Có! Một cô bạn dáng người cao cao, da trắng và rất xinh đẹp.

Cậu bé “à” một tiếng rồi bảo:

-Chị Đinh y Muôn!. Đó là tên dân tộc. Chị còn có cái tên kinh nghe rất hay: Ngọc Lan.

Lội qua bờ bên kia con suối nước trong veo, cậu bé bỗng dừng lại chỉ tay về ngôi làng nằm dưới chân đồi sim:

-Làng Krona kia chú!

Làng Krona đâu chừng mươi nóc nhà sàn lẫn khuất dưới những tán lá. Lúc này, trời nhá nhem tối, nhà sàn đã lên đèn, ánh đèn nhấp nháy như những vì sao trên nền trời đêm…

Đến đầu làng, cậu bé bỗng kêu lớn:

-Chị Y Muôn ơi! Có bạn đến thăm chị nè!

Từ trong nhà sàn cạnh gốc sồi cổ thụ, Y Muôn lao xuống cầu thang chạy đến đỡ lấy chiếc ba lô trên vai tôi, giọng nàng xúc động:

-Vậy mà em cứ nghĩ, không bao giờ gặp lại anh nữa!

Tôi cười:

-Chiều nay đoàn về thành phố. Anh quyết ở lại tìm em dù phải vượt rừng băng suối!

Y Muôn đưa tôi lên mấy bậc cầu thang. Dưới ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn pin treo lơ lửng giữa nóc nhà sàn (loại đèn pin dành cho người đi săn. Dùng hết pin đem đi sạt lại rồi dùng tiếp), một bà cụ tóc bạc phơ, nét mặt phúc hậu, hình như bà đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Y Muôn liếng thoắng giới thiệu:

-Mẹ ơi, đây là anh Sơn, nhà báo dưới tỉnh. Quay sang tôi – Mẹ Y Dơn của em đó anh!.

-Con chào bác!

Bà cụ dừng tay nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ:

-Chào cháu! Quý hóa quá, nhà được cháu đến thăm.

-Cảm ơn bác. Ở đây yên tĩnh, không khí trong lành. Cháu thích lắm!

Bà Y Dơn cười móm mém:

-Ừ, mẹ con bác ở đây đã quen rồi cháu!

Y Muôn bảo:

-Anh muốn tắm thì ra suối cạnh nhà kia kìa.

Đã hai ngày không tắm, người rất khó chịu. Không đợi Y Muôn nhắc , tôi mở ba lô lấy khăn và bộ quần áo rồi đi thẳng ra dòng suối cách nhà sàn chừng sáu sải chân. Dòng suối bắt nguồn từ thác Duling len lỏi qua mấy vạt rừng thưa rồi băng ngang qua làng này. Nước suối giờ này rất mát. Tắm xong, tôi thấy người nhẹ nhàng sảng khoái như vừa gụt sạch những ưu tư phiền muộn của cõi vô thường!

Thay đồ xong, tôi trở lại nhà sàn thấy bữa cơm đã dọn sẵn trên chiếc chiếu bện bằng cỏ tranh. Y Muôn mở thêm một bóng đèn, tăng nguồn sáng cho gian nhà. Giọng bà Y Dơn từ tốn:

-Mấy thuở được cháu ghé thăm. Sẵn bữa mời cháu dùng cơm với gia đình bác.

-Dạ, Cháu cảm ơn bác!.

Tôi ngồi xếp bằng tròn bên mâm cơm. Bữa cơm có món thịt gà rừng kho sả, rau rừng luộc chấm muối với ớt xanh giã nhuyễn, một tô canh rau rút nấu với cua đá. Hương vị thịt gà kho sả kích thích, bụng càng đói cồn cào. Tôi bưng chén cơm lên mời cả nhà rồi ăn ngon lành, không khách sáo. Thi thoảng bà cụ gắp một miếng thịt ngon bỏ vào chén tôi, động viên:

-Ăn đi cháu. Cháu cứ tự nhiên như người trong nhà.

Vừa ăn, bà Y Dơn vừa hỏi thăm tôi về chuyện gia đình, về cuộc sống của người thành phố…

Y Muôn cười, bảo mẹ:

-Cứ như cảnh sát hình sự! Mẹ hỏi cung từ từ thôi, không khéo anh ấy nghẹn cơm cho mà coi!

Thấy Y Muôn cứ nhìn tôi mủn mỉm cười, tôi kề tai nàng bảo nhỏ:

-Từ chiều giờ chưa ăn gì nên bụng đói meo nè!

Nàng kề miệng vào tai tôi cười khúc khích, khẽ nhắc:

-Ăn từ từ thôi, kẻo nghẹn đó ông ạ!

Bà Y Dơn bật lên tràng cười lành như bụt:

-Các con nói gì với nhau bác nghe hết!. Chưa gì mà cô cậu lo lắng cho nhau, bỏ quên bà già này rồi! Bà gắp miếng thịt gà bỏ vào chén tôi – Ăn đi cháu. Bác biết cháu đang đói mà. Y Muôn xới thêm cơm cho anh đi con!

Tôi nhìn bà cụ cười chữa thẹn:

-Con cảm ơn bác!

Bữa cơm đạm bạc, ấm áp tình người kết thúc. Bà Y Dơn lo thu dọn chén bát. Y Muôn mang xô ra suối lấy nước. Tôi ngăn lại:

-Đưa xô cho anh. Em phụ mẹ lo dọn dẹp chén đũa.

Trong lúc bà Y Dơn rửa bát đũa, Y Muôn đến bên tôi, dặn:

-Nhà em có 2 phòng ngủ. Tối nay em ngủ với mẹ. Anh ngủ tạm phòng em. Còn đây là bàn học của em ngày xưa, có cánh cửa sổ thông ra đồi sim. Anh có thể sử dụng làm bàn viết.

Cách bố trí phòng ốc trong ngôi nhà sàn khác với người dân tộc. Nhà có ba phòng: hai phòng ngủ, một phòng khách. Bếp nấu ăn đẩy sâu vào góc xa. Phòng khách có kê một cái bàn và bốn chiếc ghế bằng gỗ tạp. Trên bàn có khá nhiều sách: sách khoa học, tác phẩm quen thuộc của nhóm Tự lực văn đoàn, có cả bộ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Căn cứ vào cách sinh hoạt và lối đối nhân xử thế đủ hiểu mẹ con bà Y Dơn thuộc thành phần có học hành tử tế..

Bà Y Dơn dọn rửa chén bát xong vào buồng nghỉ sớm. Làng Krona cũng đang thiêm thiếp giấc nồng. Tôi và Y Muôn ra ngồi trên bậc câù thang nhìn cảnh rừng đêm dưới ánh trăng cuối tuần bàng bạc.

Y Muôn ngồi khép gối, hai tay chống cằm nhìn dòng suối loang loáng ánh trăng, thủ thỉ:

-Cảnh quang ở đây yên bình, thanh vắng, phù hợp với những người sống nghiêng về nội tâm. Dân làng cũng nhân hậu. Anh thấy đấy, ban ngày bà con lên rẫy, tối về dùng cơm rồi tranh thủ ngủ sớm lấy lại năng lượng cho ngày hôm sau.

Bỗng nàng quay sang tôi, đột ngột hỏi:

-Anh có thấy buồn không?

Tôi choàng tay qua bờ vai nàng xoa nhẹ:

-Không! Anh rất hạnh phúc được sống bên em giữa chốn sơn kỳ thủy tú này!

Cao hứng, tôi khe khẽ huýt sáo bài Sơn nữ ca: Y Muôn ngước mặt nhìn tôi bằng ánh mắt chan chứa tình yêu thương rồi khe khẽ nhẩm theo ca từ bài hát: Một đêm trong rừng vắng…

Rừng khuya yên tĩnh, tiếng suối chảy róc rách và hoa ngọc lan tỏa hương ngan ngát…

 

 

 

Nhân chiếc laptop hết pin, điện thoại ngoài vòng phủ sóng, tôi quyết định phải tạm rời làng Krona.

Một buổi sáng, tôi dậy rất sớm, nói với Y Muôn ý định của mình. Y Muôn mím môi ngồi lặng trong giây lát rồi nhìn tôi bằng đôi mắt dân dấn nước:

-Anh đi em buồn lắm?! Nàng ngã đầu vào ngực tôi thổn thức – Anh đi rồi, trong cái xó rừng heo hút này chỉ còn lại Y Muôn một mình lầm lũi! Giá như hôm trước em không để lại tin nhắn cho anh thì giờ đây em đâu khổ tâm như thế này. Tại em…

Tôi vuốt tóc nàng an ủi:

-Đừng buồn. Về thu xếp xong mọi việc anh sẽ xin chuyển công tác lên đây!

Y Muôn lấy khăn lau nước mắt:

-Cuộc sống con người luôn bị chí phối bởi những ràng buộc! Chung quanh anh còn có gia đình, có bạn bè, có nhiều cô gái trẻ, đẹp. Còn em, em chỉ là cô sơn nữ nghèo, ít học, làm sao níu giữ chân anh?! Nàng khe khẽ lắc đầu, giọng bùi ngùi – Tất cả chỉ là kỷ niệm!

Đại ngàn bừng tỉnh sau một giấc ngủ say. Bách thanh, họa mi… hót râm rang trên những đọt cây cao. Gà rừng đầu truông eo óc gáy. Hoa ngọc lan tỏa hương ngan ngát !

Y Muôn giúp tôi thu dọn các dụng cụ thường dùng vào ba lô. Vừa lúc bà Y Dơn thức dậy. Tôi đến chào từ biệt. Bà bảo:

– Sao cháu không ở lại chơi thêm vài ngày nữa?

-Cháu về sắp xếp công việc rồi sẽ lên với bác, với em Y Muôn.

– Ừ, cháu về mạnh khỏe nhé!

Y Muôn xách ba lô bước xuống các bậc cầu thang. Ra đến đầu làng, nàng giúp tôi đeo ba lô lên vai. Giọng nàng nghèn nghẹn:

-Nhớ nhé, hãy coi những ngày vừa qua như một kỷ niệm đẹp!

Tôi hôn nhẹ lên vầng trán thông minh của Y Muôn, giọng bùi ngùi:

-Vâng! Anh nhớ mà!

Rời khỏi làng một đỗi, tôi quay về Krona. Thấy Y Muôn vẫn còn đứng vẫy tay chào từ biệt!

-Y Muôn! Ngọc Lan! Về đi! Anh yêu em! Tôi hét lớn trước lúc quay đi.

Qua khỏi vạt rừng đầy hoa sim, tôi đột ngột quay lại… Làng krona đã khuất hẳn sau làn sương tím!

 

Ra đường lớn, rất may gặp ngay chiếc xe chở hàng từ thượng nguồn sông Kon đang về xuôi. Chủ xe tốt bụng cho tôi quá giang về thị trấn. Nói là xe hàng nhưng kỳ thực là chiếc xe gắn máy nhãn Trung quốc cũ mèm, yên sau được cơi nới thêm, trên có gắn một chiếc giỏ sắt to đùng, bên trong chứa các thứ linh tinh như: mắm, muối, xà phòng, dầu thơm, áo quần, tôm, cá….! Mỗi sáng sớm, từ thị trấn, cái chợ mi ni di động ấy vượt mấy chục cây số đường rừng đến đậu ngay trước những bản làng vùng cao. Ai cần gì ra mua, giá phải chăng. Có tiền mua bằng tiền, không tiền thì thỏa thuận trao đổi bằng hiện vật như gà, lợn. mật ong…

Chủ xe hàng vừa sắp xếp chỗ ngồi cho tôi, vừa nói:

-Sáng lấy hàng ít, mới bảy giờ bán hết vèo nên về sớm. Chú em chịu khó ngồi xếp bằng tròn trong chiếc giỏ – Bác nheo nheo mắt nhìn tôi cười – Chạy vèo một lát là đến thị trấn thôi chú!

Như con lợn ngồi trong giỏ sắt vẫn còn hơn là phải ngồi một mình ven bìa rừng chờ xe từ thị trấn.

Về Đường Sơn 8 giờ hơn. Tôi đi bộ đến quán cà phê sát nách Trung tâm văn hóa gọi ly đen với bao thuốc Capri. Đang ngồi cho đường vào ly bỗng có tiếng ai đó từ phía sau lưng gọi tên tôi. Vội quay lại… thì ra là anh Nghĩa Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Đường Sơn. Nghĩa Phương đứng lên, một tay bưng ly cà phê, tay cầm bao thuốc lá đi lại bàn tôi, hỏi:

-Đoàn đã về thành phố chiều thứ 2 rồi mà?

-Dạ, nhưng em xin ở lại thăm người bà con.

Phương ngồi xuống ghế đối diện:

-Mấy lần trước chú lại bảo không có ai thân quen trong thị trấn này!?

-Không ở trong thị trấn, mà ở làng Krona.

Phương ngạc nhiên:

-Làng Krona!? Huyện Đường Sơn đâu có làng nào tên Krona!.

-Làng cách thác nước Duling gần nửa cây số, nằm sâu trong chân núi phía tây đó anh. Tôi cười – Anh lãnh đạo ngành Văn hóa mà chưa thuộc tên các bản làng của địa phương mình!

Phương phân bua:

-Nói thật với chú, không những thuộc tên từng làng từng xã mà còn thuộc họ tên chủ hộ trong mỗi làng nữa đấy! Trong huyện này dứt khoát không có làng nào tên Krona! Chắc chú nhầm!

Tôi nói chắc như đinh đóng cột:

-Nhầm thế nào được! Em ở chơi làng krona đã 5 hôm, vừa mới rời làng ngay sáng sớm hôm nay mà!

-Thôi, cứ cho là chú em không nhầm tên làng, Vậy chú có thể cho tôi biết tên vài người trong làng Krona?

Tôi nói không cần suy nghĩ:

-Năm ngày em ở chơi nhà bà Đinh Y Dơn và cô Y Muôn!

Phương định đưa ly cà phê lên môi, bỗng dưng anh dộng trôn ly xuống mặt bàn đánh “cạch”, mồm há hốc, giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi đầy vẻ kinh ngạc:

-Bà Đinh Y Dơn?! Cô Đinh Y Muôn!?

-Vâng!

Phương nâng ly cà phê lên chiêu một ngụm, chậm rãi giải thích:

-Chú đang đùa với tôi. Bà Y Dơn chết cách nay hơn 4 năm. Cô Y Muôn mất cũng gần giáp 2 năm rồi!

Tôi vẫn cố tình biện minh:

-Anh nói thế nào chứ….

Phương cắt lời tôi:

-Ngày cô giáo Y Dơn mất tôi có đến đưa tang. Lễ tang của cô Y Muôn chính tôi là người đứng ra tổ chức vì cô là nhân viên cấp dưới của tôi.

Tôi bật cười:

-Hi hi, em khẳng định rằng anh đang nhầm lẫn về cái tên Y Dơn, Y Muôn của một làng nào đó rồi. Người dân tộc trùng họ tên là chuyện bình thường mà!

Phương nhìn thẳng vào mắt tôi, có vẻ lo lắng:

-Có thể trong 5 ngày vừa qua chú em sống với người cõi âm! Đây là hiện tượng tâm linh đã từng xảy ra. Một là chú em có năng lực thần giao cách cảm, hai là giác quan thứ sáu của chú rất đặc biệt!

Tôi cực lực phản đối:

-Không, tôi không tin những gì anh nói! Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh hiện đại, sao lại còn có chuyện người cõi âm, cõi dương nhỉ!

Phương nói dứt khoác:

-Thôi, không đôi co nữa! Chú có dám đưa tôi đến làng Krona ngay bây giờ không?

Bằng giọng đầy phấn khích:

-Sao lại không chứ!?. Phải mắt thấy tai nghe anh mới chịu thú nhận rằng, các anh đã bỏ quên một cái làng xinh đẹp! Còn bà Y Dơn, cô Y Muôn nữa, họ là những công dân lương thiên và hiếu khách!

Phương đứng lên trả tiền cà phê rồi vào góc sân dắt chiếc Futer đi lại chỗ tôi, cười:

-Nếu tôi chở chú, chú lại bảo tôi đi sai đường rồi sinh ra cãi chày cãi cối. Chú phải đích thân chở tôi đến làng krona. OK?

-Nhất trí thôi!

Tôi chở Phương đến nơi mà cách đây vài giờ mình từ đó ra đi.

Lên đến thác Duling hơn 10 giờ. Gió rừng bắt đầu khô hanh. Dựng xe dưới tán cây chò, tôi đưa Phương đi theo lối cũ. Qua bên kia con suối tôi đứng khựng lại nhìn về làng krona…Tưởng nắng trưa chói chang làm lóa mắt nên đưa tay dụi mắt mấy lần…Nhưng… phía trước mặt tôi lúc này là khu rừng nguyên sinh, lác đác cây ngọc lan đang trỗ hoa.

Chuyện biển – dâu diễn ra quá đỗi bất ngờ khiến tôi cứ đứng lặng, hoang mang tột độ!

Phương bước đến, giọng móc méo:

-Làng Krona xinh đẹp của chú đâu rồi? Anh vỗ vỗ vào vai tôi –Thôi, nãy giờ chú đưa tôi vào mộng, giờ thì tôi đưa chú đi vào cõi thực.

Tôi lủi thủi theo anh Phương đi sâu vào rừng thêm một đoạn nữa thì gặp bãi tha ma chừng mười ngôi mộ toàn bằng đất, to nhỏ khác nhau. Phương đưa tôi đến hai ngôi mộ nằm liền kề nhau bên gốc sồi cổ thụ:

-Đây là mộ của bác Y Dơn, còn cái này là của Y Muôn đó.

Vậy thì đã rõ, năm ngày sống chung với người cõi âm mà tôi hoàn toàn không hay biết!. Một lúc sau lấy lại bình tĩnh, tôi đứng trước hai ngôi mộ của người quá cố, mắt cay sè, lâm râm khấn:

-Bác Y Dơn, em Y Muôn, cứ tưởng trần gian có duyên nợ, nhưng nào ngờ…. Mặc dù âm dương cách biệt, nhưng những ngày sống cùng với bác, với Y Muôn trên làng Krona là những ngày hạnh phúc nhất, là kỷ niệm đẹp sẽ theo con đi hết cuộc đời này. Nguyện cầu hương hồn bác và em Y Muôn bình yên nơi cõi vĩnh hằng!

 

Rừng trưa gay gắt nắng. Ra dòng suối bên cạnh. Phương vục nước rửa mặt rồi xoãi người lên phiến đá nhẵn như mặt bàn, nơi tôi và Y Muôn thường ngồi vào mỗi tối nhìn trăng treo lơ lửng cuối rừng. Thấy tôi, Phương ngồi bật dậy, chỉ tay xuống dòng suối, nói:

-Y Muôn muốn được yên nghỉ bên người mẹ mà sinh thời cô rất thương yêu nên thể xác em mãi xuôi theo dòng suối suốt ba ngày liền, cuối cùng dừng lại ngay tại chỗ này chú à.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

-Y Muôn bị đuối nước?

– Bị cơn lũ lớn nhất cách nay gần 2 năm cuốn trôi!

-Trời ơi! Tôi kêu lên đầy thương cảm!

Phương lấy bao thuốc lá ra rút điếu, bật lửa kéo một hơi dài nhả khói rồi kể lại cuộc đời của Y Muôn, bắt đầu từ cô giáo Y Dơn.

Y Dơn nổi tiếng xinh đẹp, học giỏi của xã Linh sơn. Năm 22 tuổi, Y Dơn tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngữ Văn, được Sở giáo dục điều về giảng dạy Trường Nội trú dân tộc của huyện. Để đến nơi công tác, mỗi ngày Y Dơn phải đạp xe non 40 cây số cả đi lẫn về. Dạy được 2 năm, Y Dơn kết hôn với thầy giáo cùng trường người kinh, gốc Hà Nội.

Tôi chen vào:

-Hèn chí Y Muôn có nước da trắng và giọng nói mang âm hưởng người Hà Nội!

Phương nhìn tôi như nhìn một gã phù thủy, tiếp:

-Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên yên tâm công tác, Ban giám hiệu bố trí cho cặp vợ chồng trẻ một căn phòng đầy đủ tiện nghi ngay trong khu ký túc xá của trường. Y Muôn sinh ra và lớn lên tại đây . Thừa hưởng tố chất của cha mẹ, và được sống trong môi trường giáo dục, Y muôn càng lớn càng xinh đẹp, học giỏi.

Nghỉ hè xong chuẩn bị vào năm lớp Tám, ông bố chuyển công tác về Hà Nội. Từ đó bặt tín! Bà Y Dơn quyết nuôi con học hành tử tế, hy vọng sau này sẽ nối nghiệp bà. Năm Y Muôn chuẩn bị thi vào đại học thì bà Y Dơn bị chứng nhồi máu cơ tim phải xin nghỉ hưu sớm về làng an dưỡng. Giấc mơ vào Đại học của sơn nữ xinh đẹp tan theo mây khói.

Thấy Y Muôn thông minh, xinh gái, hát hay, Phương bàn với Tổ chức Huyện ủy xin rút nàng về công tác Trung tâm văn hóa và giao cho Y Muôn một căn phòng sát nách với thư viện để nàng có nơi sinh hoạt hằng ngày, khỏi phải đi về. Y Muôn từ chối với lý do, mẹ già đang đau yếu, không thể bỏ mẹ một mình! Cũng như bà Y Dơn ngày xưa, để đến nơi công tác, Y Muôn phải đạp xe gần 40 cây số mỗi ngày.

Anh Phương cựa mình thay đổi tư thế ngồi, tiếp:

-Phải công nhận Y Muôn rất thông minh chú à. Mặc dù chưa tham dự khóa học nghiệp vụ nào, chỉ mày mò qua sách báo, học tập kinh nghiệm người đi trước, vậy mà giao bất cứ việc gì nàng cũng hoàn thành xuất sắc! Trong giấy khai sinh, Y Muôn còn có tên Hoàng Ngọc lan, Tôi định dùng tên này làm hồ sơ công chức, nhưng bà Y Dơn không bằng lòng, bà không muốn nhắc đến người chồng bội bạc.

-Tội Y Muôn quá anh. Bọn con gái thành phố có tí nhan sắc đã làm ra vẻ sang chảnh!

-Với Y Muôn thì không. Mẫu mực trong lối sống, nghiêm túc trong các mối quan hệ và trách nhiệm trong mọi công tác. Trưởng phòng giáo dục nhờ người mai mối Y Muôn về làm dâu, nhưng Y Muôn một mực từ chối. Nàng bảo, mẹ già đau yếu, lấy chồng ai chăm sóc mẹ.

Rồi bà Y Muôn qua đời vì bị tai biến.

-Nhân cơ hội này sao anh không thuyết phục Y Muôn chuyển khẩu về thị trấn để tiện việc công tác.

-Không những giúp chuyển khẩu mà còn bố trí nơi ăn ở đàng hoàng, nhưng Y Muôn một mực từ chối, bảo rằng, dù mẹ đã đi xa nhưng nhà cửa nương rẫy vẫn còn, cháu phải chăm lo nhang khói hằng đêm để hương hồn mẹ khỏi cô đơn buồn tủi. Người dân tộc họ nói như đinh đóng cột, không dễ lay chuyển!.

Nhìn vào cõi xa xăm, Phương tiếp bằng chất giọng trầm buồn:

-Hồng nhan bạc phận! Người nhân hậu, hiếu thảo, ai cũng thương quý nhưng lại vắn số! Y Muôn mất khi mới 22 tuổi. Chiều hôm đó, xong công việc cơ quan, Y Muôn đạp xe về làng. Đến nửa đường, trời bỗng dưng đổ mưa như trút nước. Sấm chớp ì ầm. Lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn dồn về các con suối. Nếu Y Muôn quay lại thị trấn thì không có chuyện xảy ra. Đằng này, nàng bất chấp thiên nhiên đang nổi cơn cuồng nộ! Lúc băng qua dòng suối, Y Muôn bị lũ dữ bất ngờ ập đến cuốn trôi! Ba ngày sau, người làng đi làm rẫy phát hiện thi thể của nàng ngay tại chỗ này!

Lúc này, tôi không kìm được nước mắt! Những giọt nước mắt dành cho người con gái xinh đẹp, tài hoa nhưng phận mỏng. Phương nhẩn nha kể tiếp:

-Có điều lạ lùng là xác Y muôn trôi dạt theo dòng suối đã ba ngày nhưng khi vớt lên thi thể vẫn cứ hồng hào, mắt nhắm nghiền như đang say giấc. Đến giờ nhập quan, nhiều người còn ngăn lại bảo, Y Muôn chưa chết hẳn, hãy nán lại thời gian, biết đâu nàng sẽ hồi sinh. Y Muôn ra đi là sự mất mát lớn cho Trung tâm Văn hóa, để lại niềm tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp!

Bất giác, tôi đề nghị:

-Có thể xây mộ phần hai người cho tươm tất được không anh?

Phương xua tay, giải thích:

-Nhiều bộ tộc cho rằng: Sống cát bụi, chết về với cát bụi. Vì thế mà người miền núi có lễ bỏ mả! Người kinh ngược lại: Sống có nhà, thác có mồ! Do cái quan niệm lạc hậu này mà hiện nay, người kinh đua nhau xây lăng mộ người quá cố lấn chiếm dần đất của người đang sống. Anh vỗ vỗ vai tôi, nửa đùa, nửa thật – Cứ cái đà này, tôi tin chắc chừng vài mươi năm nữa, người chết sẽ lấn chiếm hết đất, con cháu phải bồng bế lên non!

Kết câu chuyện, Phương nhìn tôi cười hóm hỉnh:

-Tôi ghen với chú. Chú có duyên nên được gặp Y Muôn. Còn tôi, từ ngày Y Muôn mất, tôi chưa được gặp một lần dù chỉ trong mơ!

-Anh nói đúng. Ma là hiện tượng tâm linh, không phải ai cũng gặp được ngoại trừ những người có khả năng thần giao cách cảm, hoặc có giác quan thứ 6 đặc biệt!

 

Làng Krona như giấc mộng. Bà Y Dơn, em Y Muôn mãi mãi là người của cõi xa xăm. Năm ngày hòa nhập vào thế gới tâm linh giữa đại ngàn, tôi mới nhận ra cái giá trị đích thực của tình yêu, của cuộc sống và yêu hơn cảnh thiên nhiên thơ mộng, trân quý cái bản chất nhân hậu của bà con dân tộc!

Làng Krona, một ca khúc trữ tình lãng mạn, đậm chất nhân văn.

 

                                       Từ chuyến thực tế huyện Vĩnh Thạnh

                                                                          T.Q.L