(Vanchuongphuongnam.vn) – Có thể nói rằng, thơ Bích Hà cũng như con người Bích Hà là một thực thể tinh tế mà bất an, một thứ tâm thức tình yêu dang dở, một mong đợi không tới, và cả một hoài niệm không có lối về.

Tập thơ Mắc nợ mùa đông
Sự khám phá ấy nhiều khi, rất nhiều khi, chính là con đường dẫn đưa ta trở về lại với tuổi trẻ.
Tôi chỉ mới lần đầu tiên biết đến Bích Hà khi đặt mua, qua bưu điện, tập thơ Mắc nợ mùa đông (Nxb Thuận Hóa, 2018) của Hoàng Thị Bích Hà nhưng khi đọc Mắc nợ mùa đông, tôi bất ngờ nhận ra, hình như Bích Hà đã tìm thấy cho mình một lối đi vào thơ.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc tập thơ Mắc nợ mùa đông là thơ Hoàng Thị Bích Hà chứa đựng những cảm xúc chân thành, tuy nhiều khi được bày tỏ bằng một ngôn ngữ chân phương, nhưng xem ra chính nhờ thế mà lại đạt được một hiệu quả không ngờ, là rất thực, rất đỗi gần gũi với đời thường.
Xuyên suốt những bài thơ của Hoàng Thị Bích Hà, ta dễ dàng nhận ra cái tâm thế xao xuyến trước tình yêu của tác giả. Trong văn học của cả nhân loại, cái tâm thế ấy gần như là nỗi ám ảnh triền miên: nỗi ám ảnh về phận người, về sự chia xa:
Chuyện tình ta cũng hệt người xưa vậy
Yêu thương mặn nồng rồi cũng phải chia xa
(Mắc nợ mùa đông 1)
Và còn hơn cả một nỗi xao xuyến khôn nguôi, cuộc đời thực vốn nhiều buồn hơn vui chỉ càng khiến Bích Hà thêm mong muốn khẳng định về những điều thực, giả giữa đời:
Giả nhiều khi thật hơn thật muôn phần!
Có thể hiểu đây là một quan niệm sống, một cách nhìn đời của tác giả được không? Có thể hay không có thể, cũng còn tùy góc nhìn và quan niệm sống của mỗi người. Nhưng điều quan trọng là Bích Hà đã nói điều ấy, đã bày tỏ điều ấy với cái tâm chân thành, dẫu có thể chính vì thế mà tác giả phải mắc nợ thời gian, mắc nợ một mùa đông của kỷ niệm:
(Mắc nợ mùa đông 1)
Bích Hà chọn một thái độ, một cách thế sống chan hòa trong cõi thật, và từ đó, tìm ra sự vượt thoát cả trí và tâm:
(Ơi tháng mười hai…!)
Quan niệm sống ấy giúp Bích Hà hiểu được rằng, không thể không hòa cái tôi nhỏ bé vào với thiên nhiên, và đó không chỉ là một kinh nghiệm bản thân mà còn là một lời gửi gắm, nhắc nhở:
(Xin hãy quên)
Không thể chọn lựa khác được, vì “Ai trong đời chẳng có những ưu tư/ Thì nỗi buồn đau có bao giờ thôi hiện hữu” (Nhắn bạn).
Phải rồi, bài học đơn giản nhất của người xưa là hãy đem cái “tiểu ngã” hòa vào với cái “đại ngã”. Ta có bao giờ đi ra khỏi thân phận nhỏ bé của con người, vậy thì sao không bắt chước giọt sương long lanh trên lá cỏ kia, khi nó vẫn chưa bao giờ thôi nhớ về nơi chốn đã sinh thành, ra đi? Câu thơ trầm tư của Bích Hà khiến tôi không thể không liên tưởng đến nỗi mình, vào một đêm trăng nào trên sông Hương năm xưa, đắm chìm vào cô tịch mới nhận ra cái vô lượng của lẽ thường hằng: “Trái tim ta khát vạn ngày/ Trên tay giọt nước, lại đầy dòng Hương” (THDV).
Điều đáng quý là thái độ sống ấy, sự chọn lựa cách thế làm người ấy của Bích Hà không hề được nói ra với một sự lên giọng, đại ngôn, mà ở đây chỉ là một sự bày tỏ nhẹ nhàng, tự nhiên, với cung cách lúc nào cũng dịu dàng, nhỏ nhẹ của người phụ nữ Huế. Nhờ thế, cái đẹp của một cách thế sống cũng là cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp của chính câu thơ và của sự an nhiên.
Nếu chịu khó suy ngẫm, ta dễ nhận ra đó cũng chính là cách biểu hiện cuộc sống tâm hồn của hầu hết chúng ta, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Bởi trong nền văn hóa thường tồn (Permanence – thường tồn, chứ không phải trường tồn – Éternel) của dân tộc ta luôn chất chứa vừa đạo lý, vừa tình yêu cuộc sống; chất chứa niềm tin vào sự tồn tại của những giá trị nhân văn và cả nỗi đam mê các thú vui bình thường của những con người luôn biết dung hợp giữa lạc thú cuộc đời và lý tưởng hướng thiện. Từ người nông dân chân đất cho đến những kẻ sĩ, những nhà thơ dân tộc, gần như tất cả đều đã giữ được cho mình cái cách thế sống ấy.
Ở một phía cảm nhận khác của tâm hồn, Bích Hà còn tạo được cho mình một sự thức tỉnh, nhận ra khuôn mặt của thời gian, nhưng vẫn hẹn một lòng giữ gìn cái đẹp của sự thủy chung son sắt:
(Đường phượng bay Thành Nội Huế)
Nhưng dẫu luôn ý thức về lẽ vô thường của kiếp nhân sinh, Bích Hà không phải không có lúc cũng băn khoăn với chính bản thân và với nẻo vô thường kia:
(Đừng luyến tiếc)
Sở dĩ phải như thế vì đã tới lúc “đời ngược nhau hai hướng rẽ hai đường”, như bao câu chuyện đời khác. Nỗi băn khoăn rất đỗi đời thường nhưng lại nhuốm màu triết lý sống ấy, thực ra, không phải ai cũng có được, mà phải kinh qua mọi lẽ được – mất, thịnh – suy, có – không giữa cuộc đời đa đoan lắm nỗi này; rồi lại phải luôn biết tự vấn và biết rút ra cho mình bài học về thế thái nhân tình, thì mới có thể có được, sau khi đã “Để đêm khuya những giọt lệ lạc loài” và chấp nhận như một lẽ đương nhiên “Giọt lệ này xin mình em nhận đủ”.
Biết quên đi một người là điều không hề dễ
(Xin hãy quên)
Nghe như có một chút gì đó chịu đựng, “hi sinh”; khiến chúng ta, những người đọc không thể không cảm thông cho nỗi niềm của một người phụ nữ xứ Huế hiền thục nhưng sâu lắng, dịu dàng.
Và khi đã ý thức được rằng cuộc sống là để sống, một cách hồn nhiên, chứ không phải chỉ là để suy niệm, thì tự nhiên lòng sẽ vui, hồn sẽ thanh thoát nhẹ nhàng như có bông “hoa mướp vườn vẫn vàng tươi sắc nắng”; như “ngõ chè tàu xanh biếc nỗi buồn thương”; bởi chính cái bông hoa mướp ấy, ngõ chè tàu ấy, ở một vườn Nguyệt Biều xanh, mới là cuộc sống, mới là cái nghĩa sống bình thường mà chân thật.
Chính ở đây ta đã tìm thấy con người thực, ngoài con người tình cảm nhưng không thiếu lý trí và cả sự tỉnh táo của Bích Hà:
Thì cũng biết xem tình là hư ảo
Nặng lòng chi? Để gió cuốn bay xa
(Ôi tình yêu!)
Nhà thơ Bích Hà
Suy cho cùng, chẳng có con người thực nào lại có thể thoát ra khỏi những nỗi buồn của tình yêu. Bích Hà có được sự chiêm nghiệm điều này trong cuộc sống xung quanh để có thể viết nên những câu thơ cho tình yêu dang dở và từ nỗi đau xót kia lại liên tưởng đến cái mong manh, nỗi mất mát của cuộc đời:
(Tâm sự trước biển)
Tới đây, thêm một góc cạnh nữa để ta có thể nhìn thấy, khám phá tâm tình và tư tưởng của Bích Hà: Ngay trong giây phút thiết tha với tình, với người và với cuộc đời nhiều đam mê, quyến rũ này, người phụ nữ xứ Huế dịu dàng ấy vẫn chưa lúc nào quên được sự phù du của kiếp người, dù trước sau nàng vẫn muốn sống nhẹ nhàng, vẫn muốn quên đi những nỗi đời đau xót để thản nhiên làm “miếng ngói khô” vì cũng đã tới lúc “miếng ngói khô nay có còn khô nữa?” Hỏi là đã trả lời, chắc chắn “miếng ngói khô” ấy đã “nay chợt thành ngói ướt bởi vì ai”… (Đọc câu thơ này, tôi bỗng phải bần thần tự hỏi: Liệu có phải đây là một lời trách hay không? Nhưng mà, dẫu có trách thì cũng rất nhẹ nhàng. Và tôi yêu cái chất Huế ấy của người thơ này!).
Tôi đã nói, ta có thêm một góc nhìn để ta hiểu Bích Hà, nhưng cũng chính từ góc nhìn ấy mà ta lại có dịp để hiểu cả chính ta, tự nhìn lại ta trong cái lẽ biến dịch không ngừng của thời gian. Và ta có thể nói rằng, cuộc sống của mỗi người và của tất cả chúng ta, là thời gian vừa mất đi nhưng cũng là thời gian vẫn còn lại. Theo tôi, ý niệm thời gian trong tâm hồn con người chính là ý niệm về một thứ thời-gian-nối-kết (temps liés). Chính sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại ấy đã làm nên tình yêu trong chúng ta. Và đâu phải là tình cờ khi có người cho rằng, tình yêu chỉ có thể giữ được sức mạnh và vẻ đẹp quyến rũ của nó nếu óc thông minh và trí tưởng tượng có được một sự tự do sáng tạo nào đó thêm vào cho tình yêu.
Bích Hà đã có được sự sáng tạo đó trong tình yêu và trong thơ, dẫu có thể chỉ là một thứ ý thức bất chợt, như chút nắng mong manh cuối ngày, như sự an nhiên, thanh thản rất đỗi tình cờ:
(Gửi lại anh)
Nói khác đi, đây là một thứ tâm thế mong chờ yêu thương mà cô đơn: tình yêu không bao giờ thỏa mộng, cuộc phối ngẫu thiết tha không đến, vì lẽ đời bất khả, cho nên nỗi đam mê nồng nàn chẳng bao giờ tìm thấy bến đỗ:
(Em muốn)
Nhưng xét cho cùng, chỉ có sự tĩnh lặng của tâm hồn để đón nhận niềm vui đang mỉm cười đưa tay vẫy phía xa là ý nghĩa nhất cho một tấm lòng, một tâm hồn nhân hậu thủy chung:
(Bông hồng tặng anh)
Xét về mặt nghệ thuật, một trong những nét nổi trội của ngôn ngữ thơ Bích Hà chính là biệt tài miêu tả cảnh sắc quanh mình. Những cảnh vật tươi đẹp hay trầm buồn của xứ Huế mơ màng, đài các; những bông hoa dại trong vườn hay cái ngõ chè tàu xanh biếc đã đi vào thơ Bích Hà một cách tự nhiên, giản dị mà nên thơ, vô cùng gợi cảm. Hay cụ thể hơn, một món đồ chơi ngày thơ dại: “Chiếc thuyền giấy, con cào cào, châu chấu/ Chiếc đồng hồ lá chuối đã theo em” (Ngày xưa còn bé). Những cảnh trí ấy, những vật dụng ấy hình như ta đã gặp nhiều lần trong đời, nhưng qua ngôn ngữ thơ không tả mà gợi của Bích Hà, ta bỗng thấy cảnh sắc ấy, vật dụng ấy như lung linh và vô cùng đẹp đẽ, gợi cảm; khiến ta bỗng thấy ngỡ ngàng.
Này đây là sự tinh tế của nghệ thuật lấy cảnh để gợi tình:
(Nỗi nhớ vu vơ)
Cách nói ấy, ngôn ngữ thơ ấy khiến ta không thể không bồi hồi tự hỏi, chuyện “tình mình dang dở” hay chính tiếng hát và đôi mắt của người phụ nữ Huế rất đỗi dịu dàng kia đã chiếm lĩnh hồn ta? Còn “bao lộc biếc đã đâm chồi hé nụ” phải chăng là ánh sáng của một ngày mới, và cả ánh sáng của lòng ta nữa, đã vừa làm sống lại trong lòng ta một niềm vui, một hạnh phúc bất chợt mà tràn đầy: “Hạnh phúc tràn đầy, anh nhé – hãy nâng niu!”(?).
Trong một sự thức tỉnh bất chợt, ta có cảm tưởng như người thơ đang theo đuổi cuộc tìm kiếm một tình yêu miên viễn không bao giờ tới, vì đó chính là cuộc tìm kiếm chân tướng của tự thân (sappropre indentité). Có chăng ở đây cái nhìn phản tỉnh về sự mong manh của tình yêu, một tình yêu không có bóng hình của hạnh phúc đích thực mà chỉ là những hoài niệm, những tiếc nuối không quá đớn đau nhưng cũng không bao giờ lặng tắt trong tâm hồn đa cảm của một người đàn bà luôn đi tìm ý nghĩa của tình yêu như một sự giải thích cho ý nghĩa tồn tại của cuộc đời mình? Thật khó có câu trả lời chính xác!