Người của một thời của Nguyễn Đông Nhật – Lê Công Cơ

859

27.7.2017-11:00

  

Một thời và mãi mãi…

 

NGUYỄN KIM HUY

 

NVTPHCM- Đọc xong “Người của một thời”

, tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Đông Nhật và nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, tôi thật sự ngỡ ngàng và thú vị. Nội dung chính của cuốn sách viết về một số nhân vật trong phong trào Thanh niên – Học sinh – Sinh viên – Nhân sĩ – Trí thức (gọi tắt TNHSSV) yêu nước chống Mỹ tại các đô thị miền Nam trước năm 1975. Đó cũng là “chuyện của một thời” với những chân dung sống động, tiêu biểu cho hàng trăm hàng ngàn “người trong cuộc”.

 

Giai đoạn lịch sử ấy chắc chắn sẽ còn được các thế hệ HSSV Việt Nam sau này nhắc đến, vinh danh và học tập một cách hoàn toàn xứng đáng. Hành trang của những nhân vật “một thời” ấy đã được hai tác giả hết sức trân trọng và khắc họa rõ nét với mong muốn “ghi lại đôi nét về chân dung của những người cùng thời vốn có nhiều gắn bó với nhau, như những kỷ niệm không quên, như lòng tưởng nhớ của người còn sống đối với người đã khuất và cả mong muốn trả được trong muôn một, món “nợ” đối với cuộc đời”. Qua suốt 17 chương sách, từ chương đầu “Ngôi nhà” đến chương “Cảm nhận cuối cùng”, hiện lên những chân dung thực. Từ hình ảnh chàng thanh niên đầy nhiệt huyết Nguyễn Thúc Lư và 40 thành viên đầu tiên của Hội LHHSSV Giải phóng Trung Trung Bộ, những người đầu tiên treo lá cờ Mặt trận Giải phóng giữa TP. Huế vào năm 1964 đến hình ảnh viên trung úy Nguyễn Lương Y, thư ký đặc biệt của tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng chiến thuật 1 và người anh ruột là thầy giáo Nguyễn Lương Ý tại Trường Trung học Trần Cao Vân (Tam Kỳ), đều bị địch thủ tiêu vùi xác tại bãi biển Xuân Thiều (Đà Nẵng). Từ hình ảnh thầy Trương Văn Thông, thầy Tôn Thất Nguyễn Phúc, hai thành viên trọng yếu của Hội Nhà giáo giải phóng Đà Nẵng, là niềm tin và sự động viên lớn lao cho các học trò yêu nước của mình lao vào cuộc đấu tranh, đến Hòa thượng Thích Đức Tâm, người sáng lập Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán, thành viên và là Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Huế, Hòa thượng Thích Long Trí, vị tu sĩ khẳng khái, lương tri và là ngọn lửa của phong trào Phật giáo Quảng Nam trong cơn pháp nạn. Và còn nguyên vẹn sống động đó, những hình ảnh của cu Paz, người chiến sĩ dân tộc Cơ Tu hy sinh thân mình cứu cán bộ tại một bản làng miền núi Trị Thiên-Huế, đến những mẹ, những chị, những cô, dì, chú bác… bình thường mà lớn lao đã đóng góp tài sản và cả tính mạng cho công cuộc cứu nước rồi âm thầm lui về cuộc sống đạm bạc (nếu may mắn sống) mà không một lời kể công hay oán thán nếu lỡ gặp hoàn cảnh oan khuất… Và hàng trăm nghìn liệt sĩ có tên và không tên đã lấy dòng máu đỏ tươi trẻ của mình nhuộm thắm non sông; xương thịt nhiều người đã mãi mãi hòa vào lòng đất nước…

Tập sách Người của một thời của Nguyễn Đông Nhật – Lê Công Cơ

 

Hai tác giả đã đem hết năng lực và tấm lòng để khắc họa thật sống động chân dung những “người của một thời”. Những trang viết đó đã đạt được sự thành công đáng kể, đủ để phác họa nên hình ảnh của phong trào thanh niên học sinh yêu nước, đòi hòa bình-thống nhất Tổ quốc đã làm chấn động toàn thế giới lúc bấy giờ và sẽ còn được xem như một dấu son lớn trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam. Thành công của cuốn sách là đã ghi lại chân thực những hình ảnh của một thời, về một lớp người trẻ tuổi yêu nước với tinh thần dấn thân kỳ lạ đến mức kỳ diệu…

 

Nhưng điều đáng nói hơn, là chiều sâu và bề rộng của “Người của một thời”. Những trang viết không dừng lại ở việc miêu tả đơn thuần mà đặc điểm chính yếu là ở những suy tư, triết luận, cảm nhận trải ra bàng bạc rất tự nhiên mà đầy ngẫu hứng qua suốt hơn 400 trang sách! Như trong “Lời thưa” đã chân thành giãi bày: “…những ai rành rẽ chuyện văn chương có thể sẽ không hài lòng cái “cách” làm này, vì nó không đúng theo những qui thức về thể tài, thể loại… Thôi thì phải tự giải-thích-an-ủi rằng, trong cuộc đời này có cái gì hoàn hảo đâu; việc gì đến thì hãy cứ làm, miễn sao trung thực với chính mình là đủ (!?)”. Cho nên đối với những người đọc ưa chuộng sự dễ dãi dễ hiểu, thì cuốn sách là chuyện “nan giải” khi tiếp cận. Còn đối với những ai yêu thích sự thâm trầm chiêm nghiệm, thì từng trang sách sẽ là một thử thách tư duy sâu sắc và thú vị. Có lẽ là cần thiết để đọc kỹ Lời giới thiệu của GS Huỳnh Như Phương về hình thức thể hiện của tập sách: “Cuốn sách có thể dễ đọc hơn nếu tìm được một cấu trúc khác, liền mạch, dễ theo dõi. Nhưng trong hình thức như hiện nay, nó lại mang dáng vẻ tự nhiên, thô mộc, như không hề cố tình xếp đặt. Những yếu tố chính luận, suy tưởng và trữ tình hòa kết trong cuốn sách. Xã hội và con người, chiến tranh và hòa bình, cách mạng và đạo đức, bạo lực và nhân bản, danh và lợi… là những nỗi ám ảnh không rời đối với các tác giả, và họ không chấp nhận suy nghĩ “một lần cho tất cả”.

 

Khép lại cuốn sách, bạn đọc có thể nhận ra, khi đặt bước chân nhẹ trên những con đường cũ, các tác giả đã cùng nhau hồi tưởng lại con đường cũ đáng nhớ để rồi phác họa nên những con đường mới, rất mới của tư duy và chiêm nghiệm, hồi ức và khai sáng, khắc khoải và hy vọng, dằn vặt và tin yêu từ những trang sách cháy lên máu thịt của mình về quá khứ, hiện tại và tương lai, về Nhân dân và Tổ quốc, về Cuộc sống và Tình yêu. Chính vì vậy, một thời ấy chính là mãi mãi!…

 

______________

Nguyễn Đông Nhật, Lê Công Cơ – NXB Hội Nhà văn, 2016

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…