Người cùng phố – Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt

978

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông tên Phú nhưng nghèo. Nguồn sống của gia đình năm người ấy trông vào tập vé số và chồng báo ông bán mỗi ngày cùng gánh rau sống của vợ ông nơi chợ xép. Sáng sáng, người lớn đi làm, lũ trẻ đi học, ông lại nhúc nhắc cái chân thương tật đến hàng ăn, quán cà phê chìa tập vé số và chồng báo mới ra. Mỏng khả năng tiếp thị nhưng ông thừa đức kiên trì; đáp lại những cái xua tay, lắc đầu hoặc lời cộc lốc “không”, ông chỉ cười cười nhằm lấy lòng người đối thoại, vẻ cam chịu. Nói chung ông hiền, trừ khi mất cắp.

Tranh minh họa – Tác giả: họa sĩ Trần Cường

Nhà ở ngoại ô, vườn rộng nên ông Phú nuôi nhiều gà. Vườn rào kín như mắt lưới nhưng thi thoảng vẫn bị mất trộm gà. Cả mấy con chó của ông cứ to đến tầm mang được bi đông rượu thì bị thằng mất dạy nào đó câu mất. Thế là ông chửi, chửi giữa trời nhưng ác liệt. Nói dại, nếu thi chửi, ông rinh giải cao là cái chắc. Cứ như lời ông, đứa ăn trộm mạt vận nào bị ông tóm được coi như tiêu đời, chí ít cũng thành phế nhân. Nhưng khổ, kẻ trộm đâu chẳng thấy chỉ có bà con cùng phố lãnh đủ. Mỗi khi ông Phú “mở đài” “tăng âm”, bọn trẻ trong phố thích lắm. Chúng háo hức xúm lại trước ngõ nhà ông, tròn mắt, dỏng tai đón những lời không thầy cô, sách vở nào dạy. Người lớn thì dồn mắt về phía nhà Đại, có ý chờ anh lên tiếng.

Là tổ trưởng dân phòng, lại chung bờ rào với ông Phú, Đại không thể ngoảnh mặt làm lơ trước cảnh huyên náo. Nhiều lần ông nghe lời anh. Nhưng hôm ông mất chiếc quần jeans vừa sắm cho con mặc Tết, khi Đại lên tiếng can ngăn, ông độp luôn: “Cả cái tổ dân phòng của ông cũng phải xét lại. Tháng tháng tôi nộp quỹ an ninh để các ông bảo vệ dân; bảo vệ mà thế này à?!” Không thể hơn thua với người đã bị “bà hỏa” nhập, Đại im.

Người thứ hai nổi tiếng trong phố là Tiến, giám đốc công ty Tiến Thành. Nhưng sự nổi tiếng của ông giám đốc khiến người ta nể phục chứ không đem lại bực dọc như ông bán báo kia. “Được góp phần đem lại nụ cười cho những cảnh đời khốn khó là niềm hạnh phúc của đời tôi”. Đúng như lời Tiến trên ti vi, làm việc thiện như là lẽ sống của anh. Giúp trẻ em lang thang cơ nhỡ, ủng hộ đồng bào bị bão lụt, làm nhà tình nghĩa… đài báo nhiều lần giới thiệu về anh với những việc làm đáng trân trọng như thế. Thấy anh trong chương trình quảng cáo trên ti vi, lũ nhỏ trong phố lại kéo tay người lớn chỉ rồi reo lên: “Chú Tiến kìa!”

Người cùng phố quý Tiến và anh thì chan hòa với mọi người. Duy có ông Phú cùng những trận võ mồm dành cho kẻ trộm của ông làm Tiến khó chịu. “Phạt cho lão trắng mắt ra – Có lần Tiến nói với Đại – Đưa lão lên công an phường, dũa cho tịt mồm đi.” Đại nói như mếu: “Phạt rồi sau đó cứu trợ hay để con lão đói?!”. Nếu sắp xếp sự nghèo khó trong phố này, ông Phú sẽ nhận cái số một chẳng ai muốn giành. Nhưng người này cũng kỳ lắm. Sau trận lụt năm rồi, nhiều đoàn cứu trợ đến tận nhà hỏi thăm thiệt hại để giúp đỡ, ông trả lời tỉnh bơ: “Nước chấm mái tôn nhưng di dời kịp nên chẳng mất chi.” Có lần đang vui, Đại nửa đùa nửa thật: “Bỏ bán vé số đi, chú ra bến xe ga tàu, lật cái nón cời lên, thu nhập cao là cái chắc”. Không ngờ ông nổi giận, chỉ thẳng mặt: “Tôi có chết đói đến quạ tha dòi rúc cũng không đi ăn xin đâu nghe!”… Con người cục tính ấy có lần đã khóc, khuôn mặt dúm dó, trông thương đến thắt lòng.

Chẳng là những tiệc vui, bữa nhậu của các nhà trong phố không bao giờ có ông Phú. Ông có nghìn lẻ một lý do để từ chối những lời mời thật bụng. Hôm làm kỵ cơm cho cha, Đại mời, ông vẫn điệp khúc “cảm ơn” rồi “xin lỗi”… Đại bảo vợ để phần một mâm và chờ. Khi ti vi qua chương trình dự báo thời tiết, ông  lò dò về, Đại chạy ra ngõ túm lấy, lôi vào…

Ông ăn dè dặt, chỉ thích cầm ly. Khi nghe Đại trách ông về cái sự hay xa rời bà con cùng phố; ông buông đũa, giọng buồn rầu: “Bà con mời ba, chẳng lẽ mình không mời được một?! Nhưng nhà tôi… như chú biết đấy. Đi hay không đi đều dở… thôi đành chọn một”. Ông ứa nước mắt, lệ nhòe trên gò má nhăn nheo, sạm nắng. Đại ngồi lặng, cổ nghẹn lại.

Kinh khủng hơn nhiều những lần chửi của ông Phú là hôm xe công an rần rần tiến vào hẻm phố. Ba chiếc thắng kít trước ngõ nhà Tiến; năm công an vọt xuống, bước vội vào nhà giám đốc công ty Tiến Thành. Lát sau, Tiến đi  ra với hai tay nằm gọn trong còng số tám. Trẻ con, người lớn đổ ra đường đứng sững, há hốc. Tiến thản nhiên cười, trước khi bước lên xe còn đưa hai tay lên cao, không biết để chào hay tạ tội với bà con. “Chắc chắn công an nhầm”- những tiếng xầm xì ấy vẳng theo ba chiếc xe đang lạnh lùng lao ra đường lớn. Không phải chờ lâu, nỗi nghi hoặc của mọi người được giải tỏa khi hôm sau các báo đồng loạt đưa những phóng sự điều tra về cách làm ăn của giám đốc công ty Tiến Thành. Theo đó, cái tài của giám đốc Tiến không phải trong kinh doanh mà ở thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Đã vậy, sao anh ta sẵn lòng làm từ thiện đến thế? “Sự từ tâm của Tiến, những lẳng hoa bằng nhựa ấy – một bài báo giải thích – chẳng qua là hình thức quảng cáo, mua niềm tin của người khác”. Sau những bàn tán xôn xao, khu phố lắng lại, nhiều người nhìn nhau lắc đầu, tưởng thế mà không phải thế.

Chuyện giám đốc Tiến bị bắt dường như không khiến ông Phú để tâm; có khác chăng, mấy ngày qua ông bán báo chạy hơn. Chưa tắt nắng chiều, ông đã bán hết báo và vé số, về nhà với vẻ mặt hớn hở. Mấy hôm rồi, Đại để ý thấy ông ngồi trước cửa nhìn ra đường, vẻ tập trung căng thẳng. Cơm tối xong, ông ra quán cà phê Quỳnh ở đầu phố uống nước. Ngồi trong quán nhưng ông luôn ngóng ra đường, vẻ dớn dác, như đang nóng lòng chờ ai. Mãi đến hôm trực ở tổ dân phòng, Đại mới biết căn nguyên biểu hiện lạ ấy của người cùng phố.

Lúc đó tầm mười giờ đêm, Đại chuẩn bị đi tuần thì nghe tiếng la thất thanh từ nhà bà Hạnh: “Trộm, bớ bà con, bắt trộm!”. Tiếng ông Phú! Đại lao tới tiếp ứng… Thằng gian ngồi trên xe Dream vẫn nổ máy, chiếc xe đạp nằm chềnh ềnh giữa đường, ông Phú bị một đứa cởi trần, lưng to như tấm phản đè xuống đất. Điện các nhà đồng loạt bật sáng, người đổ ra đường. Thằng trên xe Dream rồ máy, thoát thân. Đứa dưới đất hoảng sợ trước đám người dày đặc, buông đối thủ, phóng vào đường luồng. Nhưng không thoát khỏi tay Đại.

Mấy người dìu ông Phú ngồi dậy. Ông thở hổn hển, hai tay xây xước, rỉ máu. Con gái bà Hạnh chạy lại dựng xe đạp lên, thảng thốt:

– Trời ơi, con để xe trên hiên rồi mà – Cô bé quay qua phía ông Phú – Sao bác thấy bọn hắn vậy, bác Hai?

– Mấy chiều rồi, hai thằng này lượn ra lượn vô thám thính, tôi nghi ngay – Ông Phú chậm rãi – Tôi quyết bắt cho được.

Bà Hạnh lật đật chạy vô nhà lấy bông băng và ô-xy già nhưng ông Phú khoát tay: “Khỏi!”. Ông phủi đất trên quần áo rồi nhúc nhắc đi về nhà mình, để lại sau những ánh nhìn trìu mến.

N.T.H